download Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 Năm 2019-2020

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9

 Năm 2019-2020

Download Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 - Đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn

Nguyễn Thuý Thanh  cập nhật: 19/12/2019

Mời quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 để có thêm tài liệu quan trọng cho việc xây dựng đề cương, ôn tập kiến thức nhằm giúp các em học sinh chuẩn bị tốt nhất về kiến thức cũng như kĩ năng cho kì thi sắp tới.


Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9

Chương trình Ngữ văn lớp 9 học kì 1 tập trung rất nhiều văn bản thơ, văn cũng như những đơn vị kiến thức thuộc phân môn Tiếng Việt và Tập làm văn quan trọng, do đó để đạt điểm cao trong kì thi kết thúc học kì 1 môn Ngữ văn đòi hỏi các em học sinh nắm vững những kiến thức về văn bản, tiếng Việt, thành thạo trong kĩ năng viết bài nghị luận, phân tích tác phẩm văn học. Nhằm giúp các em học sinh có qua trình ôn tập hiệu quả, Taimienphi.vn đã giới thiệu một số đề thi học kì 1 môn Ngữ văn mới nhất cùng với hệ thống đáp án giúp cho việc so sánh, đối chiếu được thuận lợi.
 

1. Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 số 1: 

* Phần đề thi

I. Phần đọc - hiểu: 5 điểm

Câu 1 (1 điểm): Chủ đề chính của truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long là gì?

Câu 2 (1 điểm): Nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận?

Câu 3 (1 điểm): Nôi dung của văn bản "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng?

Câu 4 (2 điểm): Đọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu ở dưới:

"Lũ chúng tôi,
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi "một hai"
Súng bắn chưa quen,
Quân sự mươi bài,
Lòng vẫn cười vui kháng chiến.
Lột sắt đường tàu,
Rèn thêm dao kiếm,
Áo vải chân không,
Đi lùng giặc đánh."

("Nhớ" – Hồng Nguyên)

a. Đoạn thơ trên được làm theo thể thơ nào?

b. Đoạn thơ thể hiện nội dung gì?

c. Từ đoạn thơ em nhớ đến bài thơ nào, của ai mà em đã học trong chương trình Ngữ văn 9?

II. Phần tạo lập văn bản: 5 điểm

Câu 5 (5 điểm): Tưởng tượng em được gặp gỡ nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng" của nhà văn Kim Lân và trò chuyện cùng ông về những ngày tháng đi tản cư. Hãy kể lại cuộc gặp gỡ đó.


* Hướng dẫn chấm điểm đề số 1:

Câu 1: Nêu được chủ đề của truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long: Ca ngợi những con người lao động bình thường và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

Câu 2: Nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận:

  • Xây dựng được những hình ảnh đẹp, tráng lệ
  • Âm hưởng khỏe khoắn, sôi nổi, phơi phới như giai điệu của một bài hát
  • Sự gieo vần ngắt nhịp linh hoạt, vần bằng tạo sự vang xa, bay bổng, vần trắc tạo sức mạnh vang dội.

Câu 3:

Nội dung của văn bản "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng: Thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.

Câu 4:

a, Đoạn thơ trên được làm theo thể thơ: Tự do

b, Nội dung: Đoạn thơ thể hiện hình ảnh người chiến sĩ trong buổi đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn gian khổ.

c, Từ đoạn thơ em nhớ đến bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu

Câu 5

A. Về nội dung các phần bài viết

1. Mở bài: HS biết tạo tình huống gặp gỡ với nhân vật ông Hai (thời gian, không gian, địa điểm, nhân vật.) một cách hợp lí, hấp dẫn.

2. Thân bài

Trò chuyện về hoàn cảnh khiến ông Hai phải đi tản cư; niềm hãnh diện, tự hào, nỗi nhớ làng da diết và sự quan tâm đến cuộc kháng chiến của ông Hai khi ở nơi tản cư.

