download Phân tích bài thơ Tây Tiến Ngắn gọn

Phân tích bài thơ Tây Tiến

 Ngắn gọn

Download Phân tích bài thơ Tây Tiến - Bài văm mẫu phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng hay chọn lọc

Nguyễn Trường Giang  cập nhật: 10/12/2023

Trong chương trình Ngữ văn lớp 12, “Tây Tiến” là một tác phẩm vô cùng quan trọng. Để tổng hợp kiến thức về bài thơ này, Taimienphi.vn gửi đến các em phần Phân tích bài thơ Tây Tiến với dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu bên dưới để tham khảo. Mời các em cùng đón xem!


Đề bài: Phân tích bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. 

Phan tich bai tho Tay Tien

Bài văn phân tích Tây Tiến của Quang Dũng hay, bài văn điểm 10 về Tây Tiến

I. Dàn ý Phân tích bài thơ Tây Tiến chi tiết nhất: 

1. Mở bài: 

- Giới thiệu về Quang Dũng và bài thơ “Tây Tiến”.

- Khái quát cảm hứng chủ đạo của tác phẩm: Bài thơ là nỗi nhớ của tác giả về thiên nhiên, con người Tây Bắc và những người lính Tây Tiến.

2. Thân bài: 

2.1. Khái quát chung: 

- Hoàn cảnh sáng tác: Tác phẩm ra đời vào cuối năm 1948, tại Phù Lưu Chanh, sau khi tác giả rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu.

- Nhan đề: 

+ Ban đầu là “Nhớ Tây Tiến”, sau được rút gọn lại thành “Tây Tiến”.

+ Nhan đề được rút lại ngắn gọn càng làm cảm xúc thêm cô đọng. 

2.2. Phân tích bài thơ Tây Tiến

a, Nỗi nhớ về núi rừng Tây Bắc và con đường hành quân gian khổ: 

* Hai câu thơ đầu diễn tả nỗi nhớ da diết được cất lên trực tiếp thành lời: 

- “Tây Tiến ơi”: tiếng gọi thân thương, chứa đầy hoài niệm. 

- “nhớ chơi vơi”: nỗi nhớ luôn thường trực, bao trùm lên không gian và con người.

* Những kí ức về con đường hành quân gian khổ: 

- Sáu câu thơ tiếp: Con đường hành quân gian khổ: 

+ Các địa danh được nhắc đến: “Sài Khao”, “Mường Lát” -> Những địa điểm quen thuộc trên cung đường hành quân của binh đoàn Tây Tiến. 

+ Các từ láy giàu tính tạo hình được sử dụng nối tiếp nhau: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” -> Địa hình hiểm trở, gập ghềnh, đầy hiểm nguy.

+ Hình ảnh nhân hóa “súng ngửi trời”: diễn tả độ cao, sự nguy hiểm của vùng núi non mà người lính phải vượt qua -> Thể hiện tâm hồn lãng mạn, hóm hỉnh của người lính. 

+ “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”: nhịp thơ như bị bẻ đôi một các đột ngột -> Sự nguy hiểm tột cùng của con đường hành quân. 

+ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”: Câu thơ toàn thanh bằng, nhịp thơ chậm, đối lập hẳn với những câu thơ trước gần như đều là thanh trắc -> Sự bình yên của không gian cùng thái độ lạc quan, tự tin, không quản ngại gian khó của những người lính. 

- Hai câu thơ: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ ngủ quên đời”:

+ Phút nghỉ chân hiếm hoi của những người lính. 

+ Cũng có thể là sự hi sinh, giấc ngủ “ngàn thu”.

=> Nỗi niềm xót xa dành cho những người đồng đội. 

- Bốn câu thơ cuối: 

+ “Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”: Vẻ oai linh, hùng vĩ cùng những nguy hiểm tiềm tàng nơi núi rừng Tây Bắc.

+ “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”: Nỗi nhớ về cuộc sống êm dịu, bình yên, nhẹ nhàng. 

b, Những kỉ niệm đẹp về tình quân dân thắm thiết và bức tranh thiên nhiên Tây Bắc đẹp kì ảo:

* Kỉ niệm về đêm liên hoan thắm thiết tình quân dân: 

- “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”: 

+ Động từ “bừng”: diễn tả sự phấn khởi, vui vẻ, náo nhiệt.

+ “hội đuốc hoa”: không gian lễ hội tràn ngập màu sắc và ánh lửa.

- Không khí lễ hội vui tươi, rộn ràng: 

+ “Kìa em”, “tự bao giờ”: thái độ ngạc nhiên, bất ngờ.

+ Âm thanh: “khèn lên man điệu”, “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”.

+ Con người: “xiêm áo”, “e ấp”. 

=> Tâm hồn con người đắm chìm trong sự vui tươi, ấm áp của lễ hội. 

* Khung cảnh thiên nhiên và con người Tây Bắc: 

- Không gian đẹp huyền ảo, có phần thiêng liêng: “chiều sương”, “hồn lau nẻo bến bờ”.

- Đại từ “ấy”: khiến “chiều sương” trở nên đặc biệt, có vị trí riêng trong tâm tưởng của nhà thơ. 

- Con người xuất hiện mờ ảo: “dáng người trên độc mộc”. 

- Điệp ngữ: “Có thấy”, “Có nhớ”: nỗi lưu luyến, nhớ nhung da diết, khôn nguôi. 

- “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”: 

+ Động từ “trôi”: gợi cảm giác lênh đênh, miên man. 

+ Hình ảnh: “dòng nước lũ” - “hoa đong đưa” -> Tưởng như đối lập mà lại hài hòa, lãng mạn.  

c, Hình ảnh những người lính Tây Tiến: 

* Bức chân dung: 

- “không mọc tóc”: sự khắc nghiệt, khó khăn của bệnh tật hành hạ con người.

- “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”: ẩn dụ cho sức mạnh của đoàn quân.

* Tâm hồn hào hoa, lãng mạn: 

- “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”: sự thao thức, giấc mộng về ngày chiến thắng.

- “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”: sự đối lập với thực tại khắc nghiệt.

* Lí tưởng cao đẹp: 

- “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”: thực tại nghiệt ngã của chiến trường.

- “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/Áo bào thay chiếu anh về đất”: lí tưởng cao đẹp, tâm thế bình thản trước cái chết.

- “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”: thiên nhiên cũng đau đớn, tiếc thương cho những người lính quả cảm. 

=> Vẻ đẹp kiêu hùng, dũng cảm, không màng tính mạng để hi sinh cho Tổ quốc. 

d, Lời hẹn ước gắn bó với Tây Tiến và vùng đất Tây Bắc: 

* Tâm huyết, lí tưởng chung của những người lính Tây Tiến: 

- “người đi không hẹn ước”: tinh thần tự nguyện, dâng hiến.

- “Đường lên thăm thẳm một chia phôi”:

+ Bước chân người lính trên con đường hành quân gian khổ.

+ “một chia phôi”: sự chia li không có ngày gặp lại.

* Tinh thần bi tráng, sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc:

- “mùa xuân ấy”: 

+ Mùa xuân năm 1947, khi binh đoàn Tây Tiến được thành lập.

+ Mùa xuân của độc lập, tự do.

- “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”: 

+ Sự hi sinh của người lính.

+ Những nguyện ước cao đẹp, muốn được ở lại chốn Tây Bắc, hòa cùng với núi sông.

2.3. Tổng kết: 

a, Nội dung: 

- Tái hiện lại vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của núi rừng Tây Bắc.

- Ngợi ca tình quân dân thắm thiết. 

- Đề cao hình ảnh người chiến sĩ kiên cường, dũng cảm mà không kém phần mộng mơ, lãng mạn. 

b, Nghệ thuật: 

- Bút pháp tả thực kết hợp với lãng mạn.

- Các biện pháp tu từ được sử dụng hiệu quả: điệp từ, đảo ngữ, nhân hóa,...

- Ngôn từ gần gũi, giản dị mà giàu sức gợi tả. 

- Cách gieo vần, ngắt nhịp độc đáo mà hiệu quả. 

3. Kết bài: 

- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.

- Liên hệ mở rộng. 

