Đề bài: Hóa thân thành Trương Sinh để kể lại truyện Chuyện người con gái Nam Xương.
Bài văn mẫu hóa thân Trương Sinh kể lại Chuyện người con gái Nam Xương ngắn gọn
I. Gợi ý viết Bài văn Hóa thân Trương Sinh để kể lại truyện Chuyện người con gái Nam Xương:
* Về ngôi kể:
- Ngôi thứ nhất.
- Người kể xưng “tôi”.
* Các sự việc cần kể:
- Giới thiệu:
+ Về bản thân
+ Về người vợ (Vũ Nương).
+ Sự kiện đi lính 3 năm.
- Câu chuyện sau khi đi lính trở về:
+ Khi trở về (mẹ mất, con vừa tập nói).
+ Khi nghe lời nói ngây thơ của con và nghĩ rằng vợ thất tiết.
+ Do ghen tuông mà chửi mắng, đánh đuổi vợ.
+ Nhận tin Vũ Nương tự vẫn.
- Câu chuyện sau khi vợ mất:
+ Khi ngồi ôm con vào buổi khuya, đứa con chợt chỉ vào cái bóng và bảo là cha mình.
+ Nhận ra đã hiểu lầm vợ -> Ân hận, day dứt, đau khổ.
+ Gặp được Phan Lang và lập đàn giải oan cho vợ.
+ Thấy vợ trở về nhưng chỉ để chào tạm biệt rồi trở lại thủy cung.
* Lưu ý:
- Bài viết cần kể theo trình tự logic, các sự việc theo thời gian nối tiếp nhau.
- Ngôi kể thống nhất.
- Đan cài các chi tiết miêu tả, biểu cảm để làm rõ cảm xúc nhân vật.
II. Bài văn tham khảo:
1. Hóa thân thành Trương Sinh để kể lại truyện Chuyện người con gái Nam Xương ngắn gọn - mẫu số 1:
Các bạn đã bao giờ vì sự nóng giận của mình mà gây ra những lỗi lầm không thể cứu vãn chưa? Tôi thì đã từng như vậy rồi. Để tôi kể lại cho các bạn nghe câu chuyện của bản thân.
Tôi tên Trương Sinh, con nhà phú hào. Điều may mắn nhất đời tôi có lẽ là lấy được người vợ hiền thục, đảm đang - nàng Vũ Thị Thiết. Nhưng hạnh phúc chẳng bao lâu thì tôi bị gọi đi lính. Ngày chia tay, vợ tôi ngậm ngùi nhắn gửi bao lời yêu thương khiến tôi cảm động không thôi.
Ba năm trong quân ngũ kết thúc, tôi được trở về với gia đình. Vậy mà khi đoàn tụ, tôi lại nhận tin mẹ mình đã qua đời. Không chỉ vậy, Vũ Nương còn sinh cho tôi một đứa con trai kháu khỉnh. Với tâm trạng buồn thương, tôi bế con ra thăm mộ mẹ. Nhưng bé Đản lại chẳng chịu theo tôi, khóc lóc đòi về. Tôi dỗ dành con một hồi thì thằng bé lại ngạc nhiên hỏi tôi cũng là cha nó ư. Quá bất ngờ, tôi bèn gạn hỏi thì Đản kể rằng tối nào cũng có một người đàn ông đến. Hắn ta theo vợ tôi suốt nhưng chẳng chịu bế Đản và chẳng nói năng gì. Máu ghen nổi lên, tôi về nhà quát tháo, mắng nhiếc vợ thậm tệ. Mặc cho mọi lời nàng giải thích, tôi chẳng nghe lọt một chữ. Quá bất lực, Vũ Nương đành bỏ đi.
Lúc sau, có người chạy đến báo tin Vũ Nương đã nhảy sông tự vẫn. Tuy còn giận nhưng thấy vợ mình như vậy, tôi không kìm được thương xót. Dù đã tìm kiếm khắp nơi, tôi vẫn chẳng thể tìm thấy thi thể của nàng. Đến tối về, khi ôm con trong lòng, bé Đản mới thốt lên rằng cha mình lại đến. Hóa ra, trong những năm tôi đi lính, Vũ Nương thương con trai, sợ con thiếu hình bóng người cha nên đã trỏ bóng mình trên tường và bảo đó là cha thằng bé. Mọi chuyện sáng tỏ, tôi đau đớn, ân hận khôn nguôi.
