Đề bài: Phân tích đặc điểm nhân vật An-tư-nai trong Người thầy đầu tiên
Phân tích đặc điểm nhân vật An-tư-nai trong Người thầy đầu tiên
I. Dàn ý Phân tích đặc điểm nhân vật An-tư-nai trong Người thầy đầu tiên:
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác phẩm “Người thầy đầu tiên” và nhân vật An-tư-nai.
- Nêu đánh giá khái quát về nhân vật.
2. Thân bài:
- Phân tích đặc điểm nhân vật:
+ Một cô bé có tâm hồn trong sáng, tấm lòng nhân hậu (quan tâm, giúp đỡ mọi người xung quanh một cách âm thầm)
+ Một cô bé mạnh mẽ, giàu lòng tự trọng (không muốn người khác thương hại mình, tuy có hoàn cảnh khó khăn nhưng không hề chịu từ bỏ,...)
+ Luôn biết ơn, trân trọng tình cảm của người thầy (bất bình khi thấy những kẻ nhà giàu cười nhạo thầy, thương xót khi thấy được sự hi sinh của thầy dành cho học trò,...)
- Đánh giá nhân vật:
+ Thể hiện câu chuyện đẹp về tình thầy trò trong xã hội lạc hậu với nhiều quan niệm sai trái, nặng nề.
+ Tái hiện hình ảnh một cô bé có hoàn cảnh khó khăn nhưng được tiếp thêm niềm tin, động lực nhờ người thầy với tấm lòng cao cả.
- Đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật:
+ Nhân vật được tái hiện chủ yếu qua hành động, lời nói và suy nghĩ.
+ Cách lựa chọn ngôi kể, người kể tạo nên 2 mạch kể lồng ghép độc đáo.
+ Kết hợp giữa miêu tả, biểu cảm với lời văn đậm chất hội họa, truyền trực tiếp cảm xúc tới người đọc.
+ Áp dụng thành công nghệ thuật nhân hóa, liên tưởng đầy chất thơ.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị hình tượng nhân vật An-tư-nai trong truyện.
- Liên hệ mở rộng.
II. Bài văn mẫu Phân tích đặc điểm nhân vật An-tư-nai trong Người thầy đầu tiên:
Phân tích đặc điểm nhân vật An-tư-nai trong Người thầy đầu tiên
Trong sự nghiệp văn học của cây bút người Cư-rơ-gư-dơ-xtan - Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp, có lẽ “Người thầy đầu tiên” là câu chuyện được biết đến rộng rãi nhất. Truyện đã thành công tái hiện trước mắt độc giả bức tranh về tình thầy trò đầy cảm động. Và nhân vật có đóng góp không nhỏ trong việc đó chính là cô bé An-tư-nai. Qua những trang văn, nhân vật ấy hiện lên với vô vàn phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng.
Đầu tiên, dễ thấy nhân vật An-tư-nai hiện lên là một cô bé mạnh mẽ, giàu lòng tự trọng. Nhìn vào đoạn trích, ta thấy An-tư-nai gần như không được miêu tả về ngoại hình. Chi tiết duy nhất có lẽ là khi cô bé mới gặp thầy Đuy-sen, “lấy tay che chỗ gấu váy thủng để hở một mảng đầu gối”. Điều này cũng góp phần làm rõ hơn về hoàn cảnh khó khăn của cô bé, nhưng đồng thời giúp những phẩm chất, tính cách tốt đẹp trong An-tư-nai được tỏa sáng rực rỡ hơn. Cô bé không muốn ai thương hại mình. Dù mồ côi cha mẹ, phải sống cùng chú thím nhưng cô bé vẫn luôn lạc quan, nghị lực. Và không uổng bao nỗ lực, AN-tư-nai sau này rời quê hương lên thành phố học tập, thành công trở thành một viện sĩ.
