download Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 Năm 2022

Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3

 Năm 2022

Download Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 - Bài kiểm tra tiếng Việt

Trần Văn Việt  cập nhật: 28/03/2022

Các đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 theo thông tư 22 sẽ được Taimienphi.vn chọn lọc và chia sẻ trong bài viết dưới không chỉ giúp các em học sinh lớp 3 nắm bắt được dạng đề thi học kì 2, ôn tập phù hợp mà còn giúp thầy cô giáo tham khảo làm đề thi hiệu quả.

Bên cạnh xem lại kiến thức đã học trong sách vở, làm đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 là điều cần thiết đối với các em học sinh lớp 3 khi muốn củng cố điểm thi môn Tiếng Việt lớp 3 trong kì thi học kì 2 diễn ra  sắp tới. Các giáo viên, phụ huynh cùng tham khảo để dạy các em ôn tập phù hợp. 

 

Cấu trúc đề thi học kì 2 lớp 3 môn tiếng Việt 

ma tran de thi ki 2 lop 3 mon tieng Viet


Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 và lời giải


1. Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 năm 2021 - Đề 1

1.1. Đề thi

Phần I: Kiểm tra đọc (10 điểm):

1. Đọc thành tiếng (4 điểm):

- Nội dung: Bốc thăm, đọc và trả lời câu hỏi về nội dung đoạn đọc.

+ Cuộc chạy đua trong rừng.

+ Buổi học thể dục.

+ Một mái nhà chung .

+ Bác sĩ Y - éc - xanh

+ Cuốn sổ tay.

+ Mặt trời xanh của tôi.

+ Sự tích chú Cuội cung trăng.

- Thời lượng: Khoảng 70 tiếng/ phút.

2. Đọc thầm bài văn sau và trả lời câu hỏi (6 điểm): 35 phút

Rừng cây trong nắng

Trong ánh nắng mặt trời vàng óng, rừng khô hiện lên với tất cả vẻ uy nghi tráng lệ. Những thân cây tràm vươn thẳng lên trời chẳng khác gì những cây nến khổng lồ. Đầu lá rủ phất phơ như những đầu lá liễu bạt ngàn. Từ trong biển lá xanh rờn đã ngả sang màu úa, ngát dậy một mùi hương tràm bị hun nóng dưới mặt trời. Tiếng chim không ngớt vang xa, vọng mãi lên trời cao xanh thẳm không cùng. Trên các trảng rộng và chung quanh những lùm bụi thấp, ta nghe thấy tiếng vù vù bất tận của hàng nghìn loại côn trùng có cánh. Chúng không ngớt bay đi, bay lại trên những bông hoa nhiệt đới sặc sỡ.

Mùi hương ngòn ngọt, nhức đầu của những loài hoa rừng không tên đằm mình vào ánh nắng ban trưa. Mùi hương ấy khiến con người dễ sinh buồn ngủ. Người ta có thể sẵn sàng ngả lưng dưới bóng một cây nào đó rồi lơ mơ đưa mình vào một giấc ngủ chẳng đợi chờ…

Theo Đoàn Giỏi

Câu 1: Bài văn tả về các loài cây cối ở đâu?

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

A. Ở bãi biển

B. Ở trong rừng

C. Ở cánh đồng

Câu 2: Loài cây nào được nhắc đến trong bài?

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

A. Cây phi lao.

B. Cây liễu.

C. Cây tràm.

Câu 3: Rừng cây được miêu tả vào thời điểm nào trong ngày?

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

A. Buổi sáng sớm

B. Buổi trưa

C. Buổi chiều tối

Câu 4: Tác giả nghe được những âm thanh gì trong rừng?

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

A. Tiếng chim.

B. Tiếng côn trùng.

C. Cả hai ý trên.

Câu 5: Vì sao người ta dễ buồn ngủ khi đi trong rừng?

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

A. Vì rừng cây đẹp quá.

B. Vì khu rừng quá rộng lớn.

C. Vì mùi hương của những loài hoa rừng.

Câu 6: Bài văn này miêu tả cái gì?

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

A. Rừng cây.

B. Các loài vật.

C. Các loài côn trùng.

Câu 7: Câu nào dưới đây được viết theo mẫu câu “Ai thế nào”?

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

A. Đầu lá rủ phất phơ như những đầu lá liễu bạt ngàn.

B. Các loài côn trùng không ngớt bay đi, bay lại.

C. Người ta có thể ngả lưng dưới bóng một cây nào đó rồi lơ mơ ngủ.

Câu 8: Bài văn có mấy hình ảnh so sánh ? Đó là những hình ảnh nào?

……………………………………………………………………………………………

..............................................................................................................................

Câu 9: Em yêu thích hình ảnh nào trong bài văn? Vì sao?

……………………………………………………………………………………………

..............................................................................................................................

Phần II: Kiểm tra viết (10 điểm):

1. Chính tả (nghe - viết) (15 phút)

Đoạn 3 bài “Sự tích chú Cuội cung trăng” ( TV 3/ Tập 2/ Tr.132).

2. Tập làm văn: (25 phút)

Viết một đoạn văn ngắn (từ 7 – 10 câu) kể về một việc làm tốt mà em đã làm để bảo vệ môi trường.

……………………………………………………………………………………………

.............................................................................................................................

----- Hết đề số 1 -----

1.2. Đáp án đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 3 số 1

Phần I:

1. Đọc thành tiếng (4 điểm):
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm
- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm

2. Đọc hiểu:

Câu 1: B (0,5 điểm)

Câu 2: C (0,5 điểm)

Câu 3: B (0,5 điểm)

Câu 4: C (0,5 điểm)

Câu 5: C (0,5 điểm)

Câu 6: A (0,5 điểm)

Câu 7: A (1 điểm)

Câu 8: Bài văn 2 hình ảnh so sánh. Đó là hình ảnh:
Hình ảnh 1: Những thân cây tràm vươn thẳng lên trời chẳng khác gì những cây nến khổng lồ.
Hình ảnh 2: Đầu lá rủ phất phơ như những đầu lá liễu bạt ngàn.

