Đề bài: Phân tích Giá trị nhân văn trong Vợ chồng A Phủ
Bài văn mẫu Phân tích Giá trị nhân văn trong Vợ chồng A Phủ
Bài mẫu: Phân tích Giá trị nhân văn trong Vợ chồng A Phủ
Tô Hoài là một trong những cây bút lão luyện của làng Văn học Việt Nam với sự nghiệp văn chương đồ sộ bao gồm nhiều thể loại phong phú, độc đáo. Được mệnh danh là "Nhà văn của thiếu nhi", giọng văn của Tô Hoài luôn mang phong vị tự nhiên, hồn hậu, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, dễ cảm. Tác phẩm nổi bật nhất của ông sau Cách mạng Tháng 8 phải kể đến "Vợ chồng A Phủ", một kiệt tác văn chương được thai nghén và hoàn thiện trong chuyến đi thực tế lên vùng Tây Bắc của tác giả. Với khả năng xây dựng hình tượng nhân vật điển hình cùng lối viết chân thực, "Vợ chồng A Phủ" là tác phẩm mang giá trị nhân đạo sâu sắc, đồng cảm, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người và mở ra con đường giải thoát những số phận bi thương: con đường Cách mạng.
Giá trị nhân đạo được hiểu theo ý nghĩa là đạo lí, đạo làm người, là tiếng nói cảm xúc của tác giả đối với sự việc, nhân vật được đề cập trong tác phẩm, là tinh thần cốt lõi của tác phẩm, ca ngợi sự công bằng và lên án thói hư, tật xấu. Người nghệ sĩ khi sáng tạo cần phải lấy cái gốc từ sự quan tâm, sẻ chia và lòng yêu thương đối với con người. Bởi vậy, những tác phẩm văn học lớn luôn là những tác phẩm mang giá trị nhân đạo sâu sắc.
Với "Vợ chồng A Phủ", tác giả thể hiện giá trị nhân đạo qua nội dung và tuyến nhân vật điển hình. Qua những tình hình trong truyện, Tô Hoài đã vạch trần bộ mặt xấu xa, tàn ác của xã hội thực dân nửa phong kiến tàn bạo nơi vùng núi phía Bắc cổ hủ, lạc hậu, tố cáo tội ác tày trời của bọn quan lại, bọn xâm lược. Tác giả cũng gửi gắm tình thương yêu, sự đồng cảm và lòng trân trọng, thương yêu những số phận bất hạnh, cùng khổ nhưng vẫn tiềm tàng sức sống, luôn sẵn sàng đứng lên đòi quyền được sống như A Phủ và Mị. Cũng qua hai nhân vật này, tác giả đã chỉ ra con đường Cách mạng là con đường tất yếu, con đường duy nhất mở đường cho những kiếp người bị đày đọa, mang tính kêu gọi người dân chiến đấu cho chính bản thân và cho độc lập dân tộc.
Đoạn trích kể về số phận nghiệt ngã của nhân vật Mị, một cô gái hiền lành, chăm chỉ nhưng không may lại mang thân phận "món đồ gạt nợ", bị gả vào nhà thống lý Pá Tra do món nợ truyền đời từ cha mẹ để lại. Tại đây, cô phải làm việc quần quật, bị bòn rút hết tất cả sự sống và sức phản kháng, tưởng chừng như không có con đường giải thoát nào. Rồi cô gặp được A Phủ, một nạn nhân của thống lý Pá Tra và tên A Sử. Chứng kiến số phận khổ đau giống mình, Mị như được tiếp thêm nguồn sức mạnh, dám đứng lên chống lại số phận, cùng A Phủ bỏ trốn, tìm đến một cuộc sống, nơi mà họ có thể sống như một con người thực thụ.
Giá trị nhân đạo của "Vợ chồng A Phủ" được thể hiện ở mặt nội dung, là tiếng nói tố cáo xã hội chà đạp, áp bức con người. Trong đó, cha con nhà thống lý Pá Tra chính là nhân vật điển hình, là đại diện của tội ác, áp bức, bóc lột. Sự ác nghiệt và bộ mặt tàn bạo đó được thể hiện rất rõ qua việc hành hạ Mị, A Phủ, chúng biến cô Mị từ một cô gái xinh đẹp, hay lam hay làm thành một "con rùa nuôi trong xó cửa", lúc nào cũng cúi mặt, "mặt buồn rười rượi" lầm lũi, không nói năng gì. Vì món nợ của cha mẹ, Mị bị A Sử lừa bắt về làm dâu trong nhà để gạt nợ cho cha, cô cũng chỉ biết chấp nhận vì thương xót đấng sinh thành. Chúng coi cô là công cụ lao động để làm giàu, "mỗi năm một mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong lên núi hái thuốc phiện; giữa năm thì giặt đay; đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời thế. Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày". Số phận của Mị thậm chí còn không bằng con trâu, con ngựa trong nhà thống lý. Hơn nữa, cô Mị còn bị bóc lột tinh thần đến mức mất đi sức phản kháng vốn tiềm tàng trong những số phận bất hạn. Cô bị trói, bị đánh tưởng đến chết trong đêm Tết ở Hồng Ngài. Từ một cô gái dám uống rượu để quên đi sầu khổ, dám chuẩn bị đi chơi trong đêm tình mùa xuân, giờ đây chỉ còn lại là cái xác không hồn, quanh năm làm lụng, không bao giờ dám nghĩ đến việc bỏ trốn hay tìm cách thoát ra khỏi số phận bi phẫn của mình.
Với A Phủ, cha con nhà thống lý Pá Tra dùng quyền, dùng sức bắt sống anh về với tội trạng đánh vỡ đầu A Sử. Bọn chúng bắt sống anh về như bắt một con vật, đánh đập anh tàn bạo đến nỗi "môi và đuôi mắt giập chảy máu", bày đèn bàn, thuốc phiện ra hút, rồi lại đánh, chửi, hút, cứ thể suốt chiều, suốt đêm, bắt anh nộp vạ cho bọn xéo phải, thống quán. Cuối cùng, chính bản thân anh lại trở thành món gạt nợ, phải làm không công cho tên thống lý để trả món nợ mà hắn tự đề ra. Chi tiết "A Phủ cúi sờ lên đồng bạc trên tráp, trong khi Pá Tra đốt hương, lầm rầm khấn gọi ma về nhận mặt người vay nợ. Pá Tra khấn xong, A Phủ cũng nhặt xong bạc, nhưng chỉ nhặt làm phép lên như thế rồi lại để ngay xuống mặt tráp. Rồi Pá Tra lại trút cả bạc vào trong tráp." đã bóc trần sự xảo quyệt, gian manh của tên thống lý. Cuộc đời A Phủ đã chính thức trở thành công cụ lao động cho cha con nhà Pá Tra, ngày ngày đốt rừng, cày nương, săn bò, bẫy hổ,... bao công việc nặng nhọc đều đến tay anh. Đỉnh điểm là khi anh làm mất một con bò, Pá Tra trói đứng anh vào cột, chờ đến khi có người mang hổ về mới tha cho anh. Bị trói đứng mấy ngày trời, không ăn, không uống, chịu rét, A Phủ kiệt sức tưởng như chết đi đến nơi. Từ hình ảnh một chàng trai khỏe mạnh, tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời, A Phủ trở thành con trâu cày không công cho nhà thống lý.
Tô Hoài không phê phán một cách trực tiếp, nhưng chính từ những hành động của thống lý Pá Tra đối với A Phủ và Mị, bị đẩy vào số phận con sâu cái kiến, người đọc đã nhận ra được bộ mặt bóc lột, lên án gay gắt chế độ quan lại trong xã hội thực dân nửa phong kiến khu vực miền núi Tây Bắc đã khiến biết bao con người khỏe mạnh, chịu thương chịu khó trở thành tay sai cho chế độ bóc lột bạo tàn.
