download Viết thư UPU lần thứ 49 File PDF

Viết thư UPU lần thứ 49

 File PDF

Download Viết thư UPU lần thứ 49 - Nội dung thư UPU 2020

Nguyễn Sang  cập nhật: 08/02/2020

Viết thư quốc tế UPU là cơ hội để các em học sinh bộc lộ năng khiếu sáng tác cũng là dịp các em có thể sẻ chia, bộc lộ suy nghĩ về những vấn đề về học tập và đời sống xung quanh. Theo thường lệ, năm 2020, cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49 lại được khởi động. Để có thêm những ý tưởng độc đáo cho bài thi của mình, các em hãy cùng tham khảo một số bài mẫu đặc sắc nhất mà Taimienphi.vn đã tuyển chọn và giới thiệu dưới đây nhé.



Cuộc thi Viết thư quốc tế lần thứ 49 năm 2020 được tổ chức với chủ đề vô cùng thú vị: "Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống" (Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in), với chủ đề này, các em học sinh có thể phát huy được vốn hiểu biết, cách nhìn nhận thế giới xung quanh của mình, bởi vậy mà đến với cuộc thi lần này, có rất nhiều em tỏ ra hào hứng và mong muốn hoàn thành một lá thư ấn tượng, đặc sắc nhất.

viet thu upu lan thu 49

Viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020

Trước khi bắt tay vào quá trình viết bài, các em có thể tìm hiểu thêm về quy định và thể lệ của cuộc thi:
 

A. Thể lệ cuộc thi viết thư Quốc tế lần thứ 49 ( Năm 2020)

THỂ LỆ

CUỘC THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 49 (NĂM 2020)

Chủ đề: “Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống”

(Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in)

 

 ĐƠN VỊ TỔ CHỨC:  Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong.

I.   MỤC ĐÍCH – Ý NGHĨA:

Hàng năm, Liên minh Bưu chính Thế giới (gọi tắt là UPU) tổ chức Cuộc thi Viết thư quốc tế dành cho trẻ em, nhằm:

-  Góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em.

- Giúp các em tiếp cận và nhận thức các vấn đề của xã hội, của thời đại và thể hiện suy nghĩ của mình đối với những vấn đề này; bồi đắp, nuôi dưỡng tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với xã hội, đất nước và thế giới.

- Giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.

II.   THỂ LỆ:

1. Đối tượng: Tất cả học sinh Việt Nam dưới 15 tuổi (tính đến 31/12/2019).

2. Quy định về bài thi :

 - Bài thi là một bức thư viết dưới dạng văn xuôi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 800 từ.

- Các bài dự thi viết bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt gửi kèm. Ban Giám khảo chấm bản tiếng Việt.

- Bài viết rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy (bài đánh vi tính hoặc photocopy là không hợp lệ).

- Ở góc trên cùng bên trái, ghi đầy đủ: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố) hoặc địa chỉ gia đình. Bài dự thi không ghi đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.

- Trong nội dung bài dự thi, tác giả không được nêu cụ thể tên, trường lớp, địa chỉ của mình.

- Bài dự thi phải là sản phẩm sáng tạo của cá nhân người viết.

* Bài dự thi phải cho vào phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ người gửi/địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính (11611) và gửi từng bức thư qua đường Bưu điện.

Phong bì thư cần ghi rõ: Bài dự thi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49 (năm 2020).

3. Nơi nhận bài thi:         Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội - 11611

4. Thời gian:            Từ ngày 6/12/2019 đến 25/2/2020 (theo dấu Bưu điện)

5. Một số yêu cầu:

    - Không thành lập Ban Tổ chức và chấm chọn bài tại địa phương;

    - Không bắt buộc 100% học sinh của trường tham gia;

    - Bản quyền các bài thi thuộc về Ban Tổ chức;

     - Số hiệu: 11611 là mã Bưu chính của Báo Thiếu niên Tiền phong.

6. Trang Fanpage chính thức của cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49: Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU Việt Nam

III.      GIẢI THƯỞNG:

1. Giải thưởng Quốc gia:

  - Các thí sinh đạt giải Nhất, Nhì được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.

- Ban Tổ chức hỗ trợ chi phí đi lại, ăn nghỉ cho các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba và kèm hai người thân (phụ huynh và nhà trường) dự Lễ tổng kết và trao giải thưởng.

