Đề bài: Hãy nêu suy nghĩ của em về Bác Hồ kính yêu
Bài văn mẫu Hãy nêu suy nghĩ của em về Bác Hồ kính yêu
Bài mẫu: Hãy nêu suy nghĩ của em về Bác Hồ kính yêu
"Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam..." Những lời hát vô cùng ý nghĩa về Bác, vị chủ tịch vĩ đại, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa trên thế giới. Bác đã đi xa nhưng những suy nghĩ, lối sống, việc làm và những gì Bác để lại cho đất nước, cho con người Việt Nam luôn còn mãi. Người như vầng hào quang tỏa ánh sáng, như tấm gương cho triệu triệu người dân Việt Nam dõi theo và học tập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị là một vị lãnh tụ cách mạng đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình với dân tộc. Năm 1911, cột mốc đánh dấu bước tiến quan trọng trong cuộc đời của Người cũng như của dân tộc Việt Nam. Từ bến Nhà Rồng, Người đã ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua những biến cố thăng trầm, khó khăn trên hành trình ấy, Bác đã hoàn thành mục tiêu mình đề ra, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng Đảng, cùng nhân dân chiến đấu và chiến thắng. Nhờ có những sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Bác, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, quân và dân ta đã giành thắng lợi. Chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn xa trông rộng, tài thao lược của nhà lãnh đạo. Người đã hi sinh cả tuổi xuân, hạnh phúc để tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc cho Việt Nam. Ngày ấy ra đi với hai bàn tay trắng nhưng anh Ba vẫn luôn có một niềm tin mãnh liệt vào tình yêu đất nước và khát khao mong muốn nhân dân Việt Nam sẽ được hưởng tự do, độc lập. Bằng chính sự rèn luyện, học hỏi không ngừng nghỉ, Bác đã đem lại chiến thắng cho dân tộc trong công cuộc giải phóng đất nước. Vẫn còn như đâu đây tiếng nói của Bác khẳng định trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".Công lao to lớn của Người trong công cuộc giải phóng đất nước còn được ca ngợi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Người trở thành biểu tượng của một vị lãnh tụ hết lòng vì dân, vì nước, mở đầu cho sự quật cường kháng chiến của các nước thuộc địa trên thế giới. Chính những tư tưởng của Người đã thôi thúc rất nhiều quốc gia thuộc địa đứng lên chiến đấu và chiến thắng. Ông Houari Boumediene, Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa nhân dân Algeria đã viết: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mở đầu cho cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trong thế giới thứ ba để tự giải phóng mình khỏi ách kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc". Tổng thống Sekou Toure của Guinea cũng viết: "Xuất sắc và dũng cảm người anh hùng Hồ Chí Minh là tấm gương tốt đẹp đối với các dân tộc Á - Phi trong cuộc đấu tranh cao cả chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới". Đối với nhân dân của các nước Châu Phi, Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem như một lãnh tụ thần thoại của toàn Đảng và toàn dân Việt Nam. Ấn tượng là vào năm 2013, tổng thống Liên Bang Nga V.Putin đã đến thăm Hà Nội chính thức. Ông đã viết trong sổ lưu niệm: "Nhân loại đã bước sang thế kỉ XXI, thế kỉ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai...Và vì thế, lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân". Tất cả đều minh chứng cho một vị lãnh tụ tuyệt vời của dân tộc Việt Nam. Sự nghiệp cách mạng cao cả của Người luôn sống mãi trong tâm trí của triệu triệu người dân Việt Nam nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung.
Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại, một anh hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà Người còn là một danhnhân văn hóa của nhân loại. Năm 1990, UNESCO vinh danh Hồ Chí Minh trong vai trò là một danh nhân văn hóa thế giới. Những đóng góp nhiều mặt của Người trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục cũng như nghệ thuật là sự kết tinh, hội tụ của nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Người là một nhà văn, nhà thơ lớn. Người có một kho tàng văn học vô cùng đồ sộ và có giá trị. Những giá trị của các tác phẩm cho đến tận ngày nay vẫn còn vẹn nguyên. Quan điểm sáng tác nghệ thuật lấy người xem văn nghệ là vũ khí, nghệ sĩ là chiến sĩ vì văn chương phải phục vụ cách mạng, phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc để chống lại cái ác, cái bất công ngang trái. Chính tư tưởng mang đầy tính nhân văn đã khiến cho những tác phẩm của Người luôn còn mãi trong trái tim độc giả mọi thế hệ. Trong nghệ thuật, Bác luôn tâm niệm những quan điểm: Viết cho ai? Viết để làm gì? Và viết cái gì? Viết như thế nào?. Đó chính là quan điểm sáng tạo nghệ thuật đầy tính trách nhiệm của một người nghệ sĩ. Bác viết rất nhiều thể loại khác nhau nhưng nổi bật hơn cả là ở các thể loại văn chính luận, truyện và kí, thơ ca. Sự linh hoạt trong từng thể loại đã khiến cho Người có một khối lượng tác phẩm đa dạng, phong phú. Nếu ở thể văn chính luận là những tác phẩm mang ngòi bút sắc bén, tư duy, lối viết mạnh mẽ, giàu tính thuyết phục thì ở thể loại truyện và kí, người đọc lại tìm thấy những cảm xúc vô cùng lớn lao trong những tác phẩm mang đậm tinh thần nhân đạo của Người. Đến với thể loại thơ ca, Bác lại đem đến những trạng thái cảm xúc khác nhau cho người đọc khi mạnh mẽ, cứng rắn, khi mềm mại, da diết. Ngòi bút Hồ Chí Minh luôn linh hoạt và đầy nguồn lực tinh thần. Dường như tất cả suy nghĩ, nhận thức vĩ đại đều dồn cả vào đầu ngọn bút ấy của tác giả. Sự nghiệp sáng tác của Người là kho tàng vô giá đối với văn học Việt Nam nói riêng và văn học thế giới nói chung. Văn thơ của Bác thể hiện chính con người Bác, vô cùng giản dị và chân thực nhưng sau cùng là những gia trị nhân bản vô cùng ý nghĩa qua mỗi tác phẩm. Những tác phẩm nổi tiếng của Người có thể kể đến là Bản yêu sách 8 điểm (1919), Vi hành (1923), Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu (báo Người cùng khổ), Đường kách mệnh, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Không có gì quý hơn độc lập tự do...Một số thi phẩm nổi bật có thể kể đến như Tức cảnh Pác Pó (1941), Cảnh khuya (1947), Nguyên tiêu (1948)...Còn nhớ những vần thơ đầy ngẫu hứng mà mang tâm tưởng của một vị lãnh tụ đất nước trong Tức cảnh Pác Pó:
"Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang"
Hay có thể nhận thấy tư tưởng chiến sĩ trong nghệ sĩ với thi phẩm "Cảnh khuya" được viết năm 1947:
"Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà."
