download Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 năm 2022-2023

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10

 năm 2022-2023

Download Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 - Đề kiểm tra lớp 10 môn Ngữ Văn có đáp án

Nguyễn Cảnh Nam  cập nhật: 24/12/2022

Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 được Taimienphi.vn đăng tải dưới đây làm tài liệu ôn tập cho các em học sinh lớp 10 trước kì thi hết học kì 1 sắp tới. Toàn bộ các đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 đều là những đề thi chính thức của các trường THPT trên cả nước vì thế các em học sinh hoàn toàn yên tâm tham khảo.


Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 có đáp án kèm theo rất chi tiết vì thế các em học sinh hoàn toàn có thể chủ động sắp xếp thời gian ôn tập ngay tại nhà. Qua kết quả bài làm, các em cũng xác định được chính xác nhất lực học của mình để từ đó xây dựng cho mình kế hoạch học tập, ôn thi môn Ngữ văn sao cho phù hợp nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn trên lớp và đạt được kết quả cao trong kì thi hết học kì 1 sắp tới.

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10

I. Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 số 1:

* Phần đề thi:

I. Phần Đọc hiểu: (3,0 điểm)

Đọc bài ca dao sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

MƯỜI CÁI TRỨNG

Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn
Đi vay đi dạm, được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái
Về nuôi ba tháng; hắn đẻ ra mười trứng
Một trứng: ung, hai trứng: ung, ba trứng: ung,
Bốn trứng: ung, năm trứng: ung, sáu trứng: ung,
Bảy trứng: cũng ung
Còn ba trứng nở ra ba con
Con diều tha
Con quạ quắp
Con mặt cắt xơi
Chớ than phận khó ai ơi!
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây

(Ca dao Bình Trị Thiên)

Câu 1: Chỉ ra một biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong các câu ca dao sau:

Một trứng: ung, hai trứng: ung, ba trứng: ung,
Bốn trứng: ung, năm trứng: ung, sáu trứng: ung,
Bảy trứng: cũng ung

Câu 2: Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật vừa chỉ ra ở câu 1.

Câu 3: Nêu nội dung của hai câu ca dao: Chớ than phận khó ai ơi!/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây?

Câu 4: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về thông điệp được gợi ra từ hai câu ca dao sau (viết khoảng 6 đến 8 dòng):

Chớ than phận khó ai ơi!
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây

II. Phần Làm văn: (7,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão.

 

* Hướng dẫn chấm điểm đề số 1:

I. Đọc Hiểu (3đ)

1. Liệt kê/lặp từ/ lặp cấu trúc ngữ pháp (cú pháp)/tăng cấp (tăng tiến)/ẩn dụ...

(HS có thể kể một trong các biện pháp tu từ trên)

2. - Tác dụng của liệt kê, lặp từ, lặp câu trúc, tăng cấp: Liệt kê và nhấn mạnh nỗi khổ của người lao động xưa.

- Biện pháp ẩn dụ: "Trứng ung" – những mất mát liên miên xảy ra đối người lao động.

=> Hình ảnh tượng trưng về nỗi khổ của người lao động xưa.

(HS có thể chọn một biện pháp nghệ thuật, chỉ ra biện pháp nghệ thuật đó và nêu đúng tác dụng).

3. - Câu ca dao là lời tự động viên mình của người lao động xưa.

- Là lời nhắn nhủ mọi người hãy luôn lạc quan, tin tưởng dù cuộc sống còn nhiều khó khăn.

(HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng vẫn đảm bảo một trong hai nội dung trên)

4. - Nội dung: HS có thể nói về một trong các thông điệp sau:

  • Tinh thần lạc quan trong cuộc sống;
  • Biết chấp nhận khó khăn để tìm cách vượt qua...

- Hình thức:

  • Khoảng 6 – 8 dòng (có thể hơn hoặc kém 1 dòng),
  • Đúng chính tả, ngữ pháp.

(HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo thể hiện suy nghĩ sâu sắc, chân thành, tích cực về một thông điệp gợi ra từ câu ca dao)

II. Phần Tập làm văn (3đ)

HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các yêu cầu sau:

1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề nghị luận, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. (0,25)

2. Xác định được vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận bài thơ Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão. (0,25)

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

a. Mở bài (0,5)

  • Giới thiệu tác giả Phạm Ngũ Lão; giới thiệu tác phẩm: Tỏ lòng (Thuật hoài).
  • Nêu vấn đề nghị luận: Bài thơ Tỏ lòng.

b. Thân bài

  • Sơ lược về nhà Trần (0,5)
    • Trong các triều đại phong kiến nhà Trần là triều đại để lại nhiều dấu ấn lịch sử đáng ghi nhớ nhất.
    • Thời đại ấy hun đúc nên những con người vĩ đại và trở lại, con người lại làm vẻ vang cho thời đại sản sinh ra mình.
  • Nội dung:
    • Vẻ đẹp con người: (3,0)
      • Hình tượng con người kì vĩ (Hai câu đầu).
      • Vẻ đẹp tư tưởng nhân cách (Hai câu sau).
    • Vẻ đẹp thời đại (HS có thể trình bày lồng vào vẻ đẹp con người) (1,0)
      • Chân dung thời đại được phản ánh qua hình tượng con người trung tâm.
      • Hình ảnh con người trầm tư suy nghĩ về ý chí lí tưởng, hoài bão của mình là sự khúc xạ tuyệt đẹp của chân dung thời đại.
  • Nghệ thuật: (0,5)
    • Thể thơ thất ngôn tư tuyệt Đường luật ngắn gọn, đạt tới độ súc tích cao.
    • Từ ngữ hình ảnh to lớn để miêu tả tầm vóc của con người thời đại nhà Trần.

c. Kết bài: Nhận xét đánh giá: Con người và thời đại nhà Trần (Thời đại Đông A) thật gần gũi, đẹp đẽ. (0.5)

4. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. (0,25)

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu trong tiếng Việt. (0,25)

 

II. Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 số 2:

* Phần đề thi:

Câu 1 (4,0 điểm)

Cho đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu

a.(1đ) Hãy xác định tên bài thơ, tên tác giả trong đoạn thơ trên?

b. (1đ) Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật và nêu tác dụng của các biện pháp nghệ thuật trong câu thơ sau: Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

c. (2đ) Từ hai câu thơ sau:

Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu

Viết một đoạn văn ngắn (10 đến 15 câu) suy nghĩ của em về lí tưởng sống của thanh niên trong xã hội hiện nay.

Câu 2 (6,0 điểm)

Cảm nhận của em về bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới số 43) của Nguyễn Trãi.

* Hướng dẫn chấm đề số 2:

Câu 1 (4,0 điểm)

a. - Tên bài thơ: Tỏ lòng (Thuật hoài) (0,5đ)

- Tên tác giả: Phạm Ngũ Lão (0,5đ)

b. - NT: so sánh, phóng đại: ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu. (0,25đ)

- Tác dụng: (0,75đ)

  • Cụ thể hoá sức mạnh vật chất
  • Khái quát hoá sức mạnh tinh thần

-> Hình ảnh quân đội nhà Trần hiện lên sôi sục khí thế quyết chiến quyết thắng, đó là sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta.
(HS diễn đạt thêm)

c. HS viết thành đoạn văn và phải đảm bảo nội dung sau:

  • Chí làm trai trong hai câu thơ: (1,0đ)

"Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu"

  • Sống có trách nhiệm, hy sinh vì nghĩa lớn.
  • Khát vọng đem tài trí để tận trung báo quốc, đó là lẽ sống lớn của một con người đầy tài năng và hoài bão.
  • Lí tưởng sống của thanh niên trong xã hội hiện nay: (1,0đ)
    • Vai trò của tầng lớp thanh niên có lí tưởng trong đời sống cá nhân, xã hội?
    • Lẽ sống, niềm tin và những đóng góp của thanh niên hiện nay?
    • Những kì vọng của gia đình và xã hội.

Câu 2 (6,0 điểm) Phân tích bài thơ "Cảnh ngày hè" (Bảo kính cảnh giới số 43) của Nguyễn Trãi.

1. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Biết cách làm bài văn nghị luận văn học về một tác phẩm thơ
  • Bố cục 3 phần rõ ràng
  • Lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

2. Yêu cầu về kiến thức:

Trên cơ sở kiến thức về nhà văn, về tác phẩm, thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cơ bản nêu được các ý sau:

1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: (0,5đ)

  • Nguyễn Trãi là nhà thơ lớn của dân tộc, để lại nhiều sáng tác có giá trị.
  • Bài Cảnh ngày hè là bài thơ tiêu biểu trong tập Quốc âm thi tập, bài thơ là bức tranh thiên nhiên sinh động ngày hè và nổi bật lên là vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi trong bài thơ: yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và tấm lòng yêu nước thiết tha, cháy bỏng.