Trò chuyện để thấy được diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc từ đó bộc lộ rõ tình yêu làng sâu sắc hòa quyện thống nhất với tình yêu nước của ông Hai:

  • Từ sự bàng hoàng sững sờ khi mới nghe tin đến cảm giác xấu hổ, lo lắng, buồn bã, chán nản rồi trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên nặng nề khiến ông Hai vô cùng đau đớn khổ sở.
  • Tiếp theo là tình thế bế tắc, tuyệt vọng của ông khi bị đuổi đi, sự đấu tranh nội tâm của ông giữa đi nơi khác hay trở về làng qua đó làm rõ được tình yêu nước rộng lớn, bao trùm lên tình yêu làng quê của ông Hai.
  • Lời tâm sự của ông Hai với đứa con út thể hiện tấm lòng thủy chung son sát của ông với cách mạng, với kháng chiến.
  • Trò chuyện để thấy được tâm trạng vui sướng vô bờ của ông Hai khi tin làng theo giặc được cải chính.

Chú ý: Hình thức của bài văn là một cuộc trò chuyện nên lời đối thoại phải tự nhiên, linh hoạt, không gượng ép; văn phong trong sáng, giàu tính biểu cảm; sử dụng kết hợp các hình thức đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm để khắc họa rõ nét diễn biến tâm trạng của nhân vật...

3. Kết bài: Ấn tượng, cảm xúc và suy nghĩ của bản thân sau cuộc trò chuyện.

B. Về hình thức

HS viết một bài văn với đủ ba phần, các ý trong thân bài sắp xếp hợp lí, chữ viết rõ ràng, có thể mắc một số ít lỗi chính tả.

 

II. Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 số 2: 

* Phần đề thi

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc phần trích sau và trả lời câu hỏi.

Bố đi chân đất. Bố đi ngang dọc đông tây đâu đâu con không hiểu. Con chỉ thấy ngày nào bố cũng ngâm chân xuống nước, xuống bùn để câu quăng. Bố tất bật đi từ khi ngọn cỏ còn đẫm sương đêm. Khi bố về cũng là lúc ngọn cỏ đã đẫm sương đêm. Cái thùng câu bao lần chà đi, xát lại bằng sắn thuyền, cái ống câu nhẵn mòn, cái cần câu bóng dấu tay cầm ….Con chỉ biết cái hòm đồ nghề cắt tóc sực mùi dầu máy tra tông -đơ, cái xếp ghế bao lần thay vải nó theo bố đi xa lắm .

Bố ơi! Bố chữa làm sao được lành lặn đôi bàn chân ấy…đôi bàn chân dầm sương dãi nắng đã thành bệnh…

( Tuổi Thơ im lặng - Duy Khán)

Câu 1. Đoạn trích trên đã sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?

Câu 2. Các từ: đâu đâu, tất bật, lành lặn thuộc loại từ gì?

Câu 3. Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu: “Bố tất bật đi từ khi ngọn cỏ còn đẫm sương đêm.” thuộc kiểu câu nào? Vì sao?

Câu 4. Văn bản trên gợi cho em tình cảm gì?

II. TẠO LẬP VĂN BẢN (7.0 điểm):

Câu 1 (2.0 điểm) Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, em hãy nêu những việc làm của bản thân để bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ bằng một đoạn văn khoảng 150 đến 200 chữ ?

Câu 2 (5.0 điểm)

Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long ?


* Hướng dẫn chấm điểm đề số 2:

Phần

Câu

Yêu cầu

Điểm

Đọc hiểu

 

 

3.0

 

1

Phương thức biểu đạt : Tự sự

0.5

 

2

Từ láy

0.5

 

3

Câu trần thuật đơn

0.5

 

 

Vì: Câu chỉ có một kết cấu C - V

0.5

 

4

Thể hiện tình yêu và lòng biết ơn với người bố .

1.0

 




1

Từ nội dung của phần đọc hiểu, em hãy nêu những việc làm của bản thân để bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ bằng một đoạn văn khoảng 10 đến 15 dòng.

2.0

 

 

a. Đảm bảo thể thức của đoạn văn

0.25

 

 

b. Xác định đúng vấn đề cần trình bày: Những việc làm thể hiện lòng biết ơn.

0.25

 

 

c. Nội dung cần trình bày:

HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, dưới đây là một số gợi ý.

+ Hiểu và cảm nhận được sự vất vả, tần tảo của người bố trong đoạn trích

+ Từ đó bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ bằng những hành động, việc làm cụ thể.

 

0.5

 

1.0

 

2

* Các yêu cầu:

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn : Có

đầy đủ MB,TB,KB

Xác định đúng vấn đề cần phân tích.