1.2.     Giải cá nhân:

- Giải chính thức:

  + 01 giải Nhất: 5.000.000đ;

  + 03 giải Nhì, mỗi giải: 3.000.000đ;

  + 05 giải Ba, mỗi giải: 2.000.000đ;

  + 30 giải Khuyến khích, mỗi giải: 1.000.000đ.

 - Các giải phụ:

   + Giải dành cho thí sinh là người dân tộc thiểu số: 1.000.000đ;

   + Giải dành cho thí sinh là người khuyết tật: 1.000.000đ;

   + 61 Giải “Cây bút triển vọng”, mỗi giải: 500.000đ.

1.3.     Giải tập thể:

Các trường có học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba được nhận giải tập thể, mỗi giải 1.000.000đ.

 2. Giải thưởng Quốc tế:

Bức thư đoạt giải Nhất Việt Nam sẽ được Ban Tổ chức gửi nguyên văn kèm theo bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để tham dự Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49. Nếu đạt giải, sẽ được tặng thưởng: Giải Nhất: 30 triệu đồng; Giải Nhì: 20 triệu đồng; Giải Ba: 15 triệu đồng; Giải Khuyến khích: 10 triệu đồng; được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

IV.     BAN TỔ CHỨC:

Trưởng ban: Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phó trưởng ban:

- Bà Trần Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (Phó Trưởng ban Thường trực cuộc thi);

- Bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Trưởng ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng đội Trung ương;

- Bà Đỗ Thị Thanh Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong;

- Bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam;

- Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Và các ủy viên.

V.      BAN GIÁM KHẢO:

Trưởng ban: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Phó Trưởng ban: Nhà báo Đỗ Thị Thanh Bình, Phó Tổng Biên tập Báo TNTP.

Các thành viên Ban giám khảo:

-          Nhà báo Phạm Thành Long;

-          Nhà biên kịch Vũ Quang Vinh;

-          Nhà báo Nguyễn Đức Quang;

-          Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn;

-          Nhà văn Lê Phương Liên;

-          Nhà báo Trần Hữu Việt;

-          Nhà văn Phạm Phong Điệp;

-          Tiến sỹ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh;

-          Tiến sỹ văn học Nguyễn Thị Hậu

-          Nhà giáo Trần Thị Kim Dung;

-          Nhà báo Lưu Hà;

-          Nhà báo Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Ban Tổ chức đề nghị các cấp, các ngành phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, nhà trường, các em học sinh tham gia cuộc thi với chất lượng cao nhất./.

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI
 

B. Một số bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49

Chủ đề năm nay được mở rộng, không giới hạn hay gò bó trong một giới hạn nhất định nào, viết một thông điệp về thế giới chúng ta đang sống, các em có thể lựa chọn bất cứ vấn đề nào mình yêu thích, nhìn nhận đánh giá vấn đề ở bất cứ khía cạnh nào, có thể viết cho mình, viết cho người thân, bạn bè hay bất cứ ai mà các em mong muốn. Các em có thể tham khảo một số bài mẫu dưới đây để lên ý tưởng và có thêm những gợi ý thú vị nhất dành cho mình.

1. Viết thư UPU lần thứ 49 về chủ đề "Gửi tôi trong tương lai" về việc sống ảo trên Facebook

Gửi tôi trong tương lai

Hôm nay tôi muốn viết thư cho bạn, người chính là tôi nhưng trong 10 năm tới, để chia sẻ những câu chuyện của mình vào thời điểm hiện tại, cũng là để sau này có thời gian đọc lại xem mình đã thay đổi như thế nào.

Vào thời điểm hiện tại thì tôi đang lờ mờ nhận ra về thói quen "sống ảo" của chính mình. Với truyện tranh, game online, và đặc biệt là mạng xã hội..., người trẻ như mình đều cảm thấy chính mình đa dạng và thú vị hơn, nhưng đó cũng là nguy cơ để chuyện sống ảo dần được hình thành. Từ đó dường như xuất hiện hai con người trong chúng ta, hai cá tính ảo và thực không liên quan đến nhau và có nhiều mặt đối lập hoàn toàn với nhau. Sống ảo trên mạng xã hội có thể bao gồm những hiện tượng như thường xuyên đăng ảnh khoe tiền, khoe đồ hiệu, khoe mối quan hệ, khoe bản thân trong khi thực tế đó chỉ là set up và hoàn toàn không giống vậy.

