download Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 File Doc

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10

 File Doc

Download Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 - Đề thi, đề kiểm tra giữa kì môn Ngữ văn

Nguyễn Trường Giang  cập nhật: 04/02/2020

Để đạt điểm cao trong bài thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10, bên cạnh việc ôn tập theo đề cương, các em học sinh có thể kết hợp việc ôn tập và vận dụng kiến thức đã học vào việc tập giải Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 dưới đây để củng cố vốn kiến thức, rèn luyện kĩ năng làm bài trước khi kì thi diễn ra nhé.

de thi giua hoc ki 2 mon ngu van lop 10

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10

1. Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 số 1:

* Phần đề thi:

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

TỰ SỰ

Dù đục, dù trong con sông vẫn chảy
Dù cao, dù thấp cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Cũng phải sống từ những điều rất nhỏ.
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?
Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng.
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận được ra ta!
Ai trên đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy
Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Không chỉ để dành cho một riêng ai.

(Nguyễn Quang Vũ,  Hoa học trò, số 6, 1994)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2. Anh/chị hiểu thế nào về ý nghĩa 2 câu thơ sau:

"Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng"

Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả viết:

"Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận được ra ta!"

Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về 2 câu thơ trong văn bản ở phần Đọc hiểu:

"Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?"

Câu 2 (5,0 điểm):

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng nhân vật khách trong "Phú sông Bạch Đằng" ("Bạch Đằng giang phú" - Trương Hán Siêu).

* Hướng dẫn chấm điểm đề số 1:

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản là: nghị luận.

2. Ý nghĩa 2 câu thơ:

"Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng"

"Đất" theo nghĩa đen là nguồn sống, nguồn dinh dưỡng cho muôn hạt nảy mầm. "Đất" còn mang nghĩa ẩn dụ chỉ cuộc đời rộng lớn, luôn tạo cơ hội cho mọi người. Hạnh phúc ở quanh ta nhưng không tự nhiên đến. Nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp, muốn có hạnh phúc, tự mỗi người phải có suy nghĩ và hành động tích cực, phải nỗ lực vươn lên giống như "Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng".

3. Tác giả cho rằng:

"Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận được ra ta"

Bởi vì: "Đường đời trơn láng" tức là cuộc sống quá bằng phẳng, yên ổn, thuận lợi, không có khó khăn, giông tố. Con người không được đặt vào hoàn cảnh có vấn đề, có thách thức; không phải nỗ lực hết mình để vượt qua trở ngại, chinh phục thử thách mới đến được đích. Khi đó con người không có cơ hội để trải nghiệm nên cũng không khám phá hết những gì mình có; không đánh giá hết ưu điểm cũng như nhược điểm của bản thân. Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành hơn.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ.

4. Học sinh có thể chọn một trong những thông điệp sau và trình bày suy nghĩ thấm thía của bản thân về thông điệp ấy:

- Dù là ai, làm gì, có địa vị xã hội thế nào cũng phải sống từ những điều rất nhỏ.

- Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành hơn.

- Muốn có được hạnh phúc phải tự mình nỗ lực vươn lên.

- Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ta mong muốn, biết đòi hỏi nhưng cũng phải biết chấp nhận, biết nhìn đời bằng con mắt lạc quan, biết cho đi thì mới được nhận lại.

-......

Câu trả lời phải hợp lí, chặt chẽ, có sức thuyết phục.

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về 2 câu thơ trong văn bản ở phần Đọc hiểu:

"Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?"

a. Yêu cầu về hình thức:

- Viết đúng hình thức một đoạn văn, độ dài khoảng 200 chữ.

- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu...

b. Yêu cầu về nội dung:

- Câu này kiểm tra năng lực viết nghị luận xã hội, đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, và khả năng bày tỏ thái độ, chính kiến của mình để làm bài.

- Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ chủ kiến của mình nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

Sau đây là một số định hướng:

b.1. Giải thích ý kiến

- "Cuộc đời méo mó": cuộc đời không bằng phẳng, chứa đựng nhiều ngang trái, trớ trêu, thậm chí xấu xa, tồi tệ. Đó là một tất yếu chúng ta phải chấp nhận vì bản chất cuộc đời là không đơn giản, không bao giờ hoàn hảo.

- "Tâm": là tấm lòng, tình cảm chân thành. "Tròn tự trong tâm": là cái nhìn, thái độ, suy nghĩ đúng đắn của con người, luôn tích cực, lạc quan trước cuộc đời cho dù hoàn cảnh có như thế nào.

b.2. Bàn luận

- Thói đời, con người thường hay chê bai, oán thán, cay cú, hậm hực khi cuộc sống không được như mong muốn. Chính cái "chê" ấy nhiều khi khiến cuộc đời trở nên "méo mó" hơn trước mắt chúng ta.

- Thái độ "tròn tự trong tâm", sống lạc quan, chủ động trước hoàn cảnh, không gục ngã trước khó khăn, bất công, ngang trái... là thái độ sống tích cực, giúp ích nhiều cho cá nhân và xã hội.

- Con người hoàn toàn có thể thay đổi cuộc sống, chỉ cần mỗi cá nhân chủ động, tích cực từ trong tâm. Thiên đường hay địa ngục đều do mình quyết định. Biết sống "tròn tự trong tâm", cuộc sống sẽ đẹp hơn.

b.3. Bài học nhận thức và hành động

Thí sinh rút ra bài học nhận thức và hành động phù hợp, thuyết phục.

Câu 2 (5,0 điểm): Cảm nhận của anh/chị về hình tượng nhân vật khách trong "Phú sông Bạch Đằng" ("Bạch Đằng giang phú" - Trương Hán Siêu).

Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

2.1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.

2.2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hình tượng nhân vật khách trong "Phú sông Bạch Đằng" ("Bạch Đằng giang phú" – Trương Hán Siêu).

2.3. Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp. Các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

Có thể trình bày theo định hướng sau:

2.3.1. Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm

- Giới thiệu về Trương Hán Siêu, tác phẩm "Phú sông Bạch Đằng" (hoàn cảnh ra đời của bài phú), giới thiệu về hình tượng nhân vật khách.

2.3.2. Cảm nhận về hình tượng nhân vật khách

a. Nội dung:

- Tư thế của một con người có tâm hồn khoáng đạt:

+ Khách dạo chơi phong cảnh không chỉ để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên mà còn nghiên cứu cảnh trí đất nước, bồi bổ tri thức.

+ Hoài bão lớn lao: "Nơi có ... chẳng biết"; "Đầm Vân Mộng chứa ......vẫn còn tha thiết".

- Tráng chí của khách được gợi lên qua hai loại địa danh:

+ Địa danh trong điển cố Trung Quốc: rong chơi bể lớn, sông Nguyên, Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt - những vùng đất nổi tiếng, khách đã đi qua bằng sách vở.

+ Những địa danh đất Việt, với không gian cụ thể: cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng là hình ảnh hiện tại, mang tính đương đại hiện ra trước mắt. Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ hoành tráng "Bát ngát sóng kình muôn dặm – Thướt tha đuôi trĩ một màu"; song cũng ảm đạm, hắt hiu "Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu – Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô".

- Tâm hồn phong phú, nhạy cảm của khách: vừa thích thú trước cảnh sông hùng vĩ, thơ mộng "Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu", vừa tự hào trước dòng sông còn ghi bao chiến tích, vừa buồn thương, tiếc nuối vì chiến trường xưa một thời oanh liệt nay trơ trọi, hoang vu, thời gian đã làm mờ bao dấu vết.

- Khách đề cao vai trò, vị trí của con người trong lịch sử: "Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao".

b. Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật khách:

Lời văn linh hoạt; hình tượng nghệ thuật sinh động, vừa gợi hình sắc trực tiếp, vừa mang ý nghĩa khái quát, triết lí; ngôn từ vừa trang trọng, hào hùng, vừa lắng đọng, gợi cảm.

2.3.3. Đánh giá khái quát

- Với hình tượng nhân vật khách, bài phú thể hiện tư tưởng yêu nước và tư tưởng nhân văn cao đẹp: tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, đề cao vai trò, vị trí của con người trong lịch sử.

2.4. Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có liên hệ so sánh trong quá trình phân tích, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

2.5. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
 

2. Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 số 2:

* Phần đề thi:

Câu 1 (4.0 điểm):

Anh/chị hãy viết một bài văn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến sau:

Một quyển sách tốt là một người bạn hiền.

Câu 2 (6.0 điểm):

Phân tích tư tưởng nhân nghĩa trong đoạn trích:

Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Vậy nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Việc xưa xem xét,
Chứng cớ còn ghi.

(Đại cáo bình Ngô – Nguyễn Trãi, Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục 2006, trang 17)

* Hướng dẫn chấm điểm đề số 2:

Câu 1 (4.0 điểm):

- Kĩ năng: viết văn nghị luận xã hội có bố cục ba phần.

- Nội dung:

1. Giải thích vấn đề nghị luận.

2. Bình luận vấn đề nghị luận

  • Sách như người bạn hiền giúp ta có những giờ phút vui vẻ, hạnh phúc và vượt qua những khó khăn trong học tập và cuộc sống.
  • Sách cho ta những lời khuyên sâu sắc và đôi lúc an ủi ta rất nhiều trong hoàn cảnh đau buồn.
  • Sách còn là người bạn thông minh đem lại cho ta hiểu biết sâu, rộng về mọi lĩnh vực của cuộc sống.
  • Người bạn "sách" làm tâm hồn ta phong phú.

3. Nêu những suy nghĩ và cảm xúc của người viết và rút ra bài học nhận thức, hành động.

Câu 2 (6.0 điểm):

- Đảm bảo một bài văn nghị luận văn học ngắn gọn mà đủ ý, sinh động có sử dụng các thao tác nghị luận đã học.

- Nội dung bài viết:

1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

2. Nội dung nghị luận:

a. Nội dung

  • Nguyễn Trãi nêu nguyên lí chính nghĩa làm chỗ dựa, làm căn cứ xác đáng để triển khai toàn bộ nội dung bài cáo.
  • Nguyên lí chính nghĩa của Nguyễn Trãi, có hai nội dung chính được nêu lên: tư tưởng nhân nghĩa và chân lí về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt.
  • Tư tưởng nhân nghĩa là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trên cơ sở tình thương và đạo lí.
  • Nguyễn Trãi đã chắt lọc yếu tố tích cực nhất trong tư tưởng này là chủ yếu để yên dân trước nhất phải trừ bạo. Đồng thời tác giả đem đến một nội dung mới, lấy từ thực tiễn dân tộc đưa vào tư tưởng nhân nghĩa: nhân nghĩa phải gắn liền với chống xâm lược.
  • Nêu chân lí khách quan về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của Đại Việt có cơ sở vững chắc từ thực tiễn lịch sử.
  • Nguyễn Trãi đã đưa ra các yếu tố căn bản để xác định độc lập, chủ quyền của dân tộc: cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, nền văn hiến lâu đời và lịch sử riêng, chế độ riêng với "hào kiệt đời nào cũng có".

b. Nghệ thuật

  • Ngôn ngữ văn chính luận mẫu mực.
  • Giọng văn hào hung.
  • Cách so sánh chặt chẽ, thuyết phục.....

3. Đánh giá khái quát về vấn đề đang nghị luận.
 

3. Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 số 3:

* Phần đề thi:

I. PHẦN 1 (5 điểm)

1. Điền dấu thích hợp vào dấu ( ) và sửa lỗi chính tả có trong đoạn văn sau (2 điểm):

( ) Ăn rau không chú ơi ( )

Một giọng khàng khàng ( ) rung rung làm gã dật mình ( ) Trước mắt gã một bà cụ già yếu ( ) lưng còng cố ngước lên nhìn gã ( ) bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy ( )

( ) Ăn hộ tôi mớ rau ( )

Giọng bà cụ vẫn khẩn khoảng ( ) Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn ( ) Gã cụp mắt ( ) rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người ( ) Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi ( ) đáp nhanh ( ) Dạ cháu không bà ạ ( ) Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn ( ) Gã chợt cảm thấy có lỗi nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh ( ) ( ) Mình thương người thì ai thương mình ( ) ( ) cái suy nghĩ ích kỉ ấy lại nhen lên trong đầu gã ( )

(Trích theo Internet)

2. Từ nội dung đoạn văn, em hãy viết một văn bản ngắn (khoảng 1,5 trang giấy thi) nêu quan điểm của em về vấn đề gợi ra từ đoạn văn trên. (3 điểm)

II. PHẦN II (5 điểm)

Sông Bạch Đằng là dòng sông của những chiến công, của thơ ca, nhạc họa. Hãy trình bày cảm nhận của em về cảnh sắc sông Bạch Đằng và tâm trạng của tác giả qua đoạn phú sau:

Bát ngát sóng kình muôn dặm

…………………………………

Tiếc thay dấu vết luống còn lưu!

(Trích “Phú sông Bạch Đằng”- Trương Hán Siêu)

4. Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 số 4:

* Phần đề thi:

I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (5 điểm)

Câu 1: (4 điểm): Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Tiếng nói là người bảo vệ qúi báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện dữ dìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người an nam nào vứt bõ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khướt từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi….Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình…”

(Trích “Tiếng mẹ đẻ - Nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức” - Nguyễn An Ninh)

a/ Nêu nội dung của đoạn trích

b/ Chỉ ra các lỗi sai về chính tả trong đoạn trích?

c/ Viết đoạn văn ngắn (theo thao tác diễn dich hoặc quy nạp) bàn về vấn đề bảo vệ tiếng nói của dân tộc trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Câu 2: (1 điểm)

Chỉ ra biện pháp tu từ và nêu tác dụng của phép tu từ đó trong câu thơ sau:

"Người nắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

(Hồ Chí Minh, Ngắm trăng)

II. PHẦN LÀM VĂN (5 điểm)

Phân tích lời nhờ cậy, thuyết phục của Thúy Kiều khi trao duyên trong 12 câu đầu trong đoạn trích "Trao duyên" (Trích "Truyện Kiều" của Nguyễn Du).

------ Hết ------

Bên cạnh Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10, các em học sinh có thể tham khảo thêm những tài liệu tham khảo hữu ích khác như: Đề thi giữa học kì 1 môn Tiếng Anh lớp 10, Đề thi giữa học kì 1 môn Toán lớp 10, Đề thi giữa học kì 1 môn Lịch sử lớp 10 để đạt kết quả cao trong kì thi giữa học kì 2 sắp tới.


Liên kết tải về - [100 KB]

Bấm vào [Link File] để tải về phần mềm, hoặc tải phiên bản phù hợp phía dưới

Liên kết dự phòng:
Các phiên bản khác



Bài viết liên quan

 Thông tin giới thiệu, hướng dẫn sử dụng phần mềm Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 được biên soạn nhằm giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, việc daoloat đề thi giữa học kì 2 môn ngữ văn lớp 10 là hoàn toàn miễn phí, bạn có thể chi tiết nội dung tại mục "Điều khoản".

Các phiên bảnHướng dẫn

   Tải về

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 File Doc

Phần mềm Liên quan & Tương tự
Top download
  1. Đang tổng hợp...
Bấm vào file dưới
Để cài phần mềm