Đề bài: Nghị luận xã hội về lòng tự trọng
Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về lòng tự trọng
Bài mẫu: Nghị luận xã hội về lòng tự trọng
Tôi đang loay hoay tìm mẹ ở chợ thì bắt gặp một người ăn mày ngồi bên gốc lề đường. Trước mặt bác ấy để một rổ tăm, bên cạnh là một chiếc rổ khác đựng tiền. Tôi bước đến, để vào rổ tờ mười ngàn, chào bác rồi toan bước đi. Đột nhiên bác gọi tôi lại và đưa gói tăm, bác nói: "Bác không thể nhận tiền của con không được, con cầm lấy tăm này đi!" Tôi nhận gói tăm về nhà và cứ nghĩ mãi đến hình ảnh bác ấy. Bác đã dạy cho tôi một bài học về lòng tự trọng.
Kể từ khi ấy tôi mới bắt đầu để tâm đến lòng tự trọng của con người. Vậy thế nào là lòng tự trọng? Theo một số tài liệu ghi chép lại rằng "Lòng tự trọng là coi trọng danh dự, phẩm chất, nhân cách của bản thân. Người có lòng tự trọng là luôn biết giá trị của bản thân mình. Biết mình là ai, mình có những gì, tự hào về điều gì và không để người khác xâm phạm đến những điều ấy. Người có lòng tự trọng sẽ biết bảo vệ lòng tự trọng của mình. Lòng tự trọng sẽ không là những thứ đi ngược với lương tâm con người.Lòng tự trọng đi liền với cái tôi cá nhân. Bởi mỗi người sẽ có những giá trị riêng của bản thân vì thế mà ai cũng có lòng tự trọng riêng ở mức độ nhất định". Như vậy lòng tự trọng vốn dĩ có sẵn trong mỗi người chúng ta, đó là một phẩm chất đạo đức giúp ta điều chỉnh được các hành vi phù hợp hơn với chuẩn mực xã hội.
Làm sao để ta có thể nhận biết một người có lòng tự trọng? Đầu tiên, biểu hiện của lòng tự trọng chính là sự trung thực. Điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại khó thực hiện. Người có lòng tự trọng là người luôn trung thực trong mọi việc, không dối trên lừa dưới. Đặc biệt đó chính là sự thật thà trong công việc. Họ luôn luôn giữ đúng lời hứa của mình, tự động nhìn nhận khuyết điểm và sửa chữa sai lầm nếu vấp phải. Thẳng thắn phê bình chính bản thân mình. Nói về việc này ta có thể kể đến thái sư Trần Thủ Độ - ông là một người nổi tiếng lỗi lạc lúc bấy giờ. Tương truyền có câu chuyện về ông như sau: "Xưa Linh Từ Quốc Mẫu muốn xin cho người nhà làm chức Câu đương mới ngỏ ý với Thái sư. Tuy nhiên Thái sư mới nói rằng vì chức danh của người này không tự mà có nên phải đánh dấu bằng cách chặt đi một ngón tay. Hay sự việc có vị quan trong triều tâu với vua là Thái sư Trần Thủ Độ lạm quyền, lúc ấy, ông đã thẳng thắn thừa nhận và chấp nhận chịu hình phạt". Như vậy, ta có thể thấy ở Thái sư Trần Thủ Độ hiện lên rõ tình cách của một người có lòng tự trọng. Bản thân ông công - tư phân minh, tự nhận thấy có sai sẽ chấp nhận sữa để thay đổi phù hợp hơn. Biểu hiện thứ hai của lòng tự trọng là biết giữ gìn phẩm chất, nhân cách. Như trong tục ngữ dân gian có câu "Thà chết vinh còn hơn sống nhục". Nhắc đến điều này ta lại gợi nhớ đến hình ảnh một vị tướng - Trần Bình Trọng - đến phút cuối cận kề cái chết ông vẫn không chấp nhận đầu hàng giặc, vẫn giữ vững tấm lòng trung với nước, hiếu với dân. Chắc hẳn ta còn nhớ câu nói vô cùng nổi tiếng của ông: "Ta thà làm quỷ nước Nam. Còn hơn làm vương đất Bắc". Tấm gương của Trần Bình Trọng vẫn còn lưu truyền mãi đến tận hôm nay, nó như một minh chứng sống cho ý thức giữ vững lập trường, quan điểm, phẩm giá của mình dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cuối cùng môt biểu hiện nữa mà tôi muốn đề cập đến chính là tự thân vận động, tự vượt lên trên mọi khó khăn, tự hoàn thành tốt công việc của mình không đợi chờ ai phải nhắc nhở. Điều này ta dễ bắt gặp ở các bạn học sinh nghèo nỗ lực vươn lên học tập tốt. Hay hình ảnh thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí bị liệt cả hai tay nhưng trở thành một người thầy đáng kính, đem niềm tin, hy vọng truyền dạy cho bao thế hệ học trò. Hoặc hình ảnh Nick Vujicic - người đàn ông không chân không tay đi khắp thế giới để tạo động lực sống cho bao người. Đó là những tấm gương chứng minh cho sự vươn lên không đầu hàng số phận, tự bản thân vận động để duy trì sự sống, không phụ thuộc vào người khác. Họ đều là những con người vươn lên sống từng ngày bằng chính sức lực của mình và trong họ lòng tự trọng trường tồn mãnh liệt hơn bất cứ điều gì.
