download Cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà

Cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà

 

Download Cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà - Bài văn cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

Nguyễn Cảnh Nam  cập nhật: 16/11/2023

Những đứa trẻ xuất hiện trong văn học thời kháng chiến thường mang theo rất nhiều nét tính cách đáng quý, đáng trân trọng. Hãy cùng tìm hiểu về chủ đề này với bài mẫu Cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn dưới đây nhé!

Đề bài: Cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà

Cam nhan ve be Thu trong truyen Chiec luoc nga

Cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà ngắn gọn

I. Dàn ý Cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà:

1. Mở bài: 

- Giới thiệu về tác phẩm “Chiếc lược ngà” và nhân vật bé Thu. 

- Nêu cảm nhận khái quát về nhân vật.

2. Thân bài: 

a, Hoàn cảnh của nhân vật: 

- Ba đi bộ đội từ khi bé Thu chưa đầy một tuổi. 

- Tất cả những gì bé Thu biết về ba chỉ là tấm ảnh cũ chụp chung với má.  

b, Tính cách của nhân vật: 

- Bé Thu là một cô bé ngây thơ, hồn nhiên: 

+ Khi mới gặp ông Sáu: giật mình, tròn mắt, ngơ ngác.

+ Thấy sợ hãi khi có người lạ đến nhà. 

+ Tin rằng người cha trong bức ảnh với người cha có vết thẹo là 2 người khác nhau. 

- Bé Thu là một cô bé mạnh mẽ, pha chút bướng bỉnh: 

+ Trong những ngày ông Sáu ở nhà, ông càng vỗ về thì bé Thu càng đẩy ra. 

+ Xem ông Sáu như người lạ, không chịu gọi ba. 

+ Không chịu gọi ba vào ăn cơm, chỉ nói trống với ông Sáu. 

+ Nhờ vả ông Sáu một cách miễn cưỡng. 

+ Hất miếng trứng cá mà ông Sáu gắp cho ra khỏi bát. 

+ Khi bị đánh thì bé Thu không khóc mà bỏ luôn sang nhà ngoại. 

+ Vào ngày ông Sáu phải lên đường, ban đầu bé Thu cũng chỉ đứng im trong một góc chứ không chịu ra nhận ba. 

- Bé Thu là một người con vô cùng yêu thương cha:

+ Khi nghe lời giải thích của bà, bé Thu mới hiểu ra và im lặng hối hận. 

+ Trong ngày chia tay ba, cô bé không bướng bỉnh, lạnh lùng nữa mà chỉ đứng im một góc. 

+ Khi ông Sáu cất tiếng chào, bé Thu mới vỡ òa cảm xúc mà cất lên tiếng gọi “Ba”. 

+ Bé Thu ôm ông Sáu, hôn khắp mặt ông, hôn cả vết thẹo dài, không cho ông Sáu rời đi. 

c, Đánh giá chung: 

- Bé Thu là một cô bé hồn nhiên, ngây thơ nhưng không kém phần mạnh mẽ, luôn yêu thương cha. 

- Nhân vật vẫn chỉ là một đứa trẻ, yêu - ghét rõ ràng. 

- Nhân vật được xây dựng chi tiết về cả hành động và những chuyển biến tâm lí, làm nổi bật câu chuyện về tình cha con thắm thiết. 

3. Kết bài: 

- Khẳng định lại cảm nhận, đánh giá về nhân vật bé Thu. 

- Liên hệ mở rộng. 

 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà:

1. Cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà ngắn gọn - mẫu số 1: 

Nhắc đến tên tuổi Nguyễn Quang Sáng, ta không thể bỏ qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà” vô cùng nổi tiếng của ông. Tác phẩm đã rất thành công trong việc khắc họa chân dung con người thời chiến, đặc biệt là hình tượng nhân vật bé Thu.

Tác phẩm lấy bối cảnh những năm tháng chiến tranh gian khổ của dân tộc. Ông Sáu phải đi kháng chiến từ khi đứa con gái đầu lòng chưa đầy một tuổi. Vậy là trong suốt quãng thời gian ấu thơ, bé Thu không hề được gặp cha. Tất cả những gì cô bé biết về cha mình chỉ là tấm ảnh cũ chụp cùng má. 

