Đề bài: Viết bài văn kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em
Kể lại truyện truyền thuyết Sự tích hồ Gươm bằng lời văn của em ngắn gọn hay nhất
I. Dàn ý kể lại truyện Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em
1. Ngôi kể: Ngôi thứ ba, người kể giấu mình.
2. Các sự việc theo trình tự thời gian:
a, Hoàn cảnh:
- Cuộc kháng chiến chống giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi đứng đầu.
b, Diễn biến:
- Lê Thận kéo lưới bắt cá nhưng cả ba lần kéo lưới lên đều có một lưỡi gươm, bèn mang về nhà cất.
- Lê Thận tham gia nghĩa quân Lam Sơn.
- Lê Lợi đến nhà Lê Thận thấy lưỡi gươm.
- Lê Lợi chạy vào rừng, vô tình thấy chuôi gươm nạm ngọc.
- Lê Lợi tra lưỡi gươm ở nhà Lê Thận vào chuôi gươm vừa như in.
- Có gươm thần, nghĩa quân Lam Sơn dâng cao khí thế đánh giặc Minh xâm lược.
c, Kết quả:
- Cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thắng lợi. Đất nước lấy lại được sự yên bình.
- Khi nhà vua đi thuyền trên hồ Tả Vọng, Rùa thần nổi lên mạn thuyền, xin lại gươm thần.
- Tên hồ Tả Vọng được đổi thành Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.
II. Bài văn mẫu kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em:
1. Bài văn kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em - mẫu số 1:
Khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, chúng lộng hành hết sức ngang ngược, khiến đời sống nhân dân cực khổ vô cùng. Bất bình trước tình cảnh ấy, nghĩa quân Lam Sơn đã nổi dậy phản kháng, tuy nhiên lại nhận về thất bại do thế lực còn quá non trẻ. Thấy vậy, đức Long Quân quyết định ra tay tương trợ.
Ở vùng Thanh Hóa khi đó có người làm nghề đánh cá tên Lê Thận. Trong một lần kéo lưới, anh ta đã nhặt được lưỡi gươm kì lạ, bèn đem về nhà cất. Sau đó, Lê Thận tham gia nghĩa quân Lam Sơn, hoạt động vô cùng năng nổ. Có hôm, chủ soái Lê Lợi qua thăm nhà Lê Thận, thấy trong túp lều tối om có một lưỡi gươm phát sáng nhưng không biết đó chính là báu vật.
Một hôm, khi chạy trốn quân giặc, Lê Lợi tình cờ thấy một chuôi gươm bằng ngọc. Nhận ra điều gì đó, ông mang nó về, tra thử vào lưỡi gươm ở nhà Lê Thận thì thấy vừa như in. Nhờ đó, ông biết đây chính là gươm thần, là món quà Trời ban để quân Lam Sơn giải phóng dân tộc.
Dưới sự giúp đỡ của gươm thần, quân ta đánh đâu thắng đó. Bao nhiêu khó khăn trước kia đều được giải quyết êm đẹp. Giặc Minh bị đánh cho tan tác, kinh hồn bạt vía mà rút khỏi nước ta. Đất nước quay lại yên bình. Lê Lợi lên ngôi vua.
Một năm sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi cưỡi thuyền rồng đi dạo quanh hồ Tản Vọng. Đột nhiên, có một con rùa lớn ngoi lên và tiến lại gần. Nó cất giọng: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân!”. Lê Lợi bèn nâng gươm hướng về phía Rùa Vàng. Nó ngay lập tức há miệng, đớp lấy thanh gươm rồi lặn sâu xuống nước.
Từ đó trở đi, hồ Tản Vọng được mọi người gọi là Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm để kỉ niệm về sự kiện lịch sử này.
Bài kể lại truyền thuyết Hồ Gươm bằng lời văn của em ngắn gọn
2. Bài văn kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em hay chọn lọc - mẫu số 2:
Khi xưa, giặc Minh từ phương bắc tiến đến xâm lược nước Nam. Chúng lộng hành khắp nơi, thái độ bạo ngược, làm khổ dân chúng. Nhân dân ta hận chúng đến tận xương tủy. Lúc đó, ở vùng Lam Sơn có nghĩa quân nổi dậy chống lại giặc Minh. Tuy nhiên do quân lực còn non trẻ nên gặp thất bại.
Thời điểm ấy, tại Thanh Hóa có người tên Lê Thận, làm nghề đánh cá. Một hôm đi kéo lưới, cả ba lần anh ta đều thấy một thanh sắt lạ. Mở ra anh ta mới biết đó là một lưỡi gươm.