Câu 9: (1 điểm) Nêu được hình ảnh mình thích: 0, 5 điểm; Giải thích được lý do: 0, 5 điểm.

Phần II: (10đ)

1. Chính tả: 4 điểm
- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm
- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm.
- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm
- Trình bày đúng quy định, viết sạch đẹp: 1 điểm

2. Tập làm văn: 6 điểm
- Nội dung (ý) (3 điểm): Học sinh viết được đoạn văn gồm các ý theo đúng yêu cầu nêu trong đề bài.
- Kỹ năng (3 điểm):
+ Điểm tối đa cho kỹ năng viết chữ, viết đúng chính tả: 1 điểm.
+ Điểm tối đa cho kỹ năng dùng từ, đặt câu: 1 điểm
+ Điểm tối đa cho phần sáng tạo: 1 điểm.

Bài làm:

Em thấy việc bảo vệ môi trường rất cần thiết, vì mang lại sức khỏe cho mọi người chính vì vậy lớp em đã chọn công việc tổng vệ sinh lớp học. Vào chiều thứ sáu lớp em bắt đầu. Để làm việc tốt lớp em đã chuẩn bị khẩu trang, giẻ lau, chổi.... Cô giáo giao nhiệm vụ cho từng tổ, từng bạn rất chi tiết tỉ mỉ. Các bạn nam khỏe nên cô giáo giao nhiệm vụ kê bàn ghế, quét mạng nhện. Còn các bạn nữ thì làm công việc nhặt rác, lau bảng. Em được cô giáo phân công lau bảng. Đầu tiên em đi vò khăn rồi quay về lớp để lau bảng. Em lau từ bảng này đến bảng khác cho thật sạch để cô khen. Buổi lao động rất mệt nhưng lại thật vui, em nhìn mặt bạn nào cũng đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhãi. Khi cô hiệu trưởng bước vào lớp em, cô rất khen làm cô chủ nhiệm rất vui lòng nên cả lớp em mỗi người được thưởng điểm. Chưa đầy một tiếng đồng hồ lớp em đã xong. Em rất tự hào về lớp học của mình.

----- Hết đáp án đề số 1 -----

(Sưu tầm)


2. Đề thi Tiếng Việt lớp 3 học kỳ 2 năm 2020 - 2021 - Đề số 2

2.1. Đề thi

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (4 điểm)

Ông tổ nghề thêu

Một lần, Trần Quốc Khái được triều đình cử đi sứ bên Trung Quốc. Vua Trung Quốc muốn thử tài sứ thần, sai dựng một cái lầu cao, mời ông lên chơi, rồi cất thang đi. Không còn lối xuống, ông đành ở lại trên lầu. Lầu chỉ có hai pho tượng Phật, hai cái lọng, một bức trướng thêu ba chữ “Phật trong lòng” và một vò nước.

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (6 điểm)

Cây gạo

Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh. Tất cả đều lóng lánh, lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen,… đàn đàn lũ lũ bay đi bay về, lượn lên, lượn xuống. Chúng gọi nhau, trò chuyện, trêu ghẹo và tranh cãi nhau, ồn mà vui không thể tưởng được. Ngày hội mùa xuân đấy!

Hết mùa hoa, chim chóc cũng vãn. Cây gạo chấm dứt những ngày tưng bừng ồn ã, lại trở về với dáng vẻ xanh mát, trầm tư. Cây đứng im, cao lớn, hiền lành, làm tiêu cho những con đò cập bến và cho những đứa con về thăm quê mẹ.

Theo Vũ Tú Nam

Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng cho mỗi câu hỏi dưới đây:

Câu 1: Mục đích chính của bài văn trên là tả sự vật nào?

a. Tả cây gạo.

b. Tả chim.

c. Tả cây gạo và chim.

Câu 2: Bài văn tả cây gạo vào thời gian nào?

a. Mùa hè.

b. Mùa xuân.

c. Vào hai mùa kế tiếp nhau.

Câu 3: Câu: “Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi.” thuộc mẫu câu nào?

a. Ai làm gì?

b. Ai thế nào?

c. Ai là gì?

Câu 4: Bài văn trên có mấy hình ảnh so sánh?

a. 1 hình ảnh.

b. 2 hình ảnh.

c. 3 hình ảnh.

Câu 5: Trong câu “Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim.” tác giả nhân hóa cây gạo bằng cách nào?

a. Dùng một từ chỉ hoạt động của người để nói về cây gạo.

b. Gọi cây gạo bằng một từ vốn dùng để gọi người.

c. Nói với cây gạo như nói với con người.

Câu 6: Đặt câu hỏi cho bộ phận được in đậm trong câu sau:

Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim.

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (4 điểm – 15 phút)

Giáo viên đọc cho học sinh nghe – viết

Cuộc chạy đua trong rừng

Ngày mai, muông thú trong rừng mở hội thi chạy để chọn con vật nhanh nhất. Ngựa Con thích lắm. Chú tin chắc sẽ giành được vòng nguyệt quế. Chú sửa soạn không biết chán và mải mê soi bóng mình dưới dòng suối trong veo. Hình ảnh chú hiện lên với bộ đồ nâu tuyệt đẹp, với cái bờm dài được chải chuốt ra dáng một nhà vô địch…

II. Tập làm văn (6 điểm – 35 phút)

Đề bài: Hãy viết một đoạn văn (từ 7 đến 10 câu) kể lại một việc tốt em đã làm để góp phần bảo vệ môi trường.

----- Hết đề số 2 -----

2.2. Đáp án đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 3 số 2

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (4 điểm)

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (6 điểm)

Câu 1: A (0,5 điểm)

Câu 2: C (0,5 điểm)

Câu 3: C (0,5 điểm)

Câu 4: C (0,5 điểm)

Câu 5: A ( 1 điểm)

Câu 6: Khi nào, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim? (1 điểm)

Cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim khi nào?

