Đề bài: Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.
Viết một đoạn văn về một nhân vật lịch sử mà em biết
I. Dàn ý Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử
1. Mở bài:
- Giới thiệu về sự việc có liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử em muốn nhắc đến.
2. Thân bài:
- Miêu tả bối cảnh trước khi sự việc đó bắt đầu.
- Giới thiệu về nhân vật liên quan đến sự việc đó:
+ Nhân vật đó là ai? Có điểm gì nổi bật?
+ Nhân vật đó có liên hệ gì đến sự việc em định kể?
+ Sau sự kiện đó thì nhân vật trở nên như thế nào?
+ Cảm xúc, suy nghĩ, hành động của nhân vật sau khi sự việc kết thúc.
- Giới thiệu về sự kiện lịch sử có liên quan đến sự việc:
+ Sự kiện lịch sử đó là gì? Vì sao lại diễn ra.
+ Sự việc và sự kiện lịch sử có liên hệ nguyên nhân - kết quả như thế nào?
3. Kết bài:
- Nêu lên ý nghĩa, bài học mà sự việc đó để lại sau khi diễn ra.
II. Bài văn mẫu kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử
1. Bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu số 1:
Hồ Chủ tịch là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Hành trình đi tìm con đường cứu nước của Bác là một câu chuyện dài, có nhiều thăng trầm. Hơn 30 năm bôn ba nước ngoài bắt nguồn từ ý chí quyết tâm muốn giúp đỡ nhân dân ta thoát khỏi áp bức bóc lột. Chặng đường này không hề dễ dàng mà rất khó khăn trắc trở từ những bước xuất phát đầu tiên.
Hồi đó, cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành đã nung nấu ý định đi sang các nước châu Âu để tìm đường cứu nước. Người nói điều này với anh Lê - một người bạn thân của mình. Khi hai người đang đi dạo quanh Sài Gòn hoa lệ, bỗng Thành hỏi:
- Anh Lê, anh có yêu nước không?
Người bạn đáp lại nhiệt tình:
- Có chứ!
Nghe vậy, Nguyễn Tất Thành vui mừng kể cho anh Lê nghe về dự định của mình:
- Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng đi một mình, thật ra cũng có nhiều mạo hiểm, ví dụ như đau ốm… Anh có muốn đi với tôi không?
Nghe vậy, anh Lê hơi ái ngại hỏi lại:
- Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?
Thấy thế, Nguyễn Tất Thành đưa hai bàn tay ra và nói:
- Đây, tiền đây. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi, anh đi cùng với tôi chứ?
Bị tinh thần quyết tâm và lòng hăng hái của Nguyễn Tất Thành lôi cuốn, anh Lê đã đồng ý. Thế nhưng sau này, khi nghĩ kĩ lại về chuyến đi đầy sự hiểm nguy và phiêu lưu này, anh Lê không có đủ can đảm để giữ lời hứa.
Không có đồng đội đi cùng, Nguyễn Tất Thành không bỏ cuộc. Ngày 5/9/1911, chàng thanh niên 21 tuổi đã lên tàu đô đốc Amiran Latusơ Tơrêvin xin làm phụ bếp. Con tàu rời bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn, đưa Người đi xa trong vòng hơn 30 năm. Trong thời gian đó, Bác đã đi khắp năm châu bốn bể, làm rất nhiều nghề nghiệp khác nhau để tìm kiếm một lối đi để đánh đuổi thực dân phong kiến, giải phóng dân tộc.
Câu chuyện trên đã thể hiện lòng can đảm, ý chí quyết tâm dám nghĩ dám làm của vị lãnh tụ vĩ đại. Tấm gương đó mãi sáng ngời, trở thành phẩm chất tốt đẹp mà mọi thanh niên thế hệ trẻ cần học tập theo.
Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử
2. Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu số 2:
Ngày nay, bài hát “Tiến quân ca” đã trở nên quá đỗi quen thuộc với mọi người dân Việt Nam. Tôi - Nam Cao, tác giả của bài hát này cũng không ngờ được nó có sức sống mạnh mẽ đến như thế.
Hồi đó, tôi trở nên chán chường, tuyệt vọng với mọi thứ, tôi không còn tìm thấy bất cứ một tia ánh sáng nào trong cuộc sống của mình. Tôi thậm chí còn muốn từ bỏ con đường nghệ thuật tôi đang theo đuổi, không sáng tác thơ văn, không làm nhạc, cũng không cầm cọ vẽ nữa. Giữa lúc đó, người bạn thân đã giới thiệu cho tôi gặp anh Vũ Quý. Anh là người đã theo dõi con đường nghệ thuật của tôi từ lâu. Anh truyện trò, khai mở cho tôi những khúc mắc trong lòng. Sau đó, tôi phấn chấn lên hẳn. Tôi biết được con đường mình phải đi ấy chính là con đường cách mạng. Tôi rất háo hức và phấn khích để được đứng vào hàng ngũ lực lượng vũ trang, được cầm súng đi đánh giặc. Thế nhưng tôi lại được giao nhiệm vụ chính là sáng tác nghệ thuật.