Lần đầu tiên gặp cha, bé Thu không khỏi bỡ ngỡ, hoảng sợ. Cô bé không biết người đàn ông xa lạ này là ai mà lại tự nhận mình là cha của cô. Hình ảnh người cha trong tâm trí cô bé khác xa với ông Sáu. Điều này khiến cô bé càng có ác cảm với ông hơn. Bé Thu thể hiện thái độ chống đối, ương ngạnh vô cùng quyết liệt. Từ việc không chịu gọi ông Sáu là ba đến cả việc nói trống, nhất quyết không nhờ đến sự giúp đỡ của ông khiến độc giả cảm nhận rõ sự mạnh mẽ toát ra từ cô bé nhỏ tuổi này. Đỉnh điểm là khi được ông Sáu gắp cho miếng trứng cá, bé Thu lập tức hất ra và bị ông Sáu đánh đòn. Nhưng thay vì gào khóc, cô bé lại im thin thít, chạy luôn sang nhà bà ngoại. Sự mạnh mẽ, ương bướng ấy xuất hiện bởi tình cảm cô dành cho cha quá lớn. Bé Thu không cho phép ai “mạo danh” người cha đáng kính của mình. 

Để rồi, khi mọi chuyện sáng tỏ, bé Thu mới có cơ hội bộc lộ hết tình yêu thương, sự nhớ nhung mình dành cho cha. Nghe những lời giải thích của ngoại, trong lòng cô bé ngổn ngang những cảm xúc ân hận. Tận lúc ông Sáu quay người lên đường, cô bé mới thốt lên tiếng “ba” đã kìm nén bấy lâu. Khi này, Thu không còn là cô bé ương bướng, ngỗ nghịch nữa mà chỉ là một đứa con gái nhỏ trong vòng tay cha. Giây phút hai cha con ôm lấy nhau, tất cả mọi người đều vỡ òa trong cảm xúc. Cô bé hôn cha cùng khắp, hôn cả vết thẹo dài trên má ông. Những giọt nước mắt của sự hạnh phúc, của nỗi nhớ nhung rơi đầy trên mặt hai cha con. Lúc này, ta càng cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm sâu nặng, thắm thiết mà bé Thu dành cho người cha thương yêu. 

Với nghệ thuật miêu tả nhân vật đầy tài hoa, Nguyễn Quang Sáng đã đem đến cho độc giả một bé Thu chi tiết tới từng cử chỉ, hành động. Diễn biến nội tâm phức tạp của cô bé cũng được ông khéo léo thể hiện, làm nổi bật lên tình cảm cha con sâu nặng trong những năm tháng chiến tranh gian khổ. 

Qua nhân vật bé Thu cũng như qua cả tác phẩm “Chiếc lược ngà”, nhà văn đã gửi tới độc giả rất nhiều bài học đáng giá. Đó là sự trân trọng dành cho gia đình, đồng thời cũng là sự lên án đối với những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã cướp đi hạnh phúc của bao người khi xưa. 

Cam nhan ve be Thu trong truyen Chiec luoc nga

Cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà hay chọn lọc

2. Cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà hay chọn lọc - mẫu số 2: 

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một bức tranh đầy cảm động về tình cha con trong thời chiến. Qua tác phẩm, ta thấy sáng lên chân dung bé Thu - một cô bé nhỏ tuổi, ngây thơ nhưng đầy mạnh mẽ, chan chứa tình yêu thương dành cho cha mình. 

Nhìn vào hoàn cảnh của bé Thu, ta có thể thấy được những éo le một gia đình phải chịu đựng trong thời chiến. Chiến tranh khiến đôi lứa chia li, gia đình xa cách. Ông Sáu phải đi lính từ khi bé Thu chưa đầy một tuổi. Vậy nên những năm tháng tuổi thơ của cô bé ấy đã thiếu mất hình bóng người cha. Tất cả những gì cô bé biết về cha mình chỉ là qua lời kể của má và tấm hình ba má chụp cùng nhau. Chính điều này đã tạo nên nút thắt trong tình huống truyện, làm nổi bật lên tình cảm sâu nặng mà cô bé dành cho cha. 