 

II. Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Tây Tiến (Chuẩn):

1. Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng ngắn gọn nhất - mẫu số 1: 

Phan tich bai tho Tay Tien

Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng ngắn gọn, chọn lọc

Thơ ca thời kì chống Pháp luôn là một lĩnh vực nhận được nhiều sự chú ý của độc giả. Nổi bật trong đó phải kể đến thi phẩm “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Bằng giọng trữ tình nhưng không kém phần hào hùng, ông đã đem đến cho hậu thế một tác phẩm vô cùng xuất sắc. 

“Tây Tiến” ban đầu có tên là “Nhớ Tây Tiến”, được tác giả sáng tác tại Phù Lưu Chanh để bày tỏ suy tư, hoài niệm về đơn vị cũ. Xuyên suốt bài thơ, ta có thể thấy nỗi nhớ ngập tràn trong từng câu chữ. 

Hai câu thơ đầu tiên: 

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

  Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Tác giả trực tiếp bộc lộ cảm xúc của mình qua động từ “nhớ”. Tiếng gọi “Tây Tiến ơi” đầy thân thương vang lên chứa đầy hoài niệm. Ông nhớ về thiên nhiên núi rừng Tây Bắc, về con sông Mã thân thuộc. Ở đây, cách dùng từ của tác giả cũng rất đặc biệt. Cụm từ “nhớ chơi vơi” diễn tả cảm xúc luôn thường trực trong tâm trí con người. Nỗi nhớ ấy bao trùm lên cả không gian và thời gian, gợi lại bao kí ức ngày trước. 

Trước hết là con đường hành quân của binh đoàn Tây Tiến với hàng loạt địa danh như Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông,...:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

  …

  Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Không gian núi rừng ấy hiện lên rộng lớn, thơ mộng nhưng cũng đầy hiểm nguy, trắc trở. Con đường gập ghềnh, khúc khuỷu thách thức từng bước chân người lính. Không gian núi rừng còn ẩn chứa những “thác gầm thét”, “cọp trêu người” vừa thiêng liêng, vừa đáng sợ. Nhưng đồng thời, họ cũng được tận hưởng cái hùng vĩ của thiên nhiên, cái thanh bình của cuộc sống. Trong không gian ấy, hình ảnh “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ ngủ quên đời” hiện lên đầy cảm động. Đó có thể là phút nghỉ chân hiếm hoi của người lính, cũng có thể là sự hi sinh, là giấc ngủ ngàn thu, thể hiện nỗi xót xa mà tác giả dành cho người đồng đội xưa. 

Tạm gác lại con đường hành quân gian khổ, ta được đến với kỉ niệm đẹp đẽ về tình quân dân thắm thiết: 

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

  Kìa em xiêm áo tự bao giờ

  Khèn lên man điệu nàng e ấp

  Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Ánh lửa nồng ấp từ những cây đuốc đã xua tan đi màn đêm lạnh lẽo, u ám. Người lính giờ đây được hòa chung không khí vui tươi của đêm hội, được ngắm nhìn những cô gái trong bộ váy xinh đẹp, được tận hưởng âm thanh của tiếng nhạc, tiếng khèn rộn rã. Bức tranh Tây Bắc ngập tràn ánh sáng, âm thanh và màu sắc, trở thành kỉ niệm khó phai trong lòng mỗi chiến sĩ. 

Nhưng bên cạnh sự náo nhiệt ấy vẫn là một Tây Bắc huyền ảo, bí ẩn và thiêng liêng: 

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

  Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

  Có nhớ dáng người trên độc mộc

  Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Không gian thiên nhiên hùng vĩ giờ đây được phủ lên một màu huyền bí. Đại từ phiếm chỉ “ấy” cũng khiến ta hiểu rằng nơi đây chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong tâm tưởng con người. Điệp ngữ “có thấy”, “có nhớ” càng thể hiện rõ hơn nỗi lưu luyến da diết mà người lính Tây Tiến dành cho thiên nhiên và con người Tây Bắc. Đặc biệt, hình ảnh “trôi dòng nước lũ hoa đong đưa” vừa đối lập, vừa hòa quyện cũng góp phần tô đậm chất lãng mạn trong tâm hồn tác giả. 

Và rồi, nhà thơ nhớ đến hình ảnh những người đồng đội cũ: 

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

  …

   Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Bút pháp tả thực ở đoạn thơ này đã thành công đem đến cho độc giả cái nhìn chân thực nhất về người lính Tây Tiến. Họ không đẹp đẽ, hào hoa, phong nhã mà ốm yếu, xanh xao vì bệnh tật. Ta đã được thấy sự nguy hiểm của những cơn sốt rét rừng trong “Đồng chí” - Chính Hữu: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”. Lại thêm cả hoàn cảnh khắc nghiệt chốn núi rừng khiến cho người lính ngày một tiều tụy. Thế nhưng vượt lên tất cả, các anh vẫn mang sự lạc quan, tâm hồn mộng mơ, lãng mạn cùng niềm tin bất diệt vào tương lai hòa bình của dân tộc. Họ dâng hiến tất cả cho Tổ quốc, vững bước mà đi “chẳng tiếc đời xanh”. Ấy vậy mà thực tế nghiệt ngã hơn rất nhiều. Hình ảnh “rải rác biên cương mồ viễn xứ” hay “áo bào thay chiếu anh về đất” đã nói lên tất cả. Ở nơi chiến trường khắc nghiệt, các anh ngã xuống, chỉ có manh áo khoác lên mình. Những đau thương này được Quang Dũng lãng mạn hóa vô cùng tài tình, vừa tô đậm tầm vóc người lính, vừa thể hiện nỗi xót xa gửi tới bao đồng đội đã ra đi. Ngay đến cả thiên nhiên cũng phải khóc thương cho những người lính trẻ ấy. 

Và rồi, khi kết thúc bài thơ, Quang Dũng một lần nữa nhấn mạnh tâm huyết, lí tưởng cùng tinh thần bất khuất của đoàn quân Tây Tiến: 

“Tây Tiến người đi không hẹn ước

  Đường lên thăm thẳm một chia phôi

  Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

  Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”

Những người lính trẻ từ mọi miền Tổ quốc tụ họp tại đây với cùng một chí hướng. Họ tự nguyện dâng hiến tuổi trẻ của mình, chấp nhận tất thảy khó khăn để hướng tới “mùa xuân” độc lập, tự do, hạnh phúc cho nước nhà. Họ nguyện được hòa cùng núi sông, ở lại nơi núi rừng Tây Bắc gắn bó, thân thương này. Tinh thần cao đẹp cùng ý chí bất diệt ấy đã khiến các anh sống mãi trong lòng các thế hệ sau này. 

Với ngôn từ giản dị, các phép tu từ linh hoạt cùng cách gieo vần, ngắt nhịp độc đáo, Quang Dũng đã mang đến cho chúng ta một “Tây Tiến” thật đẹp. Tác phẩm là một mảnh ghép sáng chói trên trang sử vàng của dân tộc, gửi gắm bao tâm tư, tình cảm đến hậu thế để ta biết trân trọng nền hòa bình hiện tại. 

 

2. Phân tích bài thơ Tây Tiến chọn lọc đạt điểm cao - mẫu số 2: 

Phan tich bai tho Tay Tien

Bài văn phân tích bài thơ Tây Tiến chọn lọc hay nhất

Thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam luôn xuất hiện những cái tên đình đám như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm,... Trong đó có cả Quang Dũng cùng bài thơ “Tây Tiến” - một thi phẩm không còn gì xa lạ đối với mọi thế hệ độc giả. Tác phẩm đã thành công tái hiện vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ của thiên nhiên Tây Bắc. Đồng thời, khắc họa bức chân dung người lính Tây Tiến với tầm vóc sánh ngang vũ trụ. 

Tác phẩm được ra đời vào cuối năm 1948, khi nhà thơ Quang Dũng rời binh đoàn Tây Tiến để chuyển công tác. Tại Phù Lưu Chanh, ông đã sáng tác nên thi phẩm “Nhớ Tây Tiến”, sau in trong tập “Mây đầu ô” thì chuyển thành “Tây Tiến”. Việc rút gọn nhan đề vừa mang tính hàm súc, vừa khắc sâu thêm sự nhớ nhung mà tác giả dành cho đơn vị và những người đồng đội cũ. 

Ngay khi vừa đọc tác phẩm, nỗi nhớ đã ngập tràn qua từng con chữ. Tiếng gọi “Tây Tiến ơi” đầy da diết, khắc khoải đi cùng cụm từ “nhớ chơi vơi” thành công thể hiện cảm hứng chủ đạo của toàn bài. Hàng loạt địa danh được tác giả nhắc đến như Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông để tái hiện con đường hành quân gian khổ mà người lính phải đi qua. Núi rừng Tây Bắc không chỉ thơ mộng mà còn hoang sơ, cũng đồng thời ẩn chứa muôn vàn hiểm nguy. Điều này được thể hiện qua các từ láy như “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” hay những hình ảnh “súng ngửi trời”, “thác gầm thét”, “cọp trêu người”. Nhịp thơ ở đoạn này cũng nhanh và dồn dập hơn: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”. Tất cả góp phần làm nổi bật lên bức chân dung người lính gan trường, quả cảm cũng như nỗi nhớ của các anh về cuộc sống yên bình nơi đây.

Xen lẫn giữa những kỉ niệm về thiên nhiên, Quang Dũng còn mang đến cho độc giả kí ức về tình quân - dân thắm thiết, gắn bó. Đó là đêm hội đuốc hoa nơi doanh trại giữa núi rừng âm u. Cái khô khan của doanh trại, cái hiểm nguy của màn đêm chốn Tây Bắc đã bị ánh đuốc “bừng” lên xua tan. Không khí lễ hội diễn ra vui vẻ, náo nhiệt, ấm áp với tiếng khèn, với những cô gái xinh đẹp. Khi đó, quân và dân như hai mà một, như một mà hai. Tâm hồn con người đắm chìm, say mê theo từng khung nhạc. Nhưng không chỉ vậy, thiên nhiên Tây Bắc trong kí ức người lính còn mang theo nét thiêng liêng, huyền ảo. Người lính nhớ về những “chiều sương ấy”, về “hồn lau nẻo bến bờ”, về cả “dáng người trên độc mộc”. Tất cả chi tiết đó đi cùng điệp từ “có nhớ” như một câu hỏi mở, bao hàm nỗi lưu luyến khôn nguôi. Đặc biệt, chi tiết “trôi dòng nước lũ hoa đong đưa” đã thành công thể hiện nét mềm mại, đậm chất lãng mạn của người lính Tây Tiến. “Lũ” và “hoa” tưởng như đối lập nhưng đặt cạnh nhau, chúng lại hài hòa đến lạ. 

Rồi, Quang Dũng nhớ về những người đồng đội khi xưa. Người lính Tây Tiến không hiện lên với dáng vẻ hào hoa, phong nhã. Thay vào đó, tác giả lại sử dụng các cụm từ tả thực như “không mọc tóc”, “dữ oai hùm”, “mắt trừng”. Bao cái khổ cực, gian khó, khắc nghiệt nơi chiến trường đều được nhà thơ đưa vào tác phẩm. Giữa chiến trường khắc nghiệt, người lính ốm yếu, tàn tạ, bị hành hạ bởi bệnh tật, thời tiết. Tuy nhiên, họ không bỏ cuộc, vẫn giữ vững giấc mộng về ngày quân ta toàn thắng. Nhưng thực tại vẫn luôn đau đớn. Câu thơ “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” đã hoàn toàn lột tả được cái nghiệt ngã nơi chiến trường. Thế mà các anh vẫn “đi chẳng tiếc đời xanh”, thẳng tiến về phía trước mặc cho hiểm nguy có cận kề. Ở đây, tác giả sử dụng hình ảnh “áo bào thay chiếu anh về đất” - một chi tiết vô cùng đắt giá. Tấm áo lính giờ được coi như áo bào, tiễn đưa những người anh hùng về với đất mẹ thân thương. Sự xót xa ấy khiến cho thiên nhiên cũng phải tiếc thương. Hình ảnh “sông Mã” xuất hiện xuyên suốt tác phẩm, trở thành “người” đồng hành với những chiến sĩ. Vậy nên khi các anh ra đi, con sông ấy cũng không khỏi buồn thương, “gầm” lên khúc ca tiễn đưa người bạn cũ. Tất cả đã thành công khắc họa vẻ đẹp tinh thần đầy cao đẹp của những người lính Tây Tiến khi xưa. 

Khổ thơ kết bài chính là lời hẹn ước gắn bó gửi tới binh đoàn Tây Tiến cũng như thiên nhiên và con người miền Tây. Các chiến sĩ trẻ tuy tới từ nhiều nơi khác nhau nhưng đều chung tâm huyết, lí tưởng, tự nguyện dâng hiến cả tuổi xuân cho đất nước. Hình ảnh thơ “người đi không hẹn ước” hay “đường lên thăm thẳm một chia phôi” đều thể hiện tinh thần cao đẹp ấy. Các anh hiểu được sự hiểm nguy của chiến trường, hiểu rằng súng đạn vô tình, cũng biết những gian khổ trên đường hành quân. Thế nhưng bước chân họ vẫn vững vàng. Người lính Tây Tiến cứ vậy mà đi, mang trên vai ước mơ, khát vọng về một “mùa xuân” tương lai. Đại từ phiếm chỉ “ấy” đứng sau có thể dùng để chỉ thời điểm thành lập của binh đoàn Tây Tiến - mùa xuân năm 1947, nhưng cũng có thể là mùa xuân độc lập, tự do của cả dân tộc ta. Vì tương lai đẹp đẽ ấy, các anh nguyện gắn bó với mảnh đất hoang sơ, thiêng liêng này, hòa làm một với núi sông. 

Như vậy, Quang Dũng không chỉ thành công tái hiện bức tranh thiên nhiên miền Tây hoang sơ, thơ mộng mà còn làm nổi bật tầm vóc của những người chiến sĩ Tây Tiến. Dưới bút pháp tả thực kết hợp lãng mạn nhuần nhuyễn, người lính hiện lên cùng sự gan trường, quả cảm, mang theo những lí tưởng cao đẹp và một tâm hồn trẻ trung, đầy mơ mộng. Trong bài, nhà thơ cũng thành thạo vận dụng rất nhiều biện pháp tu từ như nhân hóa, đảo ngữ, phép điệp,... cùng cách gieo vần, ngắt nhịp độc đáo. Bên cạnh đó, ông chọn lọc ngôn từ vừa tinh tế, giản dị, vừa giàu sức gợi. Tất cả đã tạo nên một “Tây Tiến” thành công như chúng ta được thấy bây giờ. 

Tựu chung lại, có thể khẳng định “Tây Tiến” đã và đang là một trong những “tượng đài” của văn học Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm sẽ luôn giữ vững được sức ảnh hưởng của mình đối với mọi thế hệ độc giả, khẳng định tên tuổi của Quang Dũng trong dòng chảy thơ ca nước nhà.

 - - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Khi phân tích bài thơ Tây Tiến, việc nhận diện cảm hứng chủ đạo cũng như các biện pháp nghệ thuật được sử dụng sẽ giúp các em hiểu rõ hơn thông điệp, cảm xúc mà tác giả muốn truyền tải. Để luyện tập thêm về dạng bài này, mời em ghé Taimienphi.vn để tham khảo bài văn phân tích các tác phẩm thơ khác như Việt Bắc của Tố Hữu, Sóng của Xuân Quỳnh hay Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm nhé.



Liên kết tải về - []

Bấm vào [Link File] để tải về phần mềm, hoặc tải phiên bản phù hợp phía dưới

Liên kết dự phòng:
Các phiên bản khác



Bài viết liên quan

 Thông tin giới thiệu, hướng dẫn sử dụng phần mềm Phân tích bài thơ Tây Tiến được biên soạn nhằm giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, việc daoloat phân tích bài thơ tây tiến là hoàn toàn miễn phí, bạn có thể chi tiết nội dung tại mục "Điều khoản".

Các phiên bảnHướng dẫn

   Tải về

Phân tích bài thơ Tây Tiến Ngắn gọn

Bấm vào file dưới
Để cài phần mềm