Kể từ đó, tôi say mê sáng tác, viết lên những khúc ca thể hiện lòng yêu nước. Nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ vì mình chưa biết được cảm giác chiến đấu là gì, tôi không thể lột tả được hết khí thế hăng hái của người lính giữa lúc đất nước đang sục sôi. Nhận thấy điều đó, tôi bắt đầu tập trung tưởng tượng mình đang ở Việt Bắc, sống trong chiến khu cùng với đồng đội. Cứ vậy, tôi đặt bút viết “Tiến quân ca”.
Sau đó, bài hát gây được tiếng vang và trở nên nổi tiếng. Ngày 17/8/1945, hàng ngàn người đã hòa nhịp cất lên tiếng hát trong cuộc mít tinh của công chức Hà Nội trước Quảng trường Nhà hát Lớn. Tiếp theo, ngày 19/8, trong cuộc mít tinh giành chính quyền từ tay Phát xít Nhật, hàng nghìn người và các em thiếu nhi lại tiếp tục cất cao giọng hát như lên án quân thù. Tuy bài hát được mọi người biết đến nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sáng tác của mình lại được chọn làm Quốc ca cho một đất nước. Khi biết tin, tôi vui sướng, vỡ òa trong hạnh phúc.
Mỗi lần nghe tiếng hát “Tiến quân ca” được cất lên ở đâu đó, tôi lại nhớ đến kỉ niệm về những ngày đầu đi theo cách mạng. Đó chính là những ngày tháng không bao giờ có thể quên được trong tôi.
3. Bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu số 3:
Trong thế giới hiện đại ngày nay, máy bay đã trở thành một phương tiện giao thông nhanh chóng, thuận tiện cho những chuyến đường xa hàng ngàn km trở lên. Thế nhưng cách đây khoảng hơn 100 năm, việc chinh phục bầu trời vẫn là ước mơ không tưởng của con người. Anh em nhà Wright là những người đầu tiên chế tạo máy bay thành công, mở ra một bước ngoặt mới cho thế giới.
Hai anh em nhà Wright có tên là Wilbur và Orville. Hồi bé, hai người có một món đồ chơi bằng dây thun được gọi là “Máy bay trực thăng của Pénaund”. Từ món đồ chơi đó, hai người đã mô phỏng và nghiên cứu chế tạo ra máy bay. Công trình của hai anh em được phát triển từ bản phác thảo máy bay của kĩ sư người Đức Otto Lilienthal. Từ năm 1899 đến năm 1903, anh em họ đã thử nghiệm rất nhiều và cũng thất bại liên tiếp. Sau mỗi lần như vậy, họ lại điều chỉnh, sửa sai. Những cuộc thử nghiệm cứ nối tiếp nhau diễn ra cho đến ngày 17/12/1903, hai người đã thành công. Tại đồi Kill Devil, Mỹ, hai anh em đã cùng thực hiện mỗi người hai chuyến bay trên chiếc Flyer I có sải cánh khoảng 12m, nặng khoảng 300kg với động cơ 12 mã lực. Chuyến đầu tiên do Orville cầm lái, cất cánh được 12 giây và bay được khoảng 36,5m. Lần bay cuối cùng là của Wilbur kéo dài 59 giây và đi được 296m.
Dù đã thử nghiệm thành công nhưng phát minh của họ vẫn chưa được thế giới công nhận, sản phẩm của họ còn có rất nhiều hạn chế, thiếu sót. Đây mới chỉ là bước đầu tiên trong hành trình chinh phục bầu trời của hai anh em và của toàn nhân loại. Họ đích thân sang châu Âu, thực hiện những cuộc vận động để được phát triển hơn nữa. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, kĩ thuật máy bay đã đạt được nhiều thành tích đáng nể. Con người đã chế tạo ra chiếc máy bay bay được 390km trong 6 tiếng 32 phút trên độ cao 2650m so với mặt đất và động từ 25 mã lực đã được nâng lên 100 mã lực.
Không dừng lại ở việc chế tạo, hai anh em nhà Wright còn tham gia vào việc đào tạo, hướng dẫn phi công. Từ món đồ chơi nhỏ bé, hai người đã cùng nhau sáng tạo, thay đổi thế giới. Đây chính là câu chuyện truyền động lực, cảm hứng cho thế hệ trẻ có thêm động lực, niềm tin để đóng góp những ý tưởng mới cho cuộc sống.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Mô tả cuối bài: Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử là một dạng văn khá dễ viết, các em chỉ cần nắm được câu chuyện chính rồi kể lại lần lượt các sự việc theo lời văn của mình. Em hãy nhớ bổ sung thêm ý nghĩa, bài học ở phần kết bài để bài viết của em được thêm phần sâu sắc nhé. Văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống hoặc Viết đoạn văn nêu cảm xúc của em sau khi đọc một bài thơ bốn hoặc năm chữ cũng là nội dung trọng tâm trong chương trình Ngữ văn 7 mới, em hãy tham khảo thêm các bài mẫu trên Taimienphi.vn nhé.