(Hoặc: Bao giờ, ….Lúc nào ….., Tháng mấy,…. )

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả (5 điểm)

- Bài viết trình bày đúng đoạn văn, mắc ít hơn 3 lỗi chính tả, chữ viết chưa đẹp: 3 điểm
- Bài viết trình bày đúng đoạn văn, không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng: 4 điểm.
- Bài viết trình bày đúng đoạn văn, không mắc lỗi chính tả, chữ viết đều nét: 4,5 điểm.
- Bài viết trình bày đúng đoạn văn, không mắc lỗi chính tả, chữ viết sạch đẹp: 5 điểm.

* Lưu ý: Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai, lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh, không viết hoa đúng quy định) trừ 0,5 điểm.

II. Tập làm văn (5 điểm)

- Viết được đoạn văn ngắn, không sai chính tả, nói về một việc làm tốt để bảo vệ môi trường. (khoảng 3 câu): 3 điểm.
- Viết được đoạn văn ngắn, không sai chính tả, đúng yêu cầu (khoảng 4 câu): 4 điểm.
- Viết được đoạn văn ngắn đúng yêu cầu, trình bày sạch sẽ: 4,5 điểm.
- Viết được đoạn văn ngắn đúng yêu cầu, trình bày sạch sẽ, diễn đạt rõ ý: 5 điểm.

Lưu ý: Tùy theo mức độ sai sót về ý, về diễn đạt và chữ viết, có thể cho các mức điểm phù hợp: 1- 2- 3- 4. Không cho điểm lẻ.

Bài làm

Hôm ấy là ngày lao động làm vệ sinh trường lớp. Tổ em được phân công nhổ cỏ ở bồn hoa dưới chân cột cờ. Mọi người lao động rất tích cực. Nắng mỗi lúc một lên cao, mồ hôi đổ ra nườm nượp, ai cũng đã thâm mệt. Các tổ bạn cũng đã sắp hoàn thành công việc nhổ cỏ xung quanh lớp học và quét dọn sân trường. Em với Hòa cùng khiêng thùng rác, ra tận hố cuối vườn trường để đổ. Khi đi ngang hồ sen thấy rác cỏ không biết tổ nào đã đổ xuống đấy. Em nói với Hòa: "Hồ sen nước trong và đẹp thế, bạn nào lại khiêng cỏ tấp xuống đây nhỉ. Mình xuống vớt lên đi. Nếu không vài ngày nữa, nước sẽ đổi màu đấy. Tuy rất mệt nhưng cả hai đứa cũng đã vớt hết sạch số cỏ rác kia. Việc làm của hai đứa em, có thể không ai biết cả, nhưng trên đường về em và Hòa đều rất vui. Vì nghĩ mình cũng đã làm một việc góp phần làm xanh, sạch đẹp môi trường.

----- Hết đáp án đề số 2 -----

(Sưu tầm)


3. Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 2020 - 2021 - Đề số 3

3.1. Đề thi

I. ĐỌC HIỂU

Đọc thầm bài văn sau:

Bản Xô-nát ánh trăng

Vào một đêm trăng đẹp, có một người đàn ông đang dạo bước trên hè phố. Ông bỗng nghe thấy tiếng đàn dương cầm ấm áp vọng ra từ căn nhà nhỏ cuối ngõ. Ngạc nhiên, ông đi đến bên cửa sổ và lắng nghe. Chợt tiếng đàn ngừng bặt và giọng một cô gái cất lên:

- Con đánh hỏng rồi. Ước gì con được một lần nghe Bét-tô-ven đàn.

- Ôi, giá mà cha có đủ tiền để mua vé cho con.

Nghe thấy thế, người đàn ông gõ cửa vào nhà và xin phép được chơi đàn. Cô gái đứng dậy nhường đàn. Lúc này người khách mới nhận ra cô bị mù. Niềm xúc động trào lên trong lòng, từ tay ông, những nốt nhạc kì diệu, lấp lánh vang lên.

Hai cha con lặng đi rồi như bừng tỉnh, cùng thốt lên:

- Trời ơi, có phải ngài chính là Bét-tô-ven?

Phải, người khách chính là Bét-tô-ven - nhà soạn nhạc vĩ đại. Ông đã từng biểu diễn khắp châu Âu nhưng chưa bao giờ chơi đàn với một cảm xúc mãnh liệt, thanh cao như lúc này.

Rồi dưới ánh trăng huyền ảo, tràn ngập, trước sự ngạc nhiên, xúc động của cô gái mù, Bét-tô-ven đã đánh một bản đàn tuỳ hứng. Âm thanh tuôn chảy dạt dào, rực sáng, ca ngợi những gì đẹp đẽ nhất.

Ngay đêm đó, bản nhạc tuyệt tác đã được ghi lại. Đó chính là bản xô-nát Ánh trăng.

(Theo Tạp chí âm nhạc, Hoàng Lân sưu tầm)

Khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng:

Câu 1: Đang đi dạo dưới ánh trăng, Bét-tô-ven nghe thấy gì?

a. Tiếng đàn dương cầm vọng ra từ căn nhà cuối phố.

b. Tiếng hát vang lên từ căn nhà cuối phố.

c. Tiếng ai chơi đàn dương cầm bản xô-nát Ánh trăng từ căn nhà cuối phố.

Câu 2: Đứng bên cửa sổ lắng nghe tiếng đàn, Bét-tô-ven tình cờ biết được điều gì?

a. Cô gái đánh đàn ước được đi du lịch nhưng không có tiền.

b. Cô gái đánh đàn ước được một lần nghe Bét-tô-ven chơi đàn nhưng không đủ tiền mua vé.

c. Cô gái đánh đàn ước sẽ chơi đàn giỏi như Bét-tô-ven.