Một thời gian sau, có người tên Phan Lang đến tìm tôi nói chuyện. Anh ta bảo đã gặp vợ tôi dưới thủy cung. Nàng gửi lời muốn tôi lập đàn giải oan để nàng trở về dương thế. Tuy nhiên tôi không hề tin chuyện anh ta nói. Chỉ đến khi Phan Lang đưa ra chiếc hoa vàng vợ tôi dùng lúc còn sống thì tôi mới hoảng sợ mà chấp nhận. Thế là tôi lập một đàn giải oan bên sông Hoàng Giang suốt ba ngày ba đêm. Vũ Nương có hiện về, nhưng chỉ nói lời cảm ơn rồi từ biệt hai cha con để trở về thủy cung.
Vậy là bởi sự gia trưởng, tính ghen tuông nóng vội của mình mà tôi đã đánh mất đi hạnh phúc, gián tiếp đẩy vợ vào chỗ chết, khiến cho con trai tôi không còn mẹ. Điều này chính là nỗi day dứt ám ảnh tôi suốt bao năm qua và có lẽ là cả sau này nữa.
2. Hãy đóng vai Trương Sinh và kể lại câu chuyện và bày tỏ niềm ân hận - mẫu số 2:
Xin chào mọi người. Tôi tên là Trương Sinh. Cuộc đời tôi đã trải qua một biến cố lớn. Sau đây, tôi sẽ kể lại chi tiết cho mọi người cùng nghe.
Tôi vốn không giỏi chuyện học hành nhưng gia đình lại thuộc hàng khá giả. Thế nên may mắn, tôi đã cưới được nàng Vũ Thị Thiết - một người con gái nết na, tư dung tốt đẹp. Từ ngày lấy nhau, nàng lúc nào cũng lo toan chu đáo cho cả gia đình, khiến tôi vô cùng hài lòng. Nhưng rồi, chiến tranh nổ ra. Tôi bị triệu tập vào quân ngũ, đành ngậm ngùi rời xa gia đình nhỏ của mình. Trước khi đi, vợ tôi xúc động mà nhắn gửi bao lời yêu thương, khiến tôi càng thêm lưu luyến.
Ba năm thấm thoắt trôi qua. Bây giờ, tôi đã có thể trở về nhà. Nhưng vừa về thì tôi nhận tin dữ: mẹ tôi đã qua đời. Bất ngờ hơn nữa, Vũ Nương đã sinh cho tôi một cậu con trai kháu khỉnh, đặt tên là Đản. Tiếc thương trước sự ra đi của mẹ, tôi bèn ôm con đi thăm mộ đấng sinh thành. Nhưng chẳng hiểu sao, thằng bé khóc quấy không thôi. Tâm trạng vốn đã chẳng tốt, tôi đành dỗ dành con. Thế mà đáp lại, thằng bé lại kể về một người cha khác. Theo lời Đản, “người cha mới” kia cứ tối là sẽ đến nhà. Vũ Nương ngồi thì hắn ngồi, Vũ Nương đi hắn cũng theo. Kì lạ ở chỗ hắn chẳng nói năng gì và cũng chưa từng bế bé Đản.
Khi ấy, máu ghen nổi lên. Tôi chẳng còn biết đúng sai mà chạy về quát tháo, đánh chửi vợ mình. Thay vì kể rõ lời con nói, tôi chỉ bóng gió châm chọc nàng, bảo nàng thất tiết, hư hỏng. Dù vợ tôi có khóc lóc van xin ra sao, hàng xóm có bênh vực cỡ nào cũng không làm nguôi cơn giận của tôi. Bất lực, vợ tôi than trời rồi chạy đi mất. Khi đó tôi cũng chẳng quan tâm. Chỉ đến lúc có người báo nàng đã nhảy sông tự vẫn, tôi mới hốt hoảng ra tìm. Thế nhưng tìm mãi, tôi cũng không thể thấy được xác vợ mình.
Quá đau buồn, tôi trở về ôm con trai nhỏ. Đến đêm, khi tôi đang chìm trong suy tư thì thằng bé kêu lên rằng cha nó đến. Ban đầu tôi ngạc nhiên lắm, nhưng rồi chợt hiểu ra mọi chuyện. Hóa ra Vũ Nương ở nhà sợ con thiếu tình thương của cha nên đã chỉ cái bóng của mình, đùa đó là cha thằng bé. Vậy là rõ, tôi đã hiểu lầm vợ mình. Người vợ hiền thục, đức hạnh ấy đã phải chết vì tính gia trưởng, đa nghi của tôi.