Về sau, Lê Thận tham gia nghĩa quân Lam Sơn. Khi này, Lê Lợi là chủ soái. Một lần, ông tới nhà Lê Thận cùng vài người khác thì thấy thanh gươm đang phát sáng. Trên lưỡi gươm còn khắc sâu hai chữ “Thuận Thiên”. Tuy vậy Lê Lợi không hề biết đó chính là báu vật.
Có hôm, Lê Lợi và các tướng bị giặc đuổi, chia nhau chạy mỗi người một hướng. Tình cờ, Lê Lợi lại nhặt được một chuôi gươm nạm ngọc, bèn nhớ lại về lưỡi gươm ở nhà Lê Thận. Ông mang chuôi về, tra vào lưỡi thì thấy vừa như in. Lúc này, Lê Thận kính cẩn dâng gươm lên cho Lê Lợi, bảo rằng đây là báu vật Trời gửi cho quân ta để bảo vệ Tổ quốc.
Với sự giúp đỡ của gươm thần, quân ta đánh cho quân Minh kinh hồn bạt vía, giành lại độc lập, tự do cho dân chúng. Một năm sau, Lê Lợi đã lên ngôi vua. Ông cưỡi trên thuyền rồng để dạo quanh hồ Tản Vọng. Khi này, bỗng có con Rùa Vàng nổi lên trên mặt nước để đòi lại gươm báu. Sau khi được trao trả thanh gươm, Rùa Vàng cũng lặn xuống nước mất tăm.
Từ đó, hồ Tản Vọng được gọi là Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm. Đây chính là địa danh nổi tiếng gắn với bao trang sử vàng của dân tộc.
3. Bài văn kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em ngắn gọn nhất - mẫu số 3:
Thuở xưa, giặc Minh xâm lược nước ta, làm khổ nhân dân. Đã có nhiều người vùng lên chống trả trong đó nổi bật là nghĩa quân ở vùng Lam Sơn. Tuy nhiên, do thế lực còn non yếu nên quân Lam Sơn phải chịu thất bại. Trước tình cảnh này, đức Long Quân quyết định trợ giúp họ.
Hồi đó, có người đánh cá tên Lê Thận, quê ở Thanh Hóa. Trong một lần đi thả lưới, anh liên tiếp kéo được thanh sắt lạ, mở ra mới biết đó là lưỡi gươm, bèn đem về nhà cất. Về sau, anh ta gia nhập nghĩa quân Lam Sơn với Lê Lợi làm chủ tướng. Một hôm, Lê Lợi cùng vài người khác đến nhà Lê Thận. Trong túp lều tối om, lưỡi gươm đột nhiên phát sáng, làm nổi bật hai chữ “Thuận Thiên” được khắc sâu. Tuy vậy, chẳng ai biết đó là báu vật.
Chỉ đến khi bị giặc đuổi, Lê Lợi trốn qua khu rừng, bắt gặp chuôi gươm nạm ngọc trên ngọn cây đa. Lúc đó, ông mới nhớ lại lưỡi gươm ở nhà Lê Thận. Khi về tụ họp với mọi người, Lê Lợi tra thử gươm vào chuôi thì thấy vừa như in. Ai cũng thấy đây chính là vật báu trời ban. Nhuệ khí của nghĩa quân ngày càng tăng mạnh. Với gươm thần trong tay, Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn đánh đâu thắng đó, tung hoành khắp các trận địa. Họ đánh cho quân Minh kinh hồn bạt vía, đánh đến lúc không còn bóng giặc trên đất Nam.
Vậy là đất nước ta lấy lại được hòa bình. Cuộc sống người dân lại yên ổn. Lê Lợi cũng lên ngôi vua. Một năm sau khi đánh đuổi quân Minh, vua cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng. Lúc thuyền rồng ra đến giữa hồ, có một con rùa lớn ngoi lên. Đó chính là Rùa Vàng mà Long Quân cử đi lấy lại gươm thần. Thuyền đi chậm lại, con rùa cũng nhô đầu lên cao, tiến lại phía vua và nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân!”. Sau khi nhận lại gươm, Rùa Vàng lặn xuống nước. Từ đó, hồ Tả Vọng bắt đầu mang tên là Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Một bài văn kể chuyện yêu cầu các em phải biết sắp xếp các sự việc theo trình tự hợp lí, logic nhất. Tuy nhiên, để làm mới bài viết của mình, em cũng có thể thay đổi cách diễn đạt sao cho phù hợp, chèn thêm một vài yếu tố miêu tả nữa nhé. Ngoài bài văn kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em, Taimienphi.vn còn nhiều bài mẫu khác để em tham khảo như Bài văn kể lại truyện Em bé thông minh; Bài văn kể lại một lần em giúp đỡ người khác.