download Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 Năm 2019-2020

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12

 Năm 2019-2020

Download Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 - Tổng hợp đề thi học kì 1 môn Ngữ văn có đáp án

Diệu Hương Giang  cập nhật: 19/12/2019

Bộ Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 có lời giải chi tiết không chỉ giúp các em học sinh củng cố kiến thức mà còn giúp rèn luyện kĩ năng làm bài, viết bài môn Ngữ văn, qua đó có những chuẩn bị tốt nhất cho kì thi kết thúc học kì sắp tới.


Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 tập hợp được những kiến thức trọng tâm cùng những dạng bài tập thường gặp trong đề thi môn Ngữ văn. Bên cạnh đó, đề thi được xây dựng dựa trên cấu trúc chung của bộ giáo dục và đào tạo, do đó làm quen với đề thi giúp các em có thêm lợi thế khi bước vào kì thi chính thức. Để có quá trình ôn tập và chuẩn bị tốt nhất cho bài thi môn Ngữ văn cuối học kì 1, các em hãy cùng tham khảo một số mẫu đề thi mà Taimienphi. vn đã tuyển chọn và đăng tải dưới đây nhé.

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 

I. Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 số 1

* Phần đề thi

I.  ĐỌC HIỂU (3 điểm):

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Dù đục, dù trong con sông vẫn chảy       
Dù cao, dù thấp cây lá vẫn xanh         
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành         
Đều phải sống từ những điều rất nhỏ.
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?
Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng

       ( Trích Tự sự - Lưu Quang Vũ)

Câu 1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2 . Xác định 02 phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.

Câu 3. Nêu biện pháp nghệ thuật chính được sử dụng trong khổ thơ thứ nhất. Phân tích tác

dụng của biện pháp nghệ thuật đó.

Câu 4. Từ văn bản trên, anh/ chị rút ra được thông điệp gì có ý nhĩa nhất?

II.  LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Viết đoạn văn NLXL (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề được

gợi ra qua hai câu thơ:

      “Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?”

Câu 2 (5 điểm)

  Phân tích vẻ đẹp của “thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở hình tượng Người lái đò trongđoạn trích “Người lái đò Sông Đà” (trích tùy bút “Sông Đà”) – Nguyễn Tuân

--------Hết--------

 

* Hướng dẫn chấm bài đề số 1:

I. Đọc hiểu

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

Câu 2. Hai phương thức biểu đạt: biểu cảm     tự sự 0,25 0,25

Câu 3. Biện pháp tu từ: điệp từ 

Tác dụng:  

-  Nhấn mạnh nội dung: dù là ai, làm gì, có địa vị xã hội thế nào cũng phải sống và trân trọng những điều nhỏ bé, bình thường

 -  Tăng sức biểu cảm, tạo nhịp điệu cho dòng thơ và gây ấn tượng với người đọc

 Câu 4. Học sinh có thể chọn một trong những thông điệp sau và trình bày suy nghĩ, nêu lên bài học nhận thức và hành động về thông điệp ấy:

+ Biết nâng niu, trân trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống mới có được hạnh phúc lớn lao.

+ Muốn có được hạnh phúc phải tự mình nỗ lực vươn lên.

 + Biết nhìn đời bằng con mắt lạc quan, biết cho đi thì mới được nhận lại….

 II. Làm văn

 Câu 1: Nghị luận xã hội

 -Viết 1 đoạn văn NLXH khoảng 200 chữ đảm bào hình thức kết cấu của đoạn văn, kết hợp lí lẽ và dẫn chứng.

 - Kết hợp được các thao tác nghị luận; trình  bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,…

 Nội dung:

 -  Giải thích:

+  “Chê cuộc  đời  méo mó”: là  thái độ tiêu  cực khi nhìn cuộc đời; cho rằng cuộc đời xấu xa, tồi tệ.

 + "Tròn tự trong tâm": là thái độ, suy nghĩ tích cực, lạc quan trước cuộc đời

-->  Ý nghĩa  của  cả  câu: thái độ,  cách  nhìn nhận  cuộc sống đúng đắn

 -  Bàn luận

 + Khi “tròn tự trong tâm”, con người sẽ chủ động trước hoàn cảnh; không gục ngã trước khó khăn, sớm đạt đến thành công…; xã hội sẽ phát triển vững bền

 + Nếu chỉ biết “chê cuộc đời méo mó”, con người không biết cố gắng nỗ lực, liên tiếp thất bại

 -  Bài học:

 + Nhận thức: Thái độ, cách nhìn nhận đúng đắn có vai trò quan trọng quyết định trong cuộc sống

 + Bài học: Cần cố  gắng học tập và rèn  luyện không ngừng để vượt lên hoàn cảnh, khẳng định bản thân

 Câu 2: Nghị luận văn học

 Kĩ năng: Biết cách làm bài nghị luận văn học, phân tích hình tượng nhân vật để làm nổi bật vấn đề nghị luận Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp   

 Kiến thức:

 *Giới  thiệu  chung:  tác  giả  Nguyễn  Tuân  (phong  cách “ngông”, tài hoa, uyên bác), tác phẩm, vấn đề nghị luận: vẻ đẹp của “thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở hình tượng người lái đò Sông Đà

 *Giải thích “thứ vàng mười đã qua thử lửa”:

 - Vẻ đẹp và giá trị con người lao động cùng như vẻ đẹp và sự quý giá của vàng

 -  Bản  tính  quý  báu  trong  phẩm  chất,  tài  năng  của  con người phải được tôi luyện qua cuộc sống giống như vàng qua thử lửa.

 *Phân  tích,  chứng  minh “thứ  vàng  mười  đã  qua  thử lửa” ở hình tượng người lái đò Sông Đà Vẻ đẹp trí dũng: Sông Đà hung bạo xảo quyệt, dàn bày thạch trận với ba 

trùng  vi  nhưng ông  đò  đã  dũng  cảm,  kiên  cường, bình tĩnh, gan dạ “hai tay giữ mái chèo”, “cố nén vết thương”, …);  lại  am  hiểu  binh  pháp  của  “thần  sông  thần  đá”, “thuộc quy luật phục kích”… nên ông lần lượt vượt qua ba vòng vây.

 Vẻ đẹp tài hoa: Ông lái đò phối hợp nhịp nhàng mái chèo với nhịp của sông  nước;  ông  còn  điều  khiển  con  thuyền  điêu luyện, khéo léo như “mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước”…. Nét đời thường giản dị: Vượt  qua  các  vòng  vây,  ông  đò  trở  về  với  cuộc  sống hàng  ngày:  “đốt  lửa”,  “nướng  ống cơm”,  “chả  thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng”,… 

 *Đánh giá

 - Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

 + Thể loại tùy bút với những liên tưởng phong phú, táo bạo; nhiều biện pháp tu từ; hệ thống ngôn ngữ phong phú

 + Nghệ thuật đối lập giữa thiên nhiên – con người…

 - Nội dung: 

 + Người lái đò là thứ “vàng mười” đáng quý; tiêu biểu cho  những  con  người  lao  động  đang  cống  hiến  cho  Tổ quốc.

 + Nguyễn Tuân đã thể hiện phong cách tài hoa uyên bác; niềm trân trọng, ngợi  ca với những con người lao động bình thường

 *Kết luận: Khẳng định giá trị của tác phẩm và vị trí của tác giả và tác phẩm trong nền văn học Việt Nam
 

II. Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 số 2

* Phần đề thi

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Sông Thu Bồn (sông Thu) bắt nguồn từ ngàn khe, trăm suối trên cao nguyên Ngọc Linh (Kon Tum). Sông ra đi về phương Đông, qua Trà My hợp lưu với sông Tranh; qua Tiên Phước hợp lưu với sông Tiên tạo thành một dòng mênh mông, bát ngát. Quy luật là sông nào cũng phải về với biển mẹ nên sông Thu phải xẻ núi mà đi tìm về với biển.

Qua lưu vực Hiệp Đức – Quế Sơn, sông làm nên một hiện tượng tự nhiên hùng vĩ. Đó là nơi dòng chảy của sông tác động mạnh vào núi bởi núi vươn ra chặn dòng sông nên ở đây sóng cồn lên rạo rực. Người Quảng Nam gọi lưu vực này là Hòn Kẽm – Đá Dừng. Trong văn hóa Quảng Nam, Hòn Kẽm – Đá Dừng là biểu tượng của công cha nghĩa mẹ:

Ngó lên Hòn Kẽm – Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi.

Ra khỏi trung du qua đất hạ du Duy Xuyên, dòng chảy sông Thu chia ra hai nhánh: nhánh đông bắc đổ qua huyện Đại Lộc đem dòng nước ngọt về cho thành phố Đà Nẵng; nhánh đông nam đổ qua hai huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và thành phố Hội An về cửa Đại Chiêm. Nơi ngã ba sông ấy được gọi là Giao Thủy – vùng nước giáp của những dòng sông lớn.

(Trích Bút ký Giấc mơ trên 500 năm – Vũ Đức Sao Biển)

Câu 1. Đoạn trích được trình bày theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, “một hiện tượng tự nhiên hùng vĩ” của sông Thu là gì? (0,5 điểm)

Câu 3. Cụm từ “vùng nước giáp của những dòng sông lớn” là thành phần gì trong câu văn cuối? Ý nghĩa của thành phần này. (1,0 điểm)

Câu 4. Những hiểu biết và tình cảm của anh/chị sau khi đọc đoạn trích. (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên miền Tây qua đoạn thơ sau trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi với
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

 

* Hướng dẫn chấm điểm đề số 2:

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

Câu 2:

Dòng chảy của sông tác động mạnh vào núi bởi núi vươn ra chặn dòng sông nên ở đây sóng cồn lên rạo rực.

Câu 3:

- Cụm từ “vùng giáp nước của những dòng sông lớn” là thành phần chêm xen/ phụ chú.

- Tác dụng làm rõ nghĩa cho: Nơi ngã ba sông ấy được gọi là Giao Thủy.

Câu 4:

- Văn bản giúp ta hiểu biết về sông Thu Bồn.

- Cho ta thêm yêu vẻ đẹp dòng sông quê, cũng là yêu quê hương, đất nước.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)               

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, vẽ tranh và soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa – đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài (Sơn Tây) của mình.

- Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ, được in trong tập Mây đầu ô (1986)

* Phân tích đoạn thơ

 a/ Đoạn thơ mở đầu bằng hai câu thơ mang cảm xúc chủ đạo của toàn đoạn thơ. 

Cảm xúc ấy là nỗi nhớ:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

+ Đối tượng của nỗi nhớ ấy là con Sông Mã, con sông gắn liền với chặng đường hành quân của người lính.

+Đối tượng nhớ thứ hai là nhớ Tây Tiến, nhớ đồng đội, nhớ bao gương mặt một thời chinh chiến. Nỗi nhớ ấy được bật lên thành tiếng gọi tha thiết “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi” gợi lên bao nỗi niềm lâng lâng khó tả.

+Đối tượng thứ ba của nối nhớ đó là “nhớ về rừng núi”. Rừng núi là địa bàn hoạt động của Tây Tiến với bao gian nguy, vất vả nhưng cũng thật trữ tình, lãng mạn. Nhưng nay, tất cả đã “xa rồi”. “Xa rồi” nên mới nhớ da diết như thế. Điệp từ nhớ được nhắc lại hai lần như khắc sâu thêm nỗi lòng của nhà thơ.

