Đề bài: Phân tích Thơ duyên
Phân tích Thơ duyên
I. Dàn ý Phân tích Thơ duyên:
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Xuân Diệu.
- Giới thiệu về tác phẩm “Thơ duyên”.
2. Thân bài:
a) Phân tích nhan đề:
- “duyên”:
+ Sự gắn bó, hòa hợp tự nhiên giữa con người và các sự vật.
+ Vẻ đẹp duyên dáng, gần gũi, tự nhiên của con người.
=> “Thơ duyên” là bài thơ nói về sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên, nói về tình duyên giữa “anh” và “em”
b) Phân tích nội dung:
- Khổ 1: Cảnh vật thiên nhiên trong chiều thu giao hòa, xoắn bện vào nhau thật tươi đẹp, trong sáng, rực rỡ.
- Khổ 2: Thiên nhiên, con người trở nên hài hòa hơn, tình cảm bắt đầu nhen nhóm giữa “anh” và “em”.
- Khổ 3: Hình ảnh “anh” và “em” tưởng như xa cách nhưng lại có mối quan hệ gắn bó với nhau thật đặc biệt.
- Khổ 4: Dự cảm chia lìa, xa cách.
- Khổ 5: Lời khẳng định cho tình cảm giữa “anh” và “em”.
c) Phân tích nghệ thuật:
- Nhịp thơ linh hoạt.
- Sử dụng nhiều từ láy.
- Cách sử dụng ngôn ngữ độc đáo, sáng tạo.
3. Kết bài:
- Khái quát lại những nét chung về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
- Khẳng định tài năng của tác giả Xuân Diệu.
Bài văn mẫu Phân tích Thơ duyên
II. Bài văn mẫu Phân tích Thơ duyên:
Xuân Diệu được coi là “nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới”. Thật vậy, thơ Xuân Diệu độc đáo, mới mẻ, sáng tạo, ẩn chứa tình yêu thương mãnh liệt, dào dạt giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên mà các bài thơ trung đại ít thể hiện. Mối giao hòa, gắn bó vừa kể trên của “ông hoàng thơ tình” được thể hiện rõ ràng nhất qua tác phẩm “Thơ duyên”.
Ngay từ nhan đề “Thơ duyên”, ta đã thấy sự quấn quýt, hòa quyện giữa vạn vật. Bởi “duyên” là một từ ngữ chỉ sự tình cờ đã được an bài, sắp đặt từ trước. Một từ vừa bí ẩn, vừa thông dụng, cho ta biết mối quan hệ giữa hai sự vật không hề tầm thường mà có xu hướng trở nên gắn bó, gần gũi với nhau. Vậy nên, “Thơ duyên” là một bài thơ nói về sự rung động mạnh mẽ và sâu sắc của tác giả trước cuộc giao duyên huyền diệu của thế gian.
Viết về thời khắc mùa thu đến, khổ đầu của “Thơ duyên” thật trong trẻo, tươi sáng:
“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền.”
Vạn vật trong khổ thơ đều được khoác thêm một màu áo lãng mạn, tình tứ hơn bình thường. “Chiều” đã trở thành “chiều mộng”, cành cây được gọi là “nhánh duyên”. Nhìn qua từng kẽ lá, ta thấy bầu trời mang một màu xanh ngọc trong veo, mát rượi. Từ “đổ” được đưa lên đầu để tạo cho người đọc một cảm giác mới lạ, như ai đang mang ánh sáng rót xuống trần gian qua màu xanh ngọc ấy. Tiếng chim ríu rít gọi nhau mang đến cho không gian tươi đẹp càng thêm sức sống. Và “thu đến” - một sự việc vô hình được tác giả miêu tả cụ thể bằng “tiếng huyền” - âm thanh rõ ràng như một tiếng chuông báo về thời khắc chuyển giao giữa hạ sang thu. Âm thanh trong, vang xa của tiếng đàn vừa gọi mùa thu về, vừa làm cho lòng người thêm cao hứng, lại mang thêm âm sắc cho bức tranh hài hòa về cả màu sắc, hình khối và đường nét.
“Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang trở nắng chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,
Lần đầu rung động nỗi thương yêu.”
Từ trên cao, tác giả kéo không gian của mình xuống gần hơn với con đường quen thuộc. Các từ láy “nhỏ nhỏ”, “xiêu xiêu”, “lả lả” gợi nên bức tranh vạn vật hài hòa, đáng yêu trên nền nắng chiều. Chiều ở đây có lẽ đậm nắng hơn khổ một. Trong cái sắc hương của đất trời sang thu, thi sĩ nhớ về những lần đầu rung động. Sự rung động ấy nhờ việc “nghe” - một loại ẩn dụ chuyển đổi cảm giác thường để chỉ việc lắng nghe âm thanh cuộc sống giờ lại thành nghe ra tâm ý của người bạn mình. Điều đó chứng tỏ hai người phải vô cùng thân thiết, là tri kỉ gắn bó đã lâu mới có thể “nghe hiểu” được tiếng lòng nhau. Và cũng từ việc nghe này, tác giả đã phát hiện ra một bí mật, tuy không quá lớn lao nhưng cũng đủ khiến con người ta suy nghĩ, lao đao. Đó là “yêu”, lần đầu biết rung động, biết yêu.
“Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững đững chẳng theo gần.
Vô tâm - nhưng giữa bài thơ dịu,
Anh với em như một cặp vần.”
Hình ảnh của “anh” và “em” gợi cho ta mối quan hệ về một cặp đôi mới yêu, còn rất nhiều ngại ngùng. Người con gái giả vờ bước đi điềm nhiên, không quan tâm chàng trai, còn chàng trai vẫn đi theo nhưng lại cũng tỏ vẻ chẳng để ý gì. Nhìn tưởng như vô tâm, nhưng bất tri bất giác hai người đã đến gần nhau lúc nào không biết. Tình cảm đến như một bài thơ dịu dàng, nhẹ nhàng nhưng lại có mối liên kết, gắn bó chặt chẽ với nhau “như một cặp vần”.
“Mây biếc về đâu bay gấp gấp,
Con cò trên ruộng cánh phân vân.
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,
Hoa lạnh chiều mưa sương xuống dần.”
Khổ thơ này mang đến cho người đọc một không gian khổng lồ từ mây trên trời đến cánh đồng rộng lớn. Thế nhưng nó mang không khí buồn thương, tang tóc. Mặt trời dần khuất núi, mây và chim cũng vội vã quay về nhà. Trả lại cho không gian sự đìu hiu, chỉ còn cánh hoa lạnh trong chiều mưa dần tả tơi rồi rụng xuống. Đây chính là nỗi ám ảnh về sự chia lìa thường thấy trong thơ Xuân Diệu. Kể cả khi ở trong tình yêu, tận hưởng tình yêu, ông vẫn không khi nào ngừng lo lắng về một ngày mai phải xa rời.
“Ai hay tuy lặng bước thu êm,
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm.
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.”
Chiều thu theo bước chân âm thầm của hai người kết nên một mối tình lặng lẽ, mối tình bắt đầu từ hai trái tim hòa hợp gắn bó, mối tình không cần mai mối. Đây chính là một mối tình hiện đại lí tưởng, biểu hiện của một tình yêu đích thực lần đầu tiên xuất hiện trong thơ. Giữa buổi chiều thơ mộng ấy, dù là từ sớm nở “buổi ấy lòng ta nghe ý bạn” dù chẳng nói nên lời “ai hay tuy lặng bước thu êm” nhưng đã hứa hẹn một điều gì rất tha thiết bền chặt “Lòng anh thôi đã cưới lòng em”.
Có thể nói Xuân Diệu đã rất thành công khi diễn tả tinh tế những biến thái tinh vi của cảnh sắc thiên nhiên và của lòng người. Những hình ảnh từ ngữ mới lạ rất thơ, rất Xuân Diệu đã giúp chủ thể trữ tình tự phân tích thế giới tâm hồn mình một cách tinh tế để biểu hiện một tình yêu chớm nở chưa hẹn thề, còn e ấp nhưng đã tha thiết gắn bó. Bài thơ cũng nói đến sự giao duyên của đất trời, đó là sự hòa quyện giao cảm của tâm hồn người đang yêu với thiên nhiên vũ trụ.
Bài thơ kết thúc nhưng dư âm của một tình yêu tha thiết thì vấn vương mãi. Những rung động tinh tế, những xúc cảm mới mẻ của chủ thể trữ tình trước một tình yêu say đắm khiến cho bài thơ thêm sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Bài thơ đẹp mãi trong lòng người đọc, đặc biệt là trái tim tuổi trẻ và biết đâu nó đã chẳng là lời thổ lộ tâm tình lúc ban đầu của duyên thầm bao lứa đôi.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
“Thơ duyên” quả thực là một bài thơ xuất sắc của thi sĩ Xuân Diệu. Ngoài ra, ông còn có một vài tác phẩm khác như “Vội vàng” hay “Đây mùa thu tới”. Đây cũng là những sáng tác nổi bật, nói về tình yêu và dự cảm chia lìa luôn thường trực trong ông. Mời em tham khảo thêm Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, Phân tích bài thơ Đây mùa thu tới (Xuân Diệu) để thấy được rõ ràng hơn những nét tính cách của tác giả này nhé!