Quãng thời gian đó, tôi sống trong ân hận. Cho đến một hôm, anh chàng Phan Lang cùng làng qua nhà tìm tôi, trao cho tôi chiếc hoa vàng mà vợ tôi dùng khi còn sống. Thì ra nàng chưa chết mà đang ở dưới thủy cung. Theo lời Phan Lang, tôi lập đàn giải oan cho vợ suốt ba ngày ba đêm. Cuối cùng, tôi cũng thấy lại được hình bóng xinh đẹp ấy. Nhưng đáng buồn thay, nàng không thể trở về dương gian mà chỉ hiện lên để từ biệt cha con tôi. Nỗi đau mất vợ trong tôi lại càng sâu hơn.
Chỉ vì thói hay ghen, đa nghi của mình, tôi đã tự tay phá hủy hạnh phúc gia đình, khiến cho con trai tôi mất mẹ. Đây có lẽ chính là nỗi đau to lớn nhất, ám ảnh tôi đến tận mãi sau này.
Hóa thân Trương Sinh để kể lại truyện Chuyện người con gái Nam Xương chi tiết nhất
3. Hóa thân thành Trương Sinh để kể lại truyện Chuyện người con gái Nam Xương chi tiết nhất - mẫu số 3:
Tôi là Trương Sinh - người từng có một gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Nhưng bởi tính cách nóng vội, ghen tuông mù quáng, tôi đã gây ra tấm bi kịch cho người vợ đức hạnh của mình cũng như cho chính bản thân.
Vợ tôi là Vũ Thị Thiết, người làng hay gọi nàng là Vũ Nương. Nàng vừa xinh đẹp vừa nết na, khiến tôi yêu thích vô cùng. Vốn là con nhà phú hào, tôi liền xin mẹ đem tiền bạc qua nhà nàng và thành công hỏi cưới người phụ nữ tài sắc vẹn toàn ấy. Nhưng hạnh phúc với gia đình nhỏ chưa được bao lâu thì tôi phải lên đường đi tòng quân. Trước khi đi, vợ tôi dịu dàng nhắn gửi những lời yêu thương. Ba năm ngoài tiền tuyến, không ngày nào tôi không nhớ đến gia đình mình, nhớ đến người mẹ già và người vợ hiền thục, lễ nghĩa.
Thế rồi ba năm cũng qua đi. Tôi được trở về nhà nhưng lại phải nhận tin mẹ mình đã qua đời. Điều này khiến tôi vô cùng đau xót. Tuy vậy, Vũ Nương ở nhà cũng sinh cho tôi một bé trai kháu khỉnh, đặt tên là Đản. Nghe hàng xóm kể, một mình nàng đã tận tâm vun vén cho cả gia đình. Lúc mẹ tôi bệnh tật, nàng vừa chăm con, vừa làm việc, vừa phụng dưỡng bà hết sức chu toàn. Tận khi bà mất, nàng cũng lo ma chay lễ tế như với cha mẹ đẻ. Biết vậy, tôi lại càng thêm trân quý người vợ đức hạnh của mình.
Ngay hôm đó, tôi đưa con trai ra thăm mộ mẹ. Nghĩ đến việc lỡ mất cơ hội gặp mặt mẹ lần cuối, tôi không kìm được mà xót xa. Tuy nhiên, con trai tôi thì nhất quyết chống cự, quấy khóc đòi mẹ. Tôi đành dỗ dành thằng bé:
- Nín đi con, đừng khóc. Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi.
Mặt thằng bé trở nên ngạc nhiên, quay ra hỏi tôi:
- Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.
Nghe câu nói ngây thơ của con trai, tôi giật mình. Một nỗi nghi ngờ dần bùng lên trong lòng khiến tôi khó mà giữ được bình tĩnh. Gạn hỏi thêm thì thằng bé kể rằng:
- Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.
Đến lúc này, máu ghen tuông của tôi bộc phát, trong đầu cứ đinh ninh là vợ mình hư hỏng, thất tiết. Nghĩ vậy, tôi chạy về nhà làm um lên, vừa chửi mắng vừa đánh đuổi Vũ Nương. Dù nàng giải thích như nào tôi cũng không nghe. Hàng xóm xung quanh cũng vây lại nói đỡ cho Vũ Nương. Tuy nhiên, sự ghen tuông khiến tôi trở nên mù quáng. Tôi còn chẳng kể rằng đó là do tôi nghe lời con trai nói, cứ thế mà đuổi đánh và xúc phạm vợ mình.