+Đặc biệt tình cảm ấy được Quang Dũng thể hiện bằng ba từ “Nhớ chơi vơi”, cùng với cách hiệp vần “ơi” ở câu thơ trên làm nổi bật một nét nghĩa mới: “Chơi vơi” là trạng thái trơ trọi giữa khoảng không rộng, không thể bấu víu vào đâu cả. “Nhớ chơi vơi” có thể hiểu là một mình giữa thế giới hoài niệm mênh mông, bề bộn, không đầu, không cuối, không thứ tự thời gian, không gian. Đó là nỗi nhớ da diết, miên man, bồi hồi, bâng khuâng, sâu lắng làm cho con người có cảm giác đứng ngồi không yên.

b/ Đoạn thơ còn lại là sự hồi tưởng về cuộc hành quân giữa núi rừng miền Tây hùng vĩ:

Tác giả gợi nhắc nhiều địa danh xa lạ: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông để đưa người đọc bước vào những địa hạt heo hút, hoang dại theo bước chân quân hành của người lính Tây Tiến.


- Ấn tượng đầu tiên hiện ra trong nỗi nhớ của người lính TT là sương núi mịt mù:

     Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Trên đỉnh Sài Khao, sương dày đến độ vùi lấp cả đường đi, vùi lấp cả đoàn quân trong mờ mịt. Đoàn quân hành quân trong sương lạnh giữa núi rừng trùng điệp không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi rã rời. Con người trở nên hết sức bé nhỏ giữa biển sương dày đặc mênh mông ấy…

- Ấn tượng tiếp theo được tác giả tập trung bút lực để khắc họa là núi cao vực sâu, là đèo dốc điệp trùng:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

  + Những câu thơ chủ yếu dùng thanh trắc tạo nên những nét vẽ gân guốc, mạnh mẽ, chạm nổi trước mắt người đọc cái hùng vĩ và dữ dội của thiên nhiên

  + Nhịp ngắt 4/3 quen thuộc của thể thơ 7 chữ như bẻ gẫy câu chữ để tạo độ cao dựng đứng giữa hai triền dốc núi:

- Dốc lên khúc khuỷu/ dốc thăm thẳm;
  - Ngàn thước lên cao/ ngàn thước xuống

       Nhịp ngắt đã trở thành giao điểm phân định rạch ròi hai hướng lên xuống của vô vàn con dốc tạo thành các cung đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến, gợi ra những dãy núi xếp theo hình nan quạt trải dài khắp miền Tây Bắc. Người đọc hình dung ra hình ảnh dốc rồi lại dốc nối tiếp nhau, khúc khuỷu gập ghềnh đường lên, rồi lại thăm thẳm hun hút đường xuống.

     + Những từ láy giàu sức tạo hình khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút được đặt liên tiếp nhau để đặc tả sự gian nan trùng điệp. Dốc khúc khuỷu vì quanh co, hiểm trở, gập ghềnh khó đi, vừa lên cao đã vội đổ dốc, cứ thế gấp khúc nối tiếp nhau. Thăm thẳm không chỉ đo chiều cao mà còn gợi ấn tượng về độ sâu, cảm giác như hút tầm mắt người, không biết đâu là giới hạn cuối cùng. Heo hút gợi ra sự vắng vẻ, quạnh hiu của chốn rừng thiêng nước độc. Từ láy cũng mang đến cho người đọc cảm tưởng rằng người lính Tây Tiến đã vượt qua vô vàn những đèo dốc để chinh phục đỉnh núi cao nhất.

Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến:

Sự lạc quan, yêu đời, khỏe khoắn:
 Heo hút cồn mây súng ngửi trời

    - Dốc dựng đứng giữa trời, nên khi chinh phục được, người lính tưởng chừng như đang bồng bềnh đứng giữa biển mây, độ cao của bầu trời chỉ còn trong tầm mũi súng. Từ “ngửi” là cách nói tếu táo, tinh nghịch của lính tráng, dám trêu ghẹo cả tạo hóa. Nó không chỉ cho thấy sự lạc quan, yêu đời của lính Tây Tếni mà còn gợi ra tư thế khỏe khoắn của con người trước thiên nhiên. Người lính giữa thiên nhiên khắc nghiệt không hề bị chìm lấp đi mà nổi bật lên đầy thách thức.

