Đề bài: Bình luận nội dung bài thơ Nói với con (Y Phương)
Bài văn mẫu Bình luận nội dung bài thơ Nói với con (Y Phương)
Bài mẫu: Bình luận nội dung bài thơ Nói với con (Y Phương)
Tình cảm luôn là điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người và tình cảm gia đình lại là một thứ tình cảm thiêng liêng, đáng trân trọng hơn bao giờ hết. Đã có rất nhiều những bài thơ hay viết về đề tài tình cảm gia đình, góp một tiếng thơ vào đề tài ấy là Y Phương với thi phẩm "Nói với con". Một nhà thơ người dân tộc thiểu số với những vần thơ vô cùng mộc mạc, chân thành đã chạm đến trái tim của độc giả với những lời tâm sự của người cha với đứa con yêu dấu của mình.
Bài thơ "Nói với con" ra đời vào năm 1980, đây là những năm đời sống về cả vật chất và tinh thần của cả nước vô cùng khó khăn và thiếu thốn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Mở đầu bài thơ là hình ảnh thật đẹp về một gia đình:
"Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười."
Bốn câu thơ nói về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người chính là tình yêu thương vô bờ mà cha mẹ dành cho con cái. Câu thơ mở ra khung cảnh một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, tràn ngập tiếng nói, tiếng cười của cha, của mẹ, của con. Những câu thơ đầy chất gợi về hình ảnh đứa bé đang chập chững biết đi, khi được cha mẹ dìu dắt, vỗ về, hướng dẫn những bước đi đầu tiên. Ngay những bước đi đầu tiên của con trên đường đời đã có bóng dáng cha mẹ thân thương bên cạnh. Một gia đình tràn ngập những niềm vui. Trong tình yêu thương của cha, của mẹ, con luôn vững vàng và lớn lên từng ngày. Những điều giản dị, rất đỗi thân quen ấy như niềm hạnh phúc vô cùng của con người. Thứ tình cảm tuyệt vời ấy như một sợi dây neo đậu, níu giữ những giá trị tốt đẹp trong tâm hồn mỗi con người.Đó là cốt lõi, cội nguồn của hạnh phúc cuộc sống.
Cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người không chỉ được Y Phương nói đến ở khía cạnh tình cảm gia đình mà còn được đề cập đến với tình cảm quê hương nghĩa tình. Như gia đình thứ hai, quê hương là cái nôi nuôi dưỡng con vào đời:
" Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng."
Cách gọi đầy gần gũi, thân quen "Người đồng mình" gợi nên sự tha thiết, trìu mến. Đó là những con người của quê hương, của xứ sở. Họ là những con người vô cùng đáng quý, đáng trân trọng với cuộc sống lao động chăm chỉ "Đan lờ cài nan hoa - Vách nhà ken câu hát". Lời thơ gợi cho ta những hình ảnh thật đẹp, thật ấn tượng về những con người miền núi. Những vật dụng dưới bàn tay tài hoa của "người đồng mình" được biến hóa vô cùng kì diệu. Đó là sự cần cù, chịu thương chịu khó làm lụng của con người quê hương.Viết về miền núi, về rừng đã có rất nhiều những nhà thơ mượn những hình ảnh đặc trưng như hình ảnh chúa tể sơn lâm trong "Nhớ rừng" (Thế Lữ) hay hình ảnh chim muông hoa lá ...nhưng ở đây, Y Phương chọn một hình ảnh để nói về rừng.Đó là hình ảnh hoa.Nhẹ nhàng và vô cùng tinh tế, hình ảnh có sức gợi vô cùng lớn cho ta thấy được sự tinh túy, đẹp đẽ của núi rừng bạt ngàn.Hình ảnh này vừa có nghĩa thực vừa có nghĩa biểu tượng.Hoa như một đặc điểm của rừng, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của thiên nhiên núi ngàn. Hoa còn được hiểu theo nghĩa tượng trưng với những điều tuyệt vời nhất, đẹp đẽ nhất của quê hương xứ sở, những giá trị tinh thần tốt đẹp của con người. Đó chính là hình ảnh: "Con đường cho những tấm lòng" vô cùng đẹp và ý nghĩa. Thiên nhiên đã đem lại cho con người những giá trị vô cùng tốt đẹp, luôn che chở, nuôi dưỡng con người. Đó cũng chính là quê hương, là cội nguồn mỗi con người.
