Đề bài: Viết bài văn kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em
Bài văn kể lại truyện cậu bé thông minh bằng lời văn của em ngắn nhất
I. Gợi ý viết bài văn kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em chi tiết nhất:
* Ngôi kể: Ngôi thứ ba, người kể giấu mình.
* Các sự việc theo trình tự thời gian:
- Hoàn cảnh:
+ Nhà vua muốn tìm người tài giúp nước.
+ Viên quan đi khắp nơi, đưa ra những câu đố nhưng không ai giải được.
- Những lần thể hiện tài năng của em bé thông minh:
+ Lần 1: Trả lời câu đố của viên quan (số đường con trâu cày trong một ngày).
+ Lần 2: Giải quyết thử thách đem 3 thúng gạo nếp, 3 con trâu đực, phải nuôi 1 năm sao cho 3 con trâu ấy đẻ thành 9 con).
+ Lần 3: Giải quyết thử thách làm thịt 1 con chim sẻ thành 3 mâm cỗ.
+ Lần 4: Giải quyết thử thách của sứ thần nước láng giềng (đem sợi chỉ xâu qua con ốc vặn dài).
- Kết thúc: Cậu bé được phong làm Trạng Nguyên, được vui xây cho dinh thự cạnh hoàng cung để tiện hỏi thăm.
II. Bài văn mẫu kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em:
1. Bài văn kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em ngắn gọn nhất - mẫu số 1:
“Em bé thông minh” là câu chuyện vô cùng thú vị. Truyện kể về một cậu bé với trí tuệ hơn người, lần lượt vượt qua những thử thách của nhà vua và trở thành trạng nguyên của đất nước.
Lần đầu tiên, cậu bé vượt qua câu đố của viên quan. Khi ấy, ông ta đang đi khắp nơi, đưa ra những câu hỏi hóc búa để thử tài người dân. Đến lượt hai cha con cậu, viên quan hỏi trâu của hai người một ngày cày được bao nhiêu đường. Để trả lời, cậu bé hỏi ngược lại xem ngựa của ông ta một ngày đi được bao nhiêu bước. Điều này khiến viên quan mừng rỡ, vội về bẩm báo với nhà vua.
Vậy là vua đưa ra thử thách thứ hai cho cậu bé. Ông giao cho làng của cậu ba con trâu đực, ba thúng gạo nếp, bắt nuôi sao cho sau một năm chúng đẻ thành chín con. Để giải quyết việc này, cậu bảo cha báo dân làng làm thịt hai con trâu, đồ hai thúng gạo để ăn uống, còn lại lấy làm lộ phí cho hai cha con vào kinh. Đến cung vua, cậu bé khóc lóc, kể rằng cha không chịu đẻ em bé cho mình chơi. Vua nghe vậy thì bảo cha cậu là đàn ông, không thể đẻ được. Thế là cậu bé hỏi ngược lại vua chuyện bắt làng cậu cho ba con trâu đực đẻ thành chín con. Vua nghe vậy hài lòng vô cùng.
Lần thứ ba, vua đưa cho cậu bé một con chim sẻ, yêu cầu cậu làm thịt nó, xếp thành ba mâm cỗ. Cậu bé chẳng lo sợ, đưa lại cho sứ giả một cây kim nhỏ, bảo sứ giả về rèn cho cậu một con dao sắc để làm thịt chim. Lần này, nhà vua hoàn toàn nể phục, công nhận tài năng của cậu.
Lần thứ tư, thử thách đến từ phía sứ giả của nước láng giềng. Họ đem tới một sợi chỉ và một cái vỏ ốc xoắn dài, yêu cầu phải xỏ được sợi chỉ qua vỏ ốc đó. Vua và các quân thần dù đã thử nhiều cách nhưng chẳng thể thành công, đành phải đi hỏi ý kiến cậu bé. Cậu bày cách rằng buộc sợi chỉ vào thân con kiến, bôi mỡ ở đầu kia vỏ ốc để con kiến tự bò sang. Quả nhiên thử thách được hóa giải.
Vậy là cậu bé được vua phong làm trạng nguyên, còn đặc biệt xây cho cậu một dinh thự cạnh cung điện để sau tiện hỏi han.
2. Bài văn kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em hay, ngắn gọn - mẫu số 2:
Ngày xửa ngày xưa, vua muốn tìm kiếm người tài trong nước. Ông sai một viên quan đi khắp nơi thử tài người dân, nhưng mãi chẳng thấy ai trả lời được.