Sự bay bổng, lãng mạn:

   - Giữa mịt mù sương lạnh, người lính Tây Tiến vẫn thấy con đường hành quân thật đẹp và nên thơ:

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Vẫn là sương khói ấy thôi, nhưng cách nói “hoa về” khiến sương không còn lạnh giá nữa mà gợi sự quần tụ, sum vầy thật tình tứ và ấm áp

  - Giữa cái dữ dội tột đỉnh của thiên nhiên “dốc lên… ngàn thước xuống”, họ vẫn giữ được ánh nhìn vô cùng bay bổng:

  Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

    →   Ở đây, Quang Dũng đã rất tài hoa trong nghệ thuật phối hợp thanh điệu. Đang từ những thanh trắc liên tiếp trong 3 câu thơ trên, đột ngột một dòng thơ toàn thanh bằng đã cân bằng lại mạch thơ, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư thái như chưa từng có hành trình trèo đèo vượt dốc nào.

  • Người lính Tây Tiến dường như quên hết những mệt mỏi, gian khổ, phóng tầm mắt ra xa. Trong màn mưa phủ kín đất trời, một vài đốm nhà nhỏ ẩn hiện thấp thoáng, bồng bềnh như giữa biển khơi, thật thi vị, nên thơ, ấm áp…
  • Hai chữ “nhà ai” phiếm chỉ thật tình tứ, có lẽ trong tưởng tượng của những người lính Tây Tiến cũng là những chàng trai Hà thành hào hoa thì chủ nhân của những nếp nhà kia là những sơn nữ xinh đẹp

Tổng kết

     - Sức hấp dẫn chủ yếu của đoạn thơ là vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội, hoang sơ của rừng núi miền Tây trải dài theo chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến, được phác thảo bằng bút pháp lãng mạn ưa cực tả và thủ pháp đối lập.

     - Nỗi nhớ chính là cảm xúc bao trùm cả đoạn thơ, khi thì khắc khoải với những kỉ niệm, lúc lại ẩn hiện trong những địa danh “hình khe thế núi”, lúc lặp đi lặp lại bằng ngôn từ diễn tả trực tiếp…

 

III. Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 số 3

* Phần đề thi

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Khuyến khích và tạo điều kiện cho con tự trải nghiệm để hiểu rõ giá trị của lao động là cách nhiều ông bố bà mẹ nổi tiếng đã làm nhằm tạo bước đệm vững chãi giúp con tự đứng trên đôi chân của mình…

[…] Làm việc, không chỉ vì muốn tự chủ tài chính mà còn là cơ hội giúp một người thỏa sức sáng tạo và định nghĩa bản thân qua cọ xát thực tế. Đó cũng là cách ông chủ Nhà Trắng và phu nhân của mình muốn hai con gái hiểu rõ. […] Họ luôn lấy câu chuyện thực tế của mình làm tấm gương và đồng ý cho hai con gái làm thử ít nhất một lần những công việc nặng nhọc với mức lương thấp nhất.

Đồng tình với quan điểm trên, danh ca nhạc Pop – Sting tuyên bố không để lại gia tài 180 triệu bảng Anh cho con một cách dễ dàng vì ông không muốn làm hư con mình trước khi chúng hiểu được giá trị của lao động. Từ nhỏ các con của ông đã được dạy bài học sống không dựa dẫm. Các con của ông đều lăn xả đi làm thêm như bất cứ bạn trẻ nào từ rất sớm. Giờ đây họ trưởng thành, có sự nghiệp riêng, chẳng “đoái hoài” đến tài sản của bố.

Susan Bruno, chuyên viên quản lí tài sản, người đồng sáng lập trang tư vấn đầu tư CollegeCFO.or, chia sẻ bí quyết dạy con: “Nếu bố mẹ hy sinh cho con, làm thay con quá nhiều thì chẳng khác nào làm hư đứa trẻ…”

(Theo Thiên Anh, Lối đi ngay dưới chân mình, Báo Phụ nữ, ngày 18/7/2015)

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. (0,5 điểm) Ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của toàn bộ đoạn trích trên.

Câu 3. (1,0 điểm) Theo anh/chị, vì sao danh ca nhạc Pop – Sting tuyên bố “không để lại gia tài 180 triệu bảng Anh cho con một cách dễ dàng”?

Câu 4. (1,0 điểm) Anh/chị có đồng tình với quan điểm của Susan Bruno khi cho rằng: “Nếu bố mẹ hi sinh cho con, làm thay con quá nhiều thì chẳng khác nào làm hư đứa trẻ” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày ý kiến của mình về vấn đề “sống không dựa dẫm”.

Câu 2. (5,0 điểm) (ID: 278094)

Về bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu. Lại có ý kiến khác cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống.

Từ cảm nhận về bài thơ, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
 

* Hướng dẫn chấm điểm đề số 3:

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2:                   

Câu văn nêu chủ đề của toàn bộ đoạn trích trên: Khuyến khích và tạo điều kiện cho con tự trải nghiệm để hiểu rõ giá trị của lao động là cách nhiều ông bố bà mẹ nổi tiếng đã làm nhằm tạo bước đệm vững chãi giúp con tự đứng trên đôi chân của mình…

Câu 3:

Danh ca nhạc Pop – Sting tuyên bố “không để lại gia tài 180 triệu bảng Anh cho con một cách dễ dàng” vì:

- Ông không muốn làm hư con mình trước khi chúng hiểu được giá trị của lao động.

- Ông muốn các con tự lập.

Câu 4:

Đồng tình vì:

- Khi bố mẹ làm quá nhiều cho con, con sẽ mặc định là đó là thứ mà mọi người phải làm cho mình, sẽ đòi hỏi ở người khác.

- Đứa con sẽ mất đi tính tự lập và tự chủ trong cuộc sống.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

v  Yêu cầu về hình thức:

- Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ.

- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kĩ năng viết đoạn văn nghị luận.

v  Yêu cầu về nội dung:

- Nêu vấn đề

- Giải thích vấn đề

Sống dựa dẫm là sống ỷ lại, phụ thuộc vào người khác.

- Phân tích, bàn luận vấn đề

- Tác hại của lối sống dựa dẫm:

+ Đối với cá nhân, lối sống này sẽ làm cho con người ngày càng lệ thuộc vào người khác, không có chính kiến cá nhân, lập trường và tư tưởng

+ Những người mang trong mình lối sống này sẽ trở thành gánh nặng của xã hội, dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội

- Nguyên nhân của lối sống dựa dẫm:

+ Do quen được người khác lo lắng và làm cho nhiều việc, được gia đình nuông chiều

+ Do chưa lười biếng, chưa nhận thức được trách nhiệm của mình đối với chính cuộc sống của mình.

+ Do chưa được giáo dục đúng cách.

- Biện pháp khắc phục:

+ Mỗi cá nhân tự nhận thức lại giá trị của mình cũng như trách nhiệm của mình trong cuộc sống.

+ Gia đình, nhà trường cần phải rèn luyện cho con em mình lối sống tự lập, tự chủ.

- Liên hệ bản thân

Câu 2:

*Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

*Cách giải:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm, ý kiến bàn luận

-Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường,

-Sóng được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ in trong tập Hoa dọc chiến hào.

- Về bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu. Lại có ý kiến khác cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống.

⟹ Hai ý kiến bổ sung cho nhau.

* Phân tích làm rõ nhận định

* Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu.