Nhưng tại sao chúng ta cần phải có lòng tự trọng? Thực tế trong xã hội này, nếu không tự mình thì sẽ không làm được việc gì. Hơn nữa, chỉ khi có lòng tự trọng, khi ta biết tôn trọng bản thân mới có thể tôn trọng người khác. Mà sự tôn trọng là điều thiết yếu để xây dựng nên mối quan hệ trong xã hội ngày nay. Chẳng ai muốn nói chuyện với kẻ chỉ biết có mình, coi thường người khác, không đáng tin cậy. Chính lòng tự trọng sẽ là yếu tố giúp ta nuôi dưỡng những mối quan hệ lâu dài, bền vững hơn. Đồng thời, lòng tự trọng đóng vai trò như một cố vấn tâm lí khi luôn nhắc nhở ta cư xử đúng mực, tránh xa những tệ nạn xấu, không gây ra những đáng tiếc đi ngược quy luật đạo lí của xã hội. Khi chúng ta thật sự có lòng tự trọng, ta sẽ tìm cách để bảo vệ nó. Song song đó sẽ làm ta tự biết điều chỉnh hành vi của mình, tự né tránh những sai lầm làm tổn hại lòng tự trọng. Các bạn học sinh, chúng ta đang ở lứa tuổi phát triển, chịu ảnh hưởng của xã hội nên càng phải tích cực giữ gìn, phát huy lòng tự trọng để từ đó rèn luyện, hình thành cho mình một nhân cách sống tốt đẹp.
Có thể nói lòng tự trọng như một thước đo để đo lường nhân cách con người. Đặc biệt là trong khó khăn, thử thách, lòng tự trọng càng rực sáng hơn, đẹp hơn. Con người không có lòng tự trọng sẽ trở nên giả dối, ích kỉ, chỉ khư khư nghĩ đến mình mà quên đi lợi ích, quyền lợi của người khác. Nhưng ta cần phải có sự nhận thức rõ giữa tự trong với tự ái. "Tự ái là một đức tính không tốt của con người. Người tự ái thường sẽ đặt cái tôi quá lớn, không chịu chấp nhận nhược điểm, lỗi lầm của bản thân, dẫn đến sinh bực dọc với người khác. Người hay tự ái thường không được quý trọng trong công việc bởi họ đặt ý kiến chủ quan quá lớn và đôi khi không chịu chấp nhận ý kiến của người khác. Thông thường, người tự ái có vẻ rất dễ hòa đồng nhưng các mối quan hệ của họ thường không bền vững". Ranh giới giữa tự ái và tự trọng rất mong manh nên đôi lúc làm ta nhầm lẫn. Thực chất, khi lòng tự trọng được đặt ở vị trí quá cao sẽ dẫn đến tự ái. Vì thế nên tự trọng vừa đủ, vốn dĩ tự trọng là bản ngã, là cái có sẵn ở mỗi chúng ta nên hãy biết điều chỉnh phù hợp để tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Bởi lẽ con người có lòng tự trọng sẽ góp phần làm cho xã hội ngày càng văn minh, giàu đẹp và cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.
Riêng tôi, bản thân tôi vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường nên việc trau dồi lòng tự trọng là vô cùng cần thiết. Mỗi ngày khi thức dậy, tôi tự nhủ bản thân sẽ rèn luyện nhiều hơn, sẽ trung thực, thẳng thắng nhận lỗi khi sai, sống tích cực, sống vì người khác và tự mình hoàn thành tốt mọi việc được giao, không để ba mẹ, thầy cô phải nhắc nhở. Và các bạn học sinh cũng thế, ngay từ bây giờ hãy tập cho bản thân mình tính tự lập, học cách tôn trọng người khác, ứng xử phù hợp với chuẩn mực được đưa ra.
Lòng tự trọng như một tấm thẻ bài đánh giá giá trị một con người. Mỗi người chúng ta phải luôn giữ vững lòng tự trọng của mình, đừng vì sự tác động của môi trường sống mà đánh mất nó. Mỗi chúng ta sinh ra đã là một cá thể đặc biệt nên đừng để bất cứ ai coi thường, hãy tôn trọng, hãy yêu bản thân bạn để khi bước ra ngoài bạn vẫn có chút gì đó tự hào về mình. Và mỗi ngày mỗi người hãy suy nghĩ những điều tốt đẹp, tích cực, tự trọng trong những điều nhỏ nhặt nhất.
Tôi chợt nhớ đến câu tục ngữ dân gian "Đói cho sạch, rách cho thơm" - đó phải chăng chính là lòng tự trọng tôi vừa chớm thấy ở hình ảnh ông lão bán tăm bên vệ đường...
Xem thêm các bài văn mẫu về nghị luận xã hội: