Đề bài: Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật Ngữ văn 7 Cánh Diều
Bài văn phân tích đặc điểm nhân vật Ngữ văn 7 Cánh Diều
A. Dàn ý chung cho Bài văn Phân tích đặc điểm nhân vật:
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm và nhân vật đã lựa chọn.
2. Thân bài:
- Giới thiệu khái quát về bối cảnh của đoạn trích và sự xuất hiện của nhân vật.
- Phân tích và làm sáng tỏ đặc điểm nhân vật qua các phương diện như lai lịch, ngoại hình, hành động, việc làm,...
- Nhận xét về những đặc điểm của nhân vật đã được phân tích bên trên.
3. Kết bài:
- Đánh giá khái quát lại đặc điểm và ý nghĩa của nhân vật.
- Liên hệ mở rộng đến các nhân vật tương tự trong tác phẩm khác, với con người trong thực tế và rút ra bài học nhận thức.
B. Bài văn mẫu Phân tích đặc điểm nhân vật:
I. Bài văn phân tích đặc điểm nhân vật Võ Tòng trong Người đàn ông cô độc giữa rừng
Phân tích đặc điểm nhân vật Ngữ văn 7 Cánh Diều
1. Dàn ý chi tiết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật Võ Tòng trong Người đàn ông cô độc giữa rừng:
1.1. Mở bài:
- Dẫn dắt và giới thiệu về tác phẩm “Đất rừng phương Nam” và đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng”.
- Giới thiệu và nêu nhận xét khái quát về nhân vật Võ Tòng trong đoạn trích.
1.2. Thân bài:
a, Lai lịch nhân vật:
- “Không ai biết tên thật của gã là gì”
- “Mười mấy năm trước, gã một mình bơi một chiếc xuồng nát đến che lều ở giữa khu rừng đầy thú dữ”
- “Gã sống đơn độc một mình, đến con chó làm bạn cũng không có”
b, Phân tích đặc điểm nhân vật:
- Ngoại hình:
+ Trên người xăm những chữ bùa xanh lè
+ Trên mặt có một hàng sẹo chạy từ thái dương xuống cổ
- Trang phục:
+ Cởi trần, mặc một chiếc quần kaki còn mới nhưng có vẻ đã lâu không giặt (chiếc quần lính Pháp có những sáu túi)
+ Bên hông đeo lủng lẳng một lưỡi lê nằm gọn trong vỏ sắt
+ Thắt cái xanh-tuya-rông
=> Dáng vẻ dũng mãnh, bặm trợn.
- Lời nói:
+ Với chú bé An: thân mật, gần gũi
+ Với tía nuôi của An: thân mật nhưng vẫn có sự tôn trọng, lễ độ dành cho người lớn tuổi.
- Hành động:
+ Sự kiện đánh hổ: nhanh nhẹn, dứt khoát, trí dũng
+ Khi đánh trả tên địa chủ: quyết liệt, không hề run sợ
+ Dám chịu trách nhiệm cho việc làm của bản thân khi đường hoàng đến trước nhà việc để chịu tội
+ Luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người mà không màng báo đáp
c, Đánh giá:
- Về nhân vật Võ Tòng:
+ Ngoại hình tuy trông bặm trợn, dữ tợn nhưng tính tình lại hiền hòa, hào sảng, luôn sẵn sàng ra tay tương trợ người khác.
+ Đứng trước cái xấu, cái ác, Võ Tòng luôn rất quyết liệt, không hề run sợ mà mãnh liệt phản kháng.
- Về nghệ thuật xây dựng nhân vật:
+ Sự kết hợp giữa ngôi kể thứ nhất và thứ 3 tạo nên cái nhìn vừa khách quan, vừa chi tiết về con người của nhân vật.
+ Nhân vật được khắc họa trên nhiều phương diện, mang đến bức chân dung toàn diện, chân thực nhất.
+ Ngôn ngữ giản dị, dân dã, đậm chất Nam Bộ.
1.3. Kết bài:
- Đánh giá lại những đặc điểm nổi bật của nhân vật Võ Tòng được thể hiện qua đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng”.
- Liên hệ tới những người dân Nam Bộ thật thà, chất phác mà anh dũng, quả cảm trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
- Rút ra bài học cho bản thân cũng như thế hệ trẻ ngày nay.
2. Bài văn mẫu phân tích đặc điểm nhân vật Võ Tòng trong Người đàn ông cô độc giữa rừng:
“Đất rừng phương Nam” luôn được công nhận với tư cách một trong những “kiệt tác” của văn học Việt Nam. Tác phẩm đã đem đến cho chúng ta dàn nhân vật đa dạng, độc đáo, tạo nên câu chuyện đầy hấp dẫn và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Trong đó, ấn tượng bậc nhất phải kể đến nhân vật Võ Tòng ở đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng”.
Võ Tòng xuất hiện một cách đầy bí ẩn qua lời văn của tác giả: “Không ai biết tên thật của gã là gì”, “Mười mấy năm trước, gã một mình bơi một chiếc xuồng nát đến che lều ở giữa khu rừng đầy thú dữ”, “Gã sống đơn độc một mình, đến con chó làm bạn cũng không có”. Với điểm nhìn của cậu bé An, độc giả đã được giới thiệu một Võ Tòng hết sức chân thực, gần gũi nhưng cũng không kém phần khó đoán. Từ đó, kích thích trí tò mò của bao thế hệ bạn đọc.
Võ Tòng được miêu tả khá rõ qua các chi tiết về trang phục, ngoại hình. Người đàn ông ấy “trên người xăm những chữ bùa xanh lè”, “trên mặt có một hàng sẹo chạy từ thái dương xuống cổ”. Quần áo ông ta mặc cũng đơn giản vô cùng, chỉ cởi trần, mặc một chiếc quần kaki còn mới nhưng có vẻ đã lâu không giặt (chiếc quần lính Pháp có những sáu túi), “bên hông đeo lủng lẳng một lưỡi lê nằm gọn trong vỏ sắt”, “thắt cái xanh-tuya-rông”. Tất cả đều góp phần vẽ nên một bức chân dung đầy dữ dằn, bặm trợn của nhân vật.
Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài có phần thô kệch ấy lại là một tâm hồn, tính cách chất phác, hiền lành và hào phóng. Cách nói chuyện của ông với An tràn đầy sự thân mật, gần gũi. Còn với tía nuôi của An, tuy lời nói vẫn đầy thân thiết nhưng luôn hiện hữu sự tôn trọng, lễ độ dành cho người lớn tuổi. Các hành động của Võ Tòng cũng được miêu tả vô cùng hấp dẫn. Nào là câu chuyện một mình đánh hổ, quyết liệt chống trả tên địa chủ, sẵn sàng ra tay tương trợ người khác,... Vượt lên trên mọi bi kịch của cuộc đời, Võ Tòng vẫn sáng lên với bao phẩm chất đạo đức đáng quý, trở thành một trong những nhân vật được yêu thích nhất “Đất rừng phương Nam”.
Như vậy, có thể thấy hình ảnh Võ Tòng đã được xây dựng vô cùng tinh tế. Ở nhân vật hiện lên sự đối lập giữa ngoại hình và tính cách, càng làm nổi bật cái đẹp, cái tốt ở người đàn ông cô độc này. Bằng việc sử dụng linh hoạt ngôi kể, miêu tả nhân vật trên nhiều phương diện cùng lối diễn đạt gần gũi, đậm chất Nam Bộ, nhà văn đã thành công thêm những “gia vị” vào tác phẩm. Đồng thời, giúp cuốn tiểu thuyết giữ vững giá trị suốt bao năm qua.
Tóm lại, với hình tượng nhân vật Võ Tòng trong “Người đàn ông cô độc giữa rừng”, độc giả đã có được cái nhìn rõ nét hơn về những người dân Nam Bộ chân chất, thật thà nhưng không kém phần gan trường, quả cảm. Đây chính là đức tính, giá trị đạo đức đáng quý mà các thế hệ sau cần học tập, duy trì và phát triển.
II. Bài văn phân tích đặc điểm nhân vật Côn trong Dọc đường xứ Nghệ
Bài văn phân tích đặc điểm nhân vật Ngữ văn 7 Cánh Diều
1. Dàn ý chi tiết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật Côn trong Dọc đường xứ Nghệ:
1.1. Mở bài:
- Giới thiệu về cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” và đoạn trích “Dọc đường xứ Nghệ”.
- Nhận xét khái quát về nhân vật cậu bé Côn trong đoạn trích.
1.2. Thân bài:
a, Bối cảnh
- 3 cha con quan Phó bảng đi thăm bạn bè của ông, qua nhiều vùng đất quê hương.
- Hình ảnh cậu bé Côn hiện lên qua những câu hỏi, cách suy nghĩ đầy mới lạ.
b, Phân tích đặc điểm nhân vật:
- Côn là cậu bé ham học hỏi, thích tìm hiểu mọi thứ xung quanh:
+ Bày tỏ mong muốn được nghe cha kể về các sự tích gắn liền với các ngôi đền, ngọn núi mình đi qua
+ Liên tiếp đưa ra các câu hỏi
- Côn là cậu bé có suy nghĩ thấu đáo, chín chắn và cách nhìn nhận vấn đề rất mới mẻ:
+ Bày tỏ suy nghĩ của mình khi nghe cha kể về câu chuyện “Mỵ Châu - Trọng Thủy”
+ Cảm thán về trí tưởng tượng, ước vọng cao đẹp của nhân dân ta
+ Thắc mắc tại sao người dân không lập đền thờ Nguyễn Du - người có công lao to lớn cho nền văn học, nhưng thằng ăn trộm bị đánh chết thì lại được lập đền thờ
c, Đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Ngôi kể thứ ba giúp độc giả có cái nhìn, sự đánh giá khách quan nhất về nhân vật
- Khắc họa nhân vật thông qua suy nghĩ, lời nói
- Ngôn ngữ địa phương giản dị, dân dã
1.3. Kết bài:
- Khái quát lại những đặc điểm của cậu bé Côn được thể hiện qua đoạn trích “Dọc đường xứ Nghệ”.
- Liên hệ mở rộng và rút ra bài học cho bản thân.
2. Bài văn mẫu phân tích đặc điểm nhân vật Côn trong Dọc đường xứ Nghệ:
“Dọc đường xứ Nghệ” là đoạn trích tiêu biểu trong tiểu thuyết “Búp sen xanh”. Tác phẩm đã mang đến cái nhìn vô cùng gần gũi, chân thực về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hình tượng nhân vật Côn. Qua tác phẩm, ta thấy được Côn là một cậu bé thông minh, ham học hỏi và có cái nhìn vô cùng độc đáo về mọi thứ xung quanh.
Câu chuyện xảy ra trong hoàn cảnh ba cha con quan Phó bảng đang đi khắp nơi để thăm lại những người bạn cũ của ông. Mỗi nơi họ đặt chân đến lại có những địa điểm gắn với sự tích, truyền thuyết vô cùng thú vị. Điều này đã kích thích trí tò mò của cậu bé Côn. Từ đó, tạo điều kiện để cậu bộc lộ tính cách, suy nghĩ của mình về con người và cuộc sống.
Trước tiên, có thể khẳng định nhân vật Côn là một cậu bé ham học hỏi, thích tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Cậu thẳng thắn bày tỏ mong muốn được nghe cha kể về sự tích gắn liền với các ngôn đền, ngọn núi mà mình đi qua. Những câu hỏi liên tiếp được Côn đưa ra, gợi mở vô số khía cạnh độc đáo, khác biệt của câu chuyện mà có thể người khác còn chưa bao giờ nghĩ đến.
Tiếp đó, Côn thể hiện bản thân là một cậu bé vô cùng thông minh, có suy nghĩ thấu đáo và tư duy khác lạ. Khi nghe cha kể về truyền thuyết "Mỵ Châu - Trọng Thủy", cậu bé Côn đã thẳng thắn chỉ ra căn nguyên của mọi việc, nhìn nhận vấn đề cốt lõi bằng tư duy khách quan, đa chiều. Côn nhận thấy nhà Triệu quá nham hiểm, chàng Trọng Thủy lại ngoan ngoãn làm theo lời cha, nàng Mị Châu thì ruột để ngoài da. Đồng thời, thẳng thắn nêu lên hạn chế của vua Thục khi không nhận ra bản chất của kẻ thù, trọng chữ tín mà không đề phòng. Mặc dù vậy, cậu vẫn công tâm khi công nhận cách xử sự của vua An Dương Vương ở cuối truyện.
Tuy nhỏ tuổi nhưng Côn đã có những am hiểu sâu sắc về cuộc sống. Sau khi nghe cha kể xong các sự tích gắn liền với hòn Hai Vai và núi "Tướng quân rơi đầu", Côn không tiếc lời ngợi ca ước mơ chính đáng ở người xưa. Đồng thời, cậu còn thể hiện tấm lòng trân trọng, ngợi ca tài năng và trí tưởng tượng phong phú của các tác giả dân gian.
Ngoài ra, Côn còn là một cậu bé có tâm hồn yêu mến văn thơ, biết đề cao công bằng, tôn trọng lẽ phải. Điều này được khắc họa rõ nét qua chi tiết ba cha con cụ Phó bảng tới thăm mộ đại thi hào Nguyễn Du. Sau khi chạnh lòng trước cảnh "hương khói vắng tanh" nơi đại thi hào yên nghỉ, Côn đã không khỏi thắc mắc vì sao Nguyễn Du lại không được lập đền thờ như thằng ăn trộm bị đánh chết.
Để làm nổi bật nhân vật cậu bé Côn, tác giả đã có những sáng tạo về hình thức nghệ thuật. Trước hết, việc sử dụng ngôi kể thứ ba giúp độc giả có cái nhìn toàn diện, chân thực về câu chuyện thời thơ ấu của Người. Tiếp đến, nhà văn còn thành công trong việc khắc họa nhân vật thông qua lời nói, hành động và suy nghĩ. Những từ ngữ địa phương được ông khéo léo sử dụng, gài gắm, tạo nên cảm giác bình dị, gần gũi, dễ dàng trong việc chạm đến trái tim độc giả.
Nhân vật Côn trong đoạn trích "Dọc đường xứ Nghệ" hiện lên thật chân thực với vẻ đẹp về nhân cách và tâm hồn. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng cậu đã có thể hiểu sâu biết rộng, mang trong mình những suy nghĩ sâu sắc. Mong rằng, các câu chuyện gắn liền với cuộc đời của Người sẽ luôn in sâu trong tâm trí dân tộc Việt Nam.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Trên đây là một số gợi ý về bài văn Phân tích đặc điểm nhân vật trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, bộ sách Cánh Diều. Ngoài ra, em cũng có thể tham khảo bài tương tự như Phân tích nhân vật thầy Ha-men trong Buổi học cuối cùng, hoặc tìm hiểu các dạng đề khác trong chương trình như Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử; Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm trên Taimienphi.vn nhé.