Câu 3: Những từ ngữ nào được dùng để tả cảm xúc và tiếng đàn của Bét-tô-ven?

a. Niềm xúc động trào lên trong lòng, cảm xúc mãnh liệt, thanh cao.

b. Những nốt nhạc kì diệu, lấp lánh.

c. Tiếng đàn réo rắt, du dương.

d. Âm thanh tuôn chảy dạt dào, rực sáng, ca ngợi những gì đẹp đẽ nhất.

Câu 4: Nhờ đâu Bét-tô-ven có được cảm hứng đế sáng tác bản xô-nát Ánh trăng (xuất phát từ đâu)?

a. Sự yêu thích của ông trước cảnh đẹp đêm trăng.

b. Sự mong muốn được nổi tiếng hơn nữa của ông.

c. Sự xúc động và niềm thông cảm sâu sắc của ông trước tình yêu âm nhạc của cô gái mù nghèo khổ mà ông đã bất ngờ gặp trong một đêm trăng huyền ảo.

Câu 5: Qua câu chuyện "Bản xô-nát Ánh trăng", em hiểu Bét-tô-ven là một nhạc sĩ như thế nào?

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

Câu 1: Nhạc sĩ là người chuyên sáng tác hoặc biểu diễn âm nhạc. Hãy tìm những từ có tiếng "sĩ" để chỉ người sáng tác hay biểu diễn như vậy điền vào chỗ trống cho thích hợp.

a) Những người chuyên sáng tác thơ ca gọi là:...

b) Những người chuyên vẽ tranh nghệ thuật gọi là

c) Những người chuyên biểu diễn các bài hát gọi là ....

d) Những người chuyên sáng tác hoặc biểu diễn nghệ thuật gọi là:...

Câu 2: Âm nhạc là tên một ngành nghệ thuật. Trong dãy từ sau, những từ nào chỉ tên các ngành nghệ thuật?

kịch nói, ảo thuật, xiếc, tuồng, nhiếp ảnh, dệt vải, điêu khắc, hội hoạ.

Câu 3: Đánh đàn là một hoạt động nghệ thuật. Trong dãy từ sau, những từ nào chỉ hoạt động nghệ thuật?

đóng phim, múa, tạc tượng, ngậm thơ, may máy, biểu diễn, sáng tác.

Câu 4: Điền dấu phẩy vào những chỗ thích hợp trong đoạn văn sau:

"Bản xô-nát Ánh trăng" là một câu chuyện xúc động nói về nhạc sĩ thiên tài Bét-tô-ven. Trong một đêm trăng huyền ảo ông đã bất ngờ gặp một cô gái mù nghèo khổ nhưng lại say mê âm nhạc. Số phận bất hạnh và tình yêu âm nhạc của cô gái đã khiến ông vô cùng xúc động thương cảm và day dứt. Ngay trong đêm ấy nhà soạn nhạc thiên tài đã hoàn thành bản nhạc tuyệt vời: bản xô-nát Ánh trăng.

B. Kiểm tra Viết

Trước tình yêu âm nhạc của cô gái mù, Bét-tô-ven đã tấu lên một bản nhạc tuyệt diệu. Đặt mình vào vai Bét-tô-ven, em hãy viêt một đoạn văn nói lên cảm xúc của mình lúc ngẫu hứng sáng tác bản xô-nát Ánh trăng.

 

----- Hết đề số 3 -----

3.2. Đáp án đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 3 số 3

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc hiểu

Câu 1: A

Câu 2: B

Câu 3: A, B, D

Câu 4: C

Câu 5:

Bài tham khảo số 1:

Bét-tô-ven là một nhạc sĩ thiên tài. Cảm hứng để ông sáng tác ra những bản nhạc hay xuất phát từ sự rung động chân thành và niềm cảm thông sâu sắc của ông trước vẻ đẹp của tâm hồn con người và cuộc sống xung quanh. Những bản nhạc kì diệu của ông đã làm cho cuộc đời tươi đẹp hơn và xoa dịu tâm hồn những con người bất hạnh. Ông không chỉ là một nhạc sĩ thiên tài mà còn là một con người giàu lòng nhân ái.

Bài tham khảo số 2:

"Rồi dưới ánh trăng huyền ảo, tràn ngập, trước sự ngạc nhiên, xúc động của cô gái mù, Bét-tô-ven đã đánh một bản đàn tuỳ hứng. Âm thanh tuôn chảy dạt dào, rực sáng, ca ngợi những gì đẹp đẽ nhất". Bản nhạc chan chứa tình yêu thương, sự cảm thông sâu sắc với cô gái mù say mê âm nhạc. Vì nỗi lòng khát khao được nghe đàn của cô - một cô gái nghèo khó, có số phận bất hạnh - mà những nốt nhạc của Bét-tô-ven được cất lên. Nó lấp lánh, kì diệu đầy tình yêu thương. Âm thanh dạt dào xoa dịu tâm hồn bất hạnh và làm cuộc sống tươi đẹp hơn. Bét-tô-ven quả là một nghệ sĩ tài hoa và giàu lòng nhân ái.

(Theo Trần Thị Trường)

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

Câu 1:

a) thi sĩ ;

b) hoạ sĩ ;

c) ca sĩ ;

d) nghệ sĩ.

Câu 2:

Những từ gọi tên các ngành nghệ thuật: kịch nói, ảo thuật, xiếc, tuồng, nhiếp ảnh, điêu khắc, hội hoạ.

Câu 3:

Những từ chỉ hoạt động nghệ thuật: đóng phim, múa, tạc tượng, ngâm thơ, biểu diễn, sáng tác.

Câu 4:

- Đoạn văn được điền dấu phẩy như sau:

"Bản xô-nát Ánh trăng" là một câu chuyện xúc động nói về nhạc sĩ thiên tài Bét-tô-ven. Trong một đêm trăng huyền ảo, ông đã bất ngờ gặp một cô gái mù nghèo khổ nhưng lại say mê âm nhạc. Số phận bất hạnh và tình yêu âm nhạc của cô gái đã khiến ông vô cùng xúc động, thương cảm và day dứt. Ngay trong đêm ấy, nhà soạn nhạc thiên tài đã hoàn thành tác phẩm tuyệt vời: bản xô-nát Ánh trăng.