Giá trị nhân đạo của "Vợ chồng A Phủ" được thể hiện ở tiếng nói cảm thông, chia sẻ của tác giả với những số phận bất hạnh như Mị và A Phủ. Những trang văn của Tô Hoài là những trang đời đẫm nước mắt, ở đó, người đọc nghe thấy sự đồng cảm, sẻ chia, tôn trọng, nâng niu của nhà văn cho những nhân vật. Mỗi một dòng văn đều thấm đẫm tư tưởng nhân đạo sâu sắc, thể hiện tình người thắm đượm và nỗi đồng cảm cho những mảnh đời nghiệt ngã. Để nói về cuộc đời của Mị, Tô Hoài viết: "Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn nghĩ đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử. ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi.". Người ta thấy dâng trào lên những cảm thương sâu sắc ở nhân vật, rõ ràng là một người con gái đang tuổi xuân phơi phới như thế, nhưng lại chỉ quẩn quanh suy nghĩ mình là con trâu, con ngựa, câm lặng cam chịu làm bạn với cái khổ đau. Còn đâu cô Mị dám trốn nhà Pá Tra về gặp bố mẹ, còn đâu những tia hi vọng nhen nhóm, ăn lá ngón để giải thoát cho số phận, và còn đâu những cuộc chơi đêm tình mùa xuân sôi động, náo nhiệt, những câu hát văng vẳng tìm bạn "tao không có con gái con trai, tao đi tìm người yêu". Cuộc sống của Mị gói gọn trong bốn bức tường, chỉ chừa ra cái ô cửa sổ nhỏ bằng bàn tay. Tưởng như tuổi xuân và cả cuộc đời Mị sẽ mãi mãi ở ngoài bốn bức tường ấy, chăng khác nào bị giam lỏng cả một đời người ở chốn ngục tù trần gian. Giới thiệu nhân vật Mị, Tô Hoài không chọn cách kể về tên tuổi, quê quán, hay thậm chí một câu tả dáng hình cũng chẳng được xuất hiện, chỉ vỏn vẹn: "Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Người ta nói: nhà Pá Tra làm thống lý, ăn của dân nhiều, đồn Tây lại cho muối về bán, giầu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng. Thế thì con gái nó còn bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, mà buồn. Nhưng rồi hỏi ra mới rõ cô ấy không phải con gái thống lý: cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lý." Đoạn văn mở đầu để lại cho người đọc một nỗi ám ảnh về kiếp người mòn, một số phận đau thương dai dẳng không dứt. Nét mặt buồn rười rượi của Mị chính là bản cáo trạng chân thực nhất về tội ác của cha con thống lý Pá Tra đã đè nặng lên cả một kiếp người, không chỉ khiến độc giả đau xót, mà còn khơi gợi sự căm tức, phẫn nộ, cảm thông với nhân vật.
Một trong những đoạn văn miêu tả độc đáo nhất của tác phẩm phải kể đến cảnh A Phủ bị trói, bị đánh phạt vạ. Bị chịu đòn từ các trai làng, anh chỉ biết đứng im, không dám nhúc nhích hay chống trả vì mang tội đánh con trai thống lý. Cái đốn mạt, tàn ác thể hiện ở chỗ, tên A Sử gây sự đánh nhau, nhưng khi bị đánh lại được bênh vực, được cha đi tìm kẻ đã đánh con trai mình về hành hạ, trong khi A Phủ, vì không có cha mẹ, vì thân phận hèn kém lại phải chịu đòn, chịu phạt. "A Phủ quỳ chịu tội ở xó nhà, không được dự tiệc hút ấy.", "A Phủ ra quỳ giữa nhà. Lập tức, bọn trai làng xô đến, trước nhất, chắp tay lạy lia lịa lên thống lý rồi quay lại đánh A Phủ. A Phủ quỳ chịu đòn, chỉ im như cái tượng đá... Cứ mỗi đợt bọn chức việc hút thuốc phiện xong, A Phủ lại phải ra quỳ giữa nhà, lại bị người xô đến đánh. Mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt giập chảy máu. Người đánh, người quỳ lạy, kể lể, chửi bới. Xong một lượt đánh, kể, chửi, lại hút. Khói thuốc phiện ngào ngạt tuôn qua các lỗ cửa sổ. Rồi Pá Tra lại ngóc cổ lên, vuốt tóc, gọi A Phủ... Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút.", "A Phủ lê hai cái đầu gối sưng bạnh lên như mặt hổ phù. A Phủ cúi sờ lên đồng bạc trên tráp, trong khi Pá Tra đốt hương, lầm rầm khấn gọi ma về nhận mặt người vay nợ. Pá Tra khấn xong, A Phủ cũng nhặt xong bạc, nhưng chỉ nhặt làm phép lên như thế rồi lại để ngay xuống mặt tráp. Rồi Pá Tra lại trút cả bạc vào trong tráp.".
Cả khi A Phủ lỡ đánh mất bò, thống lý Pá Tra cũng tìm cách bạo hành một cách man rợ: "A Phủ lẳng lặng ra vác chiếc cọc gỗ rồi lấy cuộn dây mây trên gác bếp xuống. Tự tay A Phủ đóng cọc xuống bên cột, Pá Tra đẩy A Phủ vào chân cột, hai tay bắt ôm quặt lên. Rồi dây mây cuốn từ chân lên vai, chỉ còn cổ và đầu lúc lắc được", "Đến đêm, A Phủ cúi xuống, nhay đứt hai vòng mây, nhích dãn dây trói một bên tay. Nhưng trời cũng vừa sáng. Pá Tra quảng thêm một vòng tròng lọng vào cổ. Thế là A Phủ không cúi, không còn lắc được nữa. A Sử và lính dõng của thống lý đi đuổi, mấy ngày không lùng bắt được con hổ. Thì cũng mấy ngày A Phủ phải trói đứng góc nhà. Đằng kia, bếp lò bung ngô cao ngang đầu người vẫn hừng hực đỏ rực. Mỗi hôm hai buổi, người ra người vào ăn uống tấp nập. A Phủ đứng nhắm mắt, cho tới khuya.". Tất cả những chi tiết ấy thể hiện sự tàn bạo, coi người như rơm rác của bọn quan lại, dã man xuống tay đánh đập trong khi bọn chúng thảnh thơi hút thuốc, chửi bới, thóa mạ. Thật không thể tưởng tượng được lại tồn tại một xã hội thối rữa, nơi nhân phẩm con người không bằng một con vật, kẻ phạm tội lại là quan tòa, người vô tội lại trở thành con nợ mạt kiếp, bị đánh đập tàn ác. Phải chăng, đây chính là những góc khuất đã được thế lực đen tối dung túng để bọn quan liêu mặc sức tung hoành, nhũng nhiễu, bóc lột dân chúng, bợ đỡ bọn Tây nhằm trục lợi, vơ vét của cải. Tô Hoài đã thẳng thắn bóc trần tất cả những mặt trái của xã hội cai trị rẻ mạt, đứng trên lập trường của nhân dân, bảo vệ người dân lao động, tố cáo tội ác của quân thù và bọn bất lương, thể hiện sự thương xót, tấm lòng nhân đạo và mong muốn được cứu giúp những mảnh đời đau thương, nghiệt ngã.
