Đề bài: Viết một bức thư về người hùng của em - Là Bác Hồ
Tải bài văn mẫu Viết một bức thư về người hùng của em - Là Bác Hồ
Bài mẫu: Viết một bức thư về người hùng của em - Là Bác Hồ
Ngày 15 tháng 01 năm 2019
Chào các bạn, hôm nay tôi bỗng nghe được một ca khúc rất hay từ chiếc loa cũ trên cột điện đầu phố, có câu: "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng,..." cứ lặp đi lặp lại vang vọng cả phố phường. Lòng tôi lại chan chứa những cảm giác bồi hồi, khó tả về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người anh hùng của lòng tôi - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Từ những ngày đầu tiên đi học tôi đã được nghe năm điều Bác Hồ dạy, những lời dạy ấy như khắc sâu vào tâm hồn non nớt của một đứa trẻ như tôi. Dần theo năm tháng qua lời của thầy cô, cha mẹ, báo đài tôi lại càng hiểu thêm về vị cha già kính yêu ấy, Người đã hi sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà chưa từng mưu cầu lấy điều gì cho riêng bản thân mình. Ngày 5/6/1911 chàng thanh niên trẻ với đôi bàn tay trắng, không có bạn bè, người thân tín, điều duy nhất Người có ấy là ý chí quyết tâm tìm được con đường giải phóng dân tộc, Bác đã bước lên chuyến tàu định mệnh ra đi tìm đường cứu nước, với cái tên Văn Ba, và chuyến đi này kéo dài đến tận 20 năm. Trong suốt khoảng thời gian hơn 30 năm ấy, từ một thanh niên trẻ, Bác đã làm đủ thứ công việc trên đời chỉ để sinh tồn và tìm ra con đường sáng cho dân tộc, điều khiến người ta nể phục hơn cả là lòng ham học hỏi của Người, khi ở nước ngoài Bác tự học và biết đến 29 thứ tiếng. Với ý chí và lòng yêu nước tột độ, Hồ Chủ tịch đã thành công khi trở thành người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), dẫn dắt nhân dân Việt Nam chiến đấu chống thực dân Pháp và phát xít Nhật, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, với dấu mốc chói lọi trong lịch sử dân tộc là bản Tuyên ngôn độc lập được Người tuyên đọc vào ngày 2/9/1945. Một trong những dòng Tuyên ngôn để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi ấy là:
"Hỡi đồng bào cả nước,
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"
Từng câu từng chữ như thấm vào lòng nhân dân Việt Nam lúc bây giờ, một nhân dân mới được hưởng nền độc lập thật sự sau gần 80 năm giời nô lệ. Cũng thể hiện tấm lòng yêu chuộng hòa bình, lo nghĩ và đấu tranh cho dân tộc Việt Nam đầy kiên quyết và mạnh mẽ từ người cha già kính yêu. Có lẽ rằng khó có ai lại có tấm lòng sâu nặng nghĩa tình với nhân dân ta như thế. Và cho đến mãi những năm tháng cuối đời Người vẫn luôn trăn trở về vận mệnh của dân tộc, của đất nước mà chưa một ngày nào ngơi nghỉ, kể cả trong những lần sinh nhật cuối đời Bác vẫn đem Di chúc ra sửa, có lẽ Người đã biết trước ngày phải rời ra nhân dân Việt Nam, những đứa con ruột thịt mà Người hằng thương yêu lo lắng? Người viết trong Di chúc rằng: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Qủa thật niềm mong muốn của Bác chỉ gói trọn trong những dòng chữ ấy mà thôi, tự hỏi có lúc nào Người nghĩ cho mình một chút, một chút nào không, sao lòng Người to lớn thế có cả dân tộc đất nước, mà lại không có chỗ cho bản thân? Viết đến đây, tôi bỗng thấy khóe mắt cay cay, vừa thương lại vừa ngưỡng mộ Bác, người anh hùng có một không hai của dân tộc.
Bác là tấm gương đạo đức lớn nhất, sáng nhất và mẫu mực nhất trong lòng tôi, bản thân tôi luôn luôn cố gắng noi gương Bác, chỉ mong bản thân phấn đấu được một phần tư chất đạo đức của Người, ấy âu cũng đã là thành công lắm rồi. Trong ấn tượng của tôi Bác luôn là một người hiền hòa, bác ái, lại hết mực yêu thương trẻ con, ấy mà cuộc đời Người chưa từng có lấy một đứa con ruột của riêng mình, Bác bảo thế này trong thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng: "Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột", thế mới thấy được tấm lòng Người bao la, nhân hậu đến mức nào. Suốt 79 năm cuộc đời, Người chưa từng có một người vợ bầu bạn, cả đời Bác chỉ đau đáu mãi một bóng hình người con gái tên Út Huệ, người đã ra tiễn ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước và cũng kể từ khi ấy không bao giờ còn gặp lại, Bác nhớ cuộc đời mọi người nhưng lại quên mất cuộc đời mình như thế đấy.