B. Kiểm tra Viết

Tôi chưa bao giờ chơi đàn với một cảm xúc mãnh liệt, thanh cao như lúc này, trong căn nhà nhỏ của một xóm lao động nghèo. Nơi đây, có một cô gái mù khao khát được nghe tiếng đàn của tôi. Tình yêu âm nhạc và sự bất hạnh của cô khiến tôi rất xúc động. Lướt nhẹ hai tay trên phím đàn, một giai điệu mới vang lên trong đầu tôi. Những âm thanh tuôn chảy bởi cảm xúc dạt dào chợt đến trong không gian huyền ảo tràn ngập ánh trăng. Tiếng đàn ngợi ca những con người thánh thiện như cô gái mù. Tiếng đàn ngợi ca tất cả những gì đẹp đẽ nhất trên đời. Tôi đã thấy nét rạng ngời trên khuôn mặt cô gái. Lòng tôi cũng ngập tràn hạnh phúc. Bản nhạc ngẫu hứng đó về sau được tôi đặt tên là bản xô-nát Ánh trăng.

 

----- Hết đáp án đề số 3 -----

(Sưu tầm)


4. Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 có lời giải  - Đề 4

4.1. Đề thi

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (4 điểm)

- Giáo viên kiểm tra đọc thành tiếng đối với từng học sinh qua các bài tập đọc trong học kì hai và trả lời câu hỏi nội dung bài.

Tình bạn

Tối hôm ấy, mẹ đi vắng, dặn Cún trông nhà, không được đi đâu. Chợt Cún nghe có tiếng kêu ngoài sân:

- Cứu tôi với!

Thì ra Cáo già đã tóm được Gà con tội nghiệp.

Cún con sợ Cáo nhưng lại rất thương Gà con. Cún nảy ra một kế. Cậu đội mũ sư tử lên đầu rồi hùng dũng tiến ra sân. Cáo già trông thấy hoảng quá, buông ngay Gà con để chạy thoát thân. Móng vuốt của Cáo cào làm Gà con bị thương. Cún liền ôm Gà con, vượt đường xa, vượt đêm tối, chạy một mạch đến nhà bác sĩ Dê núi. Bác sĩ nhanh chóng băng bó vết thương cho Gà con. Gà con run rẩy vì lạnh và đau, Cún liền cởi áo của mình ra đắp cho bạn. Thế là Gà con được cứu sống. Về nhà, Cún kể lại mọi chuyện cho mẹ nghe. Mẹ liền xoa đầu Cún, khen:

- Con đúng là Cún con dũng cảm! Mẹ rất tự hào về con!

Theo Mẹ kể con nghe

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (6 điểm)

Dựa vào nội dung bài đọc trên, khoanh tròn vào các chữ cái trước ý trả lời đúng hoặc làm theo yêu cầu của mỗi câu hỏi.

Câu 1: Thấy Gà con bị Cáo già bắt, Cún con đã làm gì? (0,5đ)

A. Cún con đứng nép vào cánh cửa quan sát.

B. Cún con không biết làm cách nào vì Cún rất sợ Cáo.

C. Cún nảy ra một kế là đội mũ sư tử lên đầu rồi hùng dũng tiến ra sân.

Câu 2: Vì sao Cáo già lại bỏ Gà con lại và chạy thoát chân? (0,5đ)

A. Vì Cáo nhìn thấy Cún con.

B. Vì Cáo già rất sợ sư tử.

C. Vì Cáo già rất sợ Cún con.

Câu 3: Thấy Gà con đã bị thương, Cún con đã làm những gì để cứu bạn? (0,5đ)

A. Cún ôm gà con, vượt đường xa, đêm tối để tìm bác sĩ Dê núi.

B. Cún cởi áo của mình ra đắp cho bạn.

C. Cún con sợ Cáo và không làm gì để cứu bạn.

Câu 4: Câu: “Cún liền cởi áo của mình ra đắp cho bạn.” Thuộc kiểu câu gì? (0,5đ)

A. Ai - làm gì?

B. Ai - thế nào?

C. Ai - là gì?

Câu 5: Trong câu: “Cún liền ôm Gà con, vượt đường xa, vượt đêm tối, chạy một mạch đến nhà bác sĩ Dê núi”. Tác giả sử dụng cách nhân hóa nào? (0,5đ)

A. Dùng từ chỉ người cho vật.

B. Dùng từ hành động của người cho vật .

C. Dùng từ chỉ người và hành động cho vật.

Câu 6: Vì sao Cún cứu Gà con (0,5đ)

A. Cún ghét Cáo

B. Cún thương Gà con

C . Cún thích đội mũ sư tử

Câu 7: Viết một câu có sử dụng biện pháp nhân hóa để nói về Cún con trong bài. (1đ)

Câu 8: Câu chuyện trên muốn khuyên chúng ta điều gì? (1đ)

Câu 9: Đặt dấu hai chấm,dấu phẩy, dấu chấm vào chỗ thích hợp trong câu dưới đây: ( 1đ)

Vịt con đáp

Cậu đừng nói thế chúng mình là bạn mà

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (4 điểm – 15 phút)

- Giáo viên đọc cho học sinh viết bài: Dòng suối thức (TV 3 tập 2/trang 137)

II. Tập làm văn (6 điểm – 35 phút)

Đề bài: Em hãy kể về một ngày hội mà em đã từng được tham gia hay em biết.

 

----- Hết đề số 4 -----

4.2. Đáp án đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 3 số 4

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (4 điểm)

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (6 điểm)

Câu 1: C

Câu 2: B

Câu 3: A

Câu 4: A

Câu 5: C

 Câu 6: D

Câu 7:

VD: Chú Cún con rất thông minh. (1đ)

Câu 8:

Phải biết thương yêu, giúp đỡ bạn bè........................... (1đ)

Câu 9:

Đặt dấu phẩy, dấu chấm vào chỗ thích hợp trong câu dưới đây: (1đ)

Vịt con đáp:

- Cậu đừng nói thế, chúng mình là bạn mà.

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (4 điểm – 15 phút)

Nghe – viết bài: Mặt trời xanh của tôi
- Viết đúng chính tả, trình bày đúng, sạch sẽ, chữ viết rõ ràng . (4 điểm)
- Viết sai chính tả mỗi lỗi trừ 0,5 điểm.
- Trình bày bài bẩn trừ 0,5 điểm.

II. Tập làm văn (6 điểm – 35 phút)

Học sinh viết được một đoạn khoảng 7 đến 9 câu.

- Giới thiệu được ngày hội: Tên là gì? Ở đâu? Thời gian diễn ra? (1 điểm)
- Kể được các hoạt động diễn ra trong ngày hội (4 điểm)

Nêu được cảm xúc, tâm trạng ,mong muốn của mình về ngày hội đó. (1 điểm).

 

----- Hết đáp án đề số 4 -----

(Sưu tầm)


5. Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 - Đề 5

5.1. Đề thi

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (4 điểm)

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (6 điểm)

1. Đọc thầm và trả lời câu hỏi:

Ong Thợ

Trời hé sáng, tổ ong mật nằm trong gốc cây bỗng hóa rộn rịp. Ong thường thức dậy sớm, suốt ngày làm việc không chút nghỉ ngơi. Ong Thợ vừa thức giấc đã vội vàng bước ra khỏi tổ, cất cánh tung bay. Ở các vườn chung quanh, hoa đã biến thành quả. Ong Thợ phải bay xa tìm những bông hoa vừa nở. Con đường trước mắt Ong Thợ mở rộng thênh thang. Ông mặt trời nhô lên cười. Hôm nào Ong Thợ cũng thấy ông mặt trời cười. Cái cười của ông hôm nay càng rạng rỡ. Ong Thợ càng lao thẳng về phía trước.

Chợt từ xa, một bóng đen xuất hiện. Đó là thằng Quạ Đen. Nó lướt về phía Ong Thợ, xoẹt sát bên Ong Thợ toan đớp nuốt. Nhưng Ong Thợ đã kịp lách mình. Thằng Quạ Đen đuổi theo nhưng không tài nào đuổi kịp. Đường bay của Ong Thợ trở lại thênh thang.

Theo Võ Quảng.

2. Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

Câu 1: Tổ ong mật nằm ở đâu?

A. Trên ngọn cây.

B. Trên vòm lá.

C. Trong gốc cây.

D. Trên cành cây.

Câu 2: Tại sao Ong Thợ không tìm mật ở những khu vườn chung quanh?

A. Vì ở các vườn chung quanh hoa đã biến thành quả.

B. Vì ở các vườn chung quanh có Quạ Đen.

C. Vì ở các vườn chung quanh hoa không có mật.

D. Vì Ong Thợ không thích kiếm mật ở vườn xung quanh.

Câu 3: Quạ Đen đuổi theo Ong Thợ để làm gì?

A. Để đi chơi cùng Ong Thợ.

B. Để đi lấy mật cùng Ong Thợ.

C. Để toan đớp nuốt Ong Thợ.

D. Để kết bạn với Ong Thợ.

Câu 4: Trong đoạn văn trên có những nhân vật nào?

A. Ong Thợ.

B. Quạ Đen, Ông mặt trời

C. Ong Thợ, Quạ Đen

D. Ong Thợ, Quạ Đen, Ông mặt trời

Câu 5: Ong Thợ đã làm gì để Quạ Đen không đuổi kịp?

A. Ong Thợ quay lại định đớp nuốt Quạ Đen.

B. Ong Thợ nhanh nhẹn lách mình tránh Quạ Đen.

C. Ong Thợ bay trên đường bay rộng thênh thang.

D. Ong Thợ bay về tổ.

Câu 6: Em có suy nghĩ gì về hành động, việc làm của Ong Thợ khi gặp Quạ Đen?

Viết từ 1 câu nêu suy nghĩ của em:

Câu 7: Câu nào dưới đây có hình ảnh nhân hóa?

A. Ông mặt trời nhô lên cười.

B. Con đường trước mắt Ong Thợ mở rộng thênh thang.

C. Chợt từ xa, một bóng đen xuất hiện.

D. Nó lướt về phía Ong Thợ, xoẹt sát bên Ong Thợ toan đớp nuốt.

Câu 8: Trong câu “Ong Thợ phải bay xa tìm những bông hoa vừa nở.” Các từ chỉ sự vật trong câu trên là:…………………………….

Câu 9: Đặt một câu theo mẫu câu: Ai làm gì?

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (4 điểm – 15 phút)

Mùa thu trong trẻo

Trong hồ rộng, sen đang lụi tàn. Những chiếc lá to như cái sàng màu xanh sẫm đã quăn mép, khô dần. Họa hoằn mới còn vài lá non xanh, nho nhỏ mọc xòe trên mặt nước. Gương sen to bằng miệng bát con, nghiêng như muốn soi chân trời. Tiếng cuốc kêu thưa thớt trong các lùm cây lau sậy ven hồ…

Nguyễn Văn Chương

II. Tập làm văn (6 điểm – 35 phút)

Đề bài: Viết một đoạn văn (từ 7 đến 10 câu) kể lại một việc em đã làm để góp phần bảo vệ môi trường.

 

----- Hết đề số 5 -----

5.2. Đáp án đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 3 số 5

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (4 điểm)

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (6 điểm)

Câu 1: C (0,5 điểm)

Câu 2: A (0,5 điểm)

Câu 3: C (0,5 điểm)

Câu 4: D (0,5 điểm)

Câu 5: B (1 điểm)
 

Câu 6:

- HS viết được 1 câu chính xác: 1,0 điểm

(Nếu viết có ý đúng: 0,5 điểm)

- Ví dụ:

Ong Thợ rất dũng cảm và thông minh. / Ong Thợ rất nhanh trí và can đảm./...