Tính nhân đạo của tác phẩm được Tô Hoài thể hiện ở tình cảm nâng niu, trân trọng những vẻ đẹp con người khi phát hiện ra sức sống tiềm tàng ẩn trong tâm hồn họ. Những trang văn của Tô Hoài luôn lấp lánh niềm tin của nhà văn vào nhân vật, ở đâu đó, trong những số phận bi thảm khốn cùng, người đọc vẫn cảm thấy âm ỉ một sức sống mãnh liệt, chỉ cần có chất xúc tác là có thể bùng cháy mạnh mẽ. Mị bản thân là một cô gái tài hoa, có đời sống nội tâm phong phú, có người yêu, có tài thổi sáo giỏi, luôn muốn tham gia vào những cuộc vui, đêm hội. Không chỉ có thế, Mị còn sẵn sàng dỡ vách ra đi chơi khi nhận được tiếng báo hiệu, nhưng không may, đó chính là cái bẫy để A Sử bắt Mị về làm vợ. Mị còn là cô gái biết thương cha mẹ, từ nhỏ đã chăm chỉ, an ủi cha mẹ khi gia đình lâm vào tũng quẫn và sẵn sàng đi làm thay trả nợ cho cha. Trong khi đó, A Phủ cũng là chàng trai khỏe mạnh, sống sót sau bệnh dịch tai quái, tuy mồ côi cha mẹ, từ nhỏ đã lưu lạc khắp nơi nhưng anh luôn có cái nhìn lạc quan, yêu đời, tinh thần dung mãnh, biết đứng lên bảo vệ cái đúng, lại sức dài vai rộng, "A Phủ khỏe, chạy nhanh như ngựa. Con gái trong làng nhiều cô mê. Nhiều người nói: "Đứa nào được A Phủ cũng bằng được con trâu tốt trong nhà. Chẳng mấy lúc mà giàu". Như vậy, tác giả xây dựng hình tượng hai nhân vật đều là những con người đẹp, thiện lương, chất phác, hoàn toàn có thể có một cuộc sống ổn định, ấm no bằng chính sức lao động của mình. Cũng vì vậy mà dù bị bòn rút tinh thần và sức lực, thẳm sâu trong tâm hồn họ vẫn mang ý chí vùng lên, giải thoát cho bản thân, chống lại bọn ác quyền ác bá.
Sự nâng niu, trân trọng con người của tác giả còn được khắc họa bằng những dòng văn miêu tả tâm hồn, suy nghĩ của nhân vật. Những tưởng Mị sẽ mãi bị chôn vùi trong đắng cay, tủi cực, nhưng không, sức sống của một cô gái trẻ lại được bừng dậy như một sự diệu kì của mùa xuân khi cô nhìn thấy cảnh đi chơi tấp nập, nghe thấy tiếng hát văng vẳng tìm bạn trai, bạn gái của thanh niên trong làng. Một chi tiết rất độc đáo thể hiện sự quật khởi trong Mị là khi Mị uống rượu. "Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn người nhảy đồng, người hát. Nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước, tai văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân đến, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị hết núi này sang núi khác.". Mị uống rượu để say, để quên đi thân phận trâu ngựa, để quên đi địa ngục trần gian ngày ngày phải đối mặt, để cảm thấy mình còn trẻ, còn muốn đi chơi, muốn sống lại những tháng ngày tuổi trẻ dồi dào sức sống. Cô Mị gần như quên hết đi bao đơn đau tủi cực, trong lòng chỉ còn những sắc màu sặc sỡ của váy áo, của ánh đèn, tiếng hát, tiếng sáo gọi bạn. Người đọc tưởng rằng đây chính là khi Mị vùng lên, đủ can đảm để chạy trốn, tìm cách nắm giữ số phận mình của Mị, cô Mị ngày xưa đã trở lại. Đến tận khi bị trói đứng vào cột nhà, hơi rượu vẫn nồng nàn, "Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đựa Mị đi theo những cuộc chơi", "Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa". Đây chính là bước ngoặt lớn nhất trong tâm trí Mị. Từ cam chịu, nghĩ rằng mình cũng chỉ là con trâu con ngựa, Mị đã có ý thức về thân phận của mình, có ý thức rằng đáng ra bản thân không phải chịu đựng những khổ đau đến thế. Tuy chưa phải nút thắt đỉnh điểm khiến Mị có thể sẵn sàng vùng lên, nhưng ẩn sâu trong tâm hồn người con gái ấy vẫn luôn có một ngọn lửa sự sống nhen nhóm, vẫn luôn khao khát được thoát khỏi cha con thống lý Pá Tra. Con người Mị mang một tâm hồn đẹp, một tấm lòng đẹp, ở cạnh cái ác mà không bị nhuốm bẩn, ở trong cái khổ mà vẫn có thể nuôi nấng một sức mạnh quật cường.