Bác luôn tuân thủ nguyên tắc cần, kiệm, liêm, chính, cho dù sau này khi đã đứng ở cương vị Chủ tịch nước nhưng chưa một ngày Bác phô trương, xa xỉ, cuộc sống của Người chẳng khác so với cuộc sống người thường là mấy, có khác chắc ở chỗ Bác là người đứng đầu một nhà nước mà thôi. Bác luôn xuất hiện trong bộ pijama trắng cao cổ, với đôi dép cao su huyền thoại, áo sứt chỉ Bác tìm cách vá lại, dép đứt Bác cũng may lại, chỉ đến khi chúng không dùng được nữa Bác mới đành lòng bỏ đi. Bác sống trong một căn nhà sàn, có lẽ là để tưởng nhớ đôi chút về quê hương Nam Đàn, Nghệ An. Nơi Bác ở và làm việc khi nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ cùng những bữa cơm đạm bạc, giản dị, có khi là dưa muối, canh cải, nhưng chưa bao giờ Bác lãng phí một hạt cơm nào, bởi đấy là mồ hôi công sức của nhân dân lao động và Bác luôn rất trân trọng điều ấy. Có lần, mấy chú lính ở cùng biết Bác thích ăn môi cá, đã lặn lội ra bờ sông bắt lấy thứ cá có bờ môi dày do thường phải dùng miệng bám vào đá để khỏi bị dòng nước cuốn trôi đi, Bác ăn và khen ngon. Nhưng khi biết chuyện mọi người nhọc lòng đi bắt, Bác lại quở trách và dặn rằng không cần vì Bác mà làm những chuyện như vậy, mọi người đều sống bình đẳng với nhau, không nên vì chức vụ mà phải đặc biệt đối xử. Có những chuyện như thế mới thấy Bác là người chí công vô tư, lại yêu thương, quan tâm mọi người xung quanh đến nhường nào.
Một điều nữa mà tôi rất ngưỡng mộ ở Bác đấy là lối sống điều độ và lòng yêu thiên nhiên sâu sắc của Người. Bác thường dậy rất sớm để tập thể dục, luyện võ, mùa đông Bác tập tắm nước lạnh để nâng cao sức đề kháng, rồi còn vận động mọi người làm theo để giữ gìn sức khỏe, lúc rảnh rỗi Bác lại chăm bón cây cối xung quanh, cho cá ăn. Tôi từng đọc một bài thơ rất nổi tiếng của Bác có tựa đề Tức cảnh Pác Bó:
"Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng đã sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang"
Trong hoàn cảnh gian khó tột cùng như thế, nhưng ta vẫn nhận thấy trong từng vần thơ là giọng điệu lạc quan yêu đời, Bác sống cùng với thiên nhiên, tận hưởng thiên nhiên, nhưng không như những vị nhân sĩ trốn tránh cuộc đời, sống ẩn dật, Bác là một người làm cách mạng vui vầy với thiên nhiên nhưng chưa bao giờ Bác quên đi sự nghiệp Cách Mạng của mình. Sự nghiệp văn chương của Bác lại càng khiến tôi thêm phần thán phục, hầu như không việc gì là Bác không biết, từ viết báo, viết truyện, làm thơ, viết kịch,... thể loại nào Bác cũng viết được và tạo cho mình một dấu ấn riêng mang tên Hồ Chí Minh.
Có câu "Nhân vô thập toàn", Bác cũng tự nhận thấy điều đó ở bản thân và ra sức răn dạy lớp chiến sĩ dưới trướng mình rằng: "Các chú học ở Bác cái gì cũng được nhưng đừng học ở Bác hai điều đó là hút thuốc lá và không lấy vợ", chuyện Bác không lấy vợ ấy là vì Bác không muốn và cũng không có thời gian suy nghĩ đến việc ấy. Còn việc hút thuốc, chắc cả cuộc đời Người chỉ có thú vui ấy mà không bỏ được, Bác nghiện thuốc lá rất nặng, nhưng cuối đời vì căn bệnh suy tim, Bác buộc phải bỏ thuốc. Lúc ấy, Bác đã bảo rằng: "Bác bỏ thuốc lá rồi, chú về vận động thanh niên đừng hút thuốc lá", quả thật Bác chưa lúc nào quên nghĩ đến nhân dân cả. Lúc Bác sắp mất, nguyện vọng cuối cùng mà Bác dành cho bản thân ấy là được nghe một khúc dân ca Quan họ Bắc Ninh, để mang theo cái giá trị văn hóa dân tộc ấy theo về với miền cực lạc, có lẽ Bác vẫn còn nặng lòng với dân tộc, với đất nước lắm, vậy mà Bác đã phải đi xa mãi. Mỗi lần nghe chuyện lúc Bác sắp đi xa, tôi lại không thể cầm được nước mắt, hỏi rằng liệu có vị lãnh tụ nào đáng kính, đáng yêu như Bác không?
Năm nay tôi vừa 15 tuổi, cái tuổi chưa lớn nhưng cũng chẳng còn bé, chỉ vài năm nữa thôi là tôi đã trưởng thành, ước mong và mục tiêu lớn nhất của tôi đó là học tập thật giỏi, tu dưỡng đạo đức, mà tiền đề ấy là tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh. Tương lai tôi sẽ trở thành một công dân gương mẫu, tiêu biểu xứng đáng với lời dạy tha thiết của Bác trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".
Xin chào các bạn và hẹn gặp lại!
Tô Thị Thanh Thủy
Chủ đề của cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 48 năm nay đó chính là Viết thư về người hùng của em đã thu hút đông đảo các em học sinh trên khắp cả nước nói chung và trên khắp thế giới nói riêng, các bạn và các em quan tâm đến cuộc thi, có thể tham khảo cách thức tham gia và một số bài viết mẫu để tìm hiểu kĩ càng hơn về cuộc thi đầy bổ ích này.