Theo dòng cảm xúc trong tình cảm dạt dào của gia đình, quê hương, người cha đã nói với người con về những phẩm chất tuyệt đẹp của người đồng mình:
"Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc."
Người đồng mình là những con người biết lo toan và rất giàu mơ ước. Họ là những con người giản dị, tài hoa trong cuộc sống. Cụm từ "thương lắm con ơi" gợi lên sự vất vả, gian khó, cực khổ của những con người quê hương.Đó là những gian truân, những thử thách mà họ phải vượt qua.Người đồng mình có thể thiếu thốn những giá trị vật chất nhưng ở họ vẫn luôn ngời sáng những giá trị tinh thần vô cùng tốt đẹp. Họ sống một lòng trọn tình vẹn nghĩa với quê hương thân yêu dù có khó khăn, vất vả. Nói với người con những điều tuyệt vời của người đồng mình, người cha như muốn truyền lại cho con những điều tốt đẹp ấy. Đó là lời nhắn nhủ dù có khó khăn, vất vả hay trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần vô cùng tốt đẹp ấy. Bên cạnh đó, người cha còn muốn nói với người con về những con người luôn có ý thức tự lập, tự tôn dân tộc:
"Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục..."
Lời thơ vô cùng mộc mạc, giản dị.Cụm từ "thô sơ da thịt" nói về hình ảnh của những con người dân tộc Tày. Họ là những con người chất phác, giản dị, mộc mạc nhưng vô cùng chịu thương chịu khó trong cuộc sống. Họ tuy nhỏ bé về hình hài nhưng có sự lớn lao về khối óc, về tinh thần. Người đồng mình bằng chính bàn tay và trí tuệ của mình đã hàng ngày hàng giờ làm đẹp cho quê hương xứ sở. Quê hương cũng chính là điểm tựa tinh thần vững chắc với những phong tục tập quán tốt đẹp. Đoạn thơ khép lại với những lời nhắn nhủ với niềm hi vọng tin yêu của người cha với người con:
"Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con."
Đoạn thơ như khẳng định thêm về những phẩm chất cao đẹp của người đồng mình. Hai tiếng "lên đường" cho thấy như cuộc đời người con bước sang một trang mới. Người cha như muốn nhẳn nhủ người con hãy mang theo những hành trang của gia đình, quê hương để sẵn sàng bước đi trên những lựa chọn, con đường mới. Hành trang mà người con mang theo có tình cảm gia đình thiêng liêng, có phẩm chất, ý chí của quê hương. Người cha muốn con hãy đi đến những chân trời mới, chinh phục những mục tiêu mới để làm đẹp cho gia đình, cho quê hương, đất nước.
Cả bài thơ xuyên suốt là tình cảm cha con, rộng lớn hơn là tình cảm gia đình, quê hương, đất nước. Chính sự tin yêu và tin tưởng của người cha dành cho người con trai của mình đã lay động trái tim của rất nhiều độc giả. Những lời nhắn nhủ tha thiết, trìu mến, đầy ý nghĩa tạo nên sự gắn bó khăng khít giữa cha với con tạo nên tình cảm phụ tử cao đẹp.Gấp lại những trang thơ của Y Phương, người đọc vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc tuyệt đẹp về tình cảm cha con, gia đình, quê hương.Cám ơn nhà thơ Y Phương đã góp vào vườn thơ ca Việt Nam một thi phẩm chứa chan tình cảm, đong đầy yêu thương.
Tham khảo thêm các bài về cảm nhận, bình luận, soan văn Nói với con:
- Cảm nhận bài thơ Nói với con và suy nghĩ của em về trách nhiệm của người làm con?
- Bình luận nội dung bài thơ Nói với con
- Cảm nhận của em về khổ đầu trong bài thơ Nói Với con
- Soạn văn lớp 9 - Nói với con