2. * Bức tranh thiên nhiên ngày hè:

  • Với tình yêu thiên nhiên nồng nàn, cùng với tâm hồn tinh tế, nhạy cảm tác giả đã đón nhận thiên nhiên bằng các giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác... (1,0đ)
    • Các hình ảnh: hoa hòe, thạch lựu, hoa sen.
    • Âm thanh: tiếng ve.
    • Mùi hương: của hoa sen.
  • Nghệ thuật: (1,0đ)
    • Các động từ: đùn đùn, phun + tính từ tiễn.
    • Hình ảnh gần gũi, dân dã với cuộc sống.

-> Nhận xét: Bức tranh chân thực mang nét đặc trưng của mùa hè ở thôn quê, kết hợp hài hòa đường nét và màu sắc. Bức tranh thiên nhiên sinh động, tràn đầy sức sống (nguồn sống ấy được tạo ra từ sự thôi thúc tự bên trong, đang ứ căng, tràn đầy trong lòng thiên nhiên vạn vật, khiến chúng phải "giương lên", "phun" ra hết lớp này đến lớp khác. (0,5đ)

* Bức tranh cuộc sống sinh hoạt và tấm lòng với dân, với nước.

  • Hướng về cuộc sống lao động, cuộc sống sinh hoạt của nhân dân: (0,25đ)
    • Hình ảnh: chợ cá làng ngư phủ –> cuộc sống tâp nập, đông vui, ồn ào, no đủ. (0,5đ)
    • Âm thanh: lao xao –> Từ xa vọng lại, lắng nghe âm thanh của cuộc sống, quan tâm tới cuộc sống của nhân dân. (0,25đ)

-> Bức tranh miêu tả cuối ngày nhưng không gợi cảm giác ảm đạm. Bởi ngày sắp tàn nhưng cuộc sống không ngừng lại, thiên nhiên vẫn vận động với cuộc sống dồi dào, mãnh liệt, bức tranh thiên nhiên vẫn rộn rã những âm thanh tươi vui. (0,25đ)

  • Mong ước khát vọng cho nhân dân khắp mọi nơi đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc: (0,25đ)
    • Ước muốn có chiếc đàn của vua Thuấn để gẩy lên khúc nam phong ca ngợi cuộc sống no đủ của nhân dân. Tấm lòng ưu ái với nước. (0,5đ)
    • Câu cuối: câu lục ngôn ngắt nhịp 3/3 âm hưởng đều đặn đã thể hiện khát vọng mạnh mẽ của Nguyễn Trãi (0,25đ)

3. Bài thơ cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi - người anh hùng dân tộc: yêu thiên nhiên và luôn nặng lòng với dân với nước. (0,5đ)

 

III. Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 số 3:

* Phần đề thi:

I. ĐỌC HIỂU: (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi tảo tần. Mồ hôi rơi trên những cánh đồng cho lúa thêm hạt. Mồ hôi rơi trên những công trường cho những ngôi nhà thành hình, thành khối. Mồ hôi rơi trên những con đường nơi rẻo cao Tổ quốc của những thầy cô trong mùa nắng để nuôi ước mơ cho các em thơ. Mồ hôi rơi trên thao trường đầy nắng gió của những người lính để giữ mãi yên bình và màu xanh cho Tổ quốc.

(Nguồn http://vietbao.vn ngày 9-5-2014)

1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? (0.5 điểm)

2. Biện pháp tu từ nào được sử dụng chủ yếu trong văn bản trên? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó. (1.0 điểm)

3. Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến đối tượng nào trong cuộc sống (1.0 điểm)

4. Đặt nhan đề cho văn bản trên. (0.5 điểm)

II. LÀM VĂN: (7 điểm)

Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một trong những câu chuyện có sức hấp dẫn được lưu truyền trong dân gian về buổi đầu của lịch sử dân tộc – một câu chuyện vừa mang nét hiện thực vừa mang nét huyền thoại thời Âu Lạc.