 

0.5

 

 

 

 

b. Cần đảm bảo được các ý cơ bản sau

+ NỘI DUNG

- Giới thiệu tác phẩm “Lặng lẽ Sapa” và nhận xét khái quát về nhân vật anh thanh niên.

- Cách xuất hiện, hoàn cảnh sống, công việc, quan niệm, thái độ đối với công việc của anh thanh niên => hoàn cảnh sống đặc biệt, yêu nghề, có quan điểm mới đúng đắn, về công việc

- Những phẩm chất tốt đẹp khác: quan tâm yêu thương người khác, hiếu khách, khiêm tốn, chân thành cởi mở; có nếp sống tươi vui giản dị, ham học hỏi..

+ NGHỆ THUẬT - Cách đặt tên nhân vật vô danh, cách nhân vật xuất hiện trong tác phẩm, lời văn nhẹ nhàng trau chuốt, đầy chất thơ.

 

 

0.5

 

 

 

1.5

 

1.0

1.0

 

 

c. Chính tả, dùng từ đặt câu: đảm bảo đúng chính

tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt

d. Liên hệ anh thanh niên têu biểu cho con người mới, con người XHCN, sống có lý tưởng cao đẹp.

0.5

Tổng điểm

10.0

 

III. Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 số 3: 

* Phần đề thi

Phần I

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

(Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục)

1. Đoạn thơ nằm trong tác phẩm nào? Của ai?

2. Tìm hai điển cố trong đoạn thơ và nêu hiệu quả nghệ thuật của cách sử dụng điển cố đó?

3. Trong đoạn thơ trên, tại sao khi nói tới nỗi nhớ của Kiều hướng tới Kim Trọng, tác giả sử dụng từ “tưởng”, còn khi nói tới nỗi nhớ của Kiều dành cho cha mẹ, nhà thơ lại dùng từ “xót”

4. Viết một đoạn văn khoảng 12- 15 câu theo phép lập luận quy nạp làm rõ những phẩm chất của Kiều được thể hiện ở đoạn thơ trên. Trong đoạn văn có sử dụng câu bị động (gạch dưới câu bị động)

Phần II

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

    … Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh.

    - Tôi sẽ mang về trao tận tay cháu.

    Tôi cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.

(Trích Chiếc lược ngà- Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục)

1. Người kể chuyện trong đoạn trích trên là ai? Cách chọn vai kể như vậy có tác dụng gì?

2. Cụm từ “nhắm mắt đi xuôi” trong đoạn văn trên có ý nghĩa gì? Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn này.

3. Bằng đoạn văn ngắn, hãy nêu ý nghĩa của hình tượng chiếc lược ngà trong đoạn trích trên.

 

 

* Hướng dẫn chấm điểm đề số 3:

Phần I (6 điểm)

1. Đoạn thơ trên nằm trong tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích, của tác giả Nguyễn Du (1 điểm)

2. Hai điển tích điển cố được sử dụng:

- Quạt nồng ấp lạnh: nói về người con có hiếu, phụng dưỡng cha mẹ, mùa hè trời nóng nực thì quạt cho cha mẹ ngủ, mùa đông trời giá lạnh thì vào nằm trong giường trước cho ấm (0,25 điểm)

- Sân Lai: sân nhà Lão Tử người nước Sở thời Xuân Thu rất có hiếu với cha mẹ, tuy đã già mà còn nhảy múa ngoài sân cho cha mẹ xem để mua vui cho cha mẹ. (0,25 điểm)

- Sử dụng điển tích điển cố nhằm thể hiện, nhấn mạnh nỗi nhớ nhà, nhớ mong, lo lắng cho cha mẹ của Thúy Kiều (0,5 điểm)

3.