Đôi khi sống ảo còn là đắm đuối trong các mối quan hệ ảo, thậm chí các mối tình ảo mà bỏ quên các mối quan hệ thực sự bên ngoài. Những viễn cảnh cuộc sống viển vông, khác xa với cuộc sống thực tại đã ăn sâu vào tâm trí một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ và thật đáng quan ngại khi hầu hết ít bạn kiểm soát được. Sống ảo cũng giống như bỏ quên chính bản thân mình và những điều mình cần phát triển trong cuộc sống. Và thực sự là tôi thấy mình có hiện tượng đó.

viet thu quoc te lan thu 49

Viết thư quốc tế lần thứ 49 năm 2020

Tuổi trẻ có nhiều suy nghĩ bốc đồng, nông nổi của tuổi mới lớn, thiếu sự chín chắn; có khi chỉ với những lời khiển trách từ cha mẹ, thầy cô thì cả thế giới đã như sụp đổ. Và thế giới ảo là nơi tìm đến của những tâm hồn đang yếu đuối, suy sụp.

Lúc đầu, thế giới ảo chỉ là nơi những bạn trẻ tìm đến khi mỏi mệt, để giải tỏa nỗi lòng nhưng dần dần dựa dẫm, lệ thuộc vào nó, không dám đối diện với sự thật. Và như vậy thói quen sống ảo dần hình thành, chi phối cuộc sống không ít bạn trẻ.

Ngoài ra sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như con dao hai lưỡi, và khi giới trẻ luôn có sự hiếu kỳ, tò mò, thích khám phá cái mới thì rất dễ vội chạy đua vô thức theo những giá trị tinh thần mà không có sự kiểm soát của lý trí. Nhưng tôi chỉ lo một ngày thói quen sống ảo dần sẽ bao bọc như một vỏ kén vững chắc, và sẽ rất khó khăn để thoát khỏi cái vỏ kén vốn đã quen ấy. Như vậy nếu lý trí ngủ quên, thói quen sống ảo sẽ siết chặt dần tuổi trẻ, tương lai và cuộc đời chính cuộc đời của mỗi người.

Mây được mặt trời chiếu vào mới thành sáng. Suối được treo vào vách mới thành thác nước. Con người chúng ta cũng vậy, chỉ có sự cọ xát, tiếp xúc, va chạm với nhiều môi trường khác nhau mới lớn lên và trưởng thành được. Tôi hy vọng mình có thể mở lòng với cuộc đời thực, sống thật để trưởng thành hơn. Rồi bạn sẽ thấy thể giới ngoài kia dù nhiều khi làm bạn vấp ngã nhưng dẫu sao vẫn sinh động và thú vị hơn nhiều so với thế giới ảo.

Chúng ta cần rèn luyện cho mình một bản lĩnh sống thẳng thắn với hoàn cảnh và thân thế của mình.

Và khi bạn đọc bức thư này của tôi, tôi hy vọng bạn có thể nói với tôi rằng: "Bạn đã làm tốt lắm".
 

2. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 về chất lượng không khí AQI

Gửi thầy giáo Tiếng Anh

Đã lâu không gặp thầy giáo rồi. Dạo này thầy có khỏe không ạ? Thầy về nước một thời gian liệu có nhớ Việt Nam và cập nhật tin tức về Việt Nam thường xuyên không nhỉ?

Em chắc là có vì từ xưa đến nay thầy như có một sợi dây tình cảm với Việt Nam vậy. Trong các bài luận thầy giao thường đề cập tới những mặt văn hóa, đời sống, xã hội rất cụ thể của Việt Nam.

Nếu thầy đang dạy học ở Việt Nam em đoán thầy sẽ giao các bài luận về tình trạng chỉ số chất lượng không khí lên mức báo động nguy hiểm, vì thường thầy rất quan tâm đến vấn đề môi trường.

Mấy ngày gần đây nếu thầy check trên mạng thì sẽ thấy chỉ số chất lượng không khí ở Việt Nam thường xuyên lên mức báo động tím, mức ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

Thực ra trước hết phải nói rằng em vẫn cảm thấy may khi ngày nay có nhiều hệ thống quan trắc chất lượng không khí để chúng ta biết được thực trạng và có biện pháp đối phó tức thời.

Ví dụ như chúng ta có thể chuẩn bị sẵn khẩu trang chống bụi mịn để đeo khi thấy chỉ số chất lượng không khí lên mức báo động, hay hạn chế ra ngoài những lúc ấy.