Tiếp đó, An-tư-nai được xây dựng với tâm hồn trong sáng và tấm lòng nhân hậu đáng quý. Chứng kiến thầy Đuy-sen bị lũ nhà giàu trú trên núi xúc phạm bằng lời lẽ, hành động xấu xí, cô bé căm ghét đến mức muốn “nắm lấy cương ngựa và quát thẳng vào những bộ mặt láo xược của họ”. Khi biết thầy phải vất vả trữ củi để sưởi ấm lớp học, cô bé không ngần ngại mà trút lại ki-giắc ở trường. An-tư-nai cũng luôn quan tâm, giúp đỡ tới mọi người xung quanh. Giữa trời đông buốt giá, cô bé đã cùng thầy Đuy-sen lấy đá và tảng đất cỏ tạo thành các ụ nhỏ trên lòng suối, giúp các em nhỏ đi lại thuận tiện và an toàn. Tất cả những suy nghĩ, hành động ấy đều góp phần thể hiện tấm lòng lương thiện, giàu tình yêu thương của cô gái nhỏ đầy nghị lực.
Không chỉ có vậy, An-tư-nai còn là một người học trò ngoan ngoãn, luôn dành sự yêu thương và trân trọng đặc biệt tới người thầy đáng kính của mình. Chứng kiến thầy Đuy-sen chịu lạnh cõng lũ trẻ qua sông, lại còn dùng hết khả năng để giúp học trò có được con đường đi học thuận tiện hơn, An-tư-nai không giấu nổi sự khâm phục. Và sau này, dù đã qua bao năm tháng, cô bé vẫn không quên tri ân người thầy, khát khao lan tỏa câu chuyện về người thầy đáng ngưỡng mộ của mình tới mọi người.
Như vậy, chỉ qua một vài chi tiết, nhân vật An-tư-nai đã hiện lên thật đẹp đẽ. Câu chuyện của cô bé không chỉ tái hiện tình thầy trò trân quý trong một xã hội lạc hậu mà còn làm sáng lên chân dung một con người giàu nghị lực, vượt qua hoàn cảnh để hướng tới tương lai tươi đẹp.
Trong đoạn trích, tác giả đã khéo léo xây dựng hình tượng nhân vật chủ yếu qua hành động, lời nói và suy nghĩ. Từ đó, làm sáng lên bao giá trị đạo đức cao đẹp của con người. Về cách lựa chọn ngôi kể, người kể, nhà văn cũng sáng tạo nên hai mạch kể đan xen, đem đến nhiều góc nhìn mới lạ cho người đọc. Đặc biệt, sự kết hợp giữa miêu tả, biểu cảm, biện pháp nghệ thuật nhân hóa, liên tưởng cùng lời văn đậm chất hội họa đã trực tiếp khiến độc giả cảm nhận sâu sắc hơn về câu chuyện của cô bé An-tư-nai.
Tác phẩm “Người thầy đầu tiên” tuy viết về một đề tài hết sức quen thuộc nhưng lại có cách khai thác độc đáo, làm nổi bật lên phẩm chất, tính cách của các nhân vật. Qua đó, nhà văn muốn tri ân những người giáo viên, đồng thời gửi đến độc giả thông điệp đáng quý về niềm tin, sự lạc quan trong cuộc sống. Đó chính là yếu tố khiến cho tác phẩm vẫn còn giữ nguyên được giá trị nhân văn cho đến tận ngày hôm nay.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Như vậy, khi phân tích nhân vật An-tư-nai trong Người thầy đầu tiên, em hãy tập trung khai thác các khía cạnh suy nghĩ, hành động của nhân vật. Từ đó, đưa ra nhận xét của bản thân về nhân vật đó và làm sáng tỏ thông điệp tác giả muốn gửi gắm nhé. Em cũng có thể tìm hiểu thêm các dạng bài khác cùng chương trình trên Taimienphi.vn như Bài văn biểu cảm về con người, sự việc hay Trình bày ý kiến về các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.