Nỗi nhớ Kiều dành cho Kim Trọng sử dụng động từ “tưởng” (hồi tưởng, nhớ lại) để nói về những kỉ niệm đẹp đẽ trong quá khứ. Trong nỗi nhớ của Thúy Kiều về tình yêu đẹp có cả hình dung về không gian đêm trăng thề nguyền, sự khắc khoải trông chờ của Kim Trọng khi trở lại vườn Thúy… Tưởng là vừa nhớ, vừa hoài niệm. (0,5 điểm)

- Nhớ về cha mẹ Nguyễn Du dùng từ “xót” thể hiện nỗi khổ tâm đau xót của người con giàu lòng vị tha hiếu thảo khi không chăm sóc được cha mẹ. (0,5 điểm)

4. Viết đoạn văn

Nỗi nhớ Kim Trọng (1 điểm)

- Chữ “tưởng” nhớ lại, hồi tưởng lại

+ Nhớ đêm trăng thề nguyền

+ Nhớ về Kim Trọng nên đau đớn hình dùng ra khi chàng trở về không hề biết Kiều đã bán mình chuộc cha

- Động từ “gột rửa” diễn tả tấm lòng son sắt, thủy chung của mối tình đầu, nhưng cũng xót thương cho tấm thân không còn gột rửa được nữa

→ Nỗi nhớ người yêu tha thiết, đau đáu

Nỗi nhớ cha mẹ (1 điểm)

- Sử dụng thành ngữ, điển tích, điểm cố để nói tới nỗi nhớ cha mẹ

- Kiều xót xa khi nghĩ tới cảnh cha mẹ già yếu mà hằng ngày vẫn tựa cửa ngóng tin con

- Kiều lo lắng cho cha mẹ khi cha mẹ đã già không biết có ái chăm sóc, đỡ đần

→ Kiều là người con hiếu thảo, tình nghĩa

- Sử dụng được câu bị động (0,5 điểm)

Trình bày sạch đẹp, đầy đủ ý (0,5 điểm)

Phần II (4 điểm)

1. Đoạn trích sử dụng ngôi kể thứ nhất - nhân vật ông Ba kể chuyện, xưng “tôi”. Ngôi kể này có tác dụng tạo ra độ chính xác, tin tưởng cao, khi nhân vật trực tiếp thuật lại câu chuyện bản thân chứng kiến.

2. Cụm từ “nhắm mắt đi xuôi” để chỉ cái chết nhẹ nhàng, thanh thản (0,5 điểm)

Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn “Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi”: biện pháp nói giảm nói tránh được sử dụng nhằm giảm bớt sắc thái đau đớn khi diễn tả cái chết của ông Sáu (0,5 điểm)

3. Ý nghĩa hình tượng chiếc lược ngà

- Chiếc lược ngà ở đây được lựa chọn làm tên nhan đề tác phẩm. Câu chuyện cảm động về tình cha con giữa ông Sáu và bé Thu được trong hoàn cảnh chiến tranh đã làm rõ tư tưởng của tác phẩm (0,5 điểm)

- Nêu tóm tắt lại nội dung câu chuyện, trước khi trở về mặt trận ông Sáu hứa tặng bé Thu chiếc lược ngà (0,25 điểm)

- Chiếc lược ngà là tất cả tình cảm, sự yêu thương và hối hận của ông Sáu dành cho con “Anh cưa từng chiếc răng lược tỉ mỉ thận trọng cố công như người thợ bạc, gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” (0,25 điểm)

- Chiếc lược ngà như gỡ rối được một phần tâm trạng của anh.

- Chiếc lược ngà như gỡ rối được một phần tâm trạng của anh. Chiếc lược ngà trở thành biểu tượng của tình thương con, chăm sóc cho con, nỗi nhớ mong con gái của ông Sáu (0,25 điểm)

- Ông Sáu hi sinh vẫn không kịp trao tận tay con chiếc lược ngà, đây là chi tiết gây xúc động trong lòng người đọc, cũng mang giá trị tố cáo chiến tranh chia cắt tình thân, gây ra nhiều đau đớn. (0,25 điểm)

→ Chiếc lược ngà đạt giá trị sâu sắc về mặt nội dung và hình thức, trở thành biểu tượng đẹp đẽ về tình phụ tử, và để lại ấn tượng sâu đậm cho người đọc. (0,5 điểm)

- Trình bày sáng rõ, bố cục khoa học, không mắc lỗi chính tả (0,5 điểm)


IV. Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 số 4: 

* Phần đề thi

Phần I. (3 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

    “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa khoa học được lưu trữ bằng trí nhớ, chữ viết được lưu chuyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu trữ, lưu truyền khác. Nó bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn sướng dân gian, lối sống, nếp sống”

    (Sách Giáo dục công dân 7)