Tuy nhiên về căn bản Việt Nam và các thành phố hứng chịu không khí ô nhiễm thường xuyên cần có những giải pháp căn cơ để hạn chế sự nguy hại này.

viet thu upu lan thu 49 nam 2020

Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49 năm 2020 về chủ đề chất lượng không khí AQI

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là thước đo đơn giản hóa mức độ ô nhiễm không khí. AQI cao là do sự gia tăng khí thải, ví dụ như vào giờ cao điểm, phương tiện giao thông đi lại nhiều, hoặc khi có cháy rừng, hoặc không khí ô nhiễm không thoát ra khỏi một vị trí xác định nào đó.

Đó còn là do không khí ứ đọng gây ra bởi hiện tượng xoáy nghịch, nghịch nhiệt, hay gió thổi chậm...

Trong những thời kỳ mà tình trạng không khí cực kì kém, khi AQI cao đến mức phơi nhiễm cấp tính có thể gây ra tác hại nặng nề cho sức khỏe cộng đồng, nhất là những người thuộc nhóm nhạy cảm chẳng hạn như người già, trẻ em và những người có tiền sử hô hấp hoặc tim mạch...

Vậy nên em nghĩ các cơ quan chức năng sẽ cần có những kế hoạch cụ thể, chẳng hạn như giảm thiểu nguồn phát khí thải lớn như các nhà máy, công xưởng, công trường xây dựng để giảm lượng khí thải cho đến khi sự độc hại giảm bớt.

Hoặc chúng ta sẽ cần một phong trào kêu gọi và tạo điều kiện cho mọi người sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn...

Khi nào trở lại Việt Nam hy vọng thầy sẽ lại cùng tham gia các phong trào vì môi trường xanh, và chủ đề thời gian tới chắc hẳn sẽ tập trung một chút vào chất lượng không khí.

Ở Việt Nam cũng cần kinh nghiệm của các nước đã làm những gì nữa thầy giáo ạ.

Hẹn sớm gặp lại thầy.

 

3. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 về mặt trái của công nghệ

bai mau viet thu upu lan thu 49

Viết thư UPU năm 2020

Ông già Noel kính mến

Trước nay cháu đều viết thư cho ông trước mùa Giáng sinh để xin quà, và bằng một cách nào đó đều nhận được món quà mình mong muốn. Năm nay thì cháu sẽ không xin quà nữa ông ạ, dù cháu đang rất thích có một chiếc iPad.

Bởi, nếu nghĩ kỹ thì iPad cũng chỉ để chơi game, xem phim... Cháu đã có một chiếc điện thoại tạm đủ dùng để vui chơi giải trí những lúc rảnh thời gian. Và quan trọng là cháu không muốn cuộc sống của mình bị lệ thuộc vào máy móc, công nghệ.

Ông biết không, công nghệ đang hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống và đem đến cho con người những lợi ích không thể phủ nhận. Nhờ có công nghệ mà cuộc sống ngày một tốt hơn, sức lao động được tiết kiệm… Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực cũng xuất hiện khi sự lệ thuộc vào công nghệ trở nên quá cao.

Đôi khi vì có điện thoại thông minh quá tiện ích mà người ta trở nên lười vận động, những mối quan hệ cũng trở nên lạnh lùng, khô cứng khi đa số lựa chọn việc duy trì việc gặp gỡ, trò chuyện, quan tâm chỉ qua những lời nhắn bằng mạng xã hội.

Nhiều khi ông sẽ thấy trong các cuộc gặp gỡ bạn bè, hay thậm chí trong cả những bữa cơm gia đình, thì các thành viên không nói chuyện, hỏi han, tán gẫu với nhau, mà mỗi người đều cầm một chiếc điện thoại và chìm đắm vào thế giới của riêng mình.

Hơn nữa cháu cũng có em và không muốn trở thành tấm gương về sự lệ thuộc vào điện thoại, iPad. Ai cũng biết ngồi quá nhiều trước máy tính, điện thoại mà ít hoạt động thì cơ thể con người trở nên nặng nề, ì ạch, dễ mắc các căn bệnh về mắt, tay, đốt sống, tim mạch...

Đó là chưa kể, thời đại Internet toàn cầu cũng có thể khiến cho bộ phận giới trẻ, học sinh, sinh viên tiếp xúc với những văn hóa phẩm thiếu lành mạnh, không đúng lứa tuổi; những bài tuyên truyền, xuyên tạc từ các đối tượng xấu mà ta khó kiểm soát.

Vì thế ông già Noel ạ, năm nay cháu sẽ không xin quà đâu. Điều cháu mong muốn nhất lúc này là niềm an vui, hạnh phúc đích thực của mỗi người thân trong gia đình.