Hãy hóa thân thành An Dương Vương kể lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ (có thể thay đổi một số tình tiết ở đoạn cuối câu chuyện).

---------HẾT----------

* Hướng dẫn chấm điểm đề 3:

I- ĐỌC HIỂU: (3 điểm)

Câu 1: (0.5 điểm)

- Phong cách ngôn ngữ Báo chí

Câu 2: (1 điểm):

- Biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất trong văn bản trên là phép điệp cấu trúc câu (Mồ hôi rơi). (0.5 điểm)

- Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó là nhấn mạnh tình yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi của con người. (0.5 điểm)

Câu 3: (1 điểm)

Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến những người nông dân, công nhân trong cuộc sống.

Câu 4: (0.5 điểm)

Nhan đề của văn bản: Yêu Tổ quốc, hoặc Tổ quốc của tôi.

II. LÀM VĂN: (7 điểm)

1- Yêu cầu về kĩ năng:

- HS vận dụng kĩ năng kể chuyện sáng tạo. Người kể phải xưng ngôi thứ nhất (tôi), khác với văn bản trong SGK, câu chuyện được kể bằng ngôi thứ ba.

- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2- Yêu cầu về kiến thức:

- Chọn lọc được những chi tiết và sự việc tiêu biểu của truyện.

- Có thể thay đổi một vài tình tiết nhưng phải đảm bảo tôn trọng cốt lõi lịch sử và không làm mất đi bài học giáo dục của truyện

- Biết kết hợp yếu tố biểu cảm để lời kể thêm sinh động và hấp dẫn.

3- Biểu điểm:

- Điểm 6-7: Nắm vững cốt truyện, chuyện kể có sáng tạo. Diễn đạt trong sáng, bố cục mạch lạc.

- Điểm 4-5-: Nắm vững cốt truyện, chuyện kể có sáng tạo nhưng chưa kết hợp được yếu tố biểu cảm. Văn viết trôi chảy, có thể sai một vài lỗi chính tả, diễn đạt.

- Điểm 2-3 : Chuyện kể thiếu sáng tạo, mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Điểm 1: Không nắm vững cốt truyện, bài viết lan man; mắc rất nhiều lỗi về diễn đạt.

- Điểm 0: Lạc đề hoặc bỏ giấy trắng.

IV. Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 số 4:

* Phần đề thi:

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

(1) Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng “đàn kêu tích tịch tình tang…”
Có cô Tấm náu mình trong quả thị,
Có người em may túi đúng ba gang.

(2) Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu
Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa trả thù chung.
Ông Lê Lợi đã trường kỳ kháng chiến,
Hưng Đạo Vương đã mở hội Diên Hồng.

(3) Quê hương tôi có hát xòe, hát đúm,
Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo.
Có Nguyễn Trãi, có “Bình Ngô đại cáo”.
Có Nguyễn Du và có một “Truyện Kiều”.
(Trích Bài thơ quê hương- Nguyễn Bính)

Câu 1: Xác định các phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên là gì?

Câu 2: Hãy chỉ ra: ba truyện cổ tích được gợi nhớ trong khổ (1) và những sự kiện lịch sử được gợi nhớ trong khổ (2).

Câu 3: Xác định và nêu hiệu quả của hai trong trong số các biện pháp nghệ thuật của đoạn thơ.

Câu 4: Anh (chị) có nhận xét gì về tình cảm của tác giả đối với những di sản tinh thần của dân tộc thể hiện qua khổ (3).

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:

… (1) Vậy tìm hứng thú học văn ở đâu?

Trước hết, cần tìm ngay ở môn Ngữ văn, một môn học rất hay. Văn chính là môn học chứa đựng và truyền tải đi những thông điệp của tình cảm, cảm xúc đẹp ở con người. Học văn sẽ giúp các em hiểu hơn về những điều đáng quý, đáng yêu trong cuộc sống, biết yêu những con người bình dị xung quanh.

(2) Môn Văn ở bất cứ nước nào cũng được coi là môn học làm người. Tôi nhớ khi còn đi học, vào ngày tựu trường, mẹ tôi cũng dắt tay tôi đến trường, lúc đó tôi không biết gọi cảm xúc lòng mình đang có là gì, chỉ đến khi cô giáo của tôi đọc một đoạn trong bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, tôi mới hiểu được cái hơi thu se lạnh, cái siết tay nắm chặt của mẹ và cảm giác vừa hân hoan vừa lo sợ của tôi,… Nếu không có áng văn đó chắc phải lâu lắm tôi mới hiểu được những tình cảm và cảm xúc tốt đẹp ngây thơ khi còn nhỏ dại.

(3) Cùng những tình cảm đẹp mà các em học được từ những áng văn hay, kết hợp với suy nghĩ trong sáng, học Văn sẽ kích thích trí tưởng tượng của các em, khiến các em biết ước mơ, biết hi vọng. Có ước mơ các em sẽ lớn lên và trưởng thành. Chính sự lớn lên và trưởng thành đó sẽ tặng các em hứng thú học Văn.

(Trích Tìm hứng thú học Văn, Phong Thu, Tạp chí Văn học và tuổi trẻ, Số 2, Nxb GD, 2015)

Câu 5: Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên.

Câu 6: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn.

Câu 7: Học văn sẽ giúp các em hiểu hơn về những điều đáng quý, đáng yêu trong cuộc sống, biết yêu những con người bình dị xung quanh, […] học Văn sẽ kích thích trí tưởng tượng của các em, khiến các em biết ước mơ, biết hi vọng. Có ước mơ các em sẽ lớn lên và trưởng thành.

Anh (chị) hãy cho biết quan điểm trên của tác giả là nhằm khẳng định điều gì?

Câu 8: Khi có hứng thú học Văn, anh (chị) sẽ rút ra được điều bổ ích nào cho bản thân? (Trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng).

II. PHẦN LÀM VĂN (6,0 điểm)

Về hình ảnh ngọc trai – giếng nước trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, có ý kiến cho rằng: Đó là biểu tượng của tình yêu chung thủy giữa Mị Châu và Trọng Thủy. Ý kiến khác lại nhấn mạnh: Đó là sự hóa giải một nỗi oan tình.

Từ việc cảm nhận về hình ảnh ngọc trai – giếng nước, anh (chị) hãy bình luận các ý kiến trên.

------------- Hết------------

* Hướng dẫn chấm điểm đề 4:

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Câu 1: Các phương thức biểu đạt của đoạn thơ: phương thức tự sự, miêu tả, biểu cảm. (0,25 điểm)

Câu 2:

- Ba truyện cổ tích được gợi nhớ trong khổ (1): Thạch Sanh, Tấm Cám, Cây khế.(0,25 điểm)

- Những sự kiện lịch sử được gợi nhớ trong khổ (2): Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Khởi nghĩa Bà Triệu; Khởi nghĩa Lam Sơn; Hội nghị Diên Hồng.(0,25 điểm)

Câu 3: Chỉ ra được hai biện pháp nghệ thuật (điệp ngữ, liệt kê,…) và nêu được tác dụng của chúng (tình cảm của tác giả đối với những di sản tinh thần của dân tộc). (0,5 điểm)

Câu 4: Tình cảm của tác giả với những di sản tinh thần của dân tộc: yêu mến, trân trọng, thể hiện qua cách khẳng định bằng điệp ngữ “quê hương tôi”, qua giọng điệu say sưa, tự hào. (0,75 điểm)

Câu 5: Câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích: Vậy tìm hứng thú học văn ở đâu?(0,25 điểm)

Câu 6: Phương thức biểu đạt chính của đoạn: phương thức tự sự.(0,25 điểm)

Câu 7: Học văn sẽ giúp các em hiểu hơn về những điều đáng quý, đáng yêu trong cuộc sống, biết yêu những con người bình dị xung quanh, […] học Văn sẽ kích thích trí tưởng tượng của các em, khiến các em biết ước mơ, biết hi vọng. Có ước mơ các em sẽ lớn lên và trưởng thành.

Tác giả muốn khẳng định: tầm quan trọng, tác động của việc học văn đối với tình cảm, nhận thức con người; đồng thời đó cũng là động lực để tạo nên niềm hứng thú học văn. (0,75 điểm)

Câu 8: Câu trả lời phải chặt chẽ, thuyết phục, thể hiện nhận thức tích cực của người học. (0,75 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (6,0 điểm)

1. Mở bài (0,5 điểm)

- Giới thiệu về thể loại truyền thuyết.

- Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy.

- Trích dẫn ý kiến đánh giá về hình ảnh ngọc trai – giếng nước.

