Đề bài: Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản
Bài văn mẫu Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản
Bài mẫu: Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản
Nếu ví văn chương là một khu rừng nhiệt đới phong phú cỏ cây, đa dạng sắc màu hoa lá, thì mỗi một thể loại sáng tác là một loài thực vật có vẻ đẹp riêng, hấp dẫn độc giả. Thơ: như những bông hoa tỏa hương sắc lộng lẫy ngọt ngào, tiểu thuyết: như những vòm cây cổ thụ tươi xanh, bí ẩn và kỳ vĩ... Còn thể loại truyện ngắn thì sao? Có thể nói, đó là những nhánh cây nho nhỏ xinh xinh chìa ra bên đường bạn đi qua, những nhánh cây nhỏ nhưng lại giúp bạn hình dung được cả khu rừng. Hay nói đúng hơn, những áng truyện ngắn gọn ghẽ mà lại mở cho chúng ta thấy được nhiều ý nghĩa lớn lao của cuộc đời.
Truyện ngắn là một thể loại văn học ra đời từ bao giờ, thật khó có thể trả lời bằng một mốc thời gian cụ thể. Chỉ biết rằng, từ thời cổ đại, để ghi lại những khoảnh khắc, những tình huống đặc sắc của cuộc sống, các tác giả đã viết lên những thiên truyện nhỏ, từ một vài trang đến vài chục trang, với lối viết vô cùng ngắn gọn và súc tích, mà ở đây, tính hàm súc, nói ít hiểu nhiều đã làm nên sự tinh tế của truyện ngắn. Nhiều người đọc yêu thích truyện ngắn có lẽ do đặc điểm này của nó.
Về các yếu tố cấu thành nên truyện ngắn, ta không thể không thấy tầm quan trọng của tình huống truyện. Có lẽ vì đặc điểm ngắn gọn, nên sự thành công của truyện ngắn gắn liền với tình huống truyện. Tình huống là cánh cửa dẫn dắt người đọc đi vào thế giới mà câu chuyện mở ra. Có những cánh cửa của sự xúc động, xót xa, như truyện Cô bé bán diêm của An-đéc-xen; có những cánh cửa của niềm khâm phục trong thương cảm như truyện Lão Hạc của Nam Cao... Tình huống truyện phải có tính điển hình của đời sống và của thời đại mà nhà văn phản ánh trong tác phẩm của mình, chỉ có như vậy, tác phẩm mới có tính chân thật của hiện thực và có tính nhân văn thuyết phục được người đọc, bởi tình huống chính là cái hoàn cảnh mà tác giả đặt nhân vật vào để họ bộc lộ hết tất cả tính cách và số phận của mình. Tình huống truyện chính là cái nút thắt của cuộc sống mà tác giả đặt ra trong truyện ngắn. Rồi tác giả sẽ đẩy cao tính gay cấn của nút thắt đó, cho đến khi gỡ nút, chính là lúc nhà văn bộc lộ những thông điệp thú vị sâu sắc mình muốn chuyển tải.
Nói về nhân vật, truyện ngắn thường xây dựng ít nhân vật trong dung lượng tương đối nhỏ của mình. Khác với tiểu thuyết, thể loại có rất nhiều nhân vật, thì truyện ngắn thường chỉ có vài hình tượng được mô tả trong những khoảng thời gian không dài, được phản ánh trong truyện. Nhân vật của truyện ngắn thường đậm đặc chất nghệ thuật và hơi thở đời sống. Nhân vật Lão Hạc, người cha thương con da diết, người nông dân lương thiện đến nỗi ông ân hận khi nỡ tâm lừa một con chó, là một nhân vật mà người đọc Việt Nam không bao giờ quên được, khi đã đọc qua tác phẩm một lần. Hay khắp nơi, trên thế giới, khi đêm giao thừa buông xuống, bạn đọc không thể không nhớ đến nhân vật cô bé bán diêm co ro giữa trời tuyết lạnh, trong câu chuyện cùng tên của nhà văn Đan Mạch An-đec-xen. Những nhân vật ấy có sức sống lâu bền, cho chúng ta hiểu hơn sức sáng tạo của các nhà văn trong thể loại truyện ngắn.
Bên cạnh đó, cốt truyện của thể loại văn học này thường ngắn gọn và đơn giản. Các tình tiết của truyện ngắn phải hay, "đắt" chứa đựng được nhiều ý nghĩa đẹp. Nội dung truyện ngắn sẽ đem lại cho người đọc những điều triết lý, những lời khuyên về cuộc sống của con người. Tiêu biểu cho đặc điểm này của truyện ngắn có thể thấy được trong tác phẩm "Chiếc lá cuối cùng" của O Hen-ri. Cốt truyện của tác phẩm trên là câu chuyện cụ Bơ-men, một họa sĩ già đã vẽ một chiếc lá cây thường xuân trước cửa sổ phòng Giôn-xi, nột cô gái đã mất hết khao khát sống và dường như đang hấp hối bởi căn bệnh viêm phổi nặng. Chi tiết chiếc lá cuối cùng mãi không chịu rụng, đã đem đến cho Giôn-xi niềm yêu cuộc sống và nghị lực để chiến thắng bệnh tật. Cốt truyện giản đơn nhưng được kể bằng ngòi bút kỳ tài cùng với nghệ thuật đảo ngược tình huống truyện hai lần, đã làm cho độc giả xúc động mãnh liệt, chuyển tải đến chúng ta thông điệp rằng: người nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật không phải chỉ bằng tài năng, mà còn bằng trái tim ngập tràn yêu thương, khi đó, tác phẩm nghệ thuật sẽ có một giá trị và sức mạnh cực kỳ quý giá.
Có nhà văn nào đó, sau khi suy nghĩ về đặc điểm của truyện ngắn, đã cho rằng: "Truyện ngắn chỉ là một lát cắt, cắt ngang thân gỗ nhưng nhìn vào vân, vào thớ gỗ chúng ta biết được cả một đời cây". Đó quả là định nghĩa chính xác về thể loại truyện ngắn. Các nhà văn sẽ còn say mê sáng tác truyện ngắn, và những người đọc sẽ còn mãi thích thú đọc những thiên truyện ngắn, để từ lát cắt nhỏ gọn mà nhà văn thể hiện, họ có thể thấy được thế giới phong phú tuyệt vời của khu rừng văn chương viết về cuộc sống.
Các thế hệ học sinh khi được tìm hiểu về những truyện ngắn rất cần hiểu đặc điểm của chúng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới hiểu được các tầng sâu ý nghĩa của tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, trau dồi kiến thức văn học, và trên hết là thấm nhuần các giá trị nhân văn mà nhà văn truyền tải đến cho người đọc. Đó cũng là cách chúng ta làm giàu có thêm tâm hồn, tình cảm của bản thân mình.
Xem thêm một số bài văn mẫu, dàn ý thuyết minh về một giống vật nuôi, một món ăn, một đồ dùng học tập, loài động vật:
- Thuyết minh về một giống vật nuôi
- Thuyết minh về một món ăn
- Thuyết minh về một loài động vật ở quê em
- Dàn ý Thuyết minh về một món ăn
- Thuyết minh về một đồ dùng học tập
- Soạn bài Thuyết minh về một thể loại văn học
- Dàn ý Thuyết minh về một tác giả văn học
- Thuyết minh về một món ăn đặc sản