Với nhân vật A Phủ, tác giả giãi bày sự nâng niu, yêu quý với một người con trai, một người đàn ông chí khí bất diệt. "Bố mẹ đẻ A Phủ ở Hắng Bìa. Năm xưa, làng Hắng Bìa phải một trận bệnh đậu mùa, nhiều trẻ con, cả người lớn chết, có nơi chết cả nhà. Còn sót lại một mình A Phủ. Có người làng đói bắt A Phủ đem xuống bán đổi lấy thóc của người Thái dưới cánh đồng. A Phủ mới mười một tuổi, nhưng A Phủ gan bướng, không chịu ở cánh đồng thấp. A Phủ trốn lên núi, lưu lạc đến Hồng Ngài. Đi làm cho nhà người, lần nữa mùa này sang mùa khác. Chẳng bao lâu A Phủ đã lớn, biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo". Chống lại số phận, A Phủ luôn vận dụng sức khỏe của mình để kiếm miếng cơm manh áo, nhất định không chịu đầu hàng hay phụ thuộc vào ai. Bản tính của người dân miền núi lam lũ nhưng ý chí gan dạ đều gói gọn trong nhân vật này. Khi lớn lên, dù nghèo khổ, không có vàng, chẳng có nương, chỉ có mỗi một chiến vòng bằng sợi dây đồng vía lằn trên cổ, anh vẫn cùng trai làng đem sáo, khèn, con quay và quả pao đi tìm người yêu ở các làng trong vùng. Hình tượng nhân vật A Phủ giống như hình tượng những nhân vật cổ tích, tuy nghèo khổ nhưng luôn hết mình cố gắng, sống trong sạch, ngay thẳng, được mọi người yêu mến. Có lẽ, xây dựng nhân vật A Phủ cũng là cách để Tô Hoài nhắn nhủ tới độc giả về niềm tin trong cuộc sống, sống ngay thẳng nhất định sẽ được đền đáp.
Không chỉ thể hiện giá trị nhân đạo qua suy nghĩ, hành động, cảm xúc đối với nhân vật một cách đơn thuần, Tô Hoài còn đề ra được hướng giải thoát cho những số phận bi kịch. Trên trang viết của Tô Hoài, người đọc nhận ra một quá trình vận động logic và tất yếu trong suy nghĩ của nhân vật, đi từ nô lệ đến tự do, từ bóng tối tới ánh sáng, cái nhìn mang tư tưởng tiến bộ của nhân vật. Hình ảnh Mị quyết định cởi tróicho A Phủ và quyết định chạy theo A Phủ với mong ước được thoát khỏi ách nô lệ của Mị chính là con đường mở ra hướng giải thoát. Cô Mị chẳng phải tự nhiên mà cởi trói cho A Phủ, đó là hành động kết quả của bao suy nghĩ nội tâm, bao dằn vặt, bao tích tụ, bật ra thành hành động mang ý nghĩa lớn lao. "Trong nhà ngủ yên. Mị trở dậy thổi lửa, ngọn lửa bập bùng sáng lên. Mị trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở. Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen. Thấy tình cảnh thế, Mị chợt nhớ đêm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. Nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ... Mị phảng phất nghĩ như vậy.". Có những suy nghĩ như vậy, Mị dẫn dần lột bỏ thân xác của một con người cam chịu, thờ ơ với sự sống. Mị lo cho A Phủ hay là lo cho số phận của chính mình. Mị tìm thấy sự đồng điệu về nỗi khổ hạnh, khi năm nào, Mị cũng bị trói đứng như kia. "Người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết", như một ngọn đèn soi tỏ suy nghĩ, Mị đã nhận thức được nỗi sợ hãi cái chết, ý thức được "người kia việc gì phải chết". Hàng loạt dòng suy nghĩ đến với Mị, khiến cô như thức tình sau một giấc ngủ dài tưởng như vô tận, thôi thúc cô tìm đến sự sống, tìm đến hành động cởi trói cho A Phủ. Hành động cởi trói mang tính biểu trưng cao độ, cởi trói để giải phóng một đời người, cởi trói để ngọn lửa khát khao được sống có dịp bùng lên cháy bỏng, cởi trói đương đầu với thế lực cường hào ác bá đã vùi dập không biết bao nhiêu mảnh đời cơ cực. Bao nhiêu nỗi đau đã dồn nén để dẫn đến hành động cởi trói cho A Phủ của Mị, để rồi người con gái ấy nhận ra rằng, chỉ có thể được làm người khi bản thân muốn làm người, muốn được sống đúng nghĩa.
Con đường từ Hồng Ngài đến Phiềng Sa, nơi không ai biết họ là những kẻ chạy trốn, con đường từ tối tăm hũ nút đến ánh sáng bình minh và quyết định chạy theo A Phủ của Mị đã một lần nữa khẳng định quy luật vận động mang tính tất yếu. "A Phủ cho tôi theo với", "Ở đây thì chết mất" chính là tiếng lòng của cô gái Mị, tiếng gọi mãnh liệt của sự sống, sự dổi đời. Thì ra, trong tâm khảm cô gái ấy vẫn luôn mong ước một lần được yêu, được sống, được làm những gì mình hằng mong ước. Giờ đây, Mị đã được tự mình quyết định số phận, được nắm giữ quyền con người, không còn đau khổ, không còn phụ thuộc, không còn thống lý Pá Tra và những ngày tháng vô tận của kiếp người gạt nợ. Giá trị nhân đạo của tác phẩm không chỉ dừng lại ở tình thương, ở tiếng nói tố cáo mà còn vạch ra con đường để giải thoát, con đường Cách mạng tất yếu cho những kiếp người khổ đau, bất hạnh. Chỉ có Cách mạng, chỉ có ánh sáng của Đảng mới khiến cuộc đời tăm tối được lật giở sang một trang mới.
Tô Hoài đã xuất sắc trong việc lồng ghép giá trị nhân đạo, tính nhân văn trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", vạch mặt những thế lực đen tối đã vùi dập, chà đạp con người, khơi gợi trong lòng người đọc những sự rung động, lòng đồng cảm, xót thương với những số phận như Mị và A Phủ. Với khả năng phân tích tâm lý nhân vật đặc sắc, tinh tế, xây dựng không gian cổ tích bao phủ toàn câu chuyện, giọng văn ngắn gọn, mang đậm phong cách miền núi, bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao, Tô Hoài đã hoàn thành một cách trọn vẹn với tư cách một người quan sát, một nhà truyền đạt, là sợi dây kết nối giữa bạn đọc và những con người họ chưa từng một lần gặp gỡ.
Giá trị nhân đạo của "Vợ chồng A Phủ" là bản cáo trạng đanh thép với bọn đô hộ và những tàn dư của chế độ phong kiến lỗi thời, là tiếng lòng sẻ chia, cảm thông với những mảnh đời tuy bất hạnh nhưng ẩn sâu trong họ vẫn là khí chất quật cường của những người con miền núi chân chất, thật thà, giàu sức sống. Tô Hoài cũng gửi gắm tư tưởng về con đường giải phóng dân tộc, con đường Cách mạng mạng tới ánh sáng cho những số phận khổ đau, kêu gọi toàn dân kháng chiến. Tính nhân đạo không chỉ dừng lại ở tình cảm lay động lòng người mà còn chỉ ra cách giải thoát cho con người, cho toàn thể dân tộc đang chìm đắm trong áp bức lúc bấy giờ.
Xem thêm các bài soạn giáo án, sơ đồ tư duy, và tóm tắt truyện Vợ Chồng A Phủ:
- Giáo án Vợ chồng A Phủ
- Tóm tắt truyện ngắn Vợ chồng A Phủ
- Sơ đồ tư duy Vợ Chồng A Phủ
- Giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt