Đề bài: Cảm nhận về bài thơ Độc Tiểu Thanh kí
Bài văn mẫu Cảm nhận về bài thơ Độc Tiểu Thanh kí
Bài mẫu: Cảm nhận về bài thơ Độc Tiểu Thanh kí
Nhắc đến Nguyễn Du chúng ta thường nhớ đến Truyện Kiều, tác phẩm là niềm tự hào của nền văn học, văn hóa dân tộc, kiệt tác của văn học Việt Nam trung đại. Được ví như một khúc nam âm tuyệt xướng, một thiên cổ tình thư, là tiếng kêu xót xa cho số phận con người đặc biệt là thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến tàn khốc, hủ bại. Nhưng chúng ta không nên vì cái bóng quá lớn của Truyện Kiều mà quên đi những tác phẩm xuất sắc khác của ông, có những tác phẩm được coi là sinh hoa diệu bút, có giá trị về mặt nội dung lẫn tư tưởng không thua kém gì Truyện Kiều như Độc Tiểu Thanh kí.
Nhan đề Độc Tiểu Thanh kí có nghĩa là đọc những ghi chép của nàng Tiểu Thanh. Tiểu Thanh là một người con gái có thật sống ở thời cách Nguyễn Du 300 năm, ở đời Minh (Trung Quốc). Nàng vốn là người con gái tài sắc vẹn toàn, nhưng bởi thân phận làm thiếp thất mà bị vợ cả ghen tuông, đày ra sống ở Cô Sơn, Tây Hồ. Vì đau lòng và u uất trước kiếp sống cô quạnh, đày đọa nàng sinh bệnh mà chết, chỉ để lại cho hậu thế một tập thơ. Người vợ cả ghen ghét đố kỵ, nàng chết nhưng vẫn sai người đem đốt hết thơ từ của Tiểu Thanh, chỉ còn sót lại một ít "phần dư". Cuộc đời bi thảm của nàng đã tác động đến tâm hồn nhân văn sâu sắc, thương cảm cho thân phận người con gái tài sắc vẹn toàn của Nguyễn Du.
Bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật hàm súc Nguyễn Du đã tạo nên những vần thơ đặc sắc, vừa khóc thương cho số phận bất hạnh của người con gái Tiểu Thanh nhưng cũng chính là khóc thương cho bản thân mình, nỗi buồn rầu trước thời cuộc đã o ép những con người tài hoa đến bước đường cùng.
"Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư"
Hai câu đề đã giúp người đọc hình dung ra cảnh tượng tác giả tìm đến và gặp gỡ với những tiếng lòng của nàng Tiểu Thanh. Sau khi nàng Tiểu Thanh mất, khung cảnh vườn hoa Tây Hồ vốn trước là nơi ở của nàng nay đã "tẫn thành khư" chỉ còn là gò hoang xơ xác. Khung cảnh hoang tàn một cách triệt để, không tìm thấy chút sinh khí, thể hiện sự khắc nghiệt của thời gian đã đem tất cả những gì vốn tươi đẹp, đem cả nàng Tiểu Thanh tài sắc vẹn toàn mà bạc mệnh ra đi mãi mãi. Nỗi đau trong lòng tác giả trước sự tàn phá của thời gian, của cuộc sống, lời tiếc than cho một số phận một cuộc đời nghiệt ngã, trước cái đẹp bị mất mát, bị chôn vùi. Nhưng may sao tiếng lòng, vẻ đẹp của một tâm hồn thanh khiết của Tiểu Thanh vẫn còn sót lại, sống mãi với thời gian, ấy là "Độc điếu song tiền nhất chỉ thư", Nguyễn Du viếng nàng Tiểu Thanh bằng một tập thơ còn sót lại, cô độc bên song cửa sổ. Việc tác giả dùng hai từ khác nhau để chỉ cùng một nghĩa "độc" và "nhất" nhằm nhấn mạnh sự cô đơn, đồng thời là sự tương xứng trong cuộc gặp gỡ giữa một trạng thái cô đơn với một con người mang kiếp số cô đơn, lẻ loi đầy bất hạnh, giữa người ở đời này với người ở đời quá vãng, dù có sự sai biệt về thời gian nhưng những tâm hồn đồng điệu vẫn tìm thấy nhau, hiểu cho nhau. Rõ ràng có thể thấy Nguyễn Du có cô đơn thì mới có thể đồng điệu, mới cảm thương, mới xót xa, mới hiểu hết được tiếng lòng của nàng Tiểu Thanh gửi gắm qua những vần thơ nàng để lại.
"Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư"
"Chi phấn" vốn chỉ đồ trang điểm của phụ nữ nhưng là hình ảnh biểu trưng cho giới nữ lưu nói chung, cả câu thơ ca ngợi vẻ đẹp cùng trí tuệ của nàng Tiểu Thanh, một cô gái tài sắc vẹn toàn, người con gái ấy khi mất đi cũng khiến người đời thấy thấy xót xa tiếc nuối cho một kiếp người chưa kịp đầy đã vội ra đi lúc tuổi còn xanh. Những cũng chính sự tài hoa, xinh đẹp ấy đã hại một đời nàng Tiểu Thanh, nàng phải chịu sự ghen ghét đố kỵ của người vợ cả, phải chịu cảnh vùi dập, đày đọa rồi sinh bệnh chết trong nỗi cô đơn tột cùng, cái còn sót lại chỉ là những vần thơ vô mệnh. Cái xã hội chuyên chế ấy chẳng thể dung một người phụ nữ tài sắc, vẹn toàn, đến thơ của nàng vốn không có tội lỗi chi, cũng chẳng thoát khỏi số kiếp bị chôn vùi, bị hủy hoại chỉ còn sót lại mấy mảnh giấy tàn, đáng tiếc làm sao. Ôi thật xót xa cho một kiếp người, kiếp thơ!
"Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư."
Oan đến thế, hận đến thế nhưng biết làm sao khi từ xưa tới nay vốn "thiên nan vấn" có hỏi trời cũng khó mà toại nguyện, chỉ trách sao số phận sinh ra là kiếp người thấp cổ bé họng, sống trong một xã hội nhiều lễ chế, sự ghen ghét đố kỵ đã đi sâu vào máu, vào tâm chẳng thể đổi dời, để rồi những con người vô tội phải chịu cảnh trớ trêu. Nỗi hận ấy là nỗi hận mang tính bao quát không chỉ là nỗi hận của riêng Tiểu Thanh hay Nguyễn Du mà là mối hận chung của lớp những con người tài hoa trong xã hội phong kiến. "Kỳ oan" là nỗi oan lạ lùng, cớ sao người tài hoa lại cư phải chịu những hoàn cảnh trái ngang, đầy rẫy bất công chỉ vì "nét phong nhã".Nguyễn Du chỉ biết ngậm ngùi mà đồng cảm, thương tiếc cho số phận bất hạnh của người đã khuất, bởi chính nhà thơ cũng mang một thân phận tương tự với Tiểu Thanh cô đơn trong chính cuộc đời mình, có may mắn hơn có lẽ ở chỗ ông là phận nam nhi.
"Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như"
"Khấp" dịch là khóc, trong lúc "điếu", thăm viếng nàng Tiểu Thanh bạc mệnh, chỉ qua một tập thơ còn sót lại, Nguyễn Du đã cảm nhận được tâm hồn, những tâm tư tình cảm của nàng chất chứa trong ấy. Mặc dù cách biệt về thời đại, dù người còn kẻ mất nhưng Nguyễn Du lại như gặp được tri kỉ.Tấm lòng nhân đạo sâu sắc, niềm tiếc thương cho số phận tài hoa đã khiến ông phải khóc thương, rơi những giọt nước mắt đầy tiếc hận. Trong nỗi buồn thương sâu sắc, tác giả đã có những suy tư xa xôi về tương lai, ông tự hỏi rằng liệu hôm nay bản thân tìm đến, thấu hiểu và khóc thương cho nàng Tiểu Thanh, thì qua 300 năm sau nữa, còn có ai có thể hiểu cho tấm lòng, cho thân phận, cho tài hoa của ông để mà rơi những giọt nước mắt của người tri kỷ, dành cho người đã vào quá vãng? Nguyễn Du hỏi câu hỏi ấy chẳng phải mong có ai đáp lời, bởi đây là nỗi niềm băn khoăn, cũng là lòng sầu muộn, buồn tủi cho một kiếp phong nhã, phải chịu nhiều bất công chèn ép trong xã hội phong kiến cổ hủ, ông không thể tìm thấy một người tri kỷ mà chỉ đành tìm lại người đã đi vào cõi vĩnh hằng. Nguyễn Du là một nghệ sĩ cô đơn trong chính cuộc đời của mình, hận không có ai hiểu một tấm lòng thi nhân.
Bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật hàm súc, nghệ thuật đối, các câu hỏi tu từ, đã thể hiện xuất sắc dòng tư tưởng cũng như mạch cảm xúc của nhà thơ, thương người rồi lại tự thương mình. Độc Tiểu Thanh kí thể hiện những suy tư, cảm xúc của Nguyễn Du về thân phận người phụ nữ tài sắc vẹn toàn trong xã hội phong kiến, nhưng phải chịu cảnh bạc mệnh, o ép đầy bất hạnh, đây chính là tư tưởng nhân đạo sâu sắc tiêu biểu trong văn chương của ông.
Xem thêm các bài văn mẫu phân tích, nêu cảm nhận, soan văn Độc Tiểu Thanh Ký:
- Phân tích tâm sự của Nguyễn Du trong bài Độc Tiểu Thanh Kí
- Bi kịch của người phụ nữ dưới thời phong kiến qua Độc Tiểu Thanh kí, Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm khúc
- Đọc hiểu Độc tiểu thanh kí
- Em hiểu gì về tên bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du
- Cảm nhận về bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du
- Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du
- Soạn bài Độc Tiểu Thanh kí