Câu 1: Đoạn văn cung cấp thông tin về điều gì? Viết đoạn văn (5 - 8 câu) nêu suy nghĩ của em về việc bảo tồn những di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Câu 2: Chỉ ra lỗi dùng từ trong đoạn trên sửa lại cho đúng (0,75 điểm)

Phần II. (3 điểm)

 “ Ông Nguyễn Văn Lũy- người bảo vệ ở trường THPT Lê Hồng Phong luôn được học sinh của trường cúi chào mỗi ngày đến trường. Theo miêu tả của nhiều giáo viên, học sinh, ông Lũy được yêu quý bởi tính cách nhiệt tình, niềm nở. Một giáo viên chia sẻ: “Con người ở cương vị nào dù là bảo vệ, lao công hay giáo viên miễn hoàn thành nhiệm vụ, đáng yêu, không khó chịu đều nhận được sự yêu quý, nể trọng”

 Không ai biết được tuổi nào phù hợp để mỗi người bắt đầu làm một điều tử tế. Các em cúi chào như một phép lịch sự và chỉ được dạy từ thầy cô trong trường và sự dặn dò cặn kẽ từ bố mẹ chúng. Vài giây cúi chào bậc cha chú từ thầy cô trong trường và sự dặn dò cặn kẽ từ bố mẹ chúng. Vài giây cúi chào bậc cha chú không làm cho các em chậm giờ vào lớp mà ngược lại nó là niềm vui mỗi ngày đi học, đi làm của các học sinh và người bảo vệ. Sự tôn trọng nảy nở từ chính những hành dộng tưởng chừng như nhỏ nhặt đó khiến môi trường giáo dục trở nên thân thiện,… Để mỗi lần cúi đầu là một lần các em học sinh biết ơn những người không trực tiếp giảng các em những bài học văn hóa nhưng ngầm dạy các em để trở thành một người tử tế. Những điều tử tế cứ từ từ bé nhỏ lớn lên như vậy theo năm tháng, mỗi người trong số chúng ta sẽ trở thành một nhân tố trong cộng đồng của mình.”

Viết văn bản nghị luận khoảng 01 trang giấy thi nêu suy nghĩ của em về vấn đề được đặt ra từ bài viết trên.

Phần III. (4 điểm)

Bằng lời kể của nhân vật ông Ba trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng hãy kể lại câu chuyện từ khi ông Sáu được về thăm nhà cho đến khi bé Thu chèo xuồng bỏ ra nhà ngoại (có kết hợp các yếu tố miêu tả nội tâm, nghị luận)


* Hướng dẫn chấm điểm đề số 4:

Phần I. (3 điểm)

Câu 1: Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác

- Di sản văn hóa phi vật thể: tiếng nói, chữ viết, lối sống, lễ hội, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống (0,5 điểm)

* Ý nghĩa của việc bảo vệ di sản văn hóa (0,75 điểm)

- Phản ánh được đặc sắc riêng về văn hóa của dân tộc Việt Nam

- Bảo vệ di sản văn hóa còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sống của con người trước những vấn đề bức xúc của nhân loại.

- Là vẻ đẹp, truyền thống dân tộc, thể hiện được công lao của cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc

Câu 2:

Lỗi sai khi dùng từ:

“Chữ viết được lưu chuyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu truyền khác” (0,5 điểm)

- Sửa:

“Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu truyền khác” (0,5 điểm)

Phần II. (3 điểm)

Nghị luận về lời chào- văn hóa ứng xử thể hiện sự tử tế (Ông cha ta từ xưa đã có nhận định: Lời chào cao hơn mâm cỗ)

- Tuy nhiên giới trẻ hiện nay chưa hẳn ai cũng thực hiện được

* Khái niệm: Chào hỏi là quá trình giao tiếp, gặp gỡ giữa hai hay nhiều người họ chào nhau bằng lời nói, cử chỉ, hành động, có nhiều cách chào hỏi, nhiều hoàn cảnh khác nhau

* Biểu hiện:

- Con cái phải chào ông bà, cha mẹ khi đi về, khi ra khỏi nhà

- Ra ngoài xã hội, người bé phải chào người lớn tuổi

- Học trò lễ phép chào thầy cô

- Bạn bè chào nhau thân mật

- Chào hỏi là nét đẹp văn hóa, cử chỉ lịch sự trong quá trình giao tiếp

* Nguyên nhân:

- Chào hỏi thể hiện người có trình độ, có nhân cách, có ý thức, đạo đức

- Người không có những ý thức chào hỏi, người có đạo đức kém, trình độ văn hóa hạn chế

KL: Chào hỏi thể hiện nhân cách con người, phản ánh sự văn minh khi xã hội đang phát triển hòa nhập toàn cầu với kinh tế toàn cầu. Là nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt

Phần III. (4 điểm)

Phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

Mở bài

Giới thiệu về truyện Chiếc lược ngà, nhân vật ông Sáu trong truyện. Thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng, cao đẹp trong cảnh ngộ éo le (0,5 điểm)

- Ông Sáu: nhân vật chính, nhiều phẩm chất cao đẹp, là người cha hết lòng thương yêu con (0,5 điểm)

TB:

Hoàn cảnh của nhân vật (0,5 điểm)

- Ông Sáu một nông dân Nam Bộ, tham gia kháng chiến chống Pháp, Mĩ mãi tới khi con gái 8 tuổi mới được trở về

- Ông Sáu đại diện cho người dân Nam bộ yêu nước, kiên trung

- Ông Sáu là người có tình yêu thương con tha thiết

Tình cảm sâu nặng của ông Sáu thể hiện rõ nét qua lần ông về thăm nhà, khi ông ở trong rừng tại chiến khu (2 điểm)

* Tình yêu ông Sáu đối với con trong những ngày ông về thăm quê

- Tình yêu con thể hiện qua hành động, cử chỉ khi ông được về thăm nhà: xuồng chưa kịp cập bến, anh đã nhảy tót lên bờ, anh nóng lòng kêu to tên con, giọng run lặp bặp

- Tình yêu thương con khiến ông Sáu luôn tìm cách gần gũi con, ông chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con

- Trước khi đi ông muốn con, hôn con nhưng sợ hãi nó giẫy nảy lên bỏ chạy, nên anh chỉ dám đứng nhìn với đôi mắt trìu mến, buồn rầu

* Tình yêu của ông Sáu thể hiện khi ông ở chiến khu

- Những ngày ở chiến khu, ông ân hận vì đã đánh con, điều đó giày xé tâm can ông

- Ông chắt chiu làm cho con chiếc lược ngà, đó như phần nào gỡ rối được tâm trạng của ông

- Chiếc lược khắc chữ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”

KB: Ông Sáu là người dân Nam bộ hiền lành, chất phác, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng để cống hiến cho kháng chiến và sự nghiệp giải phóng dân tộc. (0,5 điểm)

- Ông Sáu có tình yêu thương con tha thiết, sâu nặng không gì sánh nổi. Sức hấp dẫn của truyện được tác giả xây dựng được cốt truyện chặt chẽ, yếu tố bất ngờ nhưng hợp lí. Truyện thành công bởi ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo (0,5 điểm)

- Trình bày sáng rõ, khoa học, bố cục mạch lạc, không sai chính tả (0,5 điểm)

Trên đây chúng tôi đã giới thiệu đến các emĐề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9, bên cạnh việc ôn tập môn Ngữ văn, các em có thể củng cố kiến thức cho các môn học khác thông qua việc tham khảo: Đề thi học kì 1 môn Toán lớp 9, Đề thi học kì 1 môn Địa lý lớp 9, Đề thi học kì 1 môn Tiếng Anh lớp 9, Đề thi học kì 1 môn Lịch sử lớp 9.



Liên kết tải về - [1MB]

Bấm vào [Link File] để tải về phần mềm, hoặc tải phiên bản phù hợp phía dưới

Liên kết dự phòng:
Các phiên bản khác



Bài viết liên quan

 Thông tin giới thiệu, hướng dẫn sử dụng phần mềm Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 được biên soạn nhằm giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, việc daoloat đề thi học kì 1 môn ngữ văn lớp 9 là hoàn toàn miễn phí, bạn có thể chi tiết nội dung tại mục "Điều khoản".

Các phiên bảnHướng dẫn

   Tải về

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 Năm 2019-2020


Phần mềm Liên quan & Tương tự
Top download
  1. Đang tổng hợp...
Bấm vào file dưới
Để cài phần mềm