Trước hết, có thể thấy bé Thu là một cô bé ngây thơ, hồn nhiên nhưng không kém phần mạnh mẽ. Lần đầu gặp cha, cô bé ấy giật mình, ngơ ngác, không biết người đàn ông trước mặt này là ai. Sự sợ hãi hiện rõ qua từng thái độ, cử chỉ của bé Thu, khiến ông Sáu cũng phải bối rối. Tình huống dở khóc dở cười ấy dẫn đến cả những hành động sau này. Cô bé nhất quyết không chịu nhận ông Sáu là cha. Mọi người cũng ngỡ ngàng, khó hiểu vì điều kì lạ này. Trong suốt những ngày ông Sáu ở nhà, dù ông có cố gắng bao nhiêu, vỗ về thế nào thì bé Thu vẫn nhất mực phản kháng. Cô bé tỏ ra ương bướng, chán ghét người đàn ông lạ mặt. Dù là gọi ba ra ăn cơm, nhờ ba chắt nước cơm giùm, bé Thu cũng đều làm với một thái độ chống đối, xa cách. Cô bé còn nói trống với ông, thậm chí hất đi cả miếng trứng cá mà ông Sáu gắp cho. Đến cả lúc bị đánh, cô bé ấy vẫn không khóc mà bỏ luôn sang nhà bà ngoại. Chỉ khi nút thắt được hóa giải, ta mới hiểu tất cả những hành động ấy đều là bởi tình cảm sâu nặng mà cô bé dành cho người cha thân yêu. 

Và rồi, nhờ sự giải thích của ngoại, bé Thu mới hiểu người đàn ông với vết thẹo dài trên mặt kia chính là cha mình. Người cha mà cô bé hằng mong nhớ đã phải chịu những vết thương do chiến tranh gây ra, khác hẳn với người cha trẻ trung, lành lặn trong bức ảnh chụp với má. Nhận thấy sự thật này, cảm xúc của cô bé bỗng hỗn loạn hơn, xen nhiều phần ân hận. Và trong ngày ông Sáu lên đường, thay vì sự bướng bỉnh, lạnh lùng như cũ, bé Thu lại im lặng, đứng nép vào một góc để lén nhìn ba. Chỉ khi ông Sáu cất lời chào tạm biệt, cô bé mới vỡ òa trong cảm xúc. Tiếng “Ba” kéo dài như chất chứa bao tủi hờn, nhớ thương, cũng hàm chứa cả nỗi ân hận, xúc động đã được phát ra. Giây phút ấy, cả nhân vật và độc giả cùng xúc động. Cô bé thể hiện tình cảm mãnh liệt của mình, chạy lại ôm hôn ông Sáu, nhất quyết không muốn ông rời xa mình thêm nữa. Nhưng rồi sự chia li lại đến với hai cha con. Khi này, cô bé lại thể hiện sự mạnh mẽ của mình, tiễn cha lên đường với lời hẹn ba sẽ về, đem theo chiếc lược ngà mà cô bé muốn. 

Như vậy, hình ảnh bé Thu - một cô bé nhỏ tuổi nhưng mạnh mẽ đã được nhà văn Nguyễn Quang Sáng khắc họa vô cùng thành công. Nhân vật ấy đại diện cho vô số những đứa trẻ khác. Chúng hồn nhiên, vô tư nhưng luôn dành rất nhiều tình cảm cho cha mẹ. Nhưng chỉ vì chiến tranh chia cách, chúng không có cơ hội thể hiện sự nhớ nhung, yêu thương tới bậc sinh thành. Qua lối miêu tả chi tiết cả về hành động, thái độ cũng như những diễn biến nội tâm phức tạp của bé Thu, nhà văn đã lên án chiến tranh phi nghĩa, lột tả cái bi kịch của gia đình trong thời loạn lạc. 

Tựu chung lại, có thể khẳng định nhân vật bé Thu đã đem đến rất nhiều cảm xúc cho độc giả. Câu chuyện về cha con ông Sáu không chỉ làm sáng lên tình thân, tình cảm gia đình thời chiến mà còn đem đến cho ta nhiều bài học quý giá, giúp ta thêm trân trọng những giây phúpt hạnh phúc, bình yên bên gia đình. 

 - - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Với nhân vật bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”, các em hãy tập trung phân tích diễn biến tâm trạng cũng như các hành động của cô bé. Từ đó, phát hiện thêm nhiều thông điệp ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải nhé. Ngoài bài văn cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà, để tham khảo những bài văn mẫu lớp 9 khác, mời em ghé qua kho tài liệu của Taimienphi.vn. Một số dạng đề em có thể quan tâm như: Phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà; Phân tích nhân vật ông họa sĩ trong bài Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long; Phân tích hình tượng chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

 

Liên kết tải về - []
Các phiên bản khác



Bài viết liên quan

 Thông tin giới thiệu, hướng dẫn sử dụng phần mềm Cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà được biên soạn nhằm giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, việc daoloat cảm nhận về bé thu trong truyện chiếc lược ngà là hoàn toàn miễn phí, bạn có thể chi tiết nội dung tại mục "Điều khoản".

Các phiên bảnHướng dẫn

   Tải về

Cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà

Bấm vào file dưới
Để cài phần mềm