– Hình tượng “sóng” ẩn dụ cho hình ảnh người con gái trong tình yêu. Qua hình tượng “sóng”, ta cảm nhận được tư thế và tâm thế nhân vật trữ tình. Đó là người con gái chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt và những rung động rạo rực của lòng mình. Không còn sự thụ động, cam chịu, yên phận của người phụ nữ truyền thống, nhân vật nữ trong bài thơ rất táo bạo chủ động trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc: Nếu “sông không hiểu nổi mình” thì “sóng tìm ra tận bể”. Nghĩa là dứt khoát từ bỏ cái nhỏ bé, tầm thường để tìm đến với cái bao la khoáng đạt đủ sức bao dung và mang chứa. Cũng rất mãnh liệt và hiện đại là lời thú nhận chân thành: tình yêu đã phá vỡ mọi giới hạn không gian, thời gian, chiếm lĩnh trọn vẹn tâm hồn người con gái thậm chí lặn sâu cả vào tiềm thức. Đó còn là một tình yêu được cảm nhận toàn diện với mọi cung bậc cảm xúc có khi đối lập nhưng vẫn thống nhất.

– Khát vọng được dâng hiến hết mình cho tình yêu gắn liền với khát vọng được hưởng một tình yêu đích thực, trường tồn: “Làm sao được tan ra…Để ngàn năm còn vỗ”

* Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống.

Mượn hình tượng “sóng” trong tự nhiên, nhà thơ đã diễn tả được những cung bậc cảm xúc phổ biến, những quy luật tình cảm muôn đời của con người  trong tình yêu:

+ Đó là những trạng thái cảm xúc đối lập mà thống nhất trong lòng người đang yêu: “dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào” – “lặng lẽ”.

+ Đó là khát vọng vươn tới cái cao cả, lớn lao trong tình yêu: “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”

+ Con sóng bất biến trong dòng chảy thời gian cũng như tình yêu luôn là điều khao khát trong trái tim tuổi trẻ.

+ Những bí ẩn về cội nguồn của “sóng” cũng  như  bí ẩn của tình yêu

+ Tình yêu luôn song hành cùng nỗi nhớ

+ Muốn tình yêu bền vững, con người cần biết vượt qua những thách thức, giới hạn và biết hoà nhập, hiến dâng, hi sinh…

⟹ 2 ý kiến tưởng trái chiều nhưng góp phần bổ sung cho nhau để làm nổi bật nét độc đáo của hồn thơ Xuân Quỳnh qua bài thơ “Sóng”. Mang trong mình vẻ đẹp truyền thống và hiện đại của tình yêu  khiến “Sóng” trở nên bất tử trong lòng độc giả bao thế hệ, trở thành lời “tự hát” của biết bao trái tim tha thiết yêu đương.

Để đạt điểm cao trong kì thi kết thúc học kì 1 sắp tới, bên cạnh bài Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số tài liệu học tập hữu ích khác mà Taimienphi.vn đã đăng tải như: Đề thi học kì 1 môn Hóa học lớp 12, Đề thi học kì 1 môn Sinh học lớp 12 , Đề thi học kì 1 môn Toán lớp 12, Bộ đề thi học kì 1 môn Tiếng Anh lớp 12.

 

 



Liên kết tải về - []

Bấm vào [Link File] để tải về phần mềm, hoặc tải phiên bản phù hợp phía dưới

Liên kết dự phòng:
Các phiên bản khác



Bài viết liên quan

 Thông tin giới thiệu, hướng dẫn sử dụng phần mềm Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 được biên soạn nhằm giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, việc daoloat đề thi học kì 1 môn ngữ văn lớp 12 là hoàn toàn miễn phí, bạn có thể chi tiết nội dung tại mục "Điều khoản".

Các phiên bảnHướng dẫn

   Tải về

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 Năm 2019-2020


Phần mềm Liên quan & Tương tự
    Bấm vào file dưới
    Để cài phần mềm