Và cháu cũng chúc ông có thật nhiều niềm vui trong mùa Giáng sinh ông nhé.
 

4.  Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 về mặt trái của mạng xã hội Facebook

Chú Mark Zuckerberg kính mến

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất của thời đại ngày nay đó là cháu có thể gửi những thông điệp của mình cho chú ngay trên Facebook, nền tảng mạng xã hội mà chú cùng các cộng sự đã xây dựng lên.

Dù vậy cháu vẫn muốn gửi một bức thư ngỏ truyền thống đến với chú để chia sẻ góc nhìn từ phía người dùng, cũng là cách để chúng ta cùng trân trọng những giá trị căn bản của cuộc sống.

Điều cháu muốn chia sẻ đầu tiên là hiện tượng "nghiện Facebook", vấn nạn cần phải kiềm chế và điều chỉnh, bởi nó gây ra nhiều hậu quả không đáng có. Với chú nếu nghe thấy chuyện này chắc hẳn cũng có chút tự hào với mạng xã hội mình tạo ra, nhưng thực tế Facebook có thể cần định hướng để giảm thiểu hậu quả của chính hiện tượng "nghiện Facebook" vì sự phát triển bền vững.

Facebook là mạng lưới xã hội, nơi trò chuyện, thư giãn, giải trí, chia sẻ, thổ lộ tâm trạng, cập nhật thông tin. Có thể nói Facebook chính là một thế giới mới, ở đó chúng ta tha hồ trò chuyện, chát chít, thậm chí cũng có rất nhiều người nổi tiếng được biết đến thông qua hệ thống mạng lưới này.

cuoc thi viet thu upu lan thu 49 nam 2020

Hướng dẫn viết thư UPU lần thứ 49

Facebook cũng chính là một trong những hình thức giải trí và nhiều bạn trẻ tìm đến để giải tỏa căng thăng, tìm sự đồng cảm, chia sẻ cảm xúc với những người xung quanh. Nó khiến cho chúng ta có thể biết được tâm trạng, cảm xúc của những người xung quanh mình mà không cần gặp gỡ. Thật đơn giản và tiện ích.

Tuy nhiên Facebook lại là mạng lưới dễ gây nghiện đối với người dùng nếu như không biết kiểm soát thời gian, kiểm soát bản thân.

Nhiều người hiện nay đã giành thời gian quá đà để lướt Facebook mỗi ngày: đi học cũng Face, đi làm cũng Face, đi chơi với bạn bè cũng Face, ngồi với bố mẹ được một lúc cũng chụp ảnh up Face. Hình như thiếu đi Facebook nhiều người cảm thấy cuộc sống thực tẻ nhạt và vô vị vô cùng.

Nhiều học sinh cấp 2, cấp 3 hiện nay cũng đang bị lôi cuốn vào Facebook. Chiếc điện thoại là vật bất di thân và các bạn dành thời gian vào đó quá nhiều. Điều quan trọng là vì thế thời gian cho học hành của các bạn ít đi.

Rồi nhiều khi người ta cứ tưởng danh sách bạn bè có tới mấy nghìn người bạn là ghê gớm nhưng lại không biết rằng mình đang thu hẹp rất nhiều mối quan hệ xung quanh mình.

Những mối quan hệ thân thiết bình thường trở nên dãn ra, không gian giành cho bạn bè cũng không có, thời gian học hành của những bạn học sinh như cháu cũng bị gián đoạn và tâm trí của bạn cũng dần mất dần cảm xúc vì những thứ "ảo".

Thêm vào đó trên Facebook nhiều người có thể đăng những hình ảnh nội dung không lành mạnh chỉ với mục đích là được chú ý, hay dùng những lời nói không văn minh.

Rồi trên mạng còn thường xuyên diễn ra các kiểu lừa đảo mà nhiều người sẽ dễ mắc bẫy nếu thiếu tỉnh táo. Nhiều cô bác đã bị mất tiền khi nghe theo tin nhắn trúng thưởng trên Facebook, có khi lại mất cả chục triệu vì tưởng rằng đang chuyển tiền cho người thân mà không biết rằng tài khoản đó đã bị hack.

Những vụ việc liên quan đến thông tin cá nhân người dùng Facebook thì vẫn thường xuyên gây rung động dữ luận.