Một lần đi qua cánh đồng, viên quan thấy có hai cha con đang làm ruộng, bèn hỏi luôn người cha xem một ngày trâu của ông cày được bao nhiêu đường. Người cha còn đang chưa biết trả lời sao thì cậu con trai nhỏ đã nhanh nhảu hỏi lại viên quan xem ngựa của ông ta một ngày đi được bao nhiêu bước. Nghe vậy, viên quan biết đây chính là người mình cần tìm, vui mừng mà xin lại tên và nơi ở, về bẩm báo với nhà vua.
Vua biết chuyện rất vui, bèn thử tài cậu bé thêm lần nữa. Vua giao cho làng của cậu bé ba thúng gạo nếp và ba con trâu đực, bắt người làng nuôi sao để sang năm, ba con trâu kia đẻ thành chín con. Sự việc này khiến dân làng lo lắng không thôi. Thế nhưng cậu bé xin cha bảo với làng hãy cứ thịt hai con trâu, đồ hai thúng gạo nếp để liên hoan, còn lại lấy làm phí đi đường để hai cha con vào kinh thành. Người cha tuy còn nghi ngờ những vẫn nghe theo, báo lại với làng. Cả làng ăn tiệc linh đình xong thì hai cha con lên đường. Đến trước cung điện của vua, cậu bé bỗng khóc toáng lên ăn vạ. Điều này thu hút sự chú ý của quân lính và cả nhà vua đang đi dạo gần đó. Khi được vua hỏi, cậu nói rằng mẹ mất, cha không chịu đẻ em bé cho cậu chơi cùng. Câu trả lời khiến vua bật cười, giải thích rằng cha cậu là đàn ông thì làm sao đẻ được. Thấy vậy, cậu bé lập tức thay đổi thái độ, hỏi ngược lại vua rằng nếu giống đực không đẻ được thì sao vua lại cho làng cậu ba con trâu đực, bắt đẻ thành chín con. Vua vừa nghe vừa hài lòng, khen thưởng cho cậu bé vừa thông minh vừa dũng cảm này.
Lần khác, vua lại muốn thử thách cậu bé, sai người đem cho cậu một con chim sẻ và bắt làm thành ba mâm cỗ. Cậu bé chẳng lo lắng mà đưa lại cho sứ giả một cây kim nhỏ, bảo ông ta về mài nó thành một con dao sắc để cậu làm thịt chim. Nghe câu chuyện từ lời sứ giả, vua hoàn toàn khâm phục trí thông minh của cậu bé, ban thưởng rất hậu hĩnh cho hai cha con.
Một hôm, sứ giả nước láng giềng qua nước ta, đem theo một câu đố khiến cả nhà vua và văn võ bá quan phải đau đầu. Đó là xuyên một sợi chỉ mảnh qua con ốc vặn dài. Dù đã thử rất nhiều cách nhưng chẳng ai thành công thực hiện thử thách ấy. Nhà vua lại một lần nữa nhờ đến sự giúp đỡ của cậu bé. Cậu bày cách buộc sợi chỉ qua thân con kiến càng, để nó ở một đầu của vỏ ốc. Đầu còn lại thì lấy mỡ bôi để con kiến chạy qua, đem cả sợi chỉ theo. Quả thật, phương án này đã thành công trước sự thán phục, công nhận của sứ giả nước láng giềng.
Sau sự việc đó, cậu bé được phong làm trạng nguyên. Nhà vua còn xây hẳn cho cậu một dinh thự cạnh cung để tiện hỏi han.
Bài văn kể lại truyện Em bé thông minh bằng lời văn của em chọn lọc
3. Bài văn kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em chọn lọc hay nhất- mẫu số 3:
Ngày xưa, nhà vua muốn tìm người tài giúp nước, bèn sai một viên quan đi khắp nơi dò hỏi. Đi đến đâu, viên quan ấy cũng đưa ra những câu hỏi hóc búa, oái oăm để thử thách người dân. Thế nhưng đi mãi, ông vẫn chưa tìm ra được ai có tiềm năng.
Đến một hôm, viên quan đi qua cánh đồng có hai cha con đang cày ruộng. Ông ta bèn dừng ngựa lại, hỏi người nông dân:
- Lão kia! Trâu của lão một ngày cày được bao nhiêu đường?
Người cha bị hỏi thì ngây người. Đang chưa biết trả lời sao, cậu con trai nhỏ phía sau đã nhanh nhảu đáp:
- Thưa ngài, nếu ngài nói được ngựa của ngài một ngày đi được bao nhiêu bước, tôi sẽ trả lời trâu nhà tôi một ngày cày bao nhiêu đường.