2. Thân bài (5,0 điểm)

2.1 Giải thích (1,0 điểm)

- Ý kiến thứ nhất: Thủy là khởi nguồn, bắt đầu; Chung là cuối, kết thúc. Người ta dùng khái niệm tình yêu chung thủy để chỉ sự không thay đổi, trước sao sau vậy và đặc biệt dùng để miêu tả tính chất đẹp đẽ của mối quan hệ, sự gắn kết vợ chồng. Ý kiến ca ngợi mối tình chung thủy giữa Mị Châu và Trọng Thủy.

- Ý kiến thứ hai: oan là bị hiểu lầm, bị nhìn sai, bị đánh giá không đúng, bị phê phán bất công, bị nhận định thiên lệch... và cuối cùng mang chịu kết luận, phán quyết không hợp với công lý và nhân bản. Ý kiến nhấn mạnh đến sự hóa giải nỗi oan tình giữa Mị Châu và Trọng Thủy.

2.2 Cảm nhận về hình ảnh ngọc trai – giếng nước(4,0 điểm)

- Vị trí: hình ảnh ngọc trai – giếng nước là hình ảnh khép lại truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy. (0,25 điểm)

- Cơ sở sự xuất hiện hình ảnh “ngọc trai – giếng nước”:(0,5 điểm)

+ Hình ảnh ngọc trai xuất hiện bởi lời khấn nguyện của Mị Châu trước khi chết: Nàng mong được người đời minh oan cho tấm lòng yêu nước nhưng nhẹ dạ, ngây thơ của mình.

+ Giếng nước vốn có ở Loa Thành từ trước. Sau khi Mị Châu chết, Trọng Thủy thương tiếc khôn cùng, khi đi tắm tưởng như thấy bóng dáng Mị Châu, bèn lao đầu xuống giếng mà chết.

+ Ngọc trai – giếng nước trở thành cặp hình ảnh sóng đôi trong truyện: Người đời sau mò được ngọc ở biển Đông, lấy nước giếng này mà rửa thì thấy trong sáng thêm.

- Ý nghĩa của hình ảnh “ngọc trai – giếng nước”: (2,0 điểm)

+ Ngọc trai là sự hóa thân của Mị Châu, như một sự chứng nhận rằng Mị Châu không chủ ý dối cha và bán nước. Nàng vì ngây thơ, nhẹ dạ nên đã vô tình nối giáo cho giặc, đẩy trăm họ vào cảnh lầm than. Trước khi chết, Mị châu đã kịp nhận ra mình bị lừa dối và kẻ đó chính là chồng mình người mà nàng tin tưởng nhất. Nàng cũng đã ý thực được tội lỗi nặng nề của mình. Nàng không xin tha chết, chỉ xin được hoá thân để rửa sạch mối nhục thù. Sự nhẹ dạ đó của Mị Châu phải trả giá không chỉ bằng sinh mạng nàng mà bằng cả máu của cả dân tộc. Vì thế, nếu có kiếp sau, Mị Châu chắc không thể tiếp tục mù quáng chung tình với một tên lừa dối như Trọng Thủy. Mặc dù tâm hồn nàng được xá tội nhưng lịch sử vẫn nghiêm khắc phán xét nàng, và từ lỗi lầm của nàng mà nhắc nhở con cháu, trai – gái các thể hệ muôn đời sau bài học cảnh giác với kẻ thù, mối quan hệ giữa cái chung – cái riêng, giữa tình nhà – nợ nước.

+ Trọng Thủy cũng đã nhận ra sai lầm của mình: những tưởng vừa thực hiện được yêu cầu của cha vừa giữ được tình yêu. Nhưng hạnh phúc tình yêu không thể tồn tại song song cùng chiến tranh xâm lược. Khi ôm xác Mị Châu không đầu bên bờ biển, Trọng Thủy mới ý thức được tất cả mất mát và tình yêu mà hắn đã dành cho vợ. Hành động lao đầu xuống giếng mà chết là một tất yếu, một kết cục không thể khác. Hắn chết vì khủng hoảng trong nhận thức và tình cảm.

