Đề bài: Giới thiệu về một loài hoa hoặc một loài cây - Cafe
Bài văn mẫu Giới thiệu về một loài hoa hoặc một loài cây - Cafe
Bài mẫu: Giới thiệu về một loài hoa hoặc một loài cây - Cafe
Đến với vùng đất Tây Nguyên bạt ngàn gió núi, những cao nguyên đất đỏ bazan màu mỡ, là nơi tập trung đông đảo nhất của các loài cây công nghiệp cao su, tiêu, điều và có lẽ nhiều nhất là cây cà phê, loài cây có giá trị kinh tế cao và sản phẩm của nó được sử dụng rất phổ biến từ nông thôn tới thành thị, góp phần mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con nơi đây.
Cà phê có nguồn gốc từ những quốc gia châu Phi xa xôi, sau đó du nhập đến hơn 70 quốc gia khác, trong đó phải kể đến các quốc gia châu Mỹ, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á với sản lượng cà phê ngày càng gia tăng nhờ các biện pháp cải tạo giống cây trồng và điều kiện khí hậu thuận lợi. Ở Việt Nam, cà phê do người Pháp du nhập vào nước ta cùng với cao su, điều lập thành các trang trại rộng lớn ở Kẻ Sở, Bắc Kỳ năm 1888, sau lan rộng ra nhiều nơi, đặc biệt là vùng đất Tây Nguyên màu mỡ.
Cà phê ở Việt Nam có ba loài chính đó là cà phê vối, cà phê chè và cà phê mít ngày nay người ta chủ yếu canh tác cà phê vối bởi loài này cho sản lượng cao và dễ chăm sóc hơn so với hai loài còn lại, mặc dù hương vị có thể kém hơn hai loại kia một chút, tuy nhiên giá trị kinh tế là điều không thể chối cãi. Cà phê là một loài cây thân gỗ, có tuổi thọ trong khoảng từ 15-25 năm, tùy vào điều kiện chăm sóc. Thông thường một cây cà phê cao khoảng từ 1,5 - 1,7 mét, đây là chiều cao lý tưởng nhất, nhưng nếu không biết chăm sóc, bấm đọt ngọn thì cây có thể cao hơn nữa có khi đến 3 mét, dẫn đến rất khó thu hái. Thân cây cứng cáp và xù xì, bên ngoài được bao bằng một lớp bần chết màu xám đen. Lá cây to và xanh thẫm, lá non thì có màu xanh nhàn nhạt, chúng có hình bầu dục, gân lá thưa và lộn xộn, cả hai mặt lá đều trơn bóng, sờ vào có cảm giác mát rượi. Một thân có rất nhiều tán, trên mỗi tán lại mang rất nhiều lá mọc đối nhau, nên nhìn một cây cà phê nếu được chăm sóc kỹ lưỡng sẽ mang lại cảm giác rậm rạp, sung túc. Một năm cây ra hoa và kết trái một lần, vào khoảng tháng 12 âm lịch, dịp cận Tết. Nếu đủ nước cây sẽ nở hoa đều và đẹp vô cùng, phóng tầm mắt ra xa chỉ thấy bạt ngàn một màu trắng như tuyết, tinh khôi của hoa cà, bên tai còn nghe tiếng ong vo ve đi kiếm mật, thỉnh thoảng có cơn gió nào thổi qua là cuốn theo cả một bầu trời hương thơm dịu dàng, thánh khiết của mật ngọt ngào, cái mùi thơm ấy cứ vẩn vương quanh tâm trí mà chẳng người con xa quê nào quên được. Tàn mùa hoa, cây bắt đầu kết những chùm quả đầu tiên, quả cà phê khi ấy chỉ tầm đầu tăm, mọc với nhau thành chùm chi chít, qua khoảng mười tháng sinh trưởng, những chùm quả ấy lớn thành những quả xanh căng mọng như những hòn bi bóng mượt, chỉ chờ ngày chín. Tầm tháng 11 năm sau là cà phê đã bắt đầu cho thu, những chùm quả chín đỏ rực cả một vòm trời, ta lại nghe thoang thoảng đâu đây mùi thơm của trái chín, một mùi thật tươi mới, dịu ngọt. Đôi khi nghịch ngợm tôi vẫn thường chọn lấy một quả cà phê chín đỏ rực, to mọng để ăn, vị ngọt ngọt, thanh thanh ấy quả thực tuyệt vời. Quả cà phê sau khi được thu hái thì cần qua các công đoạn chế biến như xay tươi, đem phơi khoảng 3 - 4 nắng rồi lại xay khô, quạt trấu để lấy được nhân thô, cuối cùng là đóng bao và đem đi tiêu thụ.