Nhìn chung Facebook tồn tại khá nhiều vấn đề trong sự phát triển đột phá của mình, đó là góc nhìn của cháu cùng rất nhiều người. Và như đã nói đến ở trên thì cháu hy vọng Facebook luôn chuẩn bị giải pháp tốt vì sự phát triển bền vững của xã hội cũng như của mạng xã hội này.

Thân gửi!

Đỗ Mỹ Linh
 

5. Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 về an ninh mạng

viet thu upu lan thu 49

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 về chủ đề an ninh mạng

Kính gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres

Bình thường một học sinh cấp 2 như cháu chắc chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện viết thư cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Nhưng lần này vì có cuộc thi viết thư quốc tế nên cháu cũng sẽ thử cố gắng đóng góp ý kiến về một vấn đề chung của toàn thế giới.

Hiện nay cháu vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng học khá tốt môn tin học và đang định hướng để học theo chuyên ngành an ninh mạng. Và cũng vì thế mà cháu khá quan tâm đến tình hình an ninh mạng khắp nơi trên thế giới.

Rất nhiều chuyên gia đã chung nhận định rằng tội phạm công nghệ cao đang ngày càng trở nên tinh vi, tấn công với quy mô rộng và gây thiệt hại lớn ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, xã hội của các quốc gia. Hơn thế, nguy cơ chiến tranh mạng đang hiện hữu trong đó có những tác động trực tiếp đến sinh mạng con người.

Năm 2015, tin tặc tấn công vào hệ thống điện lưới của Ucraina gây mất điện cục bộ, ảnh hưởng đến trăm nghìn người dân; đó được ghi nhận là cuộc tấn công mạng thành công đầu tiên làm ảnh hưởng được đến lưới điện. Hàn Quốc cũng thường xuyên ghi nhận những cuộc tấn công vào hệ thống điện hạt nhân, đường sắt...

Trong khi đó những cuộc tấn công quy mô toàn cầu khác vẫn thỉnh thoảng gây chấn động thế giới, ví dụ như vụ mã độc tống tiền WannaCry đã cho thấy mức độ hậu quả mà dạng mã độc này có thể gây ra.

Ở đất nước của cháu cách đây vài năm cũng xảy ra vụ tấn công mạng vào hệ thống thông tin của các sân nay lớn, khiến mọi người không còn coi nhẹ vấn đề này được nữa.

Động cơ của các cuộc tấn công mạng thường là để lấy cắp thông tin; quấy phá, làm hư hại hình ảnh của các quốc gia, tổ chức; hoặc để kiếm tiền...

Mặc dù vấn đề này đã được cảnh báo nhiều năm trở lại đây, nhưng đúng là thật khó để sớm cải thiện tình hình. Mục tiêu an ninh mạng dường như đang đòi hỏi phải có sự chung tay, thống nhất của các quốc gia.

Trong khi đó nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thông tin cũng chưa được quan tâm đúng mức ở nhiều quốc gia, bao gồm việc đào tạo phổ biến kiến thức cho thế hệ trẻ, vì thế rất cần sự hỗ trợ từ phía Liên hợp quốc.

Hy vọng trong thời gian tới Liên hợp quốc sẽ có những hoạt động cụ thể, những hiệp ước hay bản thỏa thuận được ký kết để đẩy lùi được cuộc khủng hoảng an ninh mạng hiện nay.

Thân gửi!

Hoàng Thùy

Trên đây là 5 bài mẫu cho cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 49, bên cạnh đó để nâng cao kĩ năng viết thư của mình, các em có thể tham khảo thêm một số bài mẫu khác như:  Viết thư về chất lượng không khí AQI, Bài dự thi tìm hiểu 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, Bài mẫu cuộc thi viết thư UPUBài dự thi tìm hiểu về biên giới và Bộ đội Biên phòng.


Liên kết tải về - [1MB]

Bấm vào [Link File] để tải về phần mềm, hoặc tải phiên bản phù hợp phía dưới

Liên kết dự phòng:
Các phiên bản khác



Bài viết liên quan

 Thông tin giới thiệu, hướng dẫn sử dụng phần mềm Viết thư UPU lần thứ 49 được biên soạn nhằm giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, việc daoloat viết thư upu lần thứ 49 là hoàn toàn miễn phí, bạn có thể chi tiết nội dung tại mục "Điều khoản".

Các phiên bảnHướng dẫn

   Tải về

Viết thư UPU lần thứ 49 File PDF


Phần mềm Liên quan & Tương tự
Top download
  1. Đang tổng hợp...
Bấm vào file dưới
Để cài phần mềm