+ Vì thế, nếu hình ảnh ngọc trai - giếng nước tượng trưng cho sự gặp lại của hai người ở kiếp sau chứng tỏ những mâu thuẫn trong lòng Trọng Thủy, những đau đớn, ân hận, tội lỗi của y đã được Mị Châu ghi nhận và tha thứ ở thế giới bên kia. Chi tiết ngọc trai đem rửa trong nước giếng lại càng sáng đẹp hơn nói lên rằng chứng tỏ nàng đã gột sạch được tội lỗi. Hình ảnh ngọc trai - giếng nước chắc chắn đó không phải là biểu tượng của mối tình thuỷ chung mà chỉ là hình ảnh một mối oan tình được hoá giải.

- Nghệ thuật khắc họa: sử dụng motif hóa thân kỳ ảo rất quen thuộc trong các truyền thuyết; nghệ thuật xây dựng nhân vật vừa gắn với cốt lõi sự thật lịch sử vừa có yếu tố hư cấu; các chi tiết nghệ thuật, ngôn ngữ, hành động được chọn lọc,…. (0,5 điểm)

2.3 Đánh giá ý kiến (0,75 điểm)

- Hình ảnh ngọc trai - giếng nước chắc chắn đó không phải là biểu tượng của tình yêu chung thủy giữa Mị Châu và Trọng Thủy. Nhân dân ta không có ý định sáng tạo nghệ thuật để ca ngợi tình yêu chung thủy, son sắt, vượt qua những thù hận của hai nước giữa Mị Châu và Trọng Thủy; lại càng không có ý định ca ngợi những kẻ vô tình hay hữu ý đã làm mất nước.

- Hình ảnh ngọc trai - giếng nước là hình ảnh một mối oan tình được hoá giải, là sự thể hiện tập trung nhất nhận thức về lịch sử, nói lên truyền thống ứng xử bao dung, đầy nhân hậu của nhân dân đối với nhân vật trong truyện.

3. Kết bài (0,5 điểm)

Khẳng định ý nghĩa giáo dục của hình ảnh ngọc trai - giếng nước đối với con người mọi thế hệ.

V. Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 số 5:

* Phần đề thi:

 

 

bo de thi hoc ki 1 mon ngu van lop 10
Download bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10

Hơn thế nữa khi thực hành luyện tập qua bộ đề thi môn Ngữ văn lớp 10 học kì 1, các học sinh sẽ được làm quen trước với các dạng bài tập, tìm hiểu trước cấu trúc và cách thức ra đề trong đề thi chính thức. Việc chăm chỉ thực hành làm đề thi môn Ngữ văn lớp 10 còn hình thành cho các em những kinh nghiệm hữu ích khi làm bài như cách lựa chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau, cách phân bổ thời gian hợp lý cho các bài tập... để từ đó các em hoàn thành tốt nhất bài thi chính thức của mình.

Các thầy cô giáo có thể lưu lại ngay bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 để làm tài liệu ôn tập và kiểm tra kiến thức môn Ngữ văn cho các em học sinh vào cuối học kì 1. Đây cũng là gợi ý rất cần thiết cho các thầy cô khi ra đề kiểm tra, đề thi để nội dung câu hỏi chất lượng, khoa học và chính xác nhất với quy định của bộ Giáo dục.

Ngoài bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10, các em học sinh lớp 10 có thể tham khảo thêm đề thi học kỳ 1 môn Tiếng Anh lớp 10 làm tài liệu ôn tập, ôn thi môn tiếng anh trước kì thi cuối hk1 sắp tới. Toàn bộ nội dung đề thi học kỳ 1 môn Tiếng Anh lớp 10 được đăng tải chi tiết tại đây, phù hợp dành cho tất cả các em học sinh lớp 10 thực hành ôn thi và củng cố kiến thức tiếng anh hiệu quả.


Liên kết tải về - [319 KB]

Bấm vào [Link File] để tải về phần mềm, hoặc tải phiên bản phù hợp phía dưới

Liên kết dự phòng:



Bài viết liên quan

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 - Kho hình ảnh
 Thông tin giới thiệu, hướng dẫn sử dụng phần mềm Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 được biên soạn nhằm giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, việc daoloat đề thi học kì 1 môn ngữ văn lớp 10 là hoàn toàn miễn phí, bạn có thể chi tiết nội dung tại mục "Điều khoản".

Các phiên bảnHướng dẫn

   Tải về

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 năm 2022-2023


Phần mềm Liên quan & Tương tự
Top download
  1. Đang tổng hợp...
Bấm vào file dưới
Để cài phần mềm