Câu 7: A: (0,5 điểm)

Câu 8: Ong Thợ, bông hoa: 0,5 điểm; ( tìm đúng 1 từ: 0.25 điểm)

Câu 9: (1,0 điểm)

- HS đặt được câu theo đúng mẫu câu, đúng thể thức trình bày câu, (cuối câu có đặt dấu chấm); câu văn hay 1.0 điểm

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (4 điểm – 15 phút)

+ Viết đủ bài: 1 điểm

+ Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

+ Viết đúng chính tả ( không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

+ Trình bày đúng quy đinh, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II. Tập làm văn (6 điểm – 35 phút)

- Nội dung (ý): 3 điểm

HS viết được đoạn văn gồm các ý theo đúng yêu cầu nêu trong đề bài.

- Kĩ năng: 3 điểm

+ Điểm tối đa cho kĩ năng viết chữ, viết đúng chính tả: 1 điểm

+ Điểm tối đa cho kĩ năng dùng từ, đặt câu: 1 điểm

+ Điểm tối đa cho phần sáng tạo: 1 điểm

- Tùy theo mức độ sai sót về ý, về diễn đạt, chữ viết có thể trừ điểm phù hợp.

 

----- Hết đáp án đề số 5 -----

(Sưu tầm)


6. Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 

6.1. Đề thi

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (4 điểm)

- Ở mục này, các em có thể đọc một đoạn trích trong bài Tập đọc đã học trong SGK Tiếng Việt 3, tập 2 và trả lời câu hỏi hoặc đọc một đoạn văn thích hợp ở ngoài SGK.

- Đề không trình bày nội dung của phần Đọc thành tiếng.

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (6 điểm)

Đọc bài sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Nhím con kết bạn

Trong một khu rừng nọ có một chú Nhím chỉ sống một mình, rất nhút nhát nên chú không quen biết bất kì một con vật nào khác sống trong rừng.

Vào một buổi sáng đẹp trời, nhím con đi kiếm quả để ăn. Bỗng một chú Sóc nhảy tới và nói:

- Chào bạn! Tôi rất vui sướng được gặp bạn.

Nhím con bối rối nhìn Sóc, rồi quay đầu chạy trốn vào một bụi cây. Nó cuộn tròn người lại mà vẫn run vì sợ.

Ngày tháng trôi qua, những chiếc lá trên cây bắt đầu chuyển màu và rụng xuống.

Nhím con quyết định phải mau chóng tìm một nơi an toàn và ấm áp để trú đông.

Trời ngày càng lạnh hơn. Một hôm nhím con đang đi tìm nơi trú đông thì trời đổ mưa. Nhím sợ hãi cắm đầu chạy.

Bỗng nó lao vào một đống lá. Nó chợt nhận ra sau đống lá là một cái hang “Chào bạn!”. Một giọng ngái ngủ của một chú nhím khác cất lên. Nhím con vô cùng ngạc nhiên.

Sau khi trấn tĩnh lại. Nhím con bẽn lẽn hỏi:

- Tên bạn là gì?

- Tôi là Nhím Nhí.

Nhím con run run nói: “Tôi xin lỗi bạn, tôi không biết đây là nhà của bạn”.

Nhím Nhí nói: “Không có hề gì. Thế bạn đã có nhà trú đông chưa? Tôi muốn mời bạn ở lại với tôi qua mùa đông. Tôi ở đây một mình buồn lắm.

Nhím con rụt rè nhận lời và cảm ơn lòng tốt của bạn. Cả hai thu dọn và trang trí chỗ ở gọn đẹp.

Chúng rất vui vì không phải sống một mình trong mùa đông gió lạnh.

(Trần Thị Ngọc Trâm)

Em trả lời câu hỏi, làm bài tập theo một trong hai cách sau:

- Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời mà em chọn.

- Viết ý kiến của em vào chỗ trống.

Câu 1: Vì sao Nhím con lại không quen biết bất kì loài vật nào trong rừng? (0,5 điểm)

A. Vì Nhím xấu xí nên không ai chơi cùng.

B. Vì Nhím chỉ ở trong nhà, không ra ngoài bao giờ.

C. Vì Nhím sống một mình, không có ai thân thiết.

D. Vì Nhím nhút nhát, luôn rụt rè, sợ sệt.

Câu 2: Ba chi tiết nào dưới đây cho thấy Nhím con rất nhút nhát? (0,5 điểm)

A. Khi được Sóc chào, Nhím chạy trốn vào bụi cây, cuộn tròn người lo sợ.

B. Mùa đông đến, Nhím mau chóng tìm một nơi an toàn và ấm áp để trú rét.

C. Thấy trời bỗng đổ mưa, Nhím sợ hãi cắm đầu chạy.

D. Nhím con đồng ý ở lại trú đông cùng với Nhím Nhí.

Câu 3: Vì sao Nhím Nhí mời Nhím con ở lại với mình qua mùa Đông? (0,5 điểm)

A. Vì Nhím Nhí ở một mình rất buồn.

B. Vì Nhím Nhí biết Nhím con chưa có nhà trú đông.

C. Vì Nhím Nhí và Nhím con là bạn thân.

D. Vì Nhím Nhí biết Nhím con ở một mình rất buồn.

Câu 4: Nhím con cảm thấy như thế nào khi ở cùng Nhím Nhí? (0,5điểm)

A. Nhím con cảm thấy rất vui khi có bạn.

B. Nhím con cảm thấy yên tâm khi được bảo vệ.

C. Nhím con vẫn cảm thấy lo sợ.

D. Nhím con vẫn cảm thấy buồn lắm.

Câu 5: Câu chuyện cho em bài học gì? (1,0 điểm)

Câu 6: Lớp học của em có một bạn mới từ trường khác chuyển đến. Để giúp bạn hoà nhập với các bạn trong lớp, em sẽ làm gì? (1,0 điểm)

Câu 7: Dấu hai chấm trong đoạn văn sau dùng để làm gì? (0,5 điểm)

Nhím con bẽn lẽn hỏi:

- Tên bạn là gì?