Rồi có lẽ không chịu được nữa, tôi thấy Vũ Nương bỏ đi. Tôi cũng mặc kệ. Sự bực bội trong lòng chẳng những không giảm đi mà ngày càng tăng lên. Với nỗi tức tối đó, tôi định bụng đợi vợ về sẽ mắng nhiếc nàng ta thêm vì dám thất tiết, phản bội tình cảm của tôi. Nhưng tôi không còn cơ hội đó nữa. Chỉ một lúc sau khi vợ tôi bỏ đi, người làng đã chạy lại báo tin nàng chọn gieo mình xuống sông Hoàng Giang để chứng minh sự trong sạch của bản thân. Điều này khiến tôi hết sức bất ngờ. Tuy tôi giận thật, nhưng thấy nàng chọn tự vẫn như vậy cũng không khỏi thương cảm, buồn bã. Cùng một vài người khác, tôi cố gắng đi tìm vớt thây vợ mãi mà chẳng thấy đâu.
Tối hôm ấy, căn nhà đã vắng đi thêm một người. Ôm con trong lòng, tôi gần như chìm vào những suy tư của chính mình. Trời khuya, chỉ có hai cha con tôi cùng ngọn đèn dầu le lói. Bỗng giọng nói vui mừng của con trai khiến tôi giật mình:
- Cha Đản lại đến kia kìa!
Tôi cố gắng tìm xung quanh mà chẳng thấy ai. Nghi ngờ, tôi hỏi lại con thì thằng bé chỉ vào cái bóng của tôi đang in trên vách:
- Đây này!
Lúc này, tôi mới ngỡ ngàng. Dưới lời kể ngây ngô của con trai, tôi dần hiểu ra mọi chuyện. Trong ba năm tôi vắng nhà, Vũ Nương đã chỉ cái bóng của mình và bảo con trai đó là cha. Tình thương của nàng dành cho con lại bị tôi hiểu nhầm. Sự ghen tuông mù quáng của tôi đã đẩy nàng vào chỗ chết. Hiểu rõ mọi thứ, tôi đau đớn mà ân hận. Hóa ra chính bản thân tôi đã tự tay phá hủy hạnh phúc gia đình mình.
Bẵng đi một thời gian, đột nhiên có hôm, người cùng làng tên Phan Lang đến tìm gặp tôi. Anh ta bảo Vũ Nương còn sống. Nàng đang ở dưới thủy cung và có lời chuyển đến tôi. Phan Lang bảo tôi:
- Nàng Vũ Nương gửi lời đến anh rằng nếu còn chút tình xưa nghĩa cũ thì lập cho nàng một đàn giải oan ở bến sông Hoàng Giang. Đồng thời, đốt cây đèn thần chiếu xuống nước để nàng trở về.
Ban đầu, tôi chẳng tin mấy chuyện ma quỷ kì quái đó. Nhưng đến khi nhìn thấy chiếc hoa vàng của vợ mình, tôi mới sợ hãi công nhận. Lập tức, tôi lập một đàn tràng ba ngày ba đêm ở bến Hoàng Giang. Quả nhiên, vợ tôi đã hiện về. Trông nàng vẫn xinh đẹp và dịu dàng như xưa. Tôi vội gọi nàng vào, xin nàng trở về cùng hai cha con. Thế nhưng Vũ Nương lại từ chối. Tôi nhớ mãi câu nói của nàng khi đó:
- Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa.
Nói rồi, bóng nàng mờ dần rồi biến mất hoàn toàn. Tôi có gọi cách nào, nàng cũng không trở về. Điều này khiến tôi càng thêm đau khổ và hối hận vì tội lỗi mà mình gây ra.
Trên đây là câu chuyện của tôi. Mong rằng mọi người có thể rút ra bài học cho bản thân từ sự việc đau lòng này. Hãy bảo vệ những người phụ nữ xung quanh ta, không nên vì giận hờn mà đẩy họ ra xa.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Để hóa thân Trương Sinh để kể lại truyện Chuyện người con gái Nam Xương một cách hoàn hảo, trước tiên các em cần nắm rõ cốt truyện, các sự việc đã diễn ra và sắp xếp chúng theo trình tự hợp lí nhất. Bên cạnh đó, việc lồng ghép các yếu tố biểu cảm, miêu tả cũng sẽ giúp bài viết thêm sinh động hơn, thể hiện được quan điểm của bản thân về câu chuyện đã diễn ra. Cùng thuộc chương trình, Taimienphi.vn gửi đến các em những bài văn mẫu lớp 9 khác tương tự như Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương; Soạn bài Mùa xuân nho nhỏ; Thuyết minh về cây tre Việt Nam.