Đề bài: Nghị luận về hiện tượng học đối phó của học sinh hiện nay.
Bài làm
Lê-nin - vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Liên Xô đã có câu nói vô cùng nổi tiếng: "Học, học nữa, học mãi" nhằm đề cao tầm quan trọng và sự cần thiết của việc trau dồi kiến thức không ngừng. Chúng ta ai cũng nhận thức rằng việc học đóng vai trò lớn trong cuộc đời mỗi con người, vậy nhưng trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, có điều kiện học tập tốt hơn, vẫn còn hiện tượng học sinh học đối phó. Vậy bạn có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Trước hết, ta cần hiểu học đối phó là gì? Học đối phó nghĩa là trạng thái không tự nguyện, không có niềm hứng thú, học bài và làm bài qua loa cho xong, cho đủ số lượng. Người học đối phó là người luôn có tư tưởng học chống đối, chỉ học khi đến kì kiểm tra hoặc thi cử; học mà không có sự suy nghĩ, khám phá bài học, không tư duy sáng tạo. Đây là hiện tượng diễn ra khá phổ biến trong lứa tuổi học đường hiện nay, lâu dần tình trạng đối phó sẽ trở thành một thói xấu khó bỏ, một căn bệnh nguy hiểm khó chữa trị. Có vô vàn những cách học đối phó khác nhau của học sinh, sinh viên hiện nay. Chẳng hạn, khi thầy cô giao bài tập về nhà, thay vì suy nghĩ, động não và tìm tòi ra cách giải, chỉ cần sử dụng sách giải chép đáp án cho đủ số lượng bài tập để thầy cô kiểm tra là được còn bài tập đó có nội dung là gì, cách làm ra sao không cần quan tâm. Hay đơn giản và nhanh chóng hơn, chỉ cần một cú click chuột hay tìm kiếm trên google thông qua smartphone, ipad, máy tính... là có thể tìm kiếm rất nhiều đáp án, bài giải có sẵn, vừa ngắn gọn lại tiết kiệm thời gian nhưng cái đọng lại trong đầu chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Học đối phó còn ở chỗ khi đến lớp không chú ý nghe giảng, đến gần ngày kiểm tra, thi cử mới bắt đầu thức đêm để ôn tập hoặc tìm mọi cách để đạt điểm cao, dễ dẫn đến học vẹt và những hành vi gian lận, quay cóp.
Vậy nguyên nhân từ đâu lại dẫn đến tình trạng học đối phó ở học sinh? Đầu tiên phải kể đến yếu tố khách quan từ môi trường xã hội với sự phát triển như vũ bão hiện nay của công nghệ thông tin khiến cho cuộc sống của con người ngày càng bị lệ thuộc vào chúng. Rất dễ dàng để các em có thể tra cứu bài giải trên mạng mà chẳng cần phải tốn thời gian suy nghĩ, động não. Bên cạnh đó, trên thế giới Internet, có vô vàn thứ thu hút, hấp dẫn với các em như games, phim ảnh,... khiến cho các em bị xao nhãng việc học, chỉ chú tâm vào những trò vô bổ trên đó mà không dành thời gian cho việc học tập. Tiếp đến, trên thị trường hiện nay có rất nhiều đầu sách giải, sách tham khảo để các em có thể sử dụng nhằm đối phó với việc kiểm tra bài tập trên lớp.Mặt khác, sự phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường còn hạn chế, một số bậc phụ huynh chưa sát sao với việc học của con em mình, giáo viên trên lớp chưa có những biện pháp đúng đắn để xử lí, ngăn chặn tình trạng này, bởi vậy tạo điều kiện thuận lợi cho học đối phó lan tràn và trở thành căn bệnh khó chữa. Cuối cùng, nguyên nhân quan trọng nhất là ở chính ý thức chủ quan của mỗi học sinh. Các em chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc học nên học hời hợt, lười biếng, không tự giác, không tập trung và cố gắng hết sức, luôn có tư tưởng làm bài ẩu, làm cho xong, thái độ "Nước đến chân mới nhảy". Cũng có nhiều em khác do áp lực từ gia đình, cha mẹ bắt học quá nhiều và học những môn học mà các em không thích, bởi vậy các em chỉ học chống đối để vừa lòng cha mẹ, cho điểm cao để lấy thành tích.
Căn bệnh học đối phó quả thật là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm đối với lứa tuổi học sinh hiện nay, nó không ngay lập tức gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng càng để lâu, tình trạng này tiếp diễn liên tục sẽ ảnh hưởng xấu đến các em. Nó bào mòn sự tư duy, sáng tạo, tinh thần nỗ lực vượt khó ở lứa tuổi của các em, gây mất hứng thú, chán nản trong việc học và dễ dẫn tới những hành vi sai trái khác như học vẹt, học tủ, gian lận trong kiểm tra thi cử. Học đối phó sẽ khiến các em không có kiến thức đọng lại trong đầu, khi thi cử hay ra ngoài làm việc, chỉ có những cái đầu rỗng tuếch và thói vô trách nhiệm. Nguy hại hơn nữa, hiện tượng học đối phó sẽ khiến cho chất lượng giáo dục xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chung của xã hội sau này.
Hiểu được nguyên nhân và những hậu quả nghiêm trọng của việc học đói phó hiện nay của học sinh, chúng ta cần chung tay đẩy lùi hiện tượng này ra khỏi học đường. Những cán bộ làm công tác giáo dục, các thầy cô giáo cần nắm bắt tâm lí học sinh từ đó có những biện pháp giáo dục hợp lí, luôn đổi mới sáng tạo cách dạy để tạo hứng thú cho các em, kết hợp với những hình thức xử lí triệt để khi học sinh của mình có hiện tượng này. Gia đình cũng thường xuyên sát sao, quan tâm đến việc học của các em nhưng cũng không nên quá áp lực với điểm số, thành tích. Đặc biệt, bản thân mỗi em học sinh cần chủ động hơn nữa trong việc học của bản thân mình, tự giác học bài làm bài, xác định mục tiêu phấn đấu rõ ràng và tự tìm niềm vui, sự hứng thú trong việc học.
Như vậy, có thể nói rằng hiện tượng học đối phó ở học sinh hiện nay đang trở nên phổ biến và ngày càng nguy hại. Kiến thức của nhân loại luôn thay đổi, biến đổi không ngừng qua từng ngày và vô cùng, vô tận mà khả năng của con người có hạn, chính vì vậy, không có cách nào khác để đuổi kịp sự tiến bộ của loài người ngoài cách học tập, trau dồi kiến thức không ngừng nghỉ. Ngay từ bây giờ, các em cần thay đổi thái độ học tập để trở thành những công dân tương lai của thế kỉ XXI.