Điểm xuyên suốt trong các tác phẩm ấy là tinh thần yêu nước mãnh liệt, niềm tin lạc quan vào kháng chiến và tâm hồn mang đầy tính thi sĩ.
Là một vị lãnh tụ của dân tộc, là một danh nhân văn hóa thế giới nhưng Người lại có một đời sống vô cùng thanh cao, giản dị và rất thân thiện, gần gũi với nhân dân. Sự giản dị, mộc mạc ấy thể hiện từ trong nhận thức, suy nghĩ cho đến lối sống của Người. Người luôn coi mình như mọi người khác. Chưa bao giờ Người có suy nghĩ là một vị chủ tịch nước trên vạn người, Người luôn khiêm tốn cho rằng mình là "người đầy tớ trung thành của nhân dân". Cả cuộc đời của Bác đều phụng sự vì nhân dân, do nhân dân. Chính vì thế Bác vô cùng giản dị. Quần áo Bác mặc chỉ là vài bộ kaki cũ, đôi dép cao su. Bữa ăn của Bác cũng rất đơn giản chỉ là cá kho với rau luộc, cà muối...Nhà ở chỉ là bằng sàn gỗ đơn sơ xung quanh là cây cối, ao cá. Bác không bao giờ mưu cầu vật chất cho riêng mình. Với Bác, đủ ăn, đủ mặc đã là một sự hạnh phúc. Sự khiêm tốn, giản dị của Bác được giáo sư Trần Văn Giàu hết lời ngợi ca: "Cuộc đời hoạt động cách mạng của Cụ Hồ rất sôi nổi, long trời, lở đất đến như vậy, tiếng thơm lan tỏa khắp năm châu bốn bể, trong Đảng và Chính phủ Việt Nam. Cụ Hồ là người lãnh đạo tối cao được kính mến như vậy, nhưng đời sống của Cụ rất bình thường, vô cùng giản dị, khiêm tốn. Tính khiêm tốn, giản dị của Cụ được ca tụng hết lời, cũng như đức quên mình vì mọi người.". Ông M.Kha-li của Cộng hòa Ả Rập thống nhất đã khẳng định: "Thiên thần thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc sống giản dị, khiêm tốn." Trong cách cư xử với mọi người xung quanh, khi tiếp đón các vị lãnh đạo từ các nước Bác đều tỏ ra vô cùng khiêm nhường và ứng xử rất từ tốn. Trong cuộc sống đời thường, Bác cũng trò chuyện vô cùng giản dị và gần gũi, thân thiết với mọi người xung quanh. Bác quan tâm tới các cụ già lớn tuổi, tới các cán bộ, tới các chiến sĩ, tới các cháu nhỏ. Các thế hệ thiếu nhi Việt Nam vẫn luôn nhớ về Bác với những ấn tượng khó phai trong từng lời ca tiếng hát:
"Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng
A! Có Bác Hồ đời em được ấm no
Chúng em kính dâng ngàn đóa hoa lên Bác Hồ".
(Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng - Phạm Tuyên)
Năm 1971, sau 25 năm Bác mất, một nhà báo người Mỹ, nhà văn Đây-vít Hanboston trong cuốn sách "Hồ" của mình đã viết: "...Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này - hơi giống Găng - đi, hơi giống Lê-nin, hoàn toàn Việt Nam...". Sự vĩ đại, những cống hiến và tài năng của Người là mãi mãi. Là thế hệ trẻ trong xã hội ngày nay, tôi, bạn và chúng ta hãy noi gương, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hãy hiện thực hóa những lý tưởng của Người, để Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu trên toàn thế giới như di nguyện của Người lúc còn sinh thời. Hồ Chí Minh, Việt Nam đẹp nhất tên người!
Xem thêm các bài văn mẫu về nêu suy nghĩ của em về các hiện tượng, sự kiện:
- Hãy nêu suy nghĩ của em về hiện tượng Việt Nam đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế
- Hãy nêu suy nghĩ của em về Bác Hồ kính yêu
- Hãy nêu suy nghĩ của em về hiện tượng vứt rác thải ra nơi công cộng