Cà phê là loại cây có nhiều kỹ thuật chăm sóc phức tạp nhất tôi từng biết, hầu như chẳng khi nào người trồng cà phê được nghỉ ngơi, trừ ba ngày Tết, thậm chí có nhà còn phải đi tưới cả vào dịp Tết vì sợ cà thiếu nước và không ra hoa đúng đợt. Trung bình kể từ lúc trồng mới cho đến lúc cây ra lứa quả đầu tiên là khoảng 3 năm, cách ươm mầm phổ biến nhất ấy là gieo hạt. Đầu tiên người ta sẽ chọn những cây cà có nhiều quả, hạt to chắc, dễ hái để là giống, tầm tháng 2 thì gieo hạt, sau đó tháng 6, 7 thì đem trồng vào các hố được đào sẵn, đã làm đất và ủ phân kỹ. Chăm sóc cây cà phê mệt và vất vả hơn nhiều loài khác bởi số lượng công việc lớn, hằng năm phải làm cỏ 2 lần, vét bồn hai lần, bón phân ba đợt, nếu trời không mưa có khi phải tưới đến 3, 4 đợt, chưa kể các lần phun thuốc trừ sâu bệnh, và công thu hái, phơi phóng,... Chính vì bỏ ra lượng công sức và vốn đầu tư lớn nên hạt cà phê bán ra khá có giá trị, những năm gần đây giá vẫn luôn dao động trong tầm 30.000 - 40.000 đồng/kg, đủ để người nông dân sống một cuộc sống tốt.
Công dụng lớn nhất của loài cây này chính là cho hạt để chế biến ra thứ thức uống vô cùng phổ biến - cà phê, là thứ đồ uống phổ biến từ giới thượng lưu đến bình dân đều có thể thưởng thức. Trong loại thức uống này có chứa nhiều cafein, chúng kích thích thần kinh khiến người ta tỉnh táo và tập trung hơn trong công việc, nhiều nhà khoa học đã chứng minh uống cà phê có lợi cho sức khỏe, giúp giảm cân, tăng chuyển hóa, tuy nhiên không nên lạm dụng bởi nó cũng gây nhiều tác dụng có hại. Ngoài việc sản xuất ra sản phẩm đồ uống, đóng vai trò cây công nghiệp trọng điểm, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước, thì cây cà phê còn là một loài cây đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, hàng chục ngàn hec-ta cà phê đã góp một phần không nhỏ trong việc phủ xanh đất trống, đồi trọc, điều hòa khí hậu tạo nên cảnh quan thiên nhiên mới, phong phú và đa dạng, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.
Tóm lại cà phê là một loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế lớn, cần chú trọng phát triển, tuy nhiên không nên canh tác một cách bừa bãi. Đến với Tây Nguyên, vùng đất đỏ xinh đẹp với những lễ hội đua voi ồn ào, với lễ hội cồng chiêng nhộn nhịp, chớ quên đến tham quan những khu vườn cà phê bạt ngàn, xanh thẳm, chớ quên thưởng thức chút hương vị đậm đà từ ly cà phê Tây Nguyên trong cái nắng ấm áp, cùng cái gió lành lạnh buổi sớm mai.
Tham khảo thêm các bài văn hướng dẫn tả, giới thiệu về một loài hoa, loài cây :
- Giới thiệu một loài hoa hoặc một loài cây
- Viết một đoạn văn tả một loài hoa hoặc một thứ quả mà em yêu thích
- Thuyết minh về một loài hoa truyền thống của dân tộc Việt Nam
- Tả một loài hoa mà em thích