- Tôi là Nhím Nhí.

A. Báo hiệu lời giải thích cho một sự việc.

B. Báo hiệu lời nói của nhân vật.

C. Báo hiệu phần chú thích.

D. Báo hiệu từ ngữ được dùng với nghĩa đặc biệt.

Câu 8: Gạch dưới bộ phận trả lời cho câu hỏi “Vì sao” trong câu dưới đây. (0,5 điểm)

“Nhím Con và Nhím Nhí rất vui vì chúng không phải sống một mình suốt mùa đông giá lạnh.”

Câu 9: Viết 1 câu sử dụng biện pháp nhân hoá để nói về: (1,0 điểm)

a) Chiếc lá:

b) Bầu trời:

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (4 điểm – 15 phút)

Lao xao

Giời chớm hè. Cây cối um tùm. Cả làng thơm. Cây hoa lan nở hoa trắng xóa. Hoa dẻ từng chùm mảnh dẻ. Hoa móng rồng bụ bẫm thơm như mùi mít chín ở góc vườn ông Tuyên. Ong vàng, ong vò vẽ, ong mật đánh lộn nhau để hút mật ở hoa. Chúng đuổi cả bướm. Bướm hiền lành bỏ chỗ lao xao. Từng đàn rủ nhau lặng lẽ bay đi.

II. Tập làm văn (6 điểm – 35 phút)

Kể về một ngày hội mà em đã chứng kiến hoặc tham gia.

 

----- Hết đề số 6 -----

6.2. Đáp án đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 3 số 6

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (4 điểm)

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (6 điểm)

Câu 1: D (0,5 điểm)

Câu 2: A, B, C (0,5 điểm)

Câu 3: A (0,5 điểm)

Câu 4: A (0,5 điểm)

Câu 5: Gợi ý:

Cuộc sống cần phải có bạn bè để quan tâm, giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Nếu chỉ sống một mình, xa rời đồng loại thì lúc nào cũng cảm thấy lo lắng, sợ hãi.

Câu 6: Gợi ý:

Để giúp bạn không bỡ ngỡ, rụt rè trước các bạn mới, em sẽ nói chuyện với bạn để bạn cởi mở hơn, rủ bạn tham gia các hoạt động của trường, lớp, các hoạt động ngoại khoá,…

Câu 7:

Câu 8: (0,5 điểm)

Gợi ý:

“Nhím Con và Nhím Nhí rất vui vì chúng không phải sống một mình suốt mùa đông giá lạnh.”

Câu 9:

- Viết câu theo yêu cầu: 1,0 điểm (mỗi ý 0,5 điểm)

- Viết được câu theo yêu cầu nhưng sử dụng từ chưa chính xác: 0,5 điểm (mỗi ý 0,25 điểm)

- Không viết được câu: 0 điểm

Gợi ý:

a) Gió thu xào xạc, từng chiếc lá rủ nhau đánh võng xuống mặt đất.

b) Bầu trời đêm mặc chiếc áo sẫm đính chi chít những ngôi sao lấp lánh.

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (4 điểm – 15 phút)

II. Tập làm văn (6 điểm – 35 phút)

Tham khảo:

Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên Đán làng em lại mở lễ hội Đền Voi Phục. Hội được tổ chức tại sân đền, người từ tứ xứ về dự lễ hội đông như nước chảy, mọi người đều trong trang phục rất đẹp. Những người trong đội nghi thức mặc lễ phục truyền thống của làng. Không khí của lễ hội rất trang nghiêm và quang cảnh được trang hoàng rất đẹp với cờ ngũ sắc tung bay trước gió. Mở đầu là lễ dâng hương đọc văn tế, sau đó là lễ rước Thánh đi du xuân. Kiệu của Thánh đi đến đâu, trống giong cờ mở đến đó. Mọi người vừa đi theo kiệu Thánh vừa lễ. Trẻ con, người lớn thay phiên nhau chui qua kiệu Thánh để mong ước Thánh ban cho nhiều điều tốt lành cho cả năm. Có những lúc kiệu của Thánh tự nhiên quay vòng tròn, em nghe người lớn nói đó là những lúc Thánh vui. Em rất thích lúc được chui qua kiệu Thánh vừa vui lại vừa được Thánh phù hộ cho mạnh khỏe học giỏi, ngoan ngoãn. Lễ hội được diễn ra từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều thì kết thúc. Em rất thích được tham dự lễ hội truyền thống của làng. Đó cũng là nét đẹp truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của quê hương.

 

----- Hết đáp án đề số 6 -----

(Sưu tầm)

De thi hoc ki 2 mon tieng Viet lop 3

Tải trọn bộ đề thi HK 2 môn Tiếng Việt lớp 3

Tổng hợp Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 chọn lọc nhất

- Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 Đề số 1
- Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 Đề số 2
- Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 Đề số 3
- Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 Đề số 4

Tham khảo thêm:

- Đề thi học kì 2 môn Tiếng Anh lớp 3

- Đề thi học kì 2 môn Tin học lớp 5

Các đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 trên đây hầu hết là có cấu trúc dạng đề thi là đề đọc viết chính tả, đọc hiểu và tập làm văn. Các em tham khảo để chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới.


Liên kết tải về - [141,6 KB]

Bấm vào [Link File] để tải về phần mềm, hoặc tải phiên bản phù hợp phía dưới

Liên kết dự phòng:



Bài viết liên quan

 Thông tin giới thiệu, hướng dẫn sử dụng phần mềm Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 được biên soạn nhằm giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, việc daoloat đề thi học kì 2 môn tiếng việt lớp 3 là hoàn toàn miễn phí, bạn có thể chi tiết nội dung tại mục "Điều khoản".

Các phiên bảnHướng dẫn

   Tải về

Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 Năm 2022

Phần mềm Liên quan & Tương tự
Top download
  1. Đang tổng hợp...
Bấm vào file dưới
Để cài phần mềm