Nghe câu này, viên quan đoán ngay đây chính là người tài mình cần tìm, bèn hỏi thăm thông tin rồi về bẩm báo nhà vua. Vua biết được thì mừng rỡ lắm, nhưng vẫn muốn thử thách thêm. Nghĩ là làm, nhà vua bèn ban cho làng của cậu bé ba thúng gạo nếp, ba con trâu đực và bắt người dân nuôi làm sao để chúng đẻ được thành chín con, một năm sau phải nộp lại nếu không cả làng sẽ chịu phạt.
Dân làng biết tin thì lo lắng không thôi, chỉ có cậu bé vẫn bình tĩnh. Cậu nhờ cha bảo người làng thịt hai con trâu, đồ hai thúng gạo nếp để liên hoan, còn lại thì làm lộ phí cho hai cha con lên kinh thành. Người cha và cả làng thấy kì lạ nhưng vẫn làm theo. Đến khi hai cha con đến cung điện, cậu bé lăn ra khóc lóc ăn vạ. Nhà vua gần đó thấy ồn ào nên qua xem. Được vua hỏi sự tình, cậu bé nức nở kể:
- Mẹ con mất sớm. Con muốn có em mà cha không chịu đẻ em bé cho con chơi cùng.
Nhà vua cười ồ lên, bảo rằng cha cậu bé là đàn ông, là giống đực, làm sao có thể đẻ. Nghe vậy, cậu bé lập tức lau khô nước mắt, lém lỉnh mà hỏi ngược lại:
- Vậy tại sao nhà vua lại cho làng con ba con trâu đực rồi bắt nuôi cho chúng đẻ thành chín con? Giống đực thì làm sao mà đẻ được!
Nhà vua nhận được câu trả lời thì rất hài lòng. Tuy nhiên, ông vẫn muốn thử cậu bé thêm một lần nữa. Thế là ông sai sứ giả mang một con chim sẻ đến chỗ cậu bé, muốn cậu và cha làm thịt con chim, bày làm sao cho đủ ba mâm cỗ. Cậu bé lúc đó đang chơi đùa, chẳng lo lắng mà đưa cho sứ giả một cây kim nhỏ và bảo:
- Ông mang cây kim này về rèn giúp con một con dao sắc để làm thịt chim.
Nghe chuyện sứ giả kể, nhà vua mới thực sự nể phục trí thông minh của cậu bé, lập tức ban thưởng hậu hĩnh cho hai cha con.
Thời đó, nước láng giềng lăm le muốn xâm lược nước ta, bèn cử sứ giả sang để xem nước ta có nhân tài hay không. Trước mặt nhà vua và các triều thần, tên sứ giả đưa ra thử thách: xuyên một sợi chỉ mảnh qua một con ốc vặn dài. Điều này khiến mọi người đều vò đầu bứt tai, làm cách nào cũng không hoàn thành nổi. Nhà vua đành cử một viên quan đi hỏi ý kiến cậu bé. Chỉ với một câu hát, cậu bé đã hóa giải tất cả:
“Tang tình tang! Tính tình tang!
Bắt con kiến càng, buộc chỉ ngang lưng
Bên thời lấy giấy mà bưng
Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang
Tang tình tang…”
Viên quan thấy vậy mừng rỡ về bẩm với vua. Quả nhiên, con kiến đã đem sợi chỉ thành công xuyên qua được vỏ ốc. Sứ giả nước láng liềng cũng phải thán phục, ngưỡng mộ.
Cuối cùng, vua phong cho cậu bé làm trạng nguyên, xây riêng cho dinh thự cạnh cung điện để tiện hỏi han.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Có rất nhiều cách để kể lại một câu chuyện. Em có thể lựa chọn đa dạng về ngôi kể, cách dẫn thoại, cách sắp xếp các sự việc. Tuy nhiên hãy lưu ý sử dụng chúng một cách chọn lọc, logic, tạo sự thống nhất cho bài viết của mình nhé. Bên cạnh bài văn kể lại truyện Em Bé Thông Minh bằng lời văn của em để luyện tập thêm về dạng bài này, Taimienphi.vn mời em tham khảo Bài văn kể lại truyền thuyết Sự tích hồ Gươm. Hoặc em có thể xem thêm những chủ đề khác như Bài văn kể lại một lần em giúp đỡ người khác nhé.