Đề bài: Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Chùa Hương
Bài văn mẫu Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Chùa Hương
Bài mẫu: Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Chùa Hương
"Ôi, trưa nay bước từng bậc đá
Róc rách còn nghe suối Giải oan
Ước gì đời mãi xanh tươi lá
Thanh thản Chùa Hương, cả thế gian!"
Tố Hữu đã có những vần thơ thật hay khi viết về Chùa Hương trong thi phẩm cùng tên được sáng tác năm 1992. Không chỉ có Tố Hữu mà Xuân Diệu, Nguyễn Nhược Pháp... và rất nhiều các nhà thơ khác tìm cảm hứng sáng tác thi ca sau khi thăm thú cảnh Chùa Hương. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Chùa Hương lại là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, là đề tài bất tận của nghệ thuật. Bởi đến với Chùa Hương, ta cảm nhận được nhiều hơn những gì mà một quần thể tự nhiên mang lại.
Chùa Hương hay còn được gọi là Hương Sơn là một quần thể văn hóa tôn giáo. Chùa nằm ở Mỹ Đức, Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 65 km. Đây được coi như một danh lam thắng cảnh nổi tiếng và mang nhiều nét tâm linh của thủ đô Hà Nội. Du khách về với Chùa Hương như một hành trình tìm về với đất Phật, tìm về với nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Quần thể Chùa Hương là sự hòa hợp tuyệt diệu giữa tạo hóa thiên nhiên cùng với bàn tay khéo léo của con người. Chính sự kết hợp giữa vẻ đẹp đầy sự ưu ái của thiên nhiên và sự biến hóa của con người mà Chùa Hương đã trở thành một điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách tham quan. Quần thể Chùa Hương lần lượt được hiện ra trước mắt du khách với chùa Ngoài, chùa Trong, đến chùa Giải Oan, chùa Thiên Trù và động Hinh Bổng...Các chùa trong quần thể đều cổ kính, mang đậm nét truyền thống xưa tạo nên một không gian vô cùng huyền bí, linh thiêng. Các động, đền của chùa bao gồm Động Hương Tích, Đền Cửa Võng, Động Đại Bình, Động Hương Đài, Động Long Vân, Động Cây Khế và Động Ngọc Long, Đền Trình Phú Yên... Muốn đi hết những điểm du lịch Chùa Hương, du khách phải mất ba ngày. Động Hương Tích được biết đến như một hang động lớn nhất và kì thú nhất Hương Sơn. Động này có từ thời kỳ vận động tạo sơn, được phát hiện vào thế kỉ XI và thờ Phật năm 1687. Truyện kể rằng "Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ứng thân làm công chúa Diệu Thiện tu hành 9 năm và thành chính quả ở động này nên đặt tên là Hương Tích (tức dấu vết thơm tho)". Điều đặc biệt ở Động này chính là pho tượng Phật Bà Quán Âm được làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn cùng với những nhũ đá nhấp nhô với rất nhiều những hình thù kì lạ. Động Hương Tích được mệnh danh với câu chuyện con rồng chúa đang há miệng vờn ngọc. Với những nét đặc sắc trong tạo hình, Động Hương Tích được xem như địa điểm đặc biệt nhất của Chùa Hương. Đây cũng chính là nơi mang đến rất nhiều nguồn cảm hứng thi ca cho các thi nhân như Dương Khuê, chúa Trịnh Sâm hay Hồ Xuân Hương. Trong "Động Hương Tích" của Dương Khuê, nhà thơ có viết:
"Thú thiên nhiên đâu bằng Hương Tích
Đủ màu thanh, cảnh lịch trăm chiều
Người thời vui sô, lạp, ngư, tiều
Kẻ thời thích yên, hà, phong, nguyệt..."
Lễ hội chùa Hươngdiễn ra từ mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Đây là lễ hội đầu xuân lớn nhất của Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc. Lễ hội diễn ra với rất nhiều hoạt động. Dịp đầu xuân thu hút rất nhiều phật tử, du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc về du xuân. Không khí lễ hội vô cùng nhộn nhịp, sinh động. Thông thường du khách sẽ tham quan quần thể Chùa Hương theo ba tuyến chính: tuyến Hương Tích, Tuyết Sơn và Long Vân. Sau đó sẽ di chuyển bằng thuyền để eo núi đến với chùa Trò (Thiên Trù). Ngoài dịp lễ hội, thời điểm vãn cảnh Chùa Hương lý tưởng nhất là vào mùa hạ và mùa thu. Khung cảnh chùa lúc này không còn vẻ nhộn nhịp, huyên náo như những dịp đầu năm mới mà hay vào đó là khung cảnh thơ mộng vô cùng đẹp. Lớp sương mờ ảo mùa thu bao phủ xung quanh ngôi chùa cùng với làn nước trong veo xanh ngắt sẽ đem đến cho du khách những sự thư giãn tuyệt đối khi đến đây. Vẻ tĩnh lặng, nên thơ ấy làm nên thương hiệu mà chỉ Chùa Hương mới có được.
Hiện nay, có rất nhiều phương tiện di chuyển để tham quan chùa. Ngoài phương tiện di chuyển là thuyền thì Hương Sơn còn có hệ thống cáp treo hiện đại để phục vụ mục đích tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước. Từ trên cáp treo phóng tầm nhìn xuống phía dưới, khung cảnh chùa vô cùng nên thơ đem lai một cảm giác thanh tịnh đến vô cùng.
Nếu ai chưa từng đặt chân đến Chùa Hương thì sẽ chưa thể cảm nhận hết được vẻ đẹp cổ kính của nơi đây. Sự kết hợp giữa vẻ đẹp tự tạo của thiên nhiên cùng với "bàn tay tài hoa" của con người đã mang đến một quần thể du lịch vô cùng tuyệt vời. Mượn lời thơ của nhà thơ Xuân Diệu để nói về vẻ đẹp của nơi đây như một vẻ đẹp tuyệt mĩ của tạo hóa:
"Trong làn nước nhẹ mọc rong xanh
Như gấm mơ hồ dưới thủy tinh
Chèo khỏa, chèo lên, chèo lại khỏa
Thuyền đi trên vạn sắc màu xinh."
(Thăm cảnh chùa Hương - Xuân Diệu)
Xem thêm các bài văn mẫu, dàn ý thyết minh về con vật, di tích lịch sử, món ăn, thắng cảnh:
- Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản
- Thuyết minh về một giống vật nuôi
- Dàn ý Thuyết minh về di tích lịch sử
- Dàn ý Thuyết minh về một món ăn
- Thuyết minh về danh lam thắng cảnh
- Hãy viết một bài văn để thuyết minh về một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn