Đề bài: Thuyết minh về cây chuối
Bài làm
Nhắc đến những loại cây đặc trưng tiêu biểu của vùng nhiệt đới gió mùa, chúng ta không thể không nhắc đến chuối, một trong những sản vật thơm ngon nhất mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Việt Nam cũng là đất nước nằm trong khí hậu nhiệt đới với những mảnh vườn trù phú và hình ảnh cây chuối xanh non mơn mởn quen thuộc.
Nếu như một lần đến các miền quê ở Việt Nam, đâu đâu trên dải đất hình chữ S này, ta cũng bắt gặp trong những mảnh vườn xinh xinh xuất hiện bóng dáng của những cây chuối với đủ hình dáng, chủng loại. Vậy bạn có biết chuối có nguồn gốc từ đâu và ra đời từ thời gian nào hay chưa?. Từ xa xưa, tại các vùng nhiệt đới Đông Nam Á: Philippines, Malaysia, Indonesia,... đã xuất hiện tổ tiên của chuối là các cây chuối dại, nhưng theo các tài liệu nghiên cứu, chuối đã được người Papua New Guinea thuần hóa và trồng cách đây từ năm 8000 TCN. Hiện nay, cây chuối được trồng ở hầu khắp các vùng nhiệt đới gió mùa và có mặt ở khoảng 107 quốc gia. Chuối là loại cây thuộc họ Musaceae (thực vật một lá mầm), được trồng lấy quả hoặc trồng làm cảnh. Chuối trồng để ăn quả có nhiều loại: Chuối tiêu, chuối mật, chuối ngự, chuối hột, chuối tiến...
Cây chuối có thân mềm, mọc thẳng và cao, chúng thường mọc thành bụi, cây con mọc sát cây mẹ nối tiếp nhau. Chúng là loại cây ưa nước nên hay được trồng gần bờ ao, vùng nước trũng,.. có khi chuối rừng mọc ở ven những khe suối (đối với địa hình đồi núi). Chuối có cấu tạo khác với những loại cây ăn quả khác: Thân chuối được tạo thành bởi những bẹ mềm cuộn chặt, ruột cây rỗng chứa nước; tàu chuối to, lá chuối dài to bản, mặt nhẵn bên trên nổi gân trắng, mọc ra từ thân cây. Các loại cây khác, hoa thường mọc thành chùm hay quả thường mọc trên cành... nhưng đối với cây chuối, khi đến thời kì trưởng thành, từ thân trổ ra bắp chuối (hoa chuối). Hoa chuối là loại hoa lưỡng tính, đầu hoa có hoa đực, trên hoa đực là các hoa cái không cần phải thụ phấn cũng có thể thành quả; từ bắp chuối, sau nở bung thành buồng chuối. Mỗi buồng chuối gồm nhiều nải chuối (hay còn gọi tầng chuối), trung bình một buồng chuối sẽ có từ 3 - 15 nải, có khi nhiều hơn. Quả chuối khi còn non có vỏ màu xanh, bên trong chứa phần thịt màu kem trắng, ăn có vị chát và hạt li ti màu đen ở giữa. Khi chín, quả hơi cong, dài, vỏ ngả màu vàng, chuối chín trứng cuốc (nghĩa là ngoài vỏ có những đốm đen) là đạt đến độ tươi ngon nhất, ăn có vị ngọt lịm.
Có lẽ trong các loại cây ăn quả vùng nhiệt đới, chuối là loại cây có nhiều vai trò và công dụng nhất. Hầu hết các bộ phận của cây chuối đều hữu ích và góp phần vô cùng quan trọng trong đời sống của mỗi người chúng ta. Thân chuối còn non là thức ăn quen thuộc dành cho động vật như lợn, gà,..., người ta thường xắt thân chuối mỏng rồi trộn với cám nấu lên hoặc có thể trộn sống với cám trực tiếp cho động vật ăn. Thân chuối cũng gắn liền với những trò chơi tuổi thơ, ai đã từng một lần kết bè chuối làm thuyền nan hay dùng thân chuối làm phao tập bơi đều không thể quên được những khoảnh khắc vui đùa, nghịch dại thuở nhỏ và chắc chắn mong muốn một lần xin một chiếc vé để quay lại tuổi thơ đầy hồn nhiên, tươi vui đó. Hoa chuối là món ăn vô cùng bổ dưỡng trong bữa ăn của các gia đình khi có món nộm hoa chuối, hoặc hấp hoặc trộn salad và ăn sống kèm với các món ăn khác. Lá chuối dùng gói bánh, gói giò, có khi được rửa sạch để gói xôi, gói các đồ ăn chín,... Quả chuối khi còn non, bỏ phần vỏ phía ngoài, ta sẽ có món ăn tuyệt vời khi kết hợp với ốc, đậu thành món chuối nấu ốc đậu, vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng. Chuối xanh chứa trong đó nhiều thành phần chất giúp hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tiểu đường và rất tốt cho hệ xương. Còn chuối chín, trong thức quả nhỏ bé này chứa nhiều vitamin có lợi cho sức khỏe con người như vitamin C, B6, kali, sắt, chất chống oxy hóa Delphinidin... giúp chúng ta tăng lượng máu, tăng thị lực, giảm huyết áp, chống ung thư dạ dày, tiêu hóa tốt và giúp phòng ngừa một số nguy cơ bệnh tật khác. Chúng ta có thể ăn trực tiếp quả chuối khi chín hoặc thưởng thức một số sản phẩm khác được làm từ quả chuối như: Kẹo chuối, chuối sấy, bánh chuối, sữa chuối,... vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng. Ở Việt Nam, khi xưa nổi tiếng nhất là chuối ngự Đại Hoàng, vùng Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam, là loại chuối quả nhỏ nhưng có vị vô cùng thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, thường được chọn là thức quả dâng tiến vua.
Ngày nay, chuối vẫn là loại quả được mọi gia đình người Việt lựa chọn để bày lên bàn thờ tổ tiên trong những dịp lễ quan trọng, là món tráng miệng không thể thiếu sau mỗi bữa ăn gia đình quây quần ấm cúng. Không chỉ có ý nghĩa về mặt đời sống vật chất, chuối còn mang biểu tượng văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần của người Việt ta. Cây chuối quả thực là món quà đặc biệt mà tạo hóa đã ban tặng cho con người và là hình ảnh đẹp nhất của làng quê Việt Nam.
Bên cạnh cây chuối, các em tham khảo bài viết Thuyết minh về cây lúa Việt Nam tại đây.