Bài dự thi viết Bác Hồ với thiếu nhi là gì?
Cuộc thi Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ đã được tổ chức bởi Hội đồng Đội Trung ương nhằm kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp nối tư tưởng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc thi còn tạo điều kiện giúp các thiếu nhi hiểu được thân thế, sự nghiệp, tư tưởng của Hồ Chí Minh, nhất là tình cảm của Bác dành cho các thiếu nhi. Bên cạnh đó, cuộc thi còn khích lệ các thiếu nhi học tập, làm theo lời dạy của Bác Hồ, từ đó góp sức vào việc xây dựng đất nước. Sau đây là bài dự thi viết bác Hồ với thiếu nhi, các em cùng tham khảo.
Đáp án cuộc thi Bác Hồ với thiếu nhi
Thể lệ cuộc thi Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ
Không chỉ kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ mà cuộc thi Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ được tổ chức nhằm giáo dục các thiếu nhi Việt Nam tự hào và biết kính yêu bác Hồ, đồng thời thi đua học tập theo 5 điều Bác Hồ dạy.
1. Đối tượng dự thi: Thiếu niên, đội viên, nhi đồng trong nước và quốc tế (từ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi).
2. Hình thức thi:
- Về cá nhân: cuộc thi dành cho tất cả thiếu nhi Việt Nam từ 6-15 tuổi; về tập thể, dành cho liên đội trường tiểu học và THCS, các nhà thiếu nhi trên cả nước, tham gia trên tinh thần tự nguyện.
Phần thi cá nhân có chủ đề “Thiếu nhi Việt Nam vâng lời Bác Hồ dạy” với nội dung: “Em hãy kể lại một câu chuyện thể hiện tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi mà em yêu thích nhất. Từ đó, nói lên suy nghĩ và tình cảm của em đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đồng thời chia sẻ những việc em đã, đang và sẽ làm theo lời Bác dạy để đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu””.
Cá nhân có thể chọn một trong 3 hình thức: viết, vẽ, video clip để dự thi. Đối với thi viết, thí sinh trình bày bài dự thi viết tay hoặc đánh máy trên một mặt giấy.
Đối với thi vẽ, thí sinh chọn một câu chuyện thể hiện tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi rồi vẽ một bức tranh minh họa lại nội dung câu chuyện đó hoặc thể hiện những việc đã làm theo những điều đã học được từ câu chuyện về tấm gương của Bác. Tranh vẽ trên khổ giấy A3, chất liệu tùy chọn, phía sau tranh ghi rõ tên câu chuyện thí sinh lựa chọn.
Đối với thi video clip, thí sinh tự thể hiện phần dự thi của mình, quay video clip ghi lại, chỉ sử dụng các âm thanh không vi phạm bản quyền.
- Về tập thể: đơn vị dự thi tự dàn dựng và biểu diễn một tiết mục văn nghệ với chủ đề “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, quay video clip, thời lượng không quá 6 phút, sử dụng âm thanh không vi phạm bản quyền. Mỗi tập thể chỉ được gửi 1 video clip dự thi.
3. Thời gian nộp bài dự thi: từ hôm nay đến ngày 15/4/2024.
4. Yêu cầu
Bài tham dự phần thi viết và vẽ gửi về địa chỉ: Báo Thiếu niên Tiền phong và nhi đồng - số 5, Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội. Bài tham dự phần thi clip gửi về hộp thư điện tử: [email protected]
5. Giải thưởng
Giải thưởng được trao cho cá nhân và cả tập thể.
* Giải cá nhân trong mỗi bảng với 3 hình thức thi, mỗi hình thức có cơ cấu giải là:
- 1 giải nhất
- 2 giải nhì
- 3 giải ba
- 4 giải khuyến khích
* Giải tập thể: 2 giải tập thể dành cho Đoàn tỉnh có số lượng thiếu nhi tham gia nhiều nhất, Đoàn cấp tỉnh có tỷ lệ thiếu nhi tỉnh tham gia đông nhất.
Một vài mẫu bài dự thi viết Bác Hồ với thiếu nhi
Cuộc thi diễn ra trực tuyến với 3 hình thức là thi viết, thi vẽ tranh và thi trắc nghiệm kiến thức về Bác Hồ. Trong đó, phần thi viết, các bạn có thể viết bài cảm nhận, sáng tác thơ hoặc làm tùy bút ... với chủ đề "Thiếu nhi Việt Nam làm theo 5 điều Bác Hồ dạy". Nếu như các bạn chưa có nhiều tư liệu, ý tưởng thì những bài dự thi viết Bác Hồ với thiếu nhi dưới đây sẽ là gợi ý hay, mà các bạn có thể tham khảo.
1. Bài dự thi viết Bác Hồ với thiếu nhi - Kể câu chuyện về việc làm theo 5 điều Bác Hồ dạy - Bài mẫu số 1
Hôm đó, cô trả vở Toán cho cả lớp. Đó là môn yêu thích nhất của Linh. Nhưng không hiểu sao hôm nay vẻ mặt của Linh rất lo lắng, và tôi còn thấy Linh cứ quay bên này, quay bên kia mãi.
Cô vừa trả vở xong cho các bạn thì đến giờ ra chơi. Tôi liền đến bên Linh. Linh nói:
- Hôm nay, bố mẹ tớ đi làm sớm, tớ không kịp xin mẹ 9.000đ để mua bút Nét hoa viết vào vở Toán.
Linh sực nhớ ra và reo lên:
- A! Đúng rồi! Cậu có hai cái bút Nét Hoa, cậu có thể cho tớ mượn một chiếc được không?
Tôi đứng ngẫm nghĩ một lúc rồi tự đặt câu hỏi cho chính mình: "Có nên cho Linh mượn bút không nhỉ?"Tôi hơi băn khoăn. Tiếng trống đã vang lên. Tôi liền về chỗ của mình. Cả lớp ngồi vào chỗ hát xong và Linh cắm cúi viết bài ngay để khỏi trễ giờ. Linh thấy thế nài nỉ tôi cho mượn bút. Cuối cùng tôi cũng quyết định được và gọi nhỏ:
- Linh ơi! Tớ cho cậu mượn bút này.
Chiếc bút đó do mẹ tặng tôi nhân ngày sinh nhật. Màu mực của chiếc bút rất đẹp. Linh nhận được, vẻ mặt phấn khởi lắm. Mỗi khi viết xong mấy chữ, tôi lại ngẩng lên và cảm thấy mực cứ vơi dần đi theo dòng chữ, con số ngay ngắn, thẳng hàng nằm trên trang giấy của bạn. Hết giờ
Toán, Linh trả cho tôi chiếc bút và nói:
- Cảm ơn cậu vì đã cho tớ mượn chiếc bút nhé!
Hôm sau, cô trả vở Toán, cả tôi và Linh đều được điểm 10. Tôi mừng lắm vì đã làm được một việc giúp bạn.
Khi về đến nhà tôi kể lại cho mẹ nghe. Mẹ nói:
- Con hãy cố gắng giúp bạn nhiều hơn khi gặp khó khăn nhé!
Tôi như thấm thía câu nói đấy của mẹ và tôi không bao giờ quên được câu chuyện xảy ra ngày hôm đó.
2. Bài dự thi viết Bác Hồ với thiếu nhi - Kể câu chuyện về việc làm theo 5 điều Bác Hồ dạy - Bài mẫu số 2
Có một lần tôi đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ trực nhật của mình, ấy vậy mà tôi không những không bị phê bình mà còn được biểu dương nữa. Chắc hẳn các bạn rất tò mò "tại sao lại thế?", phải không nào? Tôi sẽ kể các bạn nghe.
Hôm ấy, thứ năm, trời mưa dầm dề. Tôi thấy thật xui xẻo vì đúng hôm tôi phải đến sớm trực nhật. Tôi mặc áo mưa, xắn quần đến đầu gối, chần thấp chân cao bước trên con đường nhão nhoét đầy bùn đất, ổ voi ổ gà sũng nước. Chợt tôi nhìn thấy từ xa một bà cụ gầy yếu xiêu vẹo chống chiếc gậy dò dẫm từng; bước một, người như muốn đổ. Tôi vội đi lại chỗ cụ, lễ phép hỏi:
- Thưa bà, bà có việc gì mà lại đi giữa trời mưa thế này ạ?
Bà cụ nhìn tôi, móm mém cười:
- À, đứa con gái của bà ở làng bên bị ốm. Bà lo quá nên sang xem sao.
Đúng như mẹ tôi dạy, hạnh phúc luôn đến khi ta làm việc tốt
Tôi ái ngại nhìn con đường phía trước. Từ đây sang làng bên dễ đến hai cây số, liệu bà cụ có thể sang tới nơi? Ngần ngại một lúc, tôi nói với bà:
- Bà ơi, đường từ đây sang làng bên xa lắm. Hay bây giờ, bà vịn vào tay cháu, cháu đưa bà sang làng bên nhé!
Bà cụ mừng rỡ:
- Bà cũng đang lo, đường trơn quá, lỡ ngã thì khổ lắm. May quá, có cháu giúp bà rồi.
Thế là hai bà cháu tôi, bà vịn cháu, cháu đỡ bà cùng "dắt" nhau đi. Trời sáng dần, một số anh chị học sinh cũng đang trên đường tới trường. Có anh chị còn vô lễ, lấn đường của bà cháu tôi.
Trời mỗi lúc một mưa to, gió mỗi lúc một thổi mạnh. Thấy bà cụ co ro, răng đập vào nhau lập bập, tôi biết là bà đang lạnh. Bà lẩm bẩm: "Thời tiết thế này chỉ tội con người thôi". Tôi vội dừng lại, cởi áo khoác của mình ra choàng lên người bà cụ. Bà tấm tắc khen:
- Cháu thật ngoan ngoãn, hiếu hạnh.
Dần dần, hai bà cháu cũng tới được làng bên. Bà cảm ơn tôi mãi. Đợi bà vào làng rồi, mặc trời mưa, tôi ba chân bốn cẳng chạy tới lớp. Muộn gần nửa tiếng. May quá, bạn Hà cùng bàn đã trực nhật giúp tôi, Cô giáo phê bình:
- Hôm nay bạn Dương đã không hoàn thành nhiệm vụ trực nhật của mình lại còn đi học muộn.
Tôi liền đứng dậy, xin phép cô kể lại nguyên nhân đi học muộn để cô và các bạn nghe. Cô giáo và cả lớp hiểu ra mọi chuyện cô không phê bình tôi nữa mà còn biểu dương:
- Bạn Dương tuy đi học muộn nhưng đã làm được một việc tốt, thật đáng khen. Cô sẽ đề nghị nhà trường khen thưởng. Thôi, chúng ta tiếp tục bài học.
Tuy hơi mệt nhưng tôi cảm thấy rất vui vì đã làm được một việc tốt. Đúng như mẹ tôi dạy, hạnh phúc luôn đến khi ta làm việc tốt.
3. Bài dự thi viết Bác Hồ với thiếu nhi - Thơ hay
- Thiếu nhi Việt Nam làm theo 5 điều Bác Hồ dạy
Bác ơi! Người đã đi xa
Nhưng mà chúng cháu vẫn còn khắc ghi
Năm điều Bác dạy thiếu nhi
Một là Tổ Quốc, đồng bào yêu thương
Hai là học tập chăm ngoan
Còn là phải đoàn kết, kỉ cương vững vàng
Bốn thì chăm chỉ giữ gìn vệ sinh
Cuối cùng thì phải khiêm tốn thật thà, con ngoan.
Những lời Bác dạy để ngoan
Chúng cháu gắng sức để làm thật hay
Yêu thương, kính trọng Bác Hồ
Trong tim chúng cháu Bác mãi sáng ngời nước non.
- Bài thơ "Ảnh Bác" của Trần Đăng Khoa
Nhà em treo ảnh Bác Hồ
Bên trên là một lá cờ đỏ tươi
Ngày ngày Bác mỉm miệng cười
Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà
Ngoài sân có mấy con gà
Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi
Em nghe như Bác dạy lời
Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa
Trồng rau, quét bếp, đuổi gà
Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi.
- Bài thơ "Bác Hồ - Người cho em tất cả" của Hoàng Long, Hoàng Lân
Cho ánh nắng ban mai,
Là những sớm binh minh
Cho những đêm trăng đẹp,
Là chị Hằng tươi xinh
Cây cho trái và cho hoa
Sông cho tôm và cho cá
Đồng ruộng cho bông lúa
Chim tặng lời reo ca
Anh bộ đội đến nhà,
Cho em lòng dũng cảm.
Cô giáo cho bài giảng,
Yêu xóm làng thiết tha.
Cùng em vượt đường xa xôi,
Là chiếc khăn quàng thắm tươi.
Cho em tất cả
Người mang cho em cuộc đời mới...
Tươi sáng đầy ước mơ.
Người cho em tất cả :
Là Bác Hồ Chí Minh.
4. Bài dự thi viết Bác Hồ với thiếu nhi - Bài mẫu số 4
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu quý thiếu niên, nhi đồng. Không chỉ yêu quý, Bác còn rất quan tâm giáo dục các em. Bác nói thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà, cho nên cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng cho thiếu nhi. Nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam luôn ghi nhớ 5 điều Bác dạy. Vậy 5 điều Bác dạy thiếu nhi có xuất xứ như thế nào ?
Cách đây tròn 46 năm, vào năm 1961, nhân Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam (15/5/1941 - 15/5/1961), theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho thiếu niên, nhi đồng. Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện còn lưu giữ bản thảo của bức thư đó. Trong thư Bác căn dặn: "Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây:
Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh,
Thật thà, dũng cảm".
Nhưng trong cuốn sổ Giải thưởng Bác Hồ là loại sổ dành riêng để thưởng cho giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập năm học 1964 - 1965 thì 5 điều Bác dạy trên đây lại được in hoàn chỉnh là:
"Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt,
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm".
(Chữ "thật tốt" và chữ "khiêm tốn" được bổ sung vào 2 câu cuối, nên mỗi câu đều có 6 chữ).
Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Sở dĩ như vậy vì gần đến cuối năm 1965, để chuẩn bị phần thưởng cho giáo viên và học sinh vào cuối năm học, Bác thấy 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng từ năm 1965 trở về trước, 3 câu đầu mỗi câu có 6 chữ còn 2 câu cuối mỗi câu chỉ có 4 chữ, như vậy không cân đối. Bác đã suy nghĩ và bổ sung thêm cho mỗi câu đủ 6 chữ.
Đặc biệt, ở câu thứ 5, Bác thêm chữ "Khiêm tốn" vì từ năm 1965 trở đi, đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh, ném bom bắn phá miền Bắc, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt" nên xuất hiện ngày càng nhiều gương "Người tốt việc tốt" ở mọi lứa tuổi. ở miền Bắc xuất hiện nhiều gương thiếu nhi dũng cảm cứu người, cứu hàng; ở miền Nam xuất hiện nhiều gương dũng sỹ diệt Mỹ. Nhưng Bác không muốn các em tự kiêu, mà muốn các em khiêm tốn, vì đức khiêm tốn sẽ giúp các em tiến bộ mãi. Bác còn đánh giá rất cao đức khiêm tốn ở các em. Bác nói: "ở nước Mỹ, người ta giết nhau chỉ vì đồng bạc giấy, thế mà ở Việt Nam ta các cháu bé đã biết sống như thế nào... Có cháu lên 6 tuổi cùng bạn đi chơi, bạn nó sảy chân ngã xuống ao, nếu chạy về gọi người lớn thì bạn chết mất, cháu liền bám vào bụi cỏ bờ ao, nhoai cái chân nhỏ xíu ra, miệng bảo bạn "bám vào đây, bám vào đây". Cháu tuy nhỏ tuổi mà biết thương bạn như vậy. Thương bạn, thông minh và dũng cảm, cháu lại khiêm tốn nữa, cứu được mạng người mà không khoe khoang. Văn minh chiến thắng bạo tàn. Xã hội ta văn minh hơn xã hội Mỹ từ những việc làm của các cháu bé như vậy".
Và 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng đã được phổ biến rộng khắp trong các trường học ở Việt Nam. Nghe theo lời dạy của Người, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hăng hái thi đua tham gia phong trào "Hai tốt", phong trào "Thiếu nhi làm nghìn việc tốt". Chính những đóng góp nhỏ bé của các em đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây đất nước.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, 5 điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng vẫn là bài học thuộc lòng quý giá để mỗi em ghi nhớ, học tập, rèn luyện và noi theo.
5. Bài dự thi viết Bác Hồ với thiếu nhi - Bài mẫu số 5
“Bác ơi tim bác mênh mông thế Ôm trọn non sông mọi kiếp người” (Tố Hữu)
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Việt Nam
Trong muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ dành cho “mọi kiếp người”, có một tình yêu bao la, đặc biệt dành cho thiếu niên, nhi đồng. Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Hình ảnh Bác bón cơm cho các em nhỏ, hình ảnh Người gần gũi bên các cháu vui Tết Trung thu giản dị mà đầm ấm yêu thương. Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Người qua những bức thư, lời dạy, bài viết gửi đến thiếu niên, nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Thiếu nhi, Ngày khai trường, Tết trung thu,… mãi mãi khắc sâu, trở thành tài sản vô giá đối với các thế hệ măng non Việt Nam.
Sinh thời, dù luôn bận bịu với việc nước, nhưng Bác Hồ vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến thế hệ măng non, bởi theo Bác, chính những thế hệ này sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Bác Hồ thường có thư gửi các cháu mỗi dịp khai trường, hay Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi. Lời lẽ trong thư luôn ân cần, trìu mến, chí tình. Bác luôn nhắc thiếu nhi phải đoàn kết, thi đua học tập, lao động, rèn luyện đạo đức, rèn luyện sức khỏe. Tấm lòng của Người đối với thiếu nhi được thể hiện qua những bức thư, những bài thơ mà cho đến hôm nay vẫn chan chứa tình thương yêu vô hạn.
Những vần thơ của Bác Hồ dành cho thiếu nhi chứa đựng tình thương yêu sâu sắc và thắm thiết. Người luôn nhắc đến trẻ em với một tình cảm trìu mến, nâng niu:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”...
Hết lòng thương yêu và ân cần dạy bảo thiếu nhi, Bác Hồ rất tin tưởng xác định trách nhiệm trọng đại của thiếu nhi đối với tương lai đất nước. Trong thư gửi học sinh vào tháng 9 năm 1945, Bác đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Cụ thể hơn, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền Phong (tháng 5 năm 1961), Bác gửi đến thiếu nhi cả nước 5 lời dạy thiêng liêng:
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”
Cho đến hôm nay, thiếu nhi cả nước vẫn xem như đó là mục tiêu để phấn đấu, là tiêu chuẩn để đánh giá đội viên tiêu biểu của Đội. Cũng ngay trong lá thư này, Bác ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Không chỉ yêu thương thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ còn khẳng định vai trò quan trọng của thiếu nhi đối với tương lai mai sau của đất nước và xác định trách nhiệm chăm sóc giáo dục các em không phải của riêng ngành nào, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Người luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến việc giáo dục thiếu niên nhi đồng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, ngày 25 tháng 8 năm 1950, Bác Hồ viết: "Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc,thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả''.
Bác cũng căn dặn người lớn phải quan tâm chăm sóc, giáo dục các em. Người dạy, ngày Tết Thiếu nhi 1-6 nhắn nhủ người lớn trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn Thanh niên nhớ nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng và người lớn phải là tấm gương cho trẻ em, phải “khéo giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành người công dân có tài, có đức”.
Ba tháng trước ngày đi xa, Bác lại viết bài: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” in trên báo Nhân dân. Bác viết: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”.
Trong Bản Di Chúc lịch sử của mình, Bác Hồ cũng đã hai lần nhắc đến các cháu nhi đồng, và Người đã dành muôn vàn tình thương yêu của mình cho các cháu nhi đồng Việt Nam và nhi đồng quốc tế. Tấm lòng của Bác Hồ đối với thiếu nhi Việt Nam ví như trời biển. Nỗi thương nhớ của Bác đối với các cháu không bao giờ vơi cạn. Cho đến ngày Bác phải đi xa, trong Di chúc của mình, Bác còn gửi gắm: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng...”.
Ngày nay, thiếu niên, nhi đồng nước ta đã và đang được Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và toàn xã hội quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, đã được thể hiện bằng luật định. Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, thiếu nhi nước ta một lần nữa ôn lại lời dạy của Bác Hồ kính yêu trong những câu thơ mà Bác đã gửi cho các em vào tết trung thu năm 1952:
“Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình...
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh”.
Nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu nhi Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng là “Cháu Bác Hồ Chí Minh” như Người hằng mong đợi./.
Nguồn: Ban Tuyên giáo Huyện ủy
6. Bài dự thi viết Bác Hồ với thiếu nhi - Bài mẫu số 6
Trước lúc đi xa, Bác để lại muôn vàn tình yêu thương cho dân tộc Việt Nam, trong đó Người không quên nhắc đến thế hệ thiếu niên, nhi đồng bằng những tình cảm đặc biệt: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.
Tuy Bác đã đi xa nhưng những lời căn dặn, hành động, tình cảm của Bác sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí thiếu nhi nói riêng và mỗi người dân Việt nói chung.Những tình cảm ấy của Bác đối với dân tộc đã khiến nhà thơ Tố Hữu phải thốt lên: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế. Ôm trọn non sông mọi kiếp người”. Trong muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ dành cho “mọi kiếp người” có một tình yêu bao la, đặc biệt dành cho thiếu niên, nhi đồng. Sinh thời Bác từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Hình ảnh Bác Hồ bón cơm cho em nhỏ, hình ảnh Người vui Tết Trung thu với các em thiếu niên, nhi đồng thật gần gũi, giản dị mà chan chứa yêu thương! Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Người qua những bức thư, lời dạy, bài viết gửi thiếu niên nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Thiếu nhi, ngày khai trường, Tết Trung thu... mãi mãi khắc sâu, trở tài sản vô giá đối với thế hệ măng non nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Trước cảnh “vận nước gian nan”, Người đã đau lòng tận mắt chứng kiến cảnh: “Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng/ Học hành, giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa. Sức còn yếu, tuổi còn thơ. Mà đã khó nhọc cũng như người già. Có khi lìa mẹ, lìa cha. Đi ăn ở với người ta bên ngoài...”. Vì vậy, cùng với quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, tháng 7-1926, Bác đã có ý định gửi một số thiếu nhi tiêu biểu - lực lượng cách mạng kế cận, chủ nhân tương lai của đất nước - sang đào tạo ở Liên Xô. Trước khi đưa các em sang, Bác quan tâm đến một vấn đề rất nhỏ là khí hậu vì thiếu nhi Việt Nam đã quen với khí hậu khô nóng. Người đã hỏi các bạn Liên Xô rằng đến tháng nào thì ở Mát-xcơ-va bắt đầu rét? Bác lo các em không dễ thích nghi vì “Tuyết Mát-xcơ-va sáng ấy lạnh trăm lần”! Khi trở về Pác Pó - Cao Bằng hoạt động, trong các bài thơ vận động cách mạng, thiếu nhi là đối tượng được Bác Hồ quan tâm đặc biệt: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan/ Chẳng may vận nước gian nan/ Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng…”. Bác luôn dành tình thương yêu đặc biệt, động viên thế hệ măng non của đất nước qua các lá thư nhân ngày Quốc tế thiếu nhi: Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô... Nhưng nước Việt Nam ta, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Cho nên, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến. Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng.“Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây. Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.
Trong bức thư gửi trẻ em Việt Nam nhân ngày Tết Trung thu độc lập đầu tiên của đất nước, Bác đã bày tỏ tình cảm của mình đối với thiếu nhi bằng lời lẽ rất giản dị, thắm đượm tình thương yêu: “Các em vui cười hớn hở. Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Vậy đố các em biết vì sao? Bởi vì Già Hồ rất yêu mến các em”. Hay “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”… Bức thư đã thể hiện được sự quan tâm, thương yêu hết mực của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đối với trẻ thơ - chủ nhân tương lai của đất nước.
Mỗi bài thơ, bức thư, câu nói của Bác, bên cạnh tình yêu thương bao la còn là những lời chỉ bảo, dặn dò từng li từng tí đối với thiếu nhi: “Các em phải ngoan, ở nhà phải vâng lời bố mẹ, đi học phải siêng năng...”. Người động viên, nhắc nhở thế hệ trẻ cố gắng vươn lên trong cuộc sống mới, cuộc sống của người dân một nước độc lập, tự do: “Thanh, thiếu nhi cần thực hành đời sống mới. Phải cương quyết, không sợ khó, không sợ khổ, phải siêng học, siêng làm”. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tháng 5-1961, Bác gửi thư chúc các cháu thiếu nhi cả nước cùng 5 lời dạy của Người: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Lời dạy của Bác đối với thiếu nhi đã, đang và sẽ được các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam khắc ghi, tiếp thụ và xem đó là kim chỉ nam cho sự phấn đấu.
Không chỉ gửi gắm tình cảm qua mỗi bức thư, bài thơ, lời căn dặn mà Bác còn khẳng định vai trò của thiếu nhi Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà: “Người lớn cứu nước đã đành. Trẻ em cũng góp phần mình một tay. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Tuỳ theo sức của mình”. Trong thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân ngày Quốc tế thiếu nhi năm 1951 Bác viết: Ngày 1-5, ngày của những người lao động thế giới tỏ tình đoàn kết, đấu tranh. Còn ngày 1-6 “là ngày của các cháu nhi đồng trong thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình...”. Hình thức đấu tranh của các cháu nhi đồng mà Người đưa ra rất cụ thể, thiết thực. Đó là, các cháu cần phải “thi đua học tập, thi đua tăng gia sản xuất; thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh, tử sĩ. Thế là các cháu đấu tranh”. Bác còn khuyên nhủ: “Các cháu phải đoàn kết, thương yêu nhau” và là đoàn kết, thương yêu giữa nhi đồng trong nước với nhau, cũng như bạn bè thiếu nhi trên thế giới. Bác gọi “đó là tinh thần quốc tế”. Mà có tinh thần quốc tế thì thế giới sẽ không có áp bức, không có chiến tranh, không có xung đột mà chỉ có tình thân ái, giúp đỡ, giữ gìn và hưởng thụ hạnh phúc, hòa bình và dân chủ. Tình của Bác thật dạt dào, cao cả! Ý của Bác thì vô cùng sâu sắc, thể hiện tầm nhìn xa, thấy rộng của người đứng đầu đất nước. Những lời căn dặn, khuyên nhủ, dạy bảo của Bác đối với thiếu niên nhi đồng nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi và giá trị thực tiễn sâu sắc.
Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, hướng vào Nam, khi nhân dân “thành đồng Tổ quốc” đang ngày đêm sống rên xiết dưới gót giày của đế quốc Mỹ và tay sai, nỗi thương nhớ các cháu thiếu nhi miền Nam luôn cồn cào trong tim Bác. Trong thư gửi các cháu miền Nam năm 1965, Bác ao ước: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.
Bác luôn nhắc các cháu thiếu nhi các trường miền Nam phải “yêu lao động, giữ kỷ luật. Chớ tự do phóng túng, phải tự lực cánh sinh... thi đua học tập, thi đua trong mọi việc...”. Trong những năm cuối đời, trên bàn làm việc của Người thường có một cái phong bì để những tấm ảnh các cháu dũng sĩ miền Nam. Mỗi khi có khách quý nước ngoài đến thăm, Bác thường đem ra giới thiệu. Bác nói các cháu này đã được đồng bào miền Nam bầu là dũng sĩ, các cháu ấy đã làm được những việc mà trước đây chúng tôi ở tuổi ấy không làm được!
Bác là người đầu tiên coi thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà nên cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng. Bác còn ân cần nhắc nhở thiếu nhi: Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9-1945, Bác viết: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu. Vì vậy, sinh thời Bác luôn luôn nhắc nhở mọi người phải quan tâm đến việc giáo dục thiếu niên nhi đồng và Người xác định trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em không phải của riêng ngành nào, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Bác khẳng định: Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ... Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt. Tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới muốn tồn tại và phát triển bền vững đều phải quan tâm, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng. Xác định được vai trò quan trọng của lực lượng hậu bị, Bác Hồ thường nhắc nhở các cấp, các ngành, đoàn thể phải làm tốt công tác chăm sóc và giáo dục thiếu nhi.
Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc năm 1950, Bác chỉ rõ: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hoá. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hoá ra già cả”. Bác cũng căn dặn người lớn (trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn Thanh niên) về nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng: Yêu quý các em là phải lấy tinh thần dân chủ mới mà giáo dục các em “5 điều yêu”: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu quý của công; nuôi dạy các em phát triển sức khỏe, trí óc, thành trẻ em có “4 tính tốt”: hoạt bát, mạnh dạn, chất phác, thật thà... và có tư cách của con người mới: Không sợ khó, không sợ khổ, bạo dạn, bền gan. Đồng thời, phải khéo giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành công dân có tài, có đức, xứng đáng là người chủ của nước nhà. Người yêu cầu: “Đừng dạy các em thành những ông cụ non... Phải làm sao cho trẻ có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ, hoạt bát chứ không phải khúm núm, đặt đâu ngồi đấy”. Trong bài viết “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1-6-1969, Bác viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”. Bác nhắc nhở các gia đình, các đoàn thể phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc và giáo dục các cháu, làm cho các cháu ngày càng khoẻ mạnh và tiến bộ. Các tỉnh, thành uỷ cần phải phụ trách và đôn đốc việc này cho có kết quả.
Bác Hồ của chúng ta là vậy: “Chỉ biết quên mình, cho hết thảy. Như dòng sông đỏ nặng phù sa”. Tình yêu thương rộng lớn của Bác Hồ không chỉ dành cho thiếu nhi Việt Nam mà còn dành cho cả thiếu nhi trên toàn thế giới. Đó là lòng nhân ái, tình yêu thương bao la của Người dành cho nhân loại. Ghi nhận tình cảm bao la, vĩ đại của Bác, Tiến sĩ Sử học, nhà báo E.V Cô-bê-lép viết: “Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng yêu quý thiếu nhi. Người đã dành tất cả tấm lòng yêu thương của người ông cho hàng triệu trẻ em Việt Nam mà Người đã gọi trìu mến là các cháu”.
Trước lúc đi xa, qua “Di chúc” thiêng liêng, Bác gửi muôn vàn tình yêu thương cho dân tộc Việt Nam, trong đó Người không quên nhắc đến thế hệ thiếu niên, nhi đồng bằng những tình cảm đặc biệt: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. Bác đã đi xa nhưng những lời căn dặn, hành động, tình cảm của Bác sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí thiếu nhi nói riêng và mỗi người dân Việt nói chung.
Hết lòng thương yêu và ân cần dạy bảo thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ rất tin tưởng vào lực lượng này đối với tương lai đất nước. Lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn luôn đồng hành cùng thiếu niên, nhi đồng mọi thời đại. Lời dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người” của Bác Hồ đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân ta học tập, làm theo với phương châm “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”! Nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng với danh hiệu “cháu ngoan Bác Hồ” như sinh thời Người hằng mong.
Tác giả: Phạm Thị Nhung - Trường Sỹ quan Lục quân I
7. Bài dự thi viết Bác Hồ với thiếu nhi - Bài mẫu số 7
Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh!/ Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh/ Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình.../ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh" (Hồ Chí Minh toàn tập - T6).
Giọng thơ thân mật và tự nhiên như lời nói chuyện tâm tình, những lời căn dặn thân thiết, nhưng lại chứa đựng một tình cảm đặc biệt, một tấm lòng yêu thương bao la vô hạn của Bác Hồ đối với các cháu thiếu niên nhi đồng. Càng đặc biệt hơn khi chúng ta biết rằng, tình cảm đó, tấm lòng đó của Bác Hồ đối với các cháu thiếu nhi được Bác thể hiện trong hoàn cảnh "nước sôi, lửa bỏng" của đất nước, lúc Bác đang bận trăm công nghìn việc nhưng không lúc nào, không khi nào Bác lại tỏ ra không quan tâm đến thế hệ trẻ.
Còn nhớ, những năm tháng còn bôn ba ở nước ngoài đi tìm hình của nước, Người đã rất chú ý đến việc chọn lựa và đào tạo thế hệ trẻ cho cách mạng. Ngày 22-7-1926, Người đã có thư gửi Ủy ban trung ương Đội thiếu niên tiền phong trực thuộc trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Lê-nin: "Chúng tôi có tại đây (Quảng Châu, Trung Quốc) một nhóm thiếu nhi An Nam... Đó là những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước An Nam, bị chủ nghĩa đế quốc Pháp áp bức. Khi chúng tôi nói với các em về cách mạng Nga, về Lênin và về các bạn - những chiến sĩ Lêninnít Nga nhỏ tuổi - thì các em rất sung sướng và đòi sang với các bạn... học tập với các bạn, và để trở thành như các bạn - những chiến sĩ Lêninnít nhỏ tuổi (Bác Hồ với thiếu nhi - NXB Thanh Niên). Sau 30 năm xa Tổ quốc, trở về nước hoạt động cách mạng, Người lại càng chú ý quan tâm, chăm sóc, bồi dưỡng các cháu thiếu nhi. Ngày 21-9-1941, Bác có bài đăng trên báo "Việt Nam độc lập", số 106, bộc lộ rõ tình cảm của mình với trẻ em, Bác viết: "Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan", nhưng "Chẳng may vận nước gian nan", cho nên "Trẻ em cũng phải cơ hàn xót xa/ Vậy nên con trẻ nước ta/ Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh". Người khẳng định: "Bao giờ đuổi hết Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng". Khi Mặt trận Việt Minh ra đời, Người đề nghị cho thành lập Hội nhi đồng cứu quốc để nhằm tạo điều kiện cho các em rèn luyện và đóng góp sức mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Trong bài thơ "Trẻ chăn trâu", Người viết: "Cùng nhau đánh đuổi Nhật, Tây/ Anh em ta mới có ngày vinh hoa/ "Nhi đồng cứu quốc" Hội ta/ Ấy là lực lượng, ấy là cứu sinh/ Ấy là bộ phận Việt Minh/ Dân mình khắc cứu dân mình mới xong" (HCM toàn tập -T3).
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường, Người đã thể hiện tình cảm của mình một cách hết sức thân mật, trìu mến: "Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang... Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em" (HCM toàn tập - T4). Ngày 15-9-1945, nhân dịp Tết Trung thu, Người lại có thư gửi các cháu thiếu nhi, Người như nhìn thấu được niềm vui của các cháu nhỏ trong ngày Tết Trung thu độc lập đầu tiên. Và niềm vui của các cháu cũng chính là niềm vui của Người: "Các cháu vui cười hớn hở, Bác Hồ cũng vui cười hớn hở với các cháu. Đố các cháu biết vì sao?". Và Người đã lý giải rằng: "Vì Bác rất yêu mến các cháu", vì bây giờ các cháu không còn là "một bầy nô lệ trẻ con" mà đã trở thành "những người tiểu chủ nhân của một nước độc lập". Một năm sau, trên báo Cứu quốc, số 239 ra ngày 14-5-1946, Người lại có những vần thơ mộc mạc nồng ấm nghĩa tình, đầy lòng mong mỏi: "Bác mong các cháu" cho ngoan/ Mai sau gìn giữ giang san Lạc-Hồng/ Sao cho nổi tiếng Tiên-Rồng/ Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam". Làm theo lời Bác, các cháu thiếu nhi trên khắp mọi miền đất nước đã "tùy theo sức của mình, để tham gia kháng chiến và gìn giữ hòa bình". Bác lại luôn theo sát những việc làm, hành động hữu ích đó của các cháu để kịp thời động viên, khen thưởng. Tháng 8-1947, được tin hai em nhi đồng liên lạc trong bộ đội chiến khu II cũ có nhiều việc làm tốt, Bác đã có thơ khen ngợi: Gửi cháu Phạm Đỗ Hải: Bác được tin rằng/ Cháu làm liên lạc/ Bị giặc bắt được/ Lại trốn thoát ngay/ Mang hai lính Tây/ Theo về bộ đội/ Thế là cháu giỏi/ Biết cách tuyên truyền/ Bác gửi lời khen/ Khuyên cháu gắng sức/ Học hành, công tác/ Tiến bộ luôn luôn/ Gửi cháu cái hôn/ Và lòng thân ái". Và với cháu nhỏ Lê Văn Thục, Bác cũng ngỏ lời khen: "Cháu có can đảm/ Giơ súng dọa Tây/ Bắt nó hằng ngày/ Lấy được súng nó/ Vì thành công đó/ Bác gửi lời khen/ Khuyên cháu tập rèn/ Ngày càng tiến bộ/ Bác lại gửi cháu/ Mấy chục cái hôn" (HCM toàn tập - T4). Nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh năm 1947, Bác có thư gửi nhi đồng toàn quốc, Bác ghi nhận những đóng góp, cống hiến và cả sự hy sinh của các cháu nhi đồng trên mọi miền đất nước, Bác viết: "... Từ Nam đến Bắc có nhiều nhi đồng đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc ... Bác cùng các cháu kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các liệt sĩ thiếu niên đó". Còn với các cháu nhi đồng phải lạc cha rời mẹ, phải tản cư nơi núi rậm rừng xanh thì "Bác cùng các cháu, ta phải hết sức thương yêu, tìm cách giúp đỡ... Bác khuyên các cháu gắng sức thêm. Việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm" (Theo cuốn "Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch" NXB Sự thật, HN, 1956, T1). Năm 1951, lúc cả nước ta đang bước vào cuộc chiến chống Pháp xâm lược một cách quyết liệt nhưng khi Tết Trung thu đến, Bác vẫn không quên gửi tới các cháu thiếu nhi những lời thơ thắm thiết tràn đầy tình cảm yêu thương: "Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung". Lời thơ đơn sơ, mộc mạc mà âu yếm, gợi nhớ, gợi thương. Năm 1953, với tài thiên đoán, Bác như nhìn trước được sự thất bại của bè lũ thực dân và bọn can thiệp nên lòng Bác rất vui, niềm vui đó được lộ rõ trong thư gửi các cháu nhân Tết Trung thu 1953: "Chín Tết Trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thư này Bác gửi thư chung / Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần...". Tài tình thay, kết thúc bài thơ, Bác tiên đoán rằng: "Các cháu vui thay/ Bác cũng vui thay/ Thu sau so với thu này vui hơn". Quả thật, chưa bước vào mùa thu năm 1954, chúng ta đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp bằng chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Thế nhưng, với bản chất sen đầm quốc tế, đế quốc Mỹ đã đặt bàn chân xâm lược nhơ bẩn lên đất nước ta. Nửa nước yêu thương nằm trên gót dày đinh của kẻ thù tàn bạo. Dù cuộc chiến này có khốc liệt gấp trăm lần trận trước, nhưng Bác vẫn luôn quan tâm đến thế hệ trẻ. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội TNTP (15-5-1961), Bác khuyên nhủ thiếu nhi thực hiện tốt 5 điều Bác mong mỏi. Những điều đó sau này trở thành "Năm điều Bác Hồ dạy". Từ đó tới nay, 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng luôn trở thành kim chỉ nam và là nội dung cho thiếu nhi Việt Nam phấn đấu, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Đặc biệt, trong những năm tháng khói lửa ác liệt của cuộc chiến tranh, lòng thương yêu vô tận của Bác vẫn hướng về các cháu thiếu nhi miền Nam, Bác đã có những vần thơ tha thiết nhớ thương nhưng vẫn sáng ngời một niềm tin lớn. Đó là niềm tin: "Bắc Nam sẽ sum hợp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt trẻ, già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi" (Gửi các cháu miền Nam - 1965). Đau thay, 4 năm sau chúng ta không còn Bác nữa. Mùa xuân 1975, Bắc Nam đã sum họp một nhà, dù vắng Bác nhưng trong tâm khảm mỗi một người dân đất Việt - nhất là các cháu thiếu nhi, hình bóng Bác thì đó mãi mãi còn. Đất nước này cùng với tên gọi Hồ Chí Minh luôn vĩnh hằng với thời gian, luôn ở trong niềm thương nỗi nhớ của mọi thế hệ thiếu nhi Việt Nam...
Mẫu bài dự thi tương tự
Ngoài những mẫu trên, các bạn có thể tham khảo bài dự thi biển đảo Việt Nam đầy sức hút và ý nghĩa trên Taimienphi.vn. Từ những hình ảnh đẹp mắt đến những câu chuyện sâu sắc về cuộc sống và văn hóa trên các đảo, những bài dự thi biển đảo Việt Nam sẽ mang lại cho bạn nhiều thông tin hữu ích và cảm xúc chân thực để hoàn thiện bài dự thi của mình một cách dễ dàng.
Bài dự thi cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc thủ đô cũng đã được Taimienphi.vn tổng hợp. Các bạn cũng có thể xem thêm bài dự thi cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc thủ đô để